Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Đức Tuân - giám đốc Trung tâm ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam, tại tọa đàm hoàn thiện pháp luật về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng do báo Đại Biểu Nhân Dân phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam (UNICEF) tổ chức ngày 28-4.
Theo ông Tuân, hiện rất nhiều phụ huynh vô tình phát tán lên mạng thông tin như hình ảnh, thông tin của con, dẫn tới các em có nguy cơ thành "con mồi" của tội phạm "săn lùng trẻ em". Ban đầu, các đối tượng xấu chỉ nhắn tin, gọi điện, sau đó có thể dẫn tới bắt cóc, xâm hại.
"Theo luật, phụ huynh không được phát tán hình ảnh trẻ em trên 7 tuổi nếu chưa được sự cho phép của trẻ. Tuy nhiên, nhiều cha mẹ không biết, không ý thức được rủi ro đối với con em mình", ông Tuân bày tỏ.
Bên cạnh đó, khi cha mẹ truy cập nội dung tiêu cực, "người lớn", trẻ em cũng tiếp xúc thông tin xấu độc qua quảng cáo hiện trên trang web. Nếu không ngăn chặn kịp thời, các em có thể hình thành suy nghĩ lệch lạc.
Ông Nguyễn Đức Tuân nêu ra một vài con số đáng chú ý. Đó là khoảng 70 - 80% trẻ em từ 10 - 15 tuổi chơi game (khoảng 10 - 15% số này nghiện game). Nghiện game có ảnh hưởng lâu dài tới sức khỏe, tâm lý người chơi.
Khoảng 51% người dùng mạng khác cho biết bản thân từng liên quan đến hành vi bắt nạt. Bắt nạt trực tuyến có thể là tung tin đồn, đánh nhau rồi đăng clip lên mạng, gửi hình ảnh đồi trụy… "Do đó, trẻ em sẽ chịu rủi ro rất lớn nếu xã hội, nhà trường và gia đình không chú ý quan tâm", ông Tuân bày tỏ.
Người lớn theo đó cần chú ý nói chuyện với trẻ để biết con dùng máy tính, điện thoại nhắn tin, nói chuyện với ai, ở đâu, khi nào và tuyệt đối không gây tổn thương, nói nặng lời khi các em vướng vào sự cố.
"Khi sử dụng Internet, các em cần được tiêm "vắc xin số". Đó là tự biết bảo vệ được mình là tốt nhất", ông Tuân nói.
Cụ thể hóa hành vi xâm hại, lạm dụng
Ông Mark Kavanagh - cố vấn bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng UNICEF - cho rằng với 92% trẻ em Việt Nam sử dụng Internet, nếu các công ty công nghệ không có biện pháp mạnh, rủi ro cho trẻ khi chơi game, lướt mạng rất lớn.
Vị này dẫn chứng 1,7 tỉ người đang chơi game trên thế giới nhưng không phải nền tảng game nào cũng ngăn chặn 100% người chơi gửi hình ảnh khiêu dâm, tình dục.
Qua nắm bắt, một số tội phạm mạng sẽ chơi game chung với trẻ để làm quen, sau khi thân thiết, chúng gửi ảnh hoặc clip khiêu dâm, từ đó dụ dỗ các em qua nền tảng khác. Khi trẻ bị phát hiện, mong giúp đỡ thì người lớn ngại ngùng, xấu hổ, lảng tránh khiến sự việc xấu đi.
Do đó, ông Mark Kavanagh đề xuất luật pháp Việt Nam cần quy định cụ thể các hành vi xâm hại, lạm dụng và yêu cầu các công ty công nghệ, mạng xã hội… tuân thủ. Tuy vậy, quy định phải thực tế, không quá "khắt khe".
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Mai Thoa - ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội - cho rằng cơ quan soạn thảo cần lưu ý cụ thể hóa các hành vi vi phạm, ảnh hưởng đến trẻ em.
Từ đó, cơ quan chức năng căn cứ xác định mức độ vi phạm hành chính, thậm chí là xử lý hình sự.
Bà Leo Thị Lịch - ủy viên thường trực Hội đồng Dân tộc của Quốc hội - cho hay nhiều phụ huynh sợ ảnh hưởng danh dự gia đình, dòng tộc nên giấu giếm câu chuyện trẻ em bị bắt nạt, xâm hại, dẫn tới nhiều em tự tử. Dẫn khảo sát vừa qua, bà Lịch cho biết gần 70% người dân tộc thiểu số vùng đặc biệt khó khăn không biết mạng Internet ảnh hưởng tiêu cực đến trẻ em. Do đó, Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên, Hội nông dân cần tuyên truyền nhiều hơn tới đoàn viên, hội viên về kiến thức trẻ em, nhất là bằng tiếng dân tộc để bà con hiểu rõ. Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cần lồng ghép nội dung bảo vệ trẻ em trên mạng qua tiết ngoại khóa, sinh hoạt, hội trại hè… Để bảo vệ trẻ em, Trung tâm ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam giới thiệu công cụ kiểm tra mức độ độc hại của trang web tại địa chỉ https://vn-cop.vn/kiem-tra. Qua website này, phụ huynh có thêm một giải pháp bảo vệ, che chở cho các em. |