Hà Giang thúc đẩy chuyển đổi số, tạo cơ hội phát triển toàn diện
Chuyển đổi số trên 3 trụ cột
Thực hiện Nghị quyết số 18 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh, cùng với việc ký kết các thỏa thuận hợp tác về chuyển đổi số giai đoạn 2021 - 2025, địa phương đã ban hành nhiều chương trình, kế hoạch, đề án thực hiện chuyển đổi số, tạo cơ sở pháp lý quan trọng trong triển khai các nhiệm vụ về chuyển đổi số. Đặc biệt, từ năm 2022, Hà Giang lựa chọn ngày 28/8 hàng năm là Ngày chuyển đổi số của tỉnh. Đây cũng là dịp để UBND các cấp, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn đánh giá, tổng kết các nhiệm vụ chuyển đổi số; ghi nhận, tôn vinh các cá nhân, tập thể có thành tích trong công tác chuyển đổi số; qua đó tiếp tục cho thấy nỗ lực thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện của cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn.
Năm 2022, chương trình chuyển đổi số được tỉnh Hà Giang thực hiện đồng bộ trên cả 3 trụ cột: Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Các cấp, ngành từ tỉnh đến cơ sở đã ban hành kế hoạch, chương trình triển khai Nghị quyết 18 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về chuyển đổi số trong phạm vi ngành, địa phương quản lý; chủ động triển khai các hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu chuyên ngành, hình thành dữ liệu số, hướng tới kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ hoạt động chỉ đạo, điều hành của các cấp ủy, chính quyền.
Đặc biệt, trên địa bàn tỉnh có nhiều mô hình, cách làm mới về chuyển đổi số được người dân, doanh nghiệp tích cực tham gia như: Thanh toán không dùng tiền mặt, triển khai chợ 4.0, tiêu thụ sản phẩm OCOP trên sàn thương mại điện tử, đăng ký tài khoản trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Đặc biệt, 100% các thôn, bản, tổ dân phố có tổ công nghệ số cộng đồng hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tham gia chuyển đổi số.
Sớm ban hành kế hoạch chuyển đổi số năm 2023
Tại hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận, chỉ rõ một số khó khăn, vướng mắc trong công tác chuyển đổi số. Trên cơ sở đó, đề xuất nhiều giải pháp nhằm thực hiện hiệu quả chương trình chuyển đổi số trong thời gian tới.
Phát biểu kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Nguyễn Văn Sơn đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành địa phương. Trong đó, đề nghị Sở Thông tin và Truyền thông hoàn thiện kế hoạch chuyển đổi số năm 2023 trình UBND tỉnh ban hành; chỉ đạo các doanh nghiệp cung cấp nền tảng số; tổ chức hướng dẫn, hỗ trợ hoạt động tổ công nghệ số cộng đồng nhằm thực hiện chuyển đổi số ngay từ gia đình, người dân.
Đồng thời, phối hợp với đơn vị liên quan tranh thủ nguồn lực để phát triển hạ tầng viễn thông, sớm hoàn thành mục tiêu phủ sóng di động tới 100% các thôn, bản trên địa bàn tỉnh.
Đối với Sở Công Thương, tiếp tục tăng cường hoạt động của Tổ điều phối và hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, đẩy mạnh việc đào tạo, tập huấn cho hộ sản xuất chủ động tham gia mua, bán sản phẩm nông nghiệp trên sàn thương mại điện tử. Riêng Sở Nội vụ thực hiện rà soát, đề xuất phương án đảm bảo nhân lực về công nghệ thông tin, chuyển đổi số cho các cơ quan, đơn vị, đặc biệt ưu tiên nhân lực cho các cơ quan chuyên trách, tham mưu về công nghệ thông tin, chuyển đổi số.
Ông Nguyễn Văn Sơn đề nghị UBND 11 huyện, thành phố khẩn trương hoàn thành các nhiệm vụ chuyển đổi số năm 2022 đã được UBND tỉnh phân bổ kinh phí, đảm bảo tiến độ, chất lượng nhiệm vụ theo quy định. Đồng thời, tăng cường sử dụng hiệu quả các hệ thống thông tin dùng chung của tỉnh; triển khai hiệu quả hoạt động của tổ công nghệ số cộng đồng để phổ cập kỹ năng số cho người dân thực hiện chuyển đổi số, phát triển kinh tế xã hội số...