*PV: Xin bà cho biết kế hoạch tổ chức và trưng bày Ngày Sách Việt Nam năm 2014 tại Thư viện Quốc gia Việt Nam đến thời điểm này như thế nào?
*Bà Phan Thị Kim Dung: Hưởng ứng Ngày Sách Việt Nam năm nay và Ngày Sách và Bản quyền Thế giới 23/4 hàng năm; Thư viện Quốc gia Việt Nam đã được lãnh đạo Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch phê duyệt, Thư viện Quốc gia Việt Nam phối hợp cùng các cơ quan gồm: Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh - Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Hội Nhà văn, Hội Xuất bản, Hội Thư viện, các cơ quan xuất bản, phát hành, các thư viện, các trường đại học, trung học phổ thông, trung học cơ sở, tiểu học, các đơn vị, cá nhân tổ chức Ngày Hội Sách năm 2014 với chủ đề “Sách - Từ quá khứ đến đương đại”.
Cho đến thời điểm này, mọi công việc cho Ngày Hội Sách đã sẵn sàng từ khâu khánh tiết cho đến việc bố trí các gian hàng, sảnh trưng bày sách quý hiếm của Thư viện Quốc gia Việt Nam qua các thời kỳ, các hoạt động của ngày hội.... Tham gia Ngày Sách Việt Nam năm nay có 28 gian hàng trưng bày, bán giá ưu đãi, ký tặng của tác giả, hàng nghìn sách tặng của các nhà xuất bản, đơn vị phát hành sách, nhà sách trên phạm vi toàn quốc tới các thư viện vùng sâu, vùng xa. Nhân Ngày hội Sách Việt Nam 2014, Thư viện Quốc gia Việt Nam sẽ trưng bày khoảng 1.000 tư liệu: “Sách - Từ quá khứ đến đương đại”, đồng thời, gửi tặng hơn 20.000 bản sách của thư viện đến: 23 thư viện tỉnh, thành phố tới các thư viện vùng sâu, vùng xa (500 bản/đơn vị); và 20 trường trung học cơ sở, tiểu học, Trung tâm huấn luyện bóng đá (200 - 500 bản/trường). Cũng trong dịp này, chúng tôi đã tiếp nhận 3.850 bản sách tiếng Anh, các giải thưởng cho các cháu thiếu nhi tham gia hoạt động của ngày hội từ Quỹ châu Á tặng cho một số trường tiểu học và trung học cơ sở trên địa bàn Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Đặc biệt, mảng sách tặng của các doanh nghiệp, nhà văn, nhà thơ, các nhà nghiên cứu, các nhà khoa học, các nhà quản lý, cá nhân tặng sách cho 63 thư viện trên cả nước. Ngày Sách Việt Nam 21/4 sẽ có sự tham gia của các Đại sứ quán, tổ chức quốc tế tại Hà Nội.
Giám đốc Thư viện Quốc gia Việt Nam Phan Thị Kim Dung
*PV: Theo bà đâu là điểm nhấn tại Triển lãm Ngày hội ”Sách - Từ quá khứ đến đương đại” lần này?
*Bà Phan Thị Kim Dung: Điểm nhấn của Ngày Hội Sách là Triển lãm tư liệu “Sách - Từ quá khứ đến đương đại” giới thiệu lịch sử tư liệu Việt Nam được viết tay trên lá cây, in, khắc trên đá, gỗ, đồng, các sách in, sách đạt giải thưởng sách, giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Xuất bản Việt Nam. Đặc biệt trong dịp này, Thư viện Quốc gia Việt Nam ra mắt cuốn sách được mô phỏng nguyên mẫu từ bản gốc bằng đồng, 18 trang, khắc chữ Nôm - nội dung ghi lại lời tựa bài Ngự chế do vua Minh Mạng viết trong tiết Nguyên đán tháng Giêng năm Minh Mệnh thứ IV - 1824 về dòng họ Nguyễn hoàng tộc, sửa và bổ sung ngày 7 tháng 12 năm Tự Đức thứ XIII - 1860. Bộ sách quý này đang được lưu tàng tại Thư viện Bang Bavaria - Công hòa Liên bang Đức, Viện Goethe Việt Nam sẽ tài trợ cho Thư viện Quốc gia Việt Nam sao và phục chế nguyên mẫu từ bản gốc. Bên cạnh đó, triển lãm còn trưng bày các tác phẩm của Lê Quý Đôn: Phủ biên tạp lục; Lương Văn Can: Kim cổ cách ngôn, Thương học phương châm...
