Chương trình nhằm mục đích tập trung đào tạo giảng viên nguồn với sự hợp tác giữa Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông Việt - Hàn (ĐHĐN), Viện Công nghệ Thông tin (ĐHQG Hà Nội), Trung tâm Nghiên cứu, đào tạo thiết kế vi mạch và trí tuệ nhân tạo Đà Nẵng (DSAC) và sự đồng hành hỗ trợ của Công ty Synopsys Việt Nam với bản quyền phần mềm chính hãng.
Khóa đào tạo đầu tiên kéo dài 6 tháng, dành cho 25 giảng viên được tuyển chọn từ các trường đại học trên địa bàn thành phố gồm: Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông Việt - Hàn, Trường Đại học Bách Khoa, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật (ĐHĐN), Trường Đại học Duy Tân và Trường Đại học FPT.
Mục tiêu chính của khóa học là trang bị kiến thức và kỹ năng cần thiết để các giảng viên có thể tự xây dựng giáo trình giảng dạy phù hợp với thực tiễn, từ đó truyền đạt kiến thức cho sinh viên của mình, góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho thành phố cũng như cho cả nước trong lĩnh vực thiết kế vi mạch và phát triển ngành điện tử, vi mạch bán dẫn.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng, ông Hồ Kỳ Minh, thành phố hiện có khoảng 250 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, gia công, lắp ráp thiết bị linh kiện điện tử, với gần 10.500 lao động. Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp và kỹ sư vi mạch bán dẫn hiện tại vẫn còn khiêm tốn so với nhu cầu thực tế. Chính vì thế, Đà Nẵng đang tích cực hợp tác quốc tế và triển khai các giải pháp để nâng cao năng lực nhân lực, đặc biệt trong lĩnh vực thiết kế vi mạch bán dẫn.
Tại sự kiện, Tổng lãnh sự Hoa Kỳ tại TP.HCM, Susan Burn đã nhấn mạnh tầm quan trọng của Việt Nam trong việc phát triển các chuỗi cung ứng linh hoạt cho ngành bán dẫn và khẳng định sự ủng hộ mạnh mẽ của Hoa Kỳ đối với sự tăng trưởng của ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam. các công ty Mỹ như Synopsys đã đi tiên phong trong việc tăng trưởng và phát triển ngành công nghiệp quan trọng này tại Việt Nam. Những sản phẩm này cung cấp năng lượng cho mọi thứ, từ điện thoại đến ô tô - cơ sở hạ tầng kỹ thuật số làm nền tảng cho nền kinh tế hiện đại.