Theo danh mục mới ban hành, bên cạnh 2 mã định danh cấp 1 của Hội đồng nhân dân, UBND tỉnh Cao Bằng là 000.00.00.K14 và 000.00.00.H14, còn có 51 mã định danh cấp và 586 mã định danh cấp 3.
Quyết định của UBND tỉnh Cao Bằng nêu rõ, mã định danh mới được ban hành phục vụ trao đổi văn bản điện tử giữa các cơ quan, đơn vị thông qua hệ thống quản lý văn bản và điều hành. Trong trường hợp chia tách, sáp nhập, giải thể hoặc sửa đổi, bổ sung mã định danh các đơn vị trực thuộc, cơ quan, đơn vị có trách nhiệm báo cáo về Sở TT&TT tổng hợp, đề xuất UBND tỉnh.
Đối với Đà Nẵng, mã định danh của UBND TP.Đà Nẵng là 000.00.00.H17. Bên cạnh đó, danh mục cũng quy định cụ thể mã định danh của 47 đơn vị cấp 2; 489 đơn vị cấp 3 và 6 đơn vị cấp 4 trong hệ thống các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn Đà Nẵng.
Quyết định của UBND TP. Đà Nẵng cho thấy, mã định danh các cơ quan, đơn vị, địa phương dùng để định danh các ứng dụng thuộc Hệ thống thông tin chính quyền điện tử thành phố gồm: phần mềm quản lý văn bản và điều hành; một cửa điện tử; cổng dịch vụ công trực tuyến; lưu trữ điện tử và kết nối với Trục liên thông văn bản quốc gia, chia sẻ dữ liệu. Khuyến khích các cơ quan, đơn vị, địa phương sử dụng mã định danh này cho các ứng dụng khác (nếu có).
Trong trường hợp thành lập mới, chia tách, sáp nhập, giải thể, đổi tên hoặc đổi cơ quan chủ quản các cơ quan, đơn vị, địa phương, Sở Nội vụ Đà Nẵng có trách nhiệm thông báo về Sở TT&TT để tổng hợp. Sở TT&TT có trách nhiệm cập nhật mã định danh cơ quan theo quy chuẩn QCVN 102:2016/BTTTT và báo cáo cho Văn phòng Chính phủ, Bộ TT&TT và UBND thành phố cùng các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan.
Trong thời gian qua, cùng với các Bộ, ngành và các tỉnh, thành khác trong cả nước, Cao Bằng và Đà Nẵng đã và đang thực hiện gửi, nhận văn bản điện tử qua Trục liên thông văn bản quốc gia, theo đúng quy định tại Quyết định 28 của Thủ tướng Chính phủ về gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước.
Theo báo cáo của Bộ TT&TT về tình hình thực hiện Nghị quyết 17 của Chính phủ đến tháng 5/2019, trong thời gian từ ngày 12/3/2019 đến ngày 19/5/2020, đã có tổng số 475.308 văn bản điện tử gửi và 1.395.532 văn bản điện tử nhận trên Trục liên thông văn bản quốc gia.
Cùng với đó, một số tổ chức chính trị - xã hội như: Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội Nông dân Việt Nam… đang triển khai để kết nối liên thông gửi, nhận văn bản điện tử với các cơ quan, tổ chức khác qua Trục liên thông văn bản quốc gia.