Trong thực tế sản xuất, nhiều chủ trang trại, doanh nghiệp (DN) đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp của Việt Nam đã tiếp cận, ứng dụng nông nghiệp 4.0 khá bài bản. Có những DN đầu tư nhập máy móc, thiết bị hiện đại nhất trên thế giới cung cấp cho thị trường Việt Nam.
Thực tế cho thấy, nông nghiệp Việt Nam đủ khả năng tiếp cận cuộc cách mạng 4.0. Ngành chăn nuôi quy mô công nghiệp về bò sữa, heo, gà, nuôi tôm, cá da trơn... đều đã ứng dụng tự động hóa, sản xuất theo chuỗi khép kín. Cụ thể, nhiều trang trại chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đầu tư hệ thống dây chuyền máy móc tự động, hiện đại nên chỉ cần 1-2 lao động là có thể kiểm soát trại nuôi quy mô hàng ngàn con heo, hàng chục, hàng trăm ngàn con gia cầm. Sản xuất rau, hoa, trái cũng bước đầu áp dụng công nghệ như: tự động hóa sản xuất cây giống; cơ giới hóa làm đất; gieo trồng…
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, đầu tư những máy móc, thiết bị hiện đại cần nguồn vốn lớn. Với thực tế sản xuất tại Việt Nam không nên kỳ vọng có ngay những mô hình sản xuất nông nghiệp 4.0 hiện đại, trọn gói sử dụng máy móc tự động, người máy vào sản xuất. Tùy điều kiện thực tế để áp dụng từng phần nông nghiệp 4.0. Ví dụ như việc ứng dụng điện thoại thông minh để điều khiển hệ thống tưới tự động hầu như không đội thêm bao nhiêu tiền so với hệ thống tưới tự động vốn có. Nông nghiệp 4.0 có thể bắt đầu từ bước đơn giản nhất là nông dân, người tiêu dùng sử dụng điện thoại thông minh để điều khiển hệ thống tưới nước, bón phân tự động; thực hiện truy xuất nguồn gốc nông sản...
Hiện nay, nông dân Việt Nam đã rành sử dụng điện thoại thông minh để tìm hiểu thông tin hằng ngày. Nông dân rất “đói” thông tin, nhất là thông tin về công nghệ, kỹ thuật mới trong sản xuất nhưng thiếu nguồn chính thống khi tìm hiểu. Ở đây, vai trò của Nhà nước cần đầu tư xây dựng được nguồn dữ liệu thông tin từ sản xuất đến thông tin về thị trường...
Ở góc độ địa phương, các tỉnh cần xây dựng được những trung tâm công nghệ thông tin để kết nối với nông dân, thậm chí đây là cầu nối giữa nông dân với thị trường nông sản thế giới. Dùng công nghệ thông tin để minh bạch, quản lý thị trường nông sản. Vì có kênh thông tin này, nông dân gặp sự cố như mua phải thuốc, phân kém chất lượng, họ phản hồi ngay, rộng rãi ra cộng đồng thì không ai dám làm sai, vì sẽ không bán được hàng.
Đây cũng là nội dung được Bộ trưởng NN-PTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh, Bộ NN-PTNT sẽ bắt tay ngay vào chuyển đổi số. Vì đây sẽ là cú hích tạo ra giá trị cho nông sản và phát triển. Cụ thể, giá trị nông sản thông qua sàn thương mại điện tử kết nối được mọi người nông dân và mọi người tiêu dùng; bà con nông dân đưa được sản phẩm của mình lên sàn thương mại điện tử và mỗi sản phẩm ở mỗi vùng đất có thương hiệu riêng, có xuất xứ và không bị làm giả... Cách mạng 4.0, chuyển đổi số được ví như một cơn gió và ngành Nông nghiệp mượn cơn gió đó để phát triển...