Giữ vị trí tuyến đầu của khối tư vấn công nghệ số cho doanh nghiệp tại FPT Digital, ông Phạm Thành Đại Lĩnh có chuyên môn sâu về công nghệ, hệ thống công nghệ thông tin và năng lực quản trị danh mục với kinh nghiệm đã từng tư vấn cho nhiều khách hàng trong và ngoài nước xây dựng năng lực số để làm bản lề cho mục tiêu tăng trưởng tương lai.
Ông đã tư vấn cho các doanh nghiệp tại Việt Nam và Nhật Bản xây dựng lộ trình Chuyển đổi số tổng thể với các giải pháp phù hợp, ứng dụng các công nghệ đột phá giúp tối ưu hoạt động kinh doanh, nâng cao trải nghiệm khách hàng và tạo ra các mô hình kinh doanh đột phá.
Phạm Thành Đại Lĩnh có bằng Thạc sĩ Công Nghệ Thông Tin chuyên ngành quản trị hệ thống mạng tại Cộng hòa Pháp. Ngoài chuyên môn về công nghệ trải nghiệm nhập vai, ông còn nghiên cứu về Máy tính lượng tử (Quantum Computing), công nghệ giám sát hoạt động não bộ, ứng dụng ảnh viễn thám siêu phổ và robot cộng tác ứng dụng trong các nhà máy sản xuất.
Phóng viên Dân Việt có cuộc trao đổi với ông Lĩnh về tầm quan trọng của chuyển đổi số với doanh nghiệp nói chung và ngành nông nghiệp nói riêng.
Thưa ông, chuyển đổi số có phải là nhu cầu cấp thiết của doanh nghiệp hiện nay?
- Chuyển đổi số là quá trình tất yếu của doanh nghiệp khi muốn bứt phá trong kỷ nguyên số, để phát triển và tạo ra những lợi thế cạnh tranh so với các đối thủ cùng ngành. Chuyển đổi số dưới góc nhìn của FPT tập trung vào việc tái tổ chức hoặc đầu tư mới các hạng mục về công nghệ, kinh doanh và con người, giúp mang lại những thay đổi vượt trội trong việc tối ưu hoạt động vận hành, nâng cao trải nghiệm khách hàng và tạo ra các mô hình kinh doanh mới đối với doanh nghiệp.
Đại dịch COVID-19 đã gây ra những gián đoạn liên hoàn đến nền kinh tế toàn cầu, ảnh hưởng sâu sắc đến doanh nghiệp, tác động mạnh mẽ đến nhu cầu thị trường và chuỗi cung ứng.
Theo báo cáo của IDG về chuyển đổi số trên thế giới do tác động của COVID-19, nhiều doanh nghiệp đã tăng tốc số hóa những trải nghiệm tương tác với khách hàng, các quy trình trong chuỗi cung ứng cũng như các hoạt động nội bộ, nhanh hơn so với kế hoạch ban đầu từ ba đến bốn năm.
Bên cạnh đó, mức độ đầu tư vào các sản phẩm số trong danh mục của các doanh nghiệp cũng được đẩy mạnh và nhanh hơn khoảng bảy năm so với mức độ đầu tư trong điều kiện thông thường.
Các ngành đẩy mạnh triển khai chuyển đổi số đáng kể nhất nhằm thích nghi và phản ứng lại với COVID-19 có thể kể đến ngành công nghệ, năng lượng, sản xuất, nông nghiệp và bán lẻ. Ước tính, các doanh nghiệp đã đầu tư thêm mỗi tuần tổng cộng hơn 15 tỉ USD cho chuyển đổi số sau khi bùng phát dịch COVID-19, và gần 60% các CEO được hỏi đặt chuyển đổi số lên mức ưu tiên hàng đầu.
Với ngành nông nghiệp, xu hướng chuyển đổi số diễn ra thế nào thưa ông?
- Trên thế giới, chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp đem lại những lợi ích nhất định đối với người nông dân, trong quá trình đáp ứng nhu cầu từ thị trường cũng như trong quá trình hoạt động sản xuất.
Nền nông nghiệp số đã và đang giúp cải thiện, cắt giảm những thất thoát và lãng phí về thực phẩm, đồng thời, giúp người dân được trả công xứng đáng cho những gì họ sản xuất. Điều này có được nhờ luồng thông tin được truyền tải một cách xuyên suốt trên toàn bộ chuỗi cung ứng, người dân nhận được những thông tin cần thiết một cách kịp thời, vì vậy, đảm bảo thực phẩm được đưa đến đúng thị trường và được bán với giá phù hợp.
Bên cạnh đó, các công nghệ mới cũng thúc đẩy cải tiến các quy trình, giúp nâng cao khả năng tiếp cận của người dân với những phương thức làm việc mới, giúp họ hiểu và nắm rõ hơn về cách thức, thời điểm và địa điểm tốt nhất trong việc sử dụng các sản phẩm hỗ trợ năng suất canh tác.
Công nghệ cũng giúp nâng cao hiệu quả trong việc theo dõi sản phẩm từ trang trại đến người tiêu dùng, điều này giúp đảm bảo những yêu cầu về an toàn thực phẩm, cũng như giúp người mua biết được nguồn gốc, môi trường và giá trị dinh dưỡng của thực phẩm tiêu dùng.
Điều này có nghĩa nông nghiệp càng phải thay đổi mạnh giữa thời đại dịch Covid-19?
- Trong cuộc khủng hoảng COVID-19, nông nghiệp đã bộc lộ những điểm yếu trong chuỗi cung ứng thực phẩm khi một số cửa hàng xuất hiện các kệ trống trong khi rất nhiều thực phẩm dư thừa đã phải tiêu hủy tại các trang trại.
