Không chỉ đóng góp mua vắc xin, trong suốt 4 đợt dịch bùng phát, nhiều DN đã liên tục đóng góp nguồn lực để sát cánh cùng cả nước chống dịch. Đó không chỉ tiền của, vật chất mà cả những sáng tạo công nghệ những ứng dụng hữu ích để chống dịch.
Trong lĩnh vực công nghệ, FPT đã hợp tác với Bộ Y tế Việt Nam xây dựng Trợ lý ảo nCov, giúp tự động giải đáp hơn 1 triệu câu hỏi về dịch bệnh của người dân; đồng thời hỗ trợ học sinh của 15.000 trường trên toàn quốc học tập trực tuyến miễn phí trong giai đoạn cách ly. Viettel, với hàng loạt giải pháp “thần tốc” như: Xây dựng App Sức khỏe Việt Nam chỉ trong vòng 6 ngày; xây dựng hệ thống “Tờ khai y tế điện tử” chỉ trong 2 ngày; hỗ trợ điều tra truy vết F0 theo số điện thoại; hoàn thành kết nối hệ thống Telehealth tới hơn 1.000 cơ sở y tế chỉ trong vòng 45 ngày.
Có tập đoàn lớn đã dừng gần hết các hoạt động chế tạo để tập trung chế máy thở khi cả nước đối mặt nguy cơ thiếu máy thở cho người bệnh. Chỉ trong thời gian ngắn hàng nghìn máy thờ ra đời được gửi tặng Bộ Y tế. Có tập đoàn đang đối mặt khó khăn nhưng vẫn tài trợ hàng chục triệu USD để phát triển vắc xin chống Covid-19.
Nông sản nhiều địa phương như vải Hải Dương, Bắc Giang khó tiêu thụ. Ngay lập tức, VnPost, Viettel Post cùng các sàn thương mại điện tử ngay lập tức các chương trình đưa nông sản lên sàn. Sàn TMĐT Voso.vn của Viettel Post, dưới sự chỉ đạo của Bộ Thông tin và Truyền thông cùng Bộ Công Thương, đã đưa sản phẩm vải đặc sản Bắc Giang lên sàn vào ngày 28/05 với mục tiêu tiêu thụ 100 tấn vải/ngày.
Đặc biệt, để chung sức chống dịch hiệu quả, các DN đã nhận hy sinh về doanh thu, lợi nhuận để chung sức vượt qua khó khăn cùng cộng đồng. Sân bay đóng cửa thương mại dành riêng đón khách vào Việt Nam, hãng bay xuyên dịch chở hành cứu trợ đón đồng bào về nước, ngân hàng cắt giảm lợi nhuận cho vay ưu đãi.
Hiểu rõ trách nhiệm xã hội
Trách nghiệm xã hội (CSR - Corporate Social Responsibility) của DN đang trở thành một làn sóng mạnh mẽ. Theo Nhóm Phát triển kinh tế tư nhân của Ngân hàng Thế giới (WB), CSR của DN là sự cam kết đóng góp vào việc phát triển kinh tế bền vững, thông qua việc tuân thủ chuẩn mực về bảo vệ môi trường, bình đẳng giới, an toàn lao động, quyền lợi lao động, trả lương công bằng, đào tạo và phát triển nhân viên, phát triển cộng đồng theo cách có lợi nhất cho cả DN lẫn xã hội.
Thực tế, lâu nay CSR được quan niệm và nhìn nhận ở phần nhỏ, tức là các hoạt động từ thiện. Các chiến dịch mang tính thiện nguyện của doanh nghiệp, mà thường ít để ý tới những vấn đề khác như: chế độ đãi ngộ với người lao động, chính sách bảo vệ môi trường và những cam kết với thị trường về chất lượng hay sự an toàn của sản phẩm, dịch vụ mà doanh nghiệp cung cấp…
Theo Liz Maw, thành viên hội đồng quản trị của Trung tâm Môi trường thế giới cho rằng, sự phát triển bền vững không những quan trọng cho cộng đồng, cho cả hành tinh, mà còn rất quan trọng cho sự thành công của các doanh nghiệp.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, nếu DN không tuân thủ trách nhiệm xã hội thì DN sẽ không thể tiếp cận được với thị trường thế giới.Trách nhiệm xã hội của DN giúp điều chỉnh hành vi của chủ thể kinh doanh, nâng cao chất lượng, giá trị thương hiệu và uy tín của DN, nhằm thu hút nguồn lao động giỏi và góp phần tăng lợi nhuận cho DN.
Hơn thế nữa, trách nhiệm xã hội còn góp phần nâng cao hình ảnh quốc gia, thông qua vai trò của chính phủ trong việc tạo ra môi trường pháp luật hoàn chỉnh, sân chơi bình đẳng cho doanh nghiệp, cũng như cung cấp thông tin, tư vấn, hướng dẫn và ban hành các cơ chế, chính sách khuyến khích đối với DN.
