Đẩy mạnh chuyển đổi số trong các cơ quan nhà nước tỉnh Bắc Giang

Thứ năm, 18/02/2021 11:09

Bắc Giang đang là một trong những tỉnh, thành phố đứng đầu cả nước về tăng trưởng kinh tế. Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bắc Giang lần thứ XIX đã quyết nghị nhiệm vụ trọng tâm mang tính đột phá trong lĩnh vực phát triển giáo dục, khoa học và công nghệ, y tế, văn hóa, xã hội trong nhiệm kỳ 2020-2025 là “Triển khai mạnh mẽ ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới vào phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; tập trung phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, hạ tầng số, xây dựng nền tảng công nghệ số, ứng dụng công nghệ số nhằm xây dựng chính quyền điện tử”.

Hiện nay, cả nước bắt đầu chuyển sang giai đoạn chuyển đổi số, xây dựng chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Trước tiên, chúng ta phải phân biệt các khái niệm này được tường minh thì chúng ta mới có nhận thức đúng đắn, có nhận thức đúng đắn thì chúng ta mới có hành động đúng đắn.

Chính quyền điện tử là chính quyền tin học hóa quy trình đã có, cung cấp trực tuyến các dịch vụ hành chính công đã có. Chính quyền số là chính quyền chuyển đổi số, đổi mới mô hình hoạt động, thay đổi quy trình làm việc, thay đổi cách thức cung cấp dịch vụ, nhanh chóng cung cấp dịch vụ công mới. Một trong những thước đo chính của chính quyền điện tử là số lượng dịch vụ hành chính công trực tuyến. Còn thước đo chính của chính quyền số là số lượng dịch vụ hành chính công giảm đi, số lượng dịch vụ công mới, mang tính sáng tạo phục vụ xã hội tăng lên, nhờ công nghệ số và dữ liệu.

Bắc Giang đã và đang tập trung thực hiện nhiều giải pháp đẩy mạnh ứng dụng CNTT để xây dựng hoàn thiện chính quyền điện tử, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm hướng tới nền hành chính hiện đại, công khai và minh bạch. Hạ tầng kỹ thuật CNTT đang được đầu tư, có nhiều cải thiện. Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu tỉnh (LGSP) đã được xây dựng và kết nối với Nền tảng chia sẻ dữ liệu quốc gia (NDXP) và các Hệ thống thông tin dùng chung và Cơ sở dữ liệu (CSDL) trong hoạt động của hệ thống chính trị. Cổng dịch vụ công tỉnh Bắc Giang từng bước hoàn thiện, đang cung cấp 910 dịch vụ công mức độ 4 (đạt 46.4% vượt chỉ tiêu 30% trong Nghị quyết 17 của Chính phủ).

Trong thời gian qua, Sở Thông tin và Truyền thông đã trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnhChủ tịch UBND tỉnh ban hành các văn bản quan trọng, mang tính chiến lược về xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, thực hiện chuyển đổi số hướng tới chính quyền số của tỉnh đó là: Nghị quyết số 433-NQ/TU ngày 04/5/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển CNTT trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2019-2025; Quyết định số 888/QĐ-UBND ngày 01/10/2020 của UBND tỉnh về phê duyệt Đề án Phát triển đô thị thông minh tỉnh Bắc Giang đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Kế hoạch số 290/KH-UBND ngày 5/10/2020 của Chủ tịch UBND tỉnh về Chuyển đổi số tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; Kế hoạch số 5342/KH-UBND ngày 08/12/2020 của Chủ tịch UBND tỉnh về Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2021-2025.