Chuyển đổi số mang đến những hiệu quả trong sử dụng tài nguyên thông qua các công cụ như nông nghiệp chính xác. Việc này có thể giúp cắt giảm thất thoát và lãng phí lương thực khi những thông tin thực tế từ thị trường sẽ giúp người dân quyết định nên trồng gì, số lượng như thế nào, đồng thời, người tiêu dùng sẽ có thể lựa chọn thực phẩm được trồng theo cách có trách nhiệm với môi trường.
Theo ông, tại Việt Nam, có thể áp dụng chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp ra sao?
- Nông nghiệp tiếp tục là một ngành kinh tế quan trọng và là một trong những ngành xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam. Trong năm 2020, tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành nông nghiệp Việt Nam ước đạt 41,2 tỷ USD và góp phần tạo công ăn việc làm cho hơn 50% lực lượng lao động. Tuy nhiên, ngành hiện còn hai khó khăn lớn.
Khó khăn thứ nhất nằm ở sự phát triển thiếu tính bền vững và chưa liên kết. Quá trình phát triển ngành còn nhiều yếu tố thiếu tính bền vững, chưa đáp ứng được đòi hỏi của nền sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn và tiêu chuẩn cao từ thị trường quốc tế.
Bên cạnh đó, việc liên kết giữa các tác nhân trong chuỗi giá trị để thúc đẩy cơ giới hóa, ứng dụng công nghệ cao giảm chi phí trung gian, nâng cao giá trị gia tăng chưa phổ biến và hoạt động hiệu quả.
Điểm thách thức thứ hai đó là sự phụ thuộc vào nhân lực thủ công, sự phối hợp giữa nhân lực và công nghệ còn hạn chế. Có thể thấy mức độ tăng trưởng GDP toàn ngành 2,65% chưa tương xứng với tiềm năng do phần lớn hoạt động sản xuất vẫn còn lạc hậu, phụ thuộc nhiều vào nhân lực thủ công, dẫn đến năng suất lao động và hiệu quả kinh tế thấp, mức độ tổn thất sau thu hoạch cao.
Để cải thiện hiệu suất và mở rộng tiềm năng ngành, việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp đã bắt đầu được chú trọng và có những bước đầu thành công nhưng chưa được nhân rộng.
Thực trạng các doanh nghiệp, hộ nông dân Việt Nam ra sao thưa ông?
- Các doanh nghiệp và hộ nông dân Việt Nam đã có những bước đầu áp dụng Chuyển đổi số vào việc quản lý vùng nuôi trồng, trang trại, nhằm tăng năng suất và giá trị thương phẩm. Các công nghệ số được ứng dụng có thể kể đến như công nghệ Cảm biến, Robot hay Drone, và Điện toán đám mây:
+ Công nghệ cảm biến liên tục được cải tiến với nhiều loại hơn, cho phép khả năng đo đạc nhiều chỉ số phức tạp hơn, điều này đã thúc đẩy việc ứng dụng cảm biến để theo dõi thời gian thực các chỉ số như nhiệt độ, độ ẩm, sức gió, ... tiết kiệm nguồn lực nhân công và tối ưu hiệu quả máy móc.
Một ví dụ trong việc ứng dụng công nghệ này là mô hình sản xuất lúa tại tỉnh Đồng Tháp. Với hệ thống cảm biến mực nước thông minh, quản lý bơm, rút nước được thao tác trên ứng dụng điện thoại, mô hình đã tiết kiệm được lượng nước và tiền điện bơm nước, đồng thời, người nông dân nắm bắt những tiến bộ về mặt kỹ thuật, giảm chi phí nguồn lực đầu vào từ 2-3 lần.
+ Robot hay Drone là hai công nghệ định vị và phát hiện vật thể phát triển, có giá thành tốt hơn so với các công nghệ cùng chức năng khác, nhờ đó mà việc tự động hóa các hoạt động như tưới tiêu, thu hoạch và theo dõi nông sản trở nên phổ biến hơn.
Công nghệ Drone đã được phát triển và khảo nghiệm tại 1 số các tỉnh thành tại Việt Nam và đem lại lợi ích tiết kiệm đến 30% thuốc bảo vệ thực vật, 95% lượng nước, hạn chế được ô nhiễm môi trường và giảm thiểu sự tiếp xúc của người nông dân với hóa chất.
+ Điện toán đám mây là một xu hướng công nghệ chung phổ biến không chỉ trong ngành nông nghiệp. Với chi phí hợp lý và có khả năng tiếp cận dễ hơn, hộ nông dân và doanh nghiệp có thể dễ dàng thu thập, lưu trữ và phân tích lượng dữ liệu khổng lồ mà không phải quan tâm đến chi phí đầu tư phần cứng khi mở rộng quy mô.
Những xu hướng trên thế giới cho thấy những tiềm năng lớn trong phát triển ngành. Nông nghiệp Việt Nam cần mạnh dạn chuyển đổi số, tăng cường ứng dụng công nghệ, chuyển mình mạnh mẽ hơn nữa để kiến tạo ra các cơ hội cho các doanh nghiệp:
+ Tạo ra một lượng sản phẩm lớn, năng suất cao, chất lượng tốt và đặc biệt là thân thiện hơn với môi trường.
+ Giúp nông dân chủ động trong sản xuất, giảm sự lệ thuộc vào thời tiết và khí hậu, do đó, quy mô sản xuất được mở rộng.
+ Giảm giá thành sản phẩm, đa dạng hóa thương hiệu và cạnh tranh tốt hơn trên thị trường.
+ Hội nhập kinh tế, quốc tế nhờ các hiệp định, hiệp hội, giúp tăng cơ hội cạnh tranh và tiếp cận thị trường của ngành nông nghiệp Việt Nam.
Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!