Đấu tranh phản bác quan điểm sai trái của các thế lực thù địch về đường lối, chính sách đối ngoại của Việt Nam

Thứ sáu, 04/03/2022 14:44

Trong thời gian qua, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị trong và ngoài nước thường xuyên thực hiện những âm mưu, thủ đoạn chống phá đường lối phát triển đất nước của Đảng và Nhà nước ta; và một trong những vấn đề họ tập trung xuyên tạc, chống phá là đường lối đối ngoại của Việt Nam. Vì vậy, việc nhận diện rõ những quan điểm sai trái của các thế lực thù địch để có giải pháp phòng, chống; cũng như vững tin vào đường lối đối ngoại được Đảng ta xây dựng, hoàn thiện và phát triển trong thời kỳ đổi mới đất nước là rất cần thiết.

picture-2.png

Ảnh minh họa.

Nhận diện những quan điểm sai trái của các thế lực thù địch về đường lối, chính sách đối ngoại của Việt Nam

Trong thời gian qua, các thế lực thù địch đã lợi dụng các phương tiện truyền thông, nhất là mạng xã hội để xuyên tạc, phủ nhận đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta; tập trung chủ yếu vào những vấn đề sau:

Thứ nhất, xuyên tạc đường lối, chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ của Đảng và Nhà nước Việt Nam, cho rằng đường lối, chính sách đó đã “lạc hậu, lỗi thời”, “không còn phù hợp”, nhất là trong tình hình hiện nay. Trên các trang mạng xã hội của các thế lực phản động, không ít cá nhân, nhóm người tự xưng là “người yêu nước”, “tâm huyết” với vận mệnh quốc gia dân tộc đã viết bài phát tán với những giọng điệu xuyên tạc, phủ nhận đường lối đối ngoại của Đảng ta. Họ lập luận rằng, thế giới hiện nay đang là thời đại toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng, các quốc gia, dân tộc có mối quan hệ ràng buộc và phụ thuộc lẫn nhau, nên việc Việt Nam vẫn theo đuổi chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ là “bảo thủ”, “tự mình cô lập mình”, là “tự tách ra khỏi dòng chảy của thế giới bên ngoài”, chính sách đối ngoại đó đã thực sự “lạc hậu, lỗi thời”, “không còn phù hợp” và đã trở thành “lực cản” đối với sự phát triển đất nước(1).

Thứ hai, nhiều diễn đàn trên mạng xã hội lên tiếng bóp méo, xuyên tạc rằng chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, cân bằng quan hệ với các nước lớn của Việt Nam là “đường lối trung dung”, là “đi dây” trong quan hệ với các nước lớn, như thế là “tự cô lập” mình, “tước đi cơ hội hợp tác với các nước lớn để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”(2). Lợi dụng một số hoạt động đối ngoại của Nhà nước ta trong thời gian qua, nhất là việc đẩy mạnh quan hệ hợp tác với Mỹ, một số thế lực cố tình xuyên tạc rằng Việt Nam đang ngấm ngầm “theo chân nước này chống nước kia”, theo đó họ cáo buộc Việt Nam đã “từ bỏ chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ của mình”(3).

Thứ ba, một số phần tử phản động trong và ngoài nước lên tiếng xuyên tạc chính sách đối ngoại trên lĩnh vực quốc phòng của Việt Nam, cho rằng Đảng, Nhà nước ta thực hiện chính sách quốc phòng “bốn không” (không tham gia liên minh quân sự; không liên kết với nước này để chống nước kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để chống lại nước khác; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế) là “tự trói tay mình”, là chính sách “không phù hợp với thực tế, cần phải thay đổi” vì nếu không thay đổi sẽ không thể bảo vệ được độc lập, chủ quyền của đất nước(4). Từ đó, họ kêu gọi Việt Nam cần tham gia các tổ chức quân sự, các liên minh quân sự quốc tế để tăng thêm thế lực.

Thứ tư, trong thời gian chuẩn bị tiến hành tổ chức Đại hội Đảng các cấp và Đại hội lần thứ XIII của Đảng, lợi dụng việc lấy ý kiến đông đảo Nhân dân đóng góp vào các văn kiện trình Đại hội, một số phần tử cơ hội chính trị trong và ngoài nước đã lợi dụng các diễn đàn dân chủ để lên tiếng công kích, xuyên tạc đường lối đối ngoại của Đảng. Họ cho rằng chính sách đối ngoại giữ vững độc lập, tự chủ trong hội nhập quốc tế chỉ là “lý thuyết viển vông, phi thực tế”; không thể có độc lập tự chủ trong hội nhập quốc tế vì “đã độc lập, tự chủ thì không thể hội nhập quốc tế và ngược lại, đã hội nhập quốc tế thì không thể có độc lập, tự chủ”(5). Họ cho rằng, thể chế chính trị của Việt Nam là khác biệt, không phù hợp với chuẩn mực chung của quốc tế; với một Đảng duy nhất cầm quyền càng không thể hội nhập quốc tế. Từ đó, họ kêu gọi Việt Nam cần phải thực hiện đa đảng cho phù hợp với xu thế hội nhập(6).

