Cán bộ ủy nhiệm thu phát thông báo và thu thuế khoán cho một hộ kinh doanh ở phường Ea Tam, TP. Buôn Ma Thuột
Ngành Thuế tỉnh Đắk Lắk hiện đang quản lý thuế đối với 36.000 cá nhân nhân kinh doanh (tăng gần 3.340 cá nhân so với năm 2019), tương ứng với số thuế phát sinh gần 18,5 tỷ đồng/tháng (tăng khoảng 1,6 tỷ đồng/tháng). Số tiền thuế thu từ hộ cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán chiếm khoảng 5% tỷ trọng tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn.
Đặc thù của hộ cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán là có địa bàn phân tán rộng; hoạt động kinh doanh đa dạng, bao quát nhiều ngành nghề nhưng lại có quy mô nhỏ lẻ, hầu hết không thực hiện chế độ kế toán, hóa đơn, chứng từ... Trong khi đó, số lượng công chức thuế trực tiếp quản lý hộ cá nhân kinh doanh tại các đội thuế liên xã, phường, thị trấn chưa đáp ứng yêu cầu đã gây nhiều khó khăn trong quản lý thu thuế. Do đó, sự phối hợp giữa ngành Thuế và Bưu điện triển khai ủy nhiệm thu thuế qua Bưu điện đã góp phần giảm áp lực cho ngành Thuế.
Ông Lê Anh Tuấn, Phó Giám đốc Bưu điện tỉnh cho biết, nhiệm vụ thu thuế được đơn vị đốc thúc thường xuyên, giao chỉ tiêu hằng ngày, hằng tuần cho từng bưu điện trực thuộc; bưu điện huyện lại giao chỉ tiêu thu hằng ngày cho từng cán bộ ủy nhiệm thu. Để quản lý chặt chẽ hoạt động thu thuế, toàn ngành tổng kết kết quả thu vào cuối ngày và giao chỉ tiêu thu ngày hôm sau cho từng đơn vị, cá nhân theo phân cấp.
Với sự nỗ lực của ngành Thuế và Bưu điện, hoạt động ủy nhiệm thu thuế đang dần đi vào ổn định. Năm 2019 ngành Bưu điện đã thực hiện thu hơn 268 tỷ đồng tiền thuế phát sinh từ các cá nhân kinh doanh nộp thuế khoán trên địa bàn, đạt 100% số thuế phát sinh phải thu. Có 12/15 địa bàn huyện, thị xã và thành phố có kết quả ủy nhiệm thu thuế khoán đạt từ 100% trở lên so với số thuế phát sinh giao thu, tăng 68,4 tỷ đồng so với năm 2018. Tổng nợ thuế khoán trên địa bàn tính đến hết năm 2019 giảm 5,4 tỷ đồng so với năm 2018. Riêng từ đầu năm đến nay, Bưu điện tỉnh đã thu hơn 79 tỷ đồng tiền thuế, trong đó thuế môn bài hơn 9,2 tỷ đồng, thuế phát sinh tháng 1 gần 27 tỷ đồng, thuế phát sinh tháng 2 gần 21,3 tỷ đồng, thuế phát sinh tháng 3 gần 21,6 tỷ đồng.
Không chỉ giảm áp lực cho ngành Thuế, góp phần quản lý thuế được tốt hơn, việc ủy nhiệm thu thuế qua Bưu điện còn tạo nhiều thuận lợi cho người nộp thuế khi thực hiện nghĩa vụ của mình với Nhà nước. Bà Hồ Thị Lương Viên, hộ kinh doanh vật liệu xây dựng trên đường Hùng Vương (phường Tự An, TP. Buôn Ma Thuột) hơn 10 năm nay cho biết, do đặc thù địa điểm kinh doanh và nhu cầu thị trường nên vài năm trở lại đây gia đình không thuê người làm, hằng tháng bà phải trực tiếp lên cơ quan thuế nộp thuế, có lúc phải đóng cửa hàng.
Nhưng nay có phương án ủy nhiệm thu, bà chỉ ở nhà làm việc vẫn đóng được thuế hằng tháng khi cán bộ Bưu điện đến cửa hàng phát thông báo thuế.
Tương tự, bà Lê Thị Huyền Châu, chủ một hộ kinh doanh tạp hóa cũng trú phường Tự An cho biết, từ khi ngành Thuế thực hiện chủ trương ủy nhiệm thu thuế qua Bưu điện thì gia đình bà không còn phải đến trụ sở cơ quan thuế để nộp như trước đây. Đến kỳ nộp thuế sẽ có nhân viên Bưu điện đến tận nhà gửi thông báo và thu thuế theo quy định. Nhờ đó, bản thân những người nộp thuế khoán như bà đã giảm được thời gian, chi phí, không còn tình trạng chậm nộp thuế như trước.
Theo đánh giá của ngành Thuế, ủy nhiệm thu thuế qua Bưu điện đối với hộ cá nhân kinh doanh là một trong những hoạt động góp phần đẩy nhanh lộ trình cải cách hành chính thuế; giảm thiểu sự tiếp xúc trực tiếp giữa công chức thuế với người nộp thuế, tránh các rủi ro, tiêu cực phát sinh. Đồng thời, đẩy nhanh thực hiện xã hội hóa các dịch vụ công, tiết kiệm chi phí thông qua việc tận dụng hệ thống công nghệ thông tin, hệ thống cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực sẵn có của ngành Bưu điện. Và hơn hết, ủy nhiệm thu thuế qua Bưu điện đã góp phần gia tăng tiện ích cho người nộp thuế thông qua việc đa dạng hóa hình thức nộp thuế, tiết kiệm thời gian, chi phí cho người nộp thuế.