Đài PTTH Lào Cai và UBND huyện Bắc Hà đã ký kết chương trình hợp tác truyền thông giai đoạn 2021 - 2025.
*PV: Xin bà cho biết việc sớm áp dụng cơ chế đặt hàng thông tin tuyên truyền theo tinh thần chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã tạo nên sức bật mới cho Đài PTTH Lào Cai phát triển?
Bà Nguyễn Thị Hải Anh: Thực hiện Nghị định số 16/2015/NĐ-CP của Chính phủ, từ năm 2018, tỉnh đã thực hiện việc đặt hàng thông tin tuyên truyền đối với Đài PTTH Lào Cai. Do thời điểm đó, Bộ TT&TT chưa ban hành đầy đủ các bộ định mức làm căn cứ để tỉnh ban hành bộ định mức và đơn giá của địa phương, nên trong 02 năm đầu, việc đặt hàng được thực hiện trên cơ sở bộ định mức và đơn giá tạm thời xây dựng theo quy định tại Quyết định số 382/QĐ-BTTTT ngày 21/3/2011 của Bộ TT&TT về việc ban hành đơn giá hỗ trợ sản xuất mới các chương trình truyền hình sử dụng ngân sách nhà nước.
Trong giai đoạn đầu, việc đặt hàng thông tin tuyên truyền cũng chưa được tiến hành đầy đủ cho tất cả các nhiệm vụ thông tin tuyên truyền thiết yếu do Đài thực hiện, kinh phí đặt hàng mới chỉ đảm bảo được các chi phí sản xuất chương trình; các chi phí khác như tiền điện, thuê kênh vệ tinh và truyền dẫn phát sóng và một số chi phí khác vẫn được ngân sách cấp phát trực tiếp.
Đến năm 2020, dựa trên cơ sở các văn bản như: Nghị định 16/2015/NĐ-CP về cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập; Nghị định số 32/2019/NĐ-CP về cơ chế giao nhiệm vụ, đặt hàng, đấu thầu dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước; Thông tư số 03/2018/TT-BTTTT ngày 20/4/2018 và Thông tư số 09/2020/TT-BTTT ngày 24/4/2020 của Bộ TT&TT ban hành các bộ định mức kinh tế - kỹ thuật sản xuất chương trình phát thanh, truyền hình, UBND tỉnh Lào Cai đã quyết định chuyển đổi hoàn toàn từ cơ chế giao nhiệm vụ, cấp phát ngân sách cho Đài sang cơ chế đặt hàng Đài cung ứng dịch vụ thông tin, tuyên truyền thiết yếu. UBND tỉnh đã ban hành các văn bản là hành lang pháp lý cho thực hiện đặt hàng như: quyết định phê duyệt danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước trong lĩnh vực phát thanh, truyền hình; ban hành bộ định mức kinh tế - kỹ thuật sản xuất chương trình phát thanh - truyền hình; bộ đơn giá sản xuất, phát sóng và đăng tải lên internet chương trình phát thanh, truyền hình, truyền thông đa nền tàng của Đài PT-TH Lào Cai; ban hành văn bản quy định về tiêu chuẩn, tiêu chí và quản lý đặt hàng thông tin, tuyên truyền đối với Đài PTTH,…
Cuối năm 2021, trên cơ sở Nghị định 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 của Chính phủ về cơ chế tự chủ tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập; Thông tư số 18/2021/TT-BTTTT của Bộ TT&TT, UBND tỉnh Lào Cai đã chỉ đạo rà soát và điều chỉnh các văn bản cho phù hợp điều kiện thực tiễn công tác thông tin, tuyên truyền trên địa bàn tỉnh Lào Cai. Trên cơ sở đó, Đài PTTH Lào Cai cũng rà soát, bổ sung, điều chỉnh các quy định, quy chế nội bộ và Phương án tự chủ tài chính, triển khai xây dựng Đề án sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê và liên doanh liên kết theo hướng mới.
*PV: Bà có thể chia sẻ kinh nghiệm của Đài PTTH Lào Cai trong chuyển đổi cơ chế đặt hàng thông tin tuyên truyền?
