Đà Nẵng có nền tảng phát triển chính quyền điện tử. TRONG ẢNH: Hoạt động tại bộ phận “Một cửa” của Sở Kế hoạch và Đầu tư. Ảnh: M.QUẾ
Theo ông Trần Thanh Trúc, Giám đốc Trung tâm Phát triển hạ tầng công nghệ thông tin (Sở Thông tin và Truyền thông), đó là các chủ trương, chính sách về phát triển chuyển đổi số, tầm nhìn, cam kết của lãnh đạo thành phố; hạ tầng công nghệ thông tin tốt, nền tảng phát triển chính quyền điện tử và các ứng dụng thông minh; các ngành phối hợp giữa công nghiệp (công nghệ thông tin và truyền thông - ICT, công nghệ cao phát triển; tỷ lệ đô thị hóa, tỷ lệ điện thoại thông minh, internet, mạng xã hội cao; nguồn nhân lực trẻ, dồi dào, sáng tạo và thích ứng nhanh. Để cụ thể hóa các mục tiêu, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố đã ban hành Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 17-6-2021 về chuyển đổi số trên địa bàn thành phố đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Doanh nghiệp mong muốn được tiếp cận cụ thể chính sách
Đại diện Hội Doanh nhân trẻ thành phố, ông Nguyễn Hữu Hùng, Giám đốc Chi nhánh Công ty CP phần mềm quản lý doanh nghiệp Fast tại Đà Nẵng cho biết, hiện cộng đồng doanh nghiệp đều đang rất quan tâm về chuyển đổi số, tuy vậy, đa số các doanh nghiệp vẫn còn nhiều băn khoăn. Nhiều doanh nghiệp quan tâm đến việc nếu không phải là doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông tin thì được hỗ trợ như thế nào khi triển khai ứng dụng công nghệ mới, hay khi doanh nghiệp muốn chuyển đổi số thì chính quyền, các sở, ban, ngành sẽ hỗ trợ, định hướng như thế nào? Tuy hiện tại thành phố có khá nhiều chính sách nhưng doanh nghiệp không biết làm gì để tiếp cận hết, vì có chính sách chỉ áp dụng cho một số doanh nghiệp...
Ông Nguyễn Văn Chương, Giám đốc Công ty TNHH Giải pháp Hệ Thống Xanh, Thường trực Hội đồng thành viên Vườn ươm Doanh nghiệp Đà Nẵng (DNES) cho hay, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 luôn đặt ra cho doanh nghiệp khởi nghiệp những thách thức mới, vì để tồn tại, duy trì và phát triển trong thời đại công nghệ thay đổi không ngừng, các doanh nghiệp khởi nghiệp cần có sự thay đổi về nhận thức và tư duy. Tuy nhiên, để ứng dụng chuyển đổi số, các doanh nghiệp khởi nghiệp cũng cần phải biết lựa chọn, định hướng cho phù hợp. Với vai trò là vườn ươm hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, DNES luôn sẵn sàng hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp trong quá trình chuyển đổi số.
Theo bà Vũ Thị Bích Hậu, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, sở luôn khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số, xây dựng các mô hình thí điểm về ứng dụng tiến bộ của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 (ví dụ AI, big data, IoT...) trong hoạt động doanh nghiệp, kết hợp với các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, ứng dụng vào thực tiễn. Hiện có rất nhiều lĩnh vực kinh doanh, sản xuất nên sở không thể nêu cụ thể với mỗi chính sách thì doanh nghiệp ở lĩnh vực cụ thể nào sẽ được hưởng thụ.
Sở chỉ làm “bộ khung” chung, còn nếu doanh nghiệp có đề án, đề tài cụ thể sẽ có hội đồng thẩm định cho doanh nghiệp. Để hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thêm các chính sách, sở sẽ kết nối Hội Doanh nhân trẻ thành phố, các hội, hiệp hội khác với đầu mối liên quan tới chuyển đổi số của Sở Thông tin và Truyền thông để dễ dàng trao đổi. Ngoài ra, Sở Khoa học và Công nghệ đang có cơ sở dữ liệu về 5.000 chuyên gia trên cả nước, nếu doanh nghiệp quan tâm về lĩnh vực cụ thể nào, sở sẽ kết nối cụ thể chuyên gia của lĩnh vực đó cho doanh nghiệp.