*PV: Được biết, Ngày Sách Việt Nam năm 2014 sẽ có nhiều điểm mới khác với 8 lần tổ chức trước. Bà có thể cho biết cụ thể hơn về những hoạt động này?
*Bà Phan Thị Kim Dung: Từ năm 2006, sau 8 năm triển khai thành công tại Thư viện Quốc gia Việt Nam, đến nay Ngày hội Sách đã trở thành một hoạt động kiểu mẫu được nhân rộng ở các thư viện trên toàn quốc, góp phần tích cực cổ vũ việc đọc sách trong cộng đồng xã hội.
Ngày Sách Việt Nam 21/4 với 8 hoạt động chính gồm: Thăm quan triển lãm tư liệu “Sách - Từ quá khứ đến đương đại”; Tọa đàm, giao lưu tác giả, tác phẩm; Thi nhận diện nhân vật, tác giả, tác phẩm; Thi kể chuyện sách thiếu nhi (bằng tiếng Việt, tiếng Anh); Thi vẽ tranh theo sách; Game show vui nhộn với những câu đố vui dí dỏm; Tiếp nhận và chia sẻ sách tài trợ của các cơ quan, tổ chức, nhà sách, nhà xuất bản, cá nhân; Mua sách giá ưu đãi và nhận quà tặng có ý nghĩa từ Ban tổ chức...
Đến với Ngày hội Sách, bạn đọc có cơ hội giao lưu, gặp gỡ, trao đổi, tiếp xúc với các tác giả, nhà phê bình văn học, nhà sử học như: GS Sử học Lê Văn Lan, GS. Nhà nghiên cứu lý luận, phê bình văn học Phong Lê, Nhà Sử học Dương Trung Quốc, Nhà văn Chu Lai, Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, Nguyễn Kiểm - Phó Chủ tịch Hội Xuất bản, TS. Giáo dục Nguyễn Thụy Anh, Nhà thơ, nhà báo Hữu Việt, Nhà báo Nguyễn Phương Vũ cùng đại diện các Nhà xuất bản Kim Đồng, Nhà xuất bản Trẻ với những tác phẩm kinh điển như Phủ biên tạp lục, Kim cổ cách ngôn, Thương học phương châm, Ký ức người lính, Dế mèn phiêu lưu ký, Bách khoa thư ngành nghề, Bộ sách lịch sử, văn hoá, giáo dục bằng tranh Việt Nam và những tác phẩm mang hơi thở cuộc sống hiện tại như Chúc một ngày tốt lành, Đảo,….. mang ý nghĩa xã hội và giáo dục cao.
*PV: Việc Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định công nhận Ngày Sách Việt Nam có ý nghĩa như thế nào đối với những người làm sách, giới sưu tầm, nghiên cứu và thư viện..., thưa bà?
*Bà Phan Thị Kim Dung: Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định chọn ngày 21/4 hàng năm là Ngày Sách Việt Nam rất có ý nghĩa và là niềm vinh dự lớn lao của những người làm nghề sưu tầm, tuyển chọn, sáng tác, dịch giả, xuất bản, in, phát hành, thư viện Việt Nam và người đọc. Thông qua hoạt động này góp phần phát triển nhu cầu đọc sách, hướng tới một xã hội học tập, tạo nét đẹp văn hóa trong đời sống xã hội; nhấn mạnh vai trò quan trọng và đề cao giá trị của sách, xây dựng môi trường đọc và học trong cộng đồng; tôn vinh những người tham gia sưu tầm, nghiên cứu, sáng tác, xuất bản, in, phát hành, lưu giữ và quảng bá sách; thực thi và bảo hộ quyền tác giả, vai trò của thư viện - môi trường học tập suốt đời của công chúng trong và ngoài nước. Đồng thời nâng cao trách nhiệm của các cấp, ngành, cơ quan chức năng, tổ chức xã hội, đội ngũ người viết sách, tham gia hoạt động xuất bản, in và phát hành sách.
*PV: Trân trọng cảm ơn bà./.