20210218-l1.jpg

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm Sở TTTT đang triển khai thực hiện 

Chuyển đổi số trong các cơ quan nhà nước để xây dựng và phát triển chính quyền số là sự thay đổi nhận thức, từ đó thay đổi cách làm. Trước đây, khi xây dựng chính quyền điện tử thì chúng ta chỉ nghĩ đến việc đầu tư hệ thống thông tin, tin học hóa, số hóa từng quy trình, cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Hiện nay, nhờ sự bùng nổ thành tựu của CNTT đem lại, khi xây dựng chính quyền số thì chúng ta phải nghĩ đến việc sử dụng nền tảng, số hóa toàn bộ, đưa mọi hoạt động của chính quyền lên môi trường số, cung cấp dịch vụ công trực tuyến lên mức độ 4 với chi phí thấp hơn (trong năm 2020, Sở Thông tin và Truyền thông đã đưa 46,4% dịch vụ công trực tuyến lên mức độ 4 và được đăng tải lên Cổng dịch vụ công của tỉnh với chi phí thấp).

Như vậy, việc chuyển đổi số trong các cơ quan nhà nước để xây dựng và phát triển chính quyền số tỉnh Bắc Giang là tổng thể các chương trình hành động tái cấu trúc quy trình, cải cách các thủ tục hành chính, ứng dụng CNTT, ứng dụng công nghệ số, đưa mọi hoạt động của chính quyền lên môi trường số nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước, nâng cao chất lượng cung cấp các dịch vụ công mức độ 4 thiết yếu phục vụ người dân và doanh nghiệp trên cơ sở tăng cường liên thông, chia sẻ dữ liệu, an toàn, an ninh thông tin giữa các hệ thống và dịch vụ.

Trên cơ sở đó, Sở TT&TT sẽ không ngừng nghiên cứu, học tập chính sách mới, công nghệ mới để  triển khai thực hiện tốt các cơ chế, chính sách của Trung ương và tham mưu UBND tỉnh ban hành những văn bản pháp lý toàn diện cho việc triển khai, thực hiện chuyển đổi số, xây dựng phát triển chính quyền điện tử và đô thị thông minh của tỉnh. Tiếp tục triển khai thực hiện tốt các Kế hoạch của UBND tỉnh đã ban hành để xây dựng và phát triển hạ tầng số, hạ tầng dữ liệu tỉnh, xây dựng kho dữ liệu mở (Open Data), kết nối dữ liệu của các cấp, các ngành tổ chức thành một kho dữ liệu dùng chung của tỉnh, bảo đảm an toàn, an ninh mạng để triển khai đô thị thông minh toàn diện nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Trong thời gian tới, Sở TT&TT triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp cơ bản để thực hiện chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số trong các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh tới như sau:

Một là, kiến nghị lãnh đạo các cấp, các ngành quan tâm thực hiện tốt nhiệm vụ tái cấu trúc quy trình, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính làm cơ sở xây dựng, hoàn thiện các dịch vụ công trực tuyến để tích hợp, đảm bảo cung cấp 100% các dịch vụ công thiết yếu của ngành mình, cấp mình phục vụ người dân và doanh nghiệp trên Cổng Dịch vụ công của tỉnh.

Hai là, ứng dụng hiệu quả và triệt để các chức năng của hệ thống phần mềm quản lý văn bản và điều hành công việc. Tích cực sử dụng chữ ký số cá nhân, thay đổi quy trình làm việc ISO điện tử, phấn đấu 100% hồ sơ công việc được lập và giải quyết trên phần mềm, thực hiện công sở không giấy tờ.

Ba là, xây dựng kế hoạch chuẩn hóa, số hóa dữ liệu của cơ quan, đơn vị mình, triển khai ứng dụng tốt các hệ thống thông tin dùng chung của tỉnh và các CSDL chuyên ngành.

Bốn là, tăng cường truyền thông và quảng bá hiệu quả về dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) để người dân, doanh nghiệp hiểu rõ để thay đổi thói quen trong việc sử dụng dịch vụ công, dần dần từ bỏ phương thức liên hệ kiểu cũ với cơ quan nhà nước.

Năm là, đào tạo, bồi dưỡng kiến thức CNTT, chuyển đổi số cho đội ngũ cán bộ, công chức chuyên trách CNTT các cấp, các ngành để nâng cao trình độ, từ đó  tham mưu đúng, trúng, có hiệu quả nhiệm vụ chuyển đổi số cho Thủ trưởng cơ quan, đơn vị mình./.

 

Theo Sở TT&TT Bắc Giang
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Doanh nghiệp

Top