Đại tướng Võ Nguyên Giáp truyền đạt vai trò của thông tin liên lạc

Thứ ba, 08/10/2013 09:28

Người truyền đạt, người thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vai trò của công tác thông tin liên lạc không ai khác chính là Đại tướng Võ Nguyên Giáp – vị tướng tài ba, nhà cách mạng lỗi lạc, người học trò xuất sắc của Người.

img

Đại tướng Võ Nguyên Giáp tiếp đoàn lãnh đạo ngành Bưu chính Viễn thông Việt Nam tới thăm (Ảnh:Trần Tuấn)

Đặt thông tin liên lạc ở vị trí hàng đầu
 
Trong suốt chặng đường hơn 68 năm xây dựng và phát triển, cán bộ công nhân viên ngành Bưu điện luôn khắc sâu lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Việc liên lạc là việc quan trọng bậc nhất trong công tác cách mệnh vì chính nó quyết định sự thống nhất chỉ huy, sự phân phối lực lượng và do đó đảm bảo thắng lợi".
 
Có thể nói, lời căn dặn của Người như một bản tuyên ngôn chắc nịch về vai trò của công tác thông tin liên lạc, từ đó làm kim chỉ nam cho mọi hoạt động của ngành. Và người truyền đạt, người thấm nhuần lời dạy ấy không ai khác chính là Đại tướng Võ Nguyên Giáp – vị tướng tài ba, nhà cách mạng lỗi lạc, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
 
Theo nhà báo Minh Chí – một nhà báo thuộc ngành Bưu điện, lần đầu tiên câu nói trên được nhắc tới trong cuốn sách "Khu Giải phóng" của tác giả Võ Nguyên Giáp do Nhà Xuất bản Cứu Quốc ấn hành tháng 9/1946 để kỷ niệm 1 năm ngày thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Tuy nhiên tới năm 1969 câu nói đó mới thấy được nhắc tới trên báo Nhân dân và một số báo khác. Từ đó đến nay câu nói thường được dẫn mỗi khi chúng ta muốn nói về vai trò quan trọng của thông tin liên lạc.

Năm 2004, dự lễ kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam tại Cao Bằng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp còn nói thêm: “Mặc dầu đến nay, hầu như chúng ta cũng chưa đặt vấn đề xác minh rõ xem Bác đã nói câu này trong bối cảnh cụ thể nào, nhưng có thể nói sau 30 năm bôn ba hoạt động ở nước ngoài khi trở về Tổ quốc thì đây là một trong những chỉ đạo đầu tiên mà vị lãnh tụ kiệt xuất đã dành để truyền đạt tới những người hoạt động trong nước. (Người đặt chân về đất Cao Bằng ngày mồng 2 Tết năm Tân Tỵ (28/1/1941) thì ngày 28/2/1941 Người nói câu trên). Điều đó chứng tỏ vấn đề thông tin liên lạc luôn được đặt ở vị trí "hàng đầu" trong suy nghĩ của Người mà qua bao trải nghiệm, trăn trở suốt quá trình tổ chức và đấu tranh mới đúc kết nên".
 
Trong sự nghiệp hoạt động cách mạng của mình, Đại tướng Võ Nguyên Giáp rất quan tâm và chăm lo đến sự nghiệp thông tin liên lạc theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong cuốn hồi ký "Từ nhân dân mà ra", Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã viết: "Ngay từ khi về biên giới, Bác đã luôn luôn chú trọng vấn đề liên lạc với Trung ương dưới xuôi. Hội nghị Trung ương lần thứ tám quyết định lấy miền rừng núi Việt Bắc để xây dựng căn cứ vũ trang. Sau hội nghị, hai đồng chí Trung ương ở với Bác tại Cao – Bắc – Lạng. Các đồng chí khác trở về miền xuôi để lãnh đạo phong trào. Vấn đề liên lạc giữa Cao Bằng với vùng xuôi trở nên đặc biệt quan trọng. Bác thường nói: "Việc liên lạc là việc quan trọng bậc nhất trong công tác cách mệnh vì chính nó quyết định sự thống nhất chỉ huy, sự phân phối lực lượng và do đó đảm bảo thắng lợi".
 
Trước tình hình phát triển của phong trào cách mạng trong cả nước, Bác thấy ngoài lối liên lạc thường dùng bằng giao thông bí mật, phải cấp tốc tổ chức những con đường quần chúng từ Cao Bằng đi về miền xuôi. Có thế, khi địch khủng bố mới giữ được liên lạc, những hoạt động vũ trang của các đội hoạt động du kích mới có thể tiến hành thuận lợi, và nhất là mới tranh thủ kịp thời cơ biến chuyển tốt, cách mạng có thể tiến lên Tổng khởi nghĩa"...
 
