Ngày 05/6/2023, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch Uỷ ban quốc gia về Chuyển đổi số đã chủ trì phiên họp Uỷ ban quốc gia về Chuyển đổi số tổ chức phiên họp chuyên đề về “Thay đổi căn bản cung cấp dịch vụ công trực tuyến” để nâng cao chất lượng cung cấp và hiệu quả sử dụng. Dự phiên họp có Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng, lãnh đạo Ban Chỉ đạo chuyển đổi số các Bộ, ngành, địa phương, đại diện Cục Kiểm soát thủ tục hành chính - Văn phòng Chính phủ, đại diện Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội – Bộ Công an và đại diện các doanh nghiệp công nghệ.
Đây là lần đầu tiên Ủy ban quốc gia về Chuyển đổi số tổ chức phiên họp tập trung vào một chủ đề cụ thể - Dịch vụ Công trực tuyến. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: "Bộ TT&TT đóng vai trò dẫn dắt, điều phối, chỉ ra cách làm mới đột phá, tháo gỡ khó khăn, luôn đồng hành cùng các Bộ, ngành, địa phương"
Dự thảo Bộ tiêu chí đánh giá, phương pháp đánh giá, kết quả đánh giá chất lượng DVCTT
Tại phiên họp, ông Đỗ Lập Hiển, Giám đốc Trung tâm Công nghệ số quốc gia, Cục Chuyển đổi số Quốc gia, Bộ TT&TT đã giới thiệu dự thảo Bộ tiêu chí đánh giá, phương pháp đánh giá, kết quả đánh giá chất lượng DVCTT của các Bộ, ngành, tỉnh.
Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng
Bộ tiêu chí đánh giá được xây dựng trên cơ sở tham chiếu, cập nhật, đồng bộ với hành lang pháp lý mới nhất đến thời điểm tháng 3/2023, gồm 03 trụ cột: Đánh giá chức năng: Phản ánh mức độ đầy đủ các chức năng của Cổng dịch vụ công theo quy định pháp luật để phục vụ người sử dụng; Đánh giá hiệu năng: Phản ánh thời gian đáp ứng khi người sử dụng truy cập vào giao diện trang chủ của Cổng dịch vụ công và giao diện điền thông tin hồ sơ (eForm) của một thủ tục hành chính; Đánh giá khả năng truy cập thuận tiện (theo chuẩn WCAG 2.0).
Từ ngày 10/6/2023, Bộ TT&TT sẽ chính thức đánh giá Cổng dịch vụ công của các Bộ, ngành, địa phương và công bố kết quả vào cuối tháng 6/2023. Đồng thời, Bộ TT&TT cũng đề nghị các doanh nghiệp cung cấp giải pháp hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính khẩn trương cập nhật, nâng cấp phiên bản đang triển khai ở các Bộ, tỉnh lên phiên bản mới nhất. Bộ TT&TT sẽ đánh giá và công bố xếp hạng chất lượng giải pháp công nghệ do doanh nghiệp cung cấp.
Kinh nghiệm hay thúc đẩy sử dụng DVCTT của các địa phương
Ông Đỗ Lập Hiển, Giám đốc Trung tâm Công nghệ số quốc gia, Cục Chuyển đổi số Quốc gia, Bộ TT&TT giới thiệu dự thảo Bộ tiêu chí đánh giá, phương pháp đánh giá, kết quả đánh giá chất lượng DVCTT của các Bộ, ngành, tỉnh.
Tại phiên họp, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã lắng nghe đại diện đến từ các Bộ ngành, địa phương chia sẻ những bài học kinh nghiệm hay liên quan đến việc thúc đẩy, khuyến khích người dân sử dụng DVCTT thông qua chính sách miễn giảm phí, lệ phí, rút ngắn thời gian xử lý; mang DVCTT đến gần người dân hơn thông qua ứng dụng di động và mạng xã hội Việt Nam.
Đối với những kinh nghiệm hay, Bộ trưởng tổng kết lại thành những bài học kinh nghiệm mà các tỉnh thành khác có thể học hỏi, áp dụng tại địa phương mình. Đối với những vấn đề, những khó khăn, thách thức của địa phương, Bộ trưởng chỉ đạo lãnh đạo các Cục, Vụ của Bộ trả lời trực tiếp ngay tại phiên họp.
Hải Phòng: Giao chỉ tiêu DVCTT dựa trên năng lực của từng đơn vị
Tại phiên họp, ông Hoàng Minh Cường, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng đã đưa ra những con số cho thấy sự tăng trưởng ấn tượng của DVCTT tại thành phố Hải Phòng. Theo đó, tỷ lệ DVCTT trung bình của Hải Phòng đã tăng từ 18% năm 2021 lên 62,2% năm 2022. Trong 5 tháng đầu năm 2023 tỷ lệ hồ sơ trực tuyến đạt trên 94%.
Lý giải cho sự thành công này, ông Hoàng Minh Cường cho biết, Hải Phòng đã giao chỉ tiêu cụ thể về tỷ lệ hồ sơ dịch vụ công toàn trình tới 35 Sở, Ban, ngành, quận huyện và 217 xã, phường trên toàn thành phố.
Việc giao chỉ tiêu này căn cứ trên cơ sở tính toán thực trạng số lượng hồ sơ trực tuyến tại các Sở, ngành, địa phương, từ đó đánh trọng số và giao tỷ lệ phù hợp làm động lực để các đơn vị, địa phương thực hiện hoàn thành chỉ tiêu giao. Ví dụ, để giao chỉ tiêu cho một Sở, một Huyện, sẽ căn cứ tỷ lệ hồ sơ trực tuyến hiện có (4 tháng đầu năm) của đơn vị, dự kiến tổng số hồ sơ trực tuyến toàn thành phố cần đạt của 8 tháng cuối năm và tỷ trọng hồ sơ của đơn vị đó so với toàn thành phố để giao chỉ tiêu.
Một kinh nghiệm hay khác của Hải Phòng là thường xuyên tổ chức các đoàn công tác liên ngành xuống tận cơ sở hỗ trợ cán bộ cơ sở, “cầm tay chỉ việc”, kịp thời chỉ ra những hạn chế và hướng dẫn cán bộ, công chức trong việc tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính. Sau khi đã hỗ trợ, hướng dẫn, các đoàn công tác sẽ kiểm tra công tác cải cách hành chính tại các đơn vị này luôn.
Để đo lường hoạt động của các sở, ngành, quận, huyện trong việc cung cấp DVCTT, Hải Phòng đã xây dựng dashboard theo dõi tỷ lệ này theo từng tháng để kịp thời biểu dương các đơn vị đạt thành tích tốt và nhắc nhở những đơn vị còn yếu kém.
Toàn cảnh phiên họp
Nam Định: Sở TT&TT là đầu mối, là nơi các đơn vị tìm đến khi gặp khó về DVCTT
Chia sẻ kinh nghiệm về triển khai DVCTT để đạt tỉ lệ hồ sơ DVC được xử lý toàn trình cao, ông Vũ Trọng Quế, Giám đốc Sở TT&TT Nam Định cho biết, tỉ lệ người dân sử dụng DVCTT tăng mạnh nên số người dân đến các Trung tâm dịch vụ hành chính công đã giảm. Nếu như trước đây một ngày các Trung tâm này phục