Theo báo Bắc Giang, từ đầu năm đến nay, do dịch COVID-19 diễn biến phức tạp nên hoạt động tiêu thụ các sản phẩm nông sản tại tỉnh Sơn La gặp nhiều khó khăn. Thời điểm này, địa phương đang tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã thu hái xoài để tiêu thụ và xây dựng kế hoạch vào vụ thu hoạch nhãn.
Đàm phán với Trung Quốc đưa nông sản Sơn La lên sàn thương mại điện tử
Chủ nhật, 20/11/2022 17:36
UBND tỉnh Sơn La kiến nghị các Bộ hỗ trợ tỉnh đàm phán với Trung Quốc cho xuất khẩu mận chính ngạch, đồng thời xúc tiến đưa nông sản lên các sàn thương mại điện tử trong nước, quốc tế.
UBND tỉnh Sơn La kiến nghị tới Bộ NN&PTNT, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương tiếp tục hỗ trợ tỉnh áp dụng khoa học kỹ thuật nâng cao năng suất và chất lượng các sản phẩm nông sản, cấp mã vùng trồng, truy xuất nguồn gốc, mã cơ sở đóng gói, công nghệ bảo quản, chế biến… để đủ điều kiện xuất khẩu.
Đặc biệt, tỉnh đề xuất các Bộ đàm phán với Trung Quốc cho xuất khẩu mận chính ngạch, hỗ trợ đưa nông sản lên các sàn thương mại điện tử trong nước, quốc tế.
Bên cạnh đó, tỉnh Sơn La mong muốn các tỉnh, thành phố tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi về kết nối vùng, kết nối giao thương giúp địa phương tiêu thụ hàng hóa hàng nông sản, đặc biệt là xoài, nhãn.
Theo Sở Công Thương tỉnh Sơn La, hiện toàn tỉnh có tổng diện tích cây ăn quả, cây sơn trà là 87,5 nghìn ha, sản lượng ước đạt hơn 448,6 nghìn tấn, báo Bắc Giang đưa tin.
Trong đó, xoài hơn 19 ha, sản lượng cả năm ước hơn 65,2 nghìn tấn, thu hoạch quả từ tháng 5 đến tháng 8; nhãn hơn 19 ha, sản lượng cả năm ước đạt 98,5 tấn, thời vụ thu hoạch quả từ giữa tháng 7 đến tháng 9.
Ngoài ra, tỉnh còn có các loại nông sản khác như: mận hơn 11 nghìn ha, sản lượng cả năm ước đạt hơn 68 nghìn tấn; chuối 5,5 nghìn ha, sản lượng cả năm ước đạt hơn 54,7 nghìn tấn; táo mèo hơn 12,8 nghìn ha, sản lượng cả năm ước đạt hơn 33,3 nghìn tấn...
Đến thời điểm này, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) đã cấp 181 mã số vùng trồng với tổng diện tích hơn 4,7 nghìn ha cây ăn quả và 37 cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu. Trong đó, tổng số mã vùng trồng cây ăn quả xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc là 130 mã với hơn 4,2 nghìn ha; mã số vùng trồng cây ăn quả được cấp để xuất khẩu sang thị trường Úc, Mỹ là 51 mã với 430 ha.