Bà Nguyễn Thị Hải Anh: Quá trình chuyển đổi cơ chế đặt hàng thông tin tuyên truyền thực tế đã rút ra 04 bài học kinh nghiệm.
Một là, việc chuyển đổi sang cơ chế đặt hàng đã thành công do Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh quyết tâm thực hiện và có sự ủng hộ cao, thường xuyên quan tâm, lắng nghe và giúp đỡ Đài vượt qua những khó khăn trong quá trình chuyển đổi. UBND tỉnh cũng quyết định thành lập Tổ công tác liên ngành để xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật, đơn giá dịch vụ thông tin tuyên truyền và quy định về tiêu chuẩn, tiêu chí và quản lý đặt hàng thông tin, tuyên truyền.
Hai là, các ngành liên quan của địa phương, nhất là Sở Tài chính, Sở TT&TT đã hướng dẫn, phối hợp chặt chẽ với Đài trong quá trình xây dựng chính sách. Chỉ riêng năm 2020, trong quá trình hoàn thiện chính sách của tỉnh đặt hàng đối với Đài, lãnh đạo 03 cơ quan (gồm Sở Tài chính, Sở TT&TT, Đài PTTH) đã có gần 20 cuộc hội thảo, bàn về mọi khía cạnh, vấn đề có thể phát sinh khi chuyển đổi. Các văn bản quy định về việc đặt hàng đối với Đài đều được thẩm định chặt chẽ, cơ sở pháp lý vững vàng, sát với thực tiễn hoạt động.
Ba là, Đài PTTH Lào Cai đã chủ động nghiên cứu các văn bản chính sách, pháp luật; chủ động dự thảo và đề xuất các văn bản thực hiện cơ chế tự chủ tài chính để các ngành thẩm định, trình UBND tỉnh ban hành. Trong đó, khi xây dựng phương án giá chúng tôi phải tính toán đầy đủ các yếu tố cấu thành giá, bao gồm truyền dẫn phát sóng và các chi phí hợp lý khác...
Bốn là, trong quá trình chuyển đổi sang cơ chế đặt hàng, chúng tôi cố gắng làm tốt công tác tư tưởng đối với đội ngũ quản lý và người lao động của Đài. Mặt khác phải giúp người lao động thấy rõ đây là cơ hội để đổi mới hoạt động và nội dung của tờ báo; chấp nhận sự kiểm tra, giám sát của bên đặt hàng trên cơ sở quy định của Luật Báo chí, hợp đồng đặt hàng và các văn bản quy định pháp luật có liên quan; hình thành tâm thế và nền nếp tư duy, nền nếp làm việc của người vừa làm công tác thông tin tuyên truyền của Đảng bộ, chính quyền địa phương vừa cung cấp dịch vụ công cho xã hội.
*PV: Sau khi chuyển đổi sang cơ chế đặt hàng tuyên truyền, hoạt động của Đài PTTH Lào Cai đã có sự thay đổi như thế nào về nội dung, chất lượng các kênh phát thanh, truyền hình?
Bà Nguyễn Thị Hải Anh: Kết quả của việc chuyển đổi sang cơ chế đặt hàng tuyên truyền đem lại nhiều khởi sắc trong hoạt động của Đài PTTH Lào Cai. Nội dung, chất lượng các kênh PTTH của Đài được nâng lên. Mặc dù kinh phí đặt hàng được tính theo thời lượng, nhưng Đài PTTH Lào Cai đã loại bỏ được tâm lý "câu giờ", "đo phút tính tiền", Đài đã xây dựng lại fomat các chương trình thời sự, trong đó hạ thời lượng tin, bài thời sự xuống còn ½ so với trước đây - tin còn từ 45 giây đến 1 phút; phóng sự ngắn thời sự còn từ 2 đến 2,5 phút, ghi nhanh còn 1,5 đến 2 phút; đã xây dựng kết cấu chương trình theo đúng quy định của Bộ TT&TT. Đài PTTH Lào Cai cũng đã xây dựng lại toàn bộ khung chương trình phát thanh, truyền hình để đáp ứng tốt hơn nhu cầu nghe, xem của khán thính giả, đồng thời đẩy mạnh việc đăng tải trên các nền tảng internet để mở rộng đối tượng thông tin, tuyên truyền.
