Đà Nẵng xác định chuyển đổi số là động lực giải quyết các “điểm nghẽn”

Thứ bảy, 06/05/2023 14:23

Thành phố Đà Nẵng thuộc nhóm 3 địa phương dẫn đầu về chuyển đổi số; mục tiêu đến năm 2025, kinh tế số chiếm hơn 20% GRDP.

2-1.jpg

Tại Diễn đàn Nhịp cầu Phát triển 2023, Chủ tịch Thành phố Đà Nẵng, ông Lê Trung Chinh cho biết, Đà Nẵng hiện thuộc nhóm 3 địa phương dẫn đầu về chuyển đổi số và dẫn đầu về an toàn thông tin, thương mại điện tử của cả nước.

Trong 2 năm liên tiếp (2020-2021) Đà Nẵng dẫn đầu chỉ số đánh giá chuyển đổi số DTI và 3 năm liên tiếp đạt Giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam năm 2020, 2021, 2022 ở hạng mục “Cơ quan nhà nước chuyển đổi số xuất sắc”; năm thứ ba liên tiếp đạt Giải thưởng Thành phố thông minh Việt Nam năm 2022… Năm 2022, kinh tế số đóng góp 17% vào tăng trưởng GRDP của Thành phố Đà Nẵng.

Theo Chủ tịch Thành phố Đà Nẵng, cách tiếp cận “chuyển đổi kép xanh và công nghệ số” đang trở thành xu hướng trên thế giới. Thành phố Đà Nẵng cũng đã và đang đón đầu xu thế, xác định chuyển đổi số là động lực để giải quyết các “điểm nghẽn”, tạo sự đột phá trong phát triển thành phố, đặc biệt tạo thêm các lĩnh vực mới, hướng đến xây dựng Đà Nẵng thành đô thị sinh thái hiện đại, thông minh, đáng sống.

Thành phố Đà Nẵng đã triển khai hiệu quả Đề án Chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 gắn với xây dựng thành phố thông minh; với 3 trụ cột là phát triển Chính quyền số, Kinh tế số, Xã hội số, Đà Nẵng đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, kỳ vọng đến năm 2025, kinh tế số chiếm hơn 20% GRDP thành phố.

Song song với chuyển đổi số, Thành phố còn quyết tâm chuyển đổi sang nền kinh tế xanh và hưởng ứng “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011- 2020 và tầm nhìn đến năm 2050”, bắt đầu xây dựng kế hoạch và triển khai áp dụng tăng trưởng xanh trên địa bàn.

Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24/01/2019 của Bộ Chính trị đã xác định, đến năm 2030, quy mô dân số Đà Nẵng phải đạt khoảng 1,5 triệu dân, GRDP đạt hơn 2% trong tổng GDP quốc gia.

Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XXII đã xác định lại tỷ lệ cơ cấu kinh tế thành phố, theo đó phải đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, khai thác tối đa ưu thế do các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mang lại, trong đó, kinh tế tuần hoàn- tăng trưởng xanh là mô hình kinh tế hiện đại được cho là rất phù hợp với điều kiện, bối cảnh và nguồn lực của Đà Nẵng.

Năm 2023 là năm có ý nghĩa hết sức quan trọng, với chủ đề là “Năm tập trung khơi thông các nguồn lực, thu hút đầu tư, giữ vững tăng trưởng kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội”. Trên cơ sở đó, thành phố Đà Nẵng sẽ triển khai mô hình “Thành phố thông minh toàn diện”, “thành phố môi trường”, tăng trưởng xanh.

Trong đó, ưu tiên khai thác, tạo ra giá trị cụ thể từ dữ liệu số để huy động, khơi thông nguồn lực mới; tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả cải cách hành chính, góp phần cải thiện chất lượng phục vụ và công tác chỉ đạo điều hành của chính quyền; hỗ trợ quản lý có hiệu quả đô thị và các nguồn tài nguyên của thành phố; hòa nhập vào mạng lưới các thành phố thông minh ASEAN; thúc đẩy ứng dụng các công nghệ của Công nghiệp 4.0 trong doanh nghiệp và xã hội hướng đến phát triển xanh bền vững.

“Thành phố Đà Nẵng sẽ tăng cường kết nối với doanh nghiệp trong nước và ngoài nước, các tổ chức quốc tế thông qua cơ chế đối thoại cởi mở về cơ hội huy động nguồn lực cũng như kinh nghiệm trong và ngoài nước trong thúc đẩy tăng trưởng xanh và bền vững”, ông Lê Trung Chinh khẳng định.

banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Doanh nghiệp

Top