“Đa phần người dùng thiết bị IoT còn ít quan tâm đến an toàn, an ninh của thiết bị”

Thứ bảy, 26/09/2020 14:25

Nhận định các sự cố mất an toàn thông tin từ camera giám sát không phải là vấn đề mới, Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin Nguyễn Khắc Lịch cũng cho biết, đa phần người dùng các thiết bị IoT còn ít quan tâm đến vấn đề an toàn, an ninh thông tin của thiết bị.

2020811-u12.jpg 

 
Các sự cố lộ lọt thông tin, dữ liệu qua các thiết bị IoT, cụ thể là hệ thống camera giám sát thời gian gần đây đã dấy lên mối lo ngại cho không chỉ với người dùng cá nhân mà cả các cơ quan nhà nước, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy mạnh xây dựng Chính phủ điện tử, đô thị thông minh.
Trên thực tế, thời gian gần đây, triển khai xây dựng đô thị thông minh, nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước đã và đang đầu tư, trang bị và đưa vào sử dụng các hệ thống camera giám sát phục vụ nhu cầu đảm bảo an ninh trật tự, theo dõi và xử lý vi phạm giao thông… Và song hành với đó, về lý thuyết, điều này làm gia tăng nguy cơ mất an toàn, an ninh mạng.
 
 
Để hiểu rõ hơn về công tác đảm bảo an toàn cho các hệ thống phục vụ Chính phủ điện tử, đô thị thông minh cũng như các biện pháp hữu hiệu giúp các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dùng bảo vệ an toàn tài sản thông tin, dữ liệu, trong ngày đầu tiên của năm mới 2020, ICTnews đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Khắc Lịch, Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin, Bộ TT&TT:
Xin ông cho biết, các hệ thống thông tin, phần mềm ứng dụng phục vụ Chính phủ điện tử, đô thị thông minh khi đưa vận hành có phải đáp ứng yêu cầu gì về bảo đảm an toàn thông tin không?
Với các hệ thống thông tin phục vụ Chính phủ điện tử, đô thị thông minh, Cục An toàn thông tin luôn đưa ra các yêu cầu, khuyến nghị và hướng dẫn triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn thông tin theo chức năng nhiệm vụ.
 
Một số quy định pháp luật về việc bảo đảm an toàn thông tin có thể kể đến nhưLuật An toàn thông tin mạng, Nghị định 85 ngày 1/7/2016 của Chính phủvề bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ, hoặc chi tiết hơn là Thông tư 03 ngày 24/4/2017 của Bộ TT&TT quy định chi tiết và hướng dẫn một số điều của Nghị định 85. Trong Thông tư 03, Bộ TT&TT đã đưa ra các yêu cầu cơ bản để đảm bảo an toàn hệ thống thông tin theo từng cấp độ.
 
Bên cạnh đó, để triển khai bảo đảm an toàn thông tin cho các hệ thống thông tin phục vụ Chính phủ điện tử, trong năm 2019, Bộ TT&TT đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 14 ngày 7/6/2019 về việc tăng cường bảo đảm an toàn, an ninh mạng nhằm cải thiện chỉ số xếp hạng của Việt Nam.
 
Cục An toàn thông tin cũng đã xây dựng, ban hành hoặc trình Bộ TT&TT ban hành văn bản chuyên môn hướng dẫn công tác bảo đảm an toàn thông tin mạng phục vụ Chính phủ điện tử như công văn 1694 ngày 31/5/2019 hướng dẫn yêu cầu an toàn thông tin cơ bản đối với hệ thống thông tin kết nối vào mạng Truyền số liệu chuyên dùng; công văn 713 ngày 25/7/2019 hướng dẫn xác định và thực thi bảo vệ hệ thống thông tin theo cấp độ; công văn 3001 ngày 6/9/2019 hướng dẫn bảo đảm an toàn thông tin cho hệ thống quản lý văn bản và điều hành; và công văn 2973 ngày 4/9/2019 hướng dẫn triển khai hoạt động giám sát an toàn thông tin trong cơ quan, tổ chức nhà nước.
 
Theo đánh giá của các chuyên gia, tại Việt Nam tình trạng lộ lọt thông tin, dữ liệu qua camera khá phổ biến và nguyên nhân chủ yếu là do ý thức của người dùng. Ông nghĩ sao về nhận định này?
Các sự cố mất an toàn thông tin từ các camera giám sát trong thời gian gần đây không phải là vấn đề mới. Nguyên nhân gây ra các lỗ hổng bảo mật ở các thiết bị này bao gồm cả yếu tố chủ quan và cả khách quan.
 
Trong đó, về phía nhà cung cấp thiết bị, các thiết bị IoT nói chung và camera giám sát nói riêng thường chỉ tập trung về mặt tính năng, chứ không chú trọng đến các biện pháp bảo đảm an toàn thông tin cho thiết bị. Nhiều thiết bị thậm chí còn bỏ qua các yêu cầu về bảo mật, mã hóa dữ liệu khi sử dụng hoặc có cơ chế cập nhật, vá lỗi rất hạn chế.
 