Mặc dù nội dung và hình thức xuyên tạc có thể khác nhau, nhưng các thế lực thù địch đều có mục đích giống nhau là nhằm xuyên tạc, chống phá đường lối, chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ của Đảng và Nhà nước ta, chống phá cách mạng Việt Nam. Sự chống phá đó rất nguy hiểm, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy mạnh quan hệ với các nước trên thế giới, hội nhập ngày càng chủ động, tích cực và sâu rộng vào đời sống chính trị quốc tế. Những luận điệu đó không thể làm chệch hướng, vô hiệu hóa đường lối, chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ của Việt Nam, không thể hạ thấp vị thế, uy tín của nước ta trên trường quốc tế, nhưng cúng khiến cho một bộ phận trong xã hội hoang mang, dao động, làm giảm niềm tin vào đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước, gây khó khăn cho Việt Nam trong các hoạt động đối ngoại và xử lý các mối quan hệ quốc tế.

Đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái của các thế lực thù địch về đường lối, chính sách đối ngoại của Việt Nam

Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng nhận định: “Thế giới đang trải qua những biến động to lớn, diễn biến rất nhanh chóng, phức tạp, khó đoán định. Hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn, song đang đứng trước nhiều trở ngại, khó khăn”(7). Không một quốc gia nào trên thế giới có thể đứng ngoài xu thế này. Các chủ thể quan hệ quốc tế cần có sự tương tác, phối hợp, dù mối quan hệ đó có những nội dung, hình thức và mức độ khác nhau. Các quốc gia không thể đứng độc lập riêng lẻ mà phải có sự kết nối với các nước khác, đặc biệt chú trọng quan hệ với các nước láng giềng và các nước lớn. Đó vừa là xu thế, vừa là phương thức cơ bản bảo đảm an ninh và phát triển của mỗi nước trong giai đoạn hiện nay.

Phù hợp với xu thế đó, trong 36 năm qua kể từ khi tiến hành công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, Việt Nam luôn thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, đồng thời mở rộng hợp tác quốc tế trên nhiều lĩnh vực. Chỉ có nhất quán và thực hiện tốt đường lối, chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại, không phụ thuộc thì Việt Nam mới có thể tận dụng tốt nhất các cơ hội, điều kiện thuận lợi phục vụ cho sự phát triển đất nước.

Từ rất sớm, tư tưởng độc lập, tự chủ đã trở thành “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt, là nguyên tắc cơ bản định hướng các hoạt động đối ngoại từ khi thành lập Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đến nay. Độc lập, tự chủ vừa là đường lối, vừa là nguyên tắc bất biến để chúng ta bảo vệ tốt nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trước mọi tác động và những biến động của thời cuộc, khẳng định tính đúng đắn của đường lối đối ngoại Việt Nam. Độc lập có nghĩa là chúng ta tự “điều khiển mọi công việc” của mình, “không có sự can thiệp ở ngoài vào”(8); không để bên ngoài can thiệp vào công việc nội bộ của đất nước ta. Độc lập, tự chủ phải dựa trên cơ sở nội lực, thực lực của đất nước, đồng thời cũng dựa vào hợp tác và hội nhập quốc tế. Đây là nguyên tắc cốt lõi của đường lối, chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ của Việt Nam trong suốt thời gian qua.

Trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ (bổ sung, phát triển năm 2011), Đảng ta đã chỉ rõ đường lối đối ngoại của Việt Nam là: “Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; nâng cao vị thế của đất nước; vì lợi ích quốc gia dân tộc, vì một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa giàu mạnh; là bạn, đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, góp phần vào sự nghiệp hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới”(9). Kế thừa và phát triển quan điểm chỉ đạo đó, tại các kỳ Đại hội, Đảng ta vẫn tiếp tục kiên định đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ.

Báo cáo chính trị tại Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh: “Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại. Bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hiệp quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác cùng có lợi. Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng; Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế”(10). Đồng thời, nhấn mạnh bảo đảm sự lãnh đạo thống nhất của Đảng và sự quản lý tập trung của Nhà nước với các hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế; đẩy mạnh đối ngoại song phương với nâng tầm đối ngoại đa phương.