Theo thống kê, hiện nay trên thế giới có hơn 1.000 bộ quy tắc ứng xử thể hiện trách nhiệm xã hội doanh nghiệp như SA 8000 - tiêu chuẩn lao động trong các nhà máy sản xuất, WRAP - trách nhiệm toàn cầu trong ngành sản xuất may mặc, FSC - bảo vệ rừng bền vững, ISO 14001- hệ thống quản lý môi trường trong doanh nghiệp, ISO 26000 - tiêu chuẩn CSR của Tổ chức Quốc tế về tiêu chuẩn hóa từ tháng 11/2010...
Muốn thực hiện CSR, DN phải có tiêu chí, có quy tắc, xác định giá trị cốt lõi của mình. Nước Nhật có thể nói là thành công nhất trong việc này, Việt Nam nên học tập. Hầu hết DN Nhật có tiêu chí rõ ràng khi xây dựng và cung cấp dịch vụ, hàng hóa có lợi cho người tiêu dùng. Họ đặt yêu cầu ba tốt: tốt cho người bán, tốt cho người mua và tốt cho xã hội.
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhấn mạnh, phát triển bền vững và kinh doanh có trách nhiệm sẽ là hệ giá trị mới trong phát triển doanh nghiệp của thời đại mới. Đây chính là giấy thông hành để mỗi doanh nghiệp và nền kinh tế Việt Nam tiến sâu và xa hơn vào thị trường toàn cầu.
Hơn cả trách nhiệm chính là sứ mệnh
Trong quá trình phát triển kinh tế và xây dựng đất nước đi lên, Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức như bảo vệ môi trường, đào tạo nguồn nhân lực, xoá đói giảm nghèo và phát triển bền vững,đặc biệt là nâng cao vị thế hình ảnh quốc gia trên trường quốc tế. Vai trò và trách nhiệm xã hội của DN ngày càng có ý nghĩa quan trọng.
Một số khảo sát trên thế giới cho thấy người tiêu dùng muốn các công ty không chỉ dừng lại ở vai trò truyền thống như tạo lợi nhuận, đóng thuế, và tuân thủ pháp luật, mà muốn các công ty đóng góp cho những mục tiêu xã hội rộng hơn. Vượt lên trách nhiệm xã hội đó chính là sứ mệnh vì sự phát triển và hùng cường của đất nước.
Như Bộ Trưởng Thông tin và Truyền Thông Nguyễn Mạnh Hùng đã từng nhấn mạnh, Phụng sự tổ quốc mình để đất nước phát triển, để từ đó doanh nghiệp có thị trường lớn hơn, có môi trường hoà bình để kinh doanh, để từ đó có lợi nhuận lớn hơn. Các doanh nghiệp của Vinasa muốn tiếp tục phát triển thì tinh thần phụng sự Tổ quốc phải được đưa vào văn hoá của mình, trở thành triết lý phát triển của mình. Phụng sự tổ quốc mình và sau nữa là phụng sự nhân loại.
Theo đó, mỗi DN hãy tự nhận thức trách nhiệm và sứ mệnh của mình, hãy tiếp tục mở lối tiên phong! Hãy nhận về mình những thách thức lớn hơn, hãy giải những bài toán khó của đất nước và từ đó đi ra thế giới. Đây là cam kết mạnh mẽ về sự chuyển mình cho một sứ mạng mới. Phải là một sứ mạng quốc gia lớn lao, phải là một mục tiêu cao đến mức gần như không khả thi, phải là một thử thách lớn, phải là một khát vọng lớn mới có thể giúp các bạn có đủ năng lượng để thực hiện được sự chuyển đổi này.
Doanh nghiệp nên đi tiên phong trong việc tạo ra sự thay đổi mang tính cách mạng mà con người đang trải qua, nên đi tiên phong trong việc nâng cao ý thức của xã hội, nên giải quyết những thách thức lớn nhất của xã hội. Doanh nghiệp càng lớn, tác động của nó càng mạnh và vì vậy, trách nhiệm với đất nước càng phải cao. Một doanh nghiệp lớn thì phải nhận lấy về mình sứ mạng quốc gia, thay đổi đất nước mình. Đó là trách nhiệm của các doanh nghiệp lớn, cũng là sự khác biệt với doanh nghiệp nhỏ. Chúng ta là một doanh nghiệp công nghệ số lớn của Việt Nam, với hàng chục ngàn người và doanh thu hàng chục ngàn tỷ đồng, đã bao giờ các bạn suy nghĩ về sứ mệnh quốc gia của mình chưa?
Một cuộc cách mạng công nghiệp mới đang tới. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Mỗi cuộc cách mạng công nghiệp mới sẽ tạo cơ hội cho một số ít nước bứt phá vươn lên trở thành nước phát triển, nhưng không phải tất cả. Việt Nam chúng ta phải đi đầu trong cuộc cách mạng này để thay đổi thứ hạng, để trở thành nước phát triển. Đúng như mục tiêu đưa Việt Nam thành quốc gia phát triển có thu nhập cao vào năm 2045 khi nước Việt Nam mới tròn 100 tuổi.