Còn về phía người dùng, đa phần người sử dụng các thiết bị IoT ít quan tâm đến vấn đề an toàn, an ninh thông tin của thiết bị, vẫn sử dụng các mật khẩu mặc định khi lắp đặt tại gia đình. Những thói
quen này khiến các thiết bị IoT có nguy cơ bị tấn công, truy cập trái phép, chiếm quyền điều khiển, nghe trộm, xem trộm đối với các thiết bị IoT có tính năng nghe, nhìn.
 

 

 

 
 
Vậy trong kỷ nguyên số, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dùng cần lưu ý những gì để có thể bảo vệ tài sản số, thưa ông?
 
Cần nhấn mạnh rằng trong thời đại số, thông tin chính là tài sản vô cùng quý giá đối với các tổ chức, cá nhân. Cục An toàn thông tin khuyến nghị các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân cần áp dụng áp dụng một biện pháp để bảo vệ các tài sản này.
 
Cụ thể, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cần trang bị đầy đủ các giải pháp bảo mật bảo đảm an toàn cho hệ thống thông tin của mình. Có thể thuê dịch vụ từ các công ty cung cấp những giải pháp bảo đảm an toàn thông tin chuyên nghiệp.
 
Cùng với đó, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cũng cần chú trọng công tác đào tạo, tuyên truyền, nâng cao nhận thức và kỹ năng bảo đảm an toàn thông tin cho các cán bộ, nhân viên trong đơn vị mình. Đồng thời, có đầu mối để liên hệ với các cơ quan chức năng về an toàn, an ninh mạng trong trường hợp cần hướng dẫn, hỗ trợ xử lý các vấn đề liên quan.
 
Đối với người sử dụng, chúng tôi khuyến nghị họ cân nhắc đầu tư, mua sắm thiết bị IoT từ các nguồn tin cậy, rõ nguồn gốc, xuất xứ và khả năng đáp ứng an toàn thông tin. Không sử dụng các cấu hình mặc định của thiết bị IoT như mật khẩu mặc định, cổng kết nối mặc định…
 
Người dùng cũng cần hạn chế cung cấp, chia sẻ các thông tin cá nhân hay lưu trữ dữ liệu, đặc biệt là dữ liệu quan trọng, nhạy cảm khi sử dụng các dịch vụ mạng xã hội, lưu trữ trực tuyến. Tự tìm hiểu và trang bị các kỹ năng cơ bản để tự bảo đảm an toàn thông tin cho chính mình.
 
Với việc sử dụng camera giám sát, xin ông cho biết các tổ chức, cá nhân phải làm sao đảm bảo an toàn, phòng tránh bị lộ lọt thông tin dữ liệu?
 
Để hạn chế rò rỉ thông tin cá nhân, Cục An toàn thông tin khuyến cáo các tổ chức, cá nhân khi sử dụng mạng Internet và các thiết bị IoT, trong đó có camera giám sát cần đặc biệt lưu ý một số điểm chính gồm:
 
Thứ nhất, với camera giám sát hay các thiết bị IoT có ghi dữ liệu trực tuyến, khuyến cáo người dùng cân nhắc thật kỹ lưỡng nhu cầu sử dụng, nếu có nhu cầu sử dụng thì cần lựa chọn mua thiết bị của các hãng uy tín, có tính năng bảo mật tốt và không sử dụng ở những nơi riêng tư, nhạy cảm nếu không cần thiết. Không sử dụng mật khẩu mặc định của thiết bị và có thói quen tắt, ngắt kết nối mạng hoặc hạn chế việc ghi dữ liệu trong những trường hợp cần thiết.
 
Thứ hai, không sử dụng các phần mềm bẻ khóa trên các thiết bị CNTT vì các phần mềm này thường có cài sẵn mã độc.
 
Thứ ba, cân nhắc thật kỹ lưỡng trước cung cấp thông tin cá nhân hay lưu trữ dữ liệu cá nhân, nhất là dữ liệu quan trọng, nhạy cảm khi sử dụng các dịch vụ mạng xã hội, lưu trữ trực tuyến.
 
Thứ tư, cần tìm hiểu và trang bị những kỹ năng cơ bản để tự bảo đảm an toàn thông tin cho chính mình.
 
Cuối cùng, người dùng cần nhớ rằng luôn có các cơ quan chức năng hay doanh nghiệp cung cấp dịch vụ chuyên nghiệp sẵn sàng hướng dẫn, hỗ trợ người dùng xử lý các vấn đề về an toàn thông tin.
Theo ictnews.vn
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon
icon

Giới thiệu
Sản phẩm dịch vụ

Nơi giới thiệu những sản phẩm,
dịch vụ tốt nhất dành cho bạn đọc

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Doanh nghiệp

Top