Chủ động tham gia và phát huy vai trò của Việt Nam tại các cơ chế đa phương, đặc biệt là ASEAN, Liên hợp quốc, Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á (APEC), hợp tác tiểu vùng Mê kông và các khuôn khổ hợp tác khu vực và quốc tế, trong những vấn đề và các cơ chế quan trọng có tầm chiến lược, phù hợp với yêu cầu, khả năng và điều kiện cụ thể. Đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác song phương với các đối tác, đặc biệt là các đối tác chiến lược, đối tác toàn diện và các đối tác quan trọng khác, tạo thế đan xen lợi ích và gia tăng độ tin cậy. Chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, giải quyết tốt mối quan hệ giữa độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế; hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, linh hoạt, hiệu quả vì lợi ích quốc gia - dân tộc, bảo đảm độc lập, tự chủ, chủ quyền quốc gia.

Thực hiện nhất quán quan điểm chỉ đạo đó, từ khi tiến hành công cuộc đổi mới (năm 1986) đến nay, Việt Nam đã tiến hành hội nhập ngày càng sâu rộng vào khu vực và thế giới trên tất cả các lĩnh vực. Quá trình này đạt được những thành tựu to lớn, tạo bước ngoặt trong công cuộc đổi mới. Điều đó cho thấy chủ trương đúng đắn, chủ động tích cực hội nhập quốc tế của Đảng và Nhà nước ta. Trong quá trình triển khai, chính sách đối ngoại luôn hướng tới mục tiêu bảo đảm lợi ích tối cao của quốc gia, dân tộc, trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, bình đẳng và cùng có lợi.

Năm 1990, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với Liên minh châu Âu; năm 1995 bình thường hóa quan hệ với Mỹ, gia nhập ASEAN, ký Hiệp định khung hợp tác với Liên minh châu Âu và chuẩn bị gia nhập tổ chức thương mại thế giới. Năm 2000, Việt Nam ký Hiệp định thương mại song phương với Mỹ - đây là sự kiện có ý nghĩa rất quan trọng, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển đầu tư, thương mại và tăng trưởng của nền kinh tế nước ta. Đến năm 2007, Việt Nam đã trở thành thành viên chính thức của Tổ chức thương mại thế giới (WTO).

Cùng với quá trình hội nhập khu vực và toàn cầu, Việt Nam cũng tăng cường hợp tác song phương, triển khai mạnh mẽ quan hệ hợp tác với các đối tác quan trọng, nhất là xây dựng khuôn khổ đối tác chiến lược và đối tác toàn diện. Hiện nay, Việt Nam có quan hệ với 189 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới; là đối tác chiến lược toàn diện với các nước Ân Độ, Trung Quốc và Nga. Đặc biệt, Việt Nam là nước duy nhất trong ASEAN đã thiết lập khuôn khổ Đối tác chiến lược và Đối tác chiến lược toàn diện với toàn bộ 5 nước thành viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, toàn bộ nhóm nước G7 và 13/20 nước G20 và 8/9 nước trong ASEAN. Các đối tác này chiếm 8/10 thị trường xuất khẩu chính, với 60,7% tổng giá trị xuất khẩu; 9/10 thị trường nhập khẩu chính với 74,7% tổng giá trị nhập khẩu, 76,7% tổng lượng khách du lịch; đóng góp 74% tổng vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam”(11).

Cơ sở quan hệ đối tác chiến lược và đối tác toàn diện đã ký kết góp phần củng cố môi trường hòa bình, hữu nghị hợp tác với các đối tác quan trọng, đặc biệt là với các nước lớn, với các nước láng giềng có chung đường biên giới. Đồng thời, việc thiết lập quan hệ đối tác với các nước lớn, có vai trò quan trọng giúp Việt Nam xử lý tốt quan hệ với các nước lớn, đưa hợp tác trở thành chủ đạo và kênh trao đổi giảm thiểu sự khác biệt trong quan hệ với các nước này, tạo điều kiện để tăng cường lòng tin. Thông qua các quan hệ song phương được thiết lập tạo ra sự đan xen lợi ích, giúp Việt Nam tranh thủ được nguồn lực quốc tế để phát triển đất nước và nâng cao vị thế của đất nước trên trường quốc tế, thể hiện thông qua vị trí của Việt Nam trong chính sách đối ngoại của các nước cũng như trong các khuôn khổ hợp tác đa phương.

