Đà Nẵng: Xây dựng mô hình thành phố chuyển đổi số điển hình

Thứ bảy, 13/05/2023 14:40

Trong năm 2023, Ủy ban Quốc gia về Chuyển đổi số theo dõi, đôn đốc thành phố Đà Nẵng tổ chức triển khai mô hình thành phố chuyển đổi số điển hình. Theo đó, thành phố sẽ thực hiện chuyển đổi số tổng thể, toàn diện trên cả 3 trụ cột là chính quyền số, kinh tế số và xã hội số ở tất cả các quận, huyện, phường, xã trên địa bàn.

chuyen-doi-so-giup-da-nang-tro-thanh-do-thi-thong-minh.jpg 

Triển khai tổng thể, toàn diện 3 trụ cột

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm do Ủy ban Quốc gia về Chuyển đổi số theo dõi, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương thực hiện trong năm 2023, có việc tổ chức triển khai mô hình thành phố chuyển đổi số điển hình tại Đà Nẵng để chia sẻ cho các địa phương khác.

Theo Sở Thông tin và Truyền thông (cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số thành phố Đà Nẵng), thành phố sẵn sàng triển khai nhiệm vụ nói trên theo yêu cầu của Ủy ban Quốc gia về Chuyển đổi số. Tuy nhiên, hiện nay chưa có mô hình, tiêu chí cụ thể về mô hình thành phố chuyển đổi số điển hình nên thành phố sẽ tổ chức triển khai tổng thể và toàn diện chuyển đổi số trên cả 3 trụ cột là chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.

Trên cơ sở kết quả thực hiện, thành phố sẽ tổng hợp báo cáo và tổ chức tổng kết triển khai trong tháng 12-2023 để định ra mô hình điển hình nhằm chia sẻ kết quả, cách làm, kinh nghiệm,... của Đà Nẵng. Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Nguyễn Quang Thanh cho rằng, mô hình chuyển đổi số của thành phố đã định hình trong đề án Chuyển đổi số trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 theo Quyết định số 2870/QĐ-UBND ngày 28-8-2021 của UBND thành phố.

Theo đề án, mô hình chuyển đổi số của Đà Nẵng có tên “Thành phố thông minh, chuyển đổi số” với 3 trụ cột là kinh tế số, chính quyền số và xã hội số. 3 trụ cột này dựa trên nền tảng có 4 tầng từ trên xuống, gồm: nền tảng số, dữ liệu số, hạ tầng kỹ thuật số và thể chế, chính sách.

Kinh tế số có đóng góp đáng kể vào cơ cấu GRDP thành phố với tỷ lệ 12,57% tổng GRDP thành phố trong năm 2021 và khoảng 17% trong năm 2022, trở thành ngành kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao. Thành phố hiện có tỷ lệ hơn 2,3 doanh nghiệp công nghệ số trong 1.000 dân, đứng thứ 2 sau Thành phố Hồ Chí Minh, cao gấp 3 lần tỷ lệ trung bình của cả nước. Tổng nhân lực công nghệ thông tin của thành phố đến cuối năm 2022 khoảng 47.500 người, chiếm 7,7% tổng lực lượng lao động toàn thành phố, cao hơn tỷ lệ toàn quốc (2,1%)...

Về chính quyền số, thành phố đã triển khai 100% dịch vụ công đủ điều kiện cung cấp trực tuyến mức 4, trong đó có 91% dịch vụ phát sinh hồ sơ trực tuyến (gấp 1,7 lần so với trung bình toàn quốc), tỷ lệ hồ sơ trực tuyến đạt 73% (gấp 1,3 lần so với trung bình toàn quốc). Thành phố đã đưa vào sử dụng kho dữ liệu kết quả giải quyết thủ tục hành chính số để phục vụ cung cấp dịch vụ số; hình thành Trung tâm giám sát thông minh IOC với 6 dịch vụ thông minh cơ bản và 12 dịch vụ tăng thêm khác; khởi công Trung tâm giám sát điều hành thành phố thông minh...

Về xã hội số, tỷ lệ người dân sử dụng điện thoại di động đứng đầu toàn quốc với 276 máy/100 dân, điện thoại thông minh là 105 máy/100 dân, trung bình mỗi người dân có gần 2 tài khoản mạng xã hội. Số tài khoản giao dịch đang còn hoạt động tại ngân hàng hoặc các tổ chức được phép khác của người từ 15 tuổi trở lên là hơn 2.320.000 tài khoản.

Điểm nổi bật về xã hội số trong năm 2022 là đưa vào sử dụng nền tảng công dân số của thành phố, qua đó mỗi người dân có 1 kho dữ liệu số (thông qua tài khoản công dân số) để có thể kế thừa thông tin, dữ liệu (chỉ khai thông tin lần đầu) cũng như dễ dàng tiếp cận, sử dụng tất cả các dịch vụ tiện tích của chính quyền và doanh nghiệp.

Khơi thông nguồn dữ liệu để tạo ra giá trị mới

Theo Sở Thông tin và Truyền thông, trong năm 2023, thành phố triển khai chủ đề chuyển đổi số “Khơi thông nguồn dữ liệu để tạo ra giá trị mới” gồm 33 tiêu chí trên 3 trụ cột là chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, trong đó có 13 tiêu chí của riêng Đà Nẵng.

Theo đó, về chính quyền số (14 tiêu chí), thành phố đặt ra mục tiêu đạt tỷ lệ 95% dịch vụ hành chính công có phát sinh hồ sơ trực tuyến, 80% tỷ lệ hồ sơ hành chính công trực tuyến, 5% thủ tục hành chính được cắt giảm thông qua kế thừa dữ liệu số, tỷ lệ số hóa kết quả giải quyết thủ tục hành chính đạt 100% kết quả mới, 5 kết quả giải quyết thủ tục hành chính số được sử dụng lại...

Về kinh tế số (9 tiêu chí), thành phố phấn đấu đạt tỷ trọng kinh tế số 20% trong tổng số GRDP của thành phố, có 60% số doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số, 80% tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng hợp đồng điện tử, 10 bộ dữ liệu số hoặc dữ liệu mở tạo ra giá trị hoặc sản phẩm mới...

Về xã hội số (10 tiêu chí), thành phố phấn đấu đạt tỷ lệ phủ sóng dịch vụ 5G đạt 20%, 70% hộ gia đình có địa chỉ số, 100% học sinh có mã ID và hồ sơ học bạ điện tử, 100% người dân có mã ID y tế duy nhất và hồ sơ sức khỏe điện tử cá nhân...

Để thực hiện các mục tiêu ứng với 33 tiêu chí, thành phố sẽ ban hành kế hoạch triển khai với nhiều giải pháp, nhiệm vụ và phân công, gắn trách nhiệm cụ thể từng sở, ban, ngành, địa phương nhằm thực hiện đạt kết quả.

Ông Nguyễn Quang Thanh cho rằng, trên cơ sở kết quả thực hiện đề án Chuyển đổi số, nhất là trong năm 2023, thành phố sẽ phối hợp với Ủy ban Quốc gia về Chuyển đổi số tổng kết, đánh giá mô hình chuyển đổi số của thành phố Đà Nẵng.

banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Doanh nghiệp

Top