Đắk Lắk thúc đẩy phong trào chuyển đổi số đến tận thôn, buôn

Thứ tư, 31/05/2023 06:55

Hưởng ứng phong trào thi đua Chuyển đổi số giai đoạn 2023 – 2025 do UBND tỉnh phát động, nhiều địa phương, đơn vị đã có cách làm sáng tạo, hiệu quả, huy động nguồn lực từ thanh niên và doanh nghiệp viễn thông tham gia nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện 3 trụ cột “Chính quyền số - kinh tế số - xã hội số” trên địa bàn tỉnh.

daklak.jpg 

Huy động nhân lực và nguồn lực tại chỗ

Thực hiện chủ đề năm "Chuyển đổi số" các cấp bộ Đoàn thành phố Buôn Ma Thuột cũng đồng loạt ra quân Ngày hoạt động tình nguyện hỗ trợ người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến, và tuyên truyền văn hoá công vụ trong Tháng Thanh niên năm 2023.

Theo chị H’Hương Bkrông, Bí thư Thành Đoàn Buôn Ma Thuột, Đoàn cơ sở Cơ quan chính quyền tổ chức ra quân hoạt động điểm cấp Thành phố hỗ trợ người dân trên địa bàn các đơn vị phường trung tâm. Đến nay, 21/21 xã, phường tổ chức các đội hình ra quân tại địa phương với nhiều hoạt động như: hỗ trợ tư vấn thanh toán điện tử tại các chợ, các hộ kinh doanh; hỗ trợ nộp hồ sơ trực tuyến;... hơn 400 đoàn viên tham gia tại 21 xã, phường.

Tại huyện Cư M’gar, anh Y Wal Mlô, Bí thư Huyện Đoàn Cư M’gar cho hay, Huyện Đoàn thành lập 18 tổ công nghệ số, gồm 167 thành viên, chia nhiệm vụ để thực hiện: Phát tờ rơi tuyên truyền, hỗ trợ nhân viên bưu điện trong việc giới thiệu, hướng dẫn người dân nộp hồ sơ thủ tục hành chính ngành tài nguyên và môi trường qua dịch vụ bưu điện và trực tuyến; giúp đỡ người dân kê khai các tờ khai khi cần thiết. Tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích...Tùy theo đơn vị, sẽ chọn những ngày trong tuần hỗ trợ người dân ở Trung tâm hành chính công, ngoài ra lồng ghép vào ngày thứ 7 tình nguyện, ngày Chủ nhật xanh.

Tại huyện Krông Pắc, bà Ngô Thị Minh Trinh – Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Pắc cho hay, để thực hiện hiệu quả phong trào thi đua “Chuyển đổi số giai đoạn 2022 – 2025”, huyện Krông Pắc đã linh hoạt vận dụng, lồng ghép các giải pháp huy động nhiều nguồn lực xã hội cùng đồng hành, nâng cao nhận thức và kỹ năng ứng dụng công nghệ số của người dân, góp phần xây dựng và phát triển xã hội số rộng khắp từ địa bàn thuận lợi đến các thôn, buôn xa xôi, khó khăn. Từ thời điểm phát động thi đua chuyển đổi số vào ngày 10/10/2022 đến nay, bên cạnh việc đẩy mạnh thành lập và tổ chức tốt hoạt động của 249 tổ chuyển đổi số cộng đồng, các xã trên địa bàn huyện Krông Pắc còn tích cực vận động nhiều đơn vị kết nghĩa tài trợ điểm truy cập Internet công cộng cho các thôn, buôn đồng bào dân tộc thiểu số.

“Trong điều kiện ngân sách còn hạn chế, huyện đã huy động hiệu quả nhiều nguồn lực cùng tham gia phong trào thi đua chuyển đổi số từ những sáng kiến và sự chủ động, tích cực của từng cá nhân, tập thể, người dân, doanh nghiệp. Những nỗ lực ấy đang góp phần thu hẹp khoảng cách số giữa địa bàn thuận lợi với những vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, hiện thực hóa các mục tiêu chuyển đổi số của huyện Krông Pắc đến năm 2025.

Thực hiện Chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích đến năm 2025 của Chính phủ, các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn huyện Krông Pắc đã nhanh chóng triển khai mở rộng hạ tầng Internet băng thông rộng tại 3 xã vùng điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Trong đợt I triển khai chương trình, từ đầu tháng 2 đến đầu tháng 3/2023, hai đơn vị chủ công là Viettel Krông Pắc và VNPT Krông Pắc đã lắp đặt mạng wifi cho khoảng 600 hộ nghèo, hộ cận nghèo đủ điều kiện tham gia”. bà Ngô Thị Minh Trinh chia sẻ.

 Ông Đặng Hữu Đông, Giám đốc Viettel Krông Pắc cho hay, toàn bộ chi phí ban đầu hiện vẫn do doanh nghiệp chủ động bố trí nhằm nỗ lực mang Internet tốc độ cao đến với bà con vùng đặc biệt khó khăn, qua đó góp phần giúp bà con thay đổi cuộc sống bắt đầu những từ đổi thay trong tiếp cận thông tin số hóa.

Đầu tư cho “Dữ liệu số”

Ông Trương Hoài Anh – Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh cho hay, Đắk Lắk phấn đấu chỉ số chuyển đổi số của tỉnh trong nhóm 30/63 tỉnh, thành phố, hướng đến mục tiêu duy trì, triển khai có hiệu quả các dịch vụ đô thị thông minh tại thành phố Buôn Ma Thuột bao gồm các dịch vụ: Giám sát, điều hành kinh tế - xã hội; giám sát an ninh trật tự đô thị và điều hành giao thông; phản ánh hiện trường, giám sát an toàn thông tin mạng, giám sát hệ thống dịch vụ công trực tuyến; giám sát hệ thống quản lý văn bản và điều hành; giám sát thông tin mạng xã hội.

Địa phương thử nghiệm bổ sung các dịch vụ đô thị thông minh thuộc các lĩnh vực: y tế, giáo dục, du lịch và môi trường; đồng thời, nghiên cứu bổ sung các chức năng thông minh như: trí tuệ nhân tạo, kết nối cơ sở dữ liệu các ngành để cung cấp đa dạng thông tin lên các ứng dụng đô thị thông minh cho người dân, doanh nghiệp.

Theo đó, tỉnh đặt mục tiêu phát triển chính quyền số, nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động. Trong đó, phấn đấu 100% dịch vụ công trực tuyến toàn trình đủ điều kiện được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động. 100% văn bản trao đổi giữa các cơ quan Nhà nước được thực hiện dưới dạng điện tử, được ký số bởi chữ ký số chuyên dùng, trừ văn bản mật theo quy định của pháp luật. 95% hồ sơ công việc tại cấp tỉnh, 100% chế độ báo cáo, chỉ tiêu tổng hợp báo cáo định kỳ và báo cáo thống kê về kinh tế - xã hội phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh được kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu số trên Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ...

Hiện toàn tỉnh thành lập gần 1.200 tổ công nghệ số cộng đồng với hơn 7.200 thành viên để hướng dẫn người dân, doanh nghiệp sử dụng các nền tảng số thiết yếu phục vụ người dân và doanh nghiệp; 100% xã, phường, thị trấn trong tỉnh đã được kết nối cáp quang đến trung tâm, phủ sóng điện thoại 2G, 3G, 4G đến thôn, buôn. Hơn 60% người dân sử dụng internet; hơn 57% dân số có điện thoại thông minh…

Thời gian đến, Sở Thông tin và Truyền thông sẽ tập trung bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về công nghệ số, chuyển đổi số cho đội ngũ làm công tác chuyển đổi số của sở ngành, cấp huyện; ưu tiên đảm bảo nguồn lực để thực hiện các hoạt động chuyển đổi số; tích cực xây dựng và tạo lập dữ liệu mở phục vụ người dân, doanh nghiệp khai thác, truy cập, sử dụng, góp phần công khai, minh bạch dữ liệu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh… 

 

banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon
icon

Giới thiệu
Sản phẩm dịch vụ

Nơi giới thiệu những sản phẩm,
dịch vụ tốt nhất dành cho bạn đọc

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Doanh nghiệp

Top