Đến nay, Việt Nam đã hai lần đảm nhiệm thành công vai trò Chủ tịch ASEAN và Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Vai trò, vị thế và uy tín quốc tế ngày càng được nâng cao đã chứng minh cho chủ trương, đường lối hội nhập đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta trong thời gian qua. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhấn mạnh: “Thực lực là cái chiêng mà ngoại giao là cái tiếng. Chiêng có to tiếng mới lớn”(12). Thực lực tổng hợp của quốc gia, sự đoàn kết và nỗ lực quyết tâm của toàn thể dân tộc, tính đúng đắn thể hiện mục tiêu hòa bình, hợp tác và phát triển của đường lối, chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ là những yếu tố quyết định tạo nên vị thế, uy tín của đất nước. Điều đó minh chứng đất nước Việt Nam đang vững bước phát triển đi lên với một tư thế mới của những con người làm chủ độc lập và làm chủ vận mệnh của mình; với một vị thế mới, vị thế của một đất nước độc lập, tự chủ, hòa bình, ổn định đang trên đà phát triển và chủ động, tích cực, có trách nhiệm trong các “sân chơi” khu vực và toàn cầu. Thực tế đó vừa minh chứng hùng hồn để đập tan sự xuyên tạc, chống phá; vừa thể hiện tính đúng đắn, sáng tạo và hiệu quả của đường lối, chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế, vừa phản ánh Việt Nam có khả năng, có thực lực để giữ vững độc lập, tự chủ.

Vị thế, uy tín ngày càng tăng của Việt Nam với cộng đồng quốc tế đã cho thấy những luận điệu cho rằng chính sách quốc phòng “bốn không” là “tự trói tay mình”, “cần phải thay đổi”, nếu không thì không thể bảo vệ được độc lập, chủ quyền đất nước... thực chất chỉ nhằm tạo ra sự hoài nghi, hoang mang, dao động, từ đó đẩy nước ta rơi vào sự lệ thuộc, phụ thuộc mới. Cần khẳng định rõ rằng, trong lịch sử từ trước tới nay, Nhân dân Việt Nam bảo vệ độc lập, chủ quyền, bảo vệ Tổ quốc luôn dựa trên tinh thần yêu nước, ý chí độc lập, tự chủ, tinh thần tự lực tự cường, phát huy sức mạnh tổng hợp, kết hợp sức mạnh bên trong với sức mạnh bên ngoài, sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của cộng đồng quốc tế.

Chính sách quốc phòng “bốn không”, mà trọng yếu là không liên minh quân sự là biểu hiện đặc thù của đường lối, chính sách độc lập, tự chủ của Đảng và Nhà nước Việt Nam trên lĩnh vực quân sự, quốc phòng trong bối cảnh lịch sử mới, là hoàn toàn đúng đắn và phù hợp. Thực hiện chính sách này, chúng ta mới có thể kết hợp và phát huy tốt nhất các nguồn sức mạnh để bảo vệ độc lập, chủ quyền. Vì vậy, những luận điệu xuyên tạc, phủ nhận đường lối, chính sách đối ngoại của Việt Nam là đi ngược lại lợi ích chung của đất nước và Nhân dân; là sự phủ nhận trắng trợn những thành tựu của Việt Nam trong việc thực hiện chính sách đối ngoại. Những thành tựu không thể phủ nhận của chính sách và công tác đối ngoại của nước ta trong thời kỳ đổi mới chính là minh chứng để khẳng định đường lối, chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước ta; vừa là luận cứ xác đáng để đấu tranh bác bỏ những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch. Tỉnh táo nhận diện những luận điệu đó để có cách thức đấu tranh hợp lý chính là cách để mỗi chúng ta tiếp tục bảo vệ hiệu quả nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới./.

-------------------------------

Ghi chú:

(1),(4) Nguyễn Mạnh Hưởng, Không thể xuyên tạc đường lối, chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ của Đảng, Nhà nước Việt Nam, Tạp chí Cộng sản, số 9/2020.

(2) Bùi Đình Bôn, Cảnh giác với những luận điệu mới của các thế lực thù địch trên mạng xã hội, Tạp chí Quốc phòng toàn dân, số 4/2019.

(3) Kim Lân, Lại là những chiêu trò “diễn biến hòa bình” trên mặt trận ngoại giao, Báo Quân đội nhân dân, ngày 12/6/2020.

(5) Vũ Văn Hiền, Một số luận cứ phản bác các quan điểm sai trái, thù địch chống phá Đại hội XIII của Đảng, tập 1, Nxb CTQG-ST, H.2020, tr.164.

(6) Cục Tuyên huấn, Bảo vệ và phát triển nền tảng tư tưởng của Đảng, Nxb CTQG-ST, H.2017, tr.123.

(7),(10) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứXIII, tập I, Nxb CTQG-ST, H.2021, tr.105, tr.49-50.

(8) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 5, Nxb CTQG-ST, H.2011, tr.162.

(9) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG-ST, H.2011, tr.66.

(11) Bùi Thanh Sơn, Ngoại giao Việt Nam thời kỳ đổi mới - 35 năm nhìn lại, Tạp chí Lịch sử Đảng, số 8/2020.

(12) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 4, Nxb CTQG-ST, H.2011, tr.147. 

 

Quách Thị Huệ - Viện Quan hệ quốc tế, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

 

https://tcnn.vn
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Doanh nghiệp

Top