Trụ sở Đài PTTH Lào Cai.
Từ 01/01/2021, Đài PTTH Lào Cai đã thành lập, duy trì được hoạt động hàng ngày của Hội đồng biên tập. Hội đồng thực hiện định hướng và phê duyệt đề tài; điều phối mọi thông tin trên các kênh phát thanh, truyền hình và hạ tầng thông tin điện tử, dần hướng tới mô hình toà soạn hội tụ, tận dụng tối đa tài nguyên thông tin để tạo hiệu ứng truyền thông đồng bộ và rộng hơn.
Bên cạnh đó, trong 02 năm qua, Đài PTTH Lào Cai đã tổ chức được 12 khóa bồi dưỡng kỹ năng và kỹ năng nâng cao cho hơn 200 lượt phóng viên, biên tập viên, quay phim và anh chị em làm công tác kỹ thuật để đảm bảo anh chị em thực hiện tốt hơn nhiệm vụ theo yêu cầu đổi mới.
Đời sống của người lao động sau khi chuyển sang đặt hàng tuyên truyền cũng được nâng lên, thu nhập ngoài lương như nhuận bút, thù lao, thu nhập tăng lên hơn 2 lần so với năm 2017.
Đặc biệt, sau khi tự chủ hoàn toàn về chi thường xuyên, theo quy định của Chính phủ tại Nghị định 106/2020/NĐ-CP và Nghị định 120/2020/NĐ-CP, Đài PTTH Lào Cai cũng được tự chủ ở mức cao về xây dựng vị trí việc làm và số người làm việc; về tổ chức bộ máy và thực hiện nhiệm vụ; không còn phải xin biên chế, không phải chuyển người lao động hợp đồng thực hiện công việc chuyên môn thành cộng tác viên...
Đối với các chương trình đặt hàng của tỉnh, Đài cũng được chủ động trong phương án thực hiện, phương án tài chính theo các quy chế nội bộ, không phải lập và phê duyệt dự toán, quyết toán cho từng nhiệm vụ như trước đây. Ngoài các chương trình đặt hàng, Đài cũng được chủ động hoàn toàn trong việc sản xuất và phát sóng các chương trình có khả năng thu hút nguồn thu hay tăng tính hấp dẫn cho kênh. Với định mức kỹ thuật và đơn giá do UBND tỉnh ban hành, Đài PTTH Lào Cai đã ký kết hợp tác truyền thông với các huyện, thành phố, thị xã trong tỉnh và một số cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh để gia tăng nguồn thu dịch vụ của Đài.
*PV: Theo bà, việc thực hiện tự chủ tài chính thông qua cơ chế đặt hàng vừa là động lực, thậm chí là sức ép cần thiết để phá băng sự xơ cứng trong hoạt động của Đài?
Bà Nguyễn Thị Hải Anh: Là một trong những Đài đã tự bảo đảm toàn bộ chi thường xuyên và một phần chi đầu tư thông qua chuyển sang cơ chế đặt hàng thông tin tuyên truyền, chúng tôi hiểu rằng áp dụng việc đặt hàng không phải là chìa khoá vạn năng, nhưng là động lực, là cơ hội quan trọng, thậm chí là sức ép cần thiết để phá băng sự xơ cứng trong hoạt động của đơn vị. Đây cũng là cơ sở ban đầu để Đài PTTH Lào Cai nâng cao năng lực cạnh tranh, hướng tới việc tham gia chỉ định thầu, đấu thầu các dự án truyền thông không sử dụng ngân sách nhà nước.
Cùng với việc thực hiện cơ chế đặt hàng, chúng tôi cũng đã xây dựng và tham mưu cho UBND tỉnh phê duyệt “Đề án nâng cao năng lực hoạt động của Đài PTTH Lào Cai giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn 2030” với mục tiêu Đài PTTH tỉnh Lào Cai sẽ trở thành đơn vị tự chủ hoàn toàn về chi thường xuyên và chi đầu tư, trong khi vẫn đảm nhiệm tốt vị trí, chức năng là đơn vị thông tin tuyên truyền chủ chốt của địa phương.