Quan tâm đến nhân lực và khoa học kỹ thuật

Để đáp ứng yêu cầu nhanh chóng của phong trào cách mạng, vấn đề đào tạo cán bộ sử dụng thông tin liên lạc hiện đại đã trở nên cấp bách. Thi hành chỉ thị của Người, chính Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người cho mở lớp đào tạo báo vụ viên tại Tân Trào vào cuối tháng 6 năm 1945. Lớp học có 10 người, ngoài phần dạy nguyên lý, quy tắc chung của máy còn có phần thực hành sử dụng các loại máy SST một đèn phát sóng GN6...
 
Những năm sau khi đất nước hoàn hoàn giải phóng, Đại tướng vẫn giành nhiều thời gian đi thăm và động viên cán bộ công nhân viên ngành Bưu điện vượt qua khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Trong chuyến thăm Trường Công nhân Bưu điện 1, ngày 20/12/1981, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã từng căn dặn: "Mong các đồng chí giáo viên, học sinh, công nhân ra sức phấn đấu, thực hiện tốt phương châm kết hợp giảng dạy, học tập nghiên cứu khoa học với lao động sản xuất theo ngành nghề. Chăm lo hơn nữa đời sống vật chất và tinh thần của các em học sinh, của cán bộ và công nhân viên nhà trường. Chúc các đồng chí tăng cường đoàn kết nội bộ, đoàn kết với các trường dạy nghề khá, với địa phương, phấn đấu trở thành trường đầu đàn của ngành, một trong những trường kiểu mẫu của toàn ngành dạy nghề quan trọng của nước ta".
 
Năm 1986, Đại tướng cũng dành thời gian đến thăm và làm việc với ngành Bưu điện; Dự buổi truyền teletype trên tuyến cáp quan thử nghiệm; Đến thăm Bưu điện Hà Nội năm 1990; Thăm và tìm hiểu về đổi mới khoa học công nghệ viễn thông tại Bưu điện Nghệ An năm 1993; Thăm tổng đài đa dịch vụ của Cục Bưu điện Trung ương tại T78, TP HCM vào ngày 22/10/1996. Năm 1997, Đại tướng đã đến thăm VDC II và thăm gian trưng bày kết quả đề tài Kc-01-01 của Viện Khoa học Kỹ thuật Bưu điện.
 
img
 
Thứ trưởng Bộ TT&TT Đỗ Quý Doãn trao tặng cuốn sách ảnh “Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp”
cho bà Đặng Bích Hà - Phu nhân Đại tướng

Ngày 6/11/1997, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng đến dự Hội thảo Lịch sử Cục Bưu điện Trung ương. Trong bức thư gửi Hội thảo, Đại tướng đã nói: "Là một hệ thống thông tin liên lạc mật phục vụ Đảng và Chính phủ trên phạm vi cả nước trong công cuộc cách mạng và qua 2 cuộc kháng chiến chống đế quốc xâm lược nước ta, đơn vị thông tin liên lạc mật đã vượt qua nhiều khó khăn gian khổ, chịu đựng hy sinh, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Đơn vị đã cùng ngành thông tin quân sự liên hệ mật thiết, phối hợp chặt chẽ, phục vụ có hiệu quả cao cho các chiến trường và các địa phương. Ngày nay trong công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa và hiện đạt hóa đất nước, công tác thông tin liên lạc phục vụ Đảng và nhà nước cần được phát triển cả về số lượng và chất lượng, đội ngũ các anh chị em cán bộ và công nhân phải nêu cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm, nắm vững khoa học kỹ thuật tiên tiến, không ngừng phấn đấu hoàn thành mọi nhiệm vụ, phục vụ tốt các yêu cầu thông tin phục vụ Đảng và Nhà nước".
 
Cả cuộc đời hoạt động cách mạng vì nước, vì dân, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã ra đi, nhưng với người dân Việt Nam nói chung và mỗi cán bộ công nhân viên ngành Bưu điện, ngành Thông tin và Truyền thông nói riêng, tư tưởng của Đại tướng sẽ mãi mãi bất diệt.
 
 
Ngày 30/09/2011, Bộ Thông tin và Truyền thông đã trao tặng cho gia đình Đại tướng Võ Nguyên Giáp cuốn sách ảnh “Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp” - Sách do Cục Thông tin đối ngoại và Nhà Xuất bản Thông tin và Truyền thông phối hợp thực hiện. Đây là hoạt động chào mừng nhân dịp kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp (25/8/1911 – 25/8/2011), kỷ niệm 66 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9.
 
Từ 300 bức ảnh trong cuốn sách này, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã tổ chức triển lãm trưng bày giới thiệu với công chúng và bạn đọc. Tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Đỗ Quý Doãn chia sẻ, cuốn sách này được xem là kỷ vật của Bộ Thông tin và Truyền thông trao tặng cho gia đình làm kỷ niệm với mong muốn Đại tướng sẽ trường thọ và luôn luôn là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam.
 
Huệ Anh
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Doanh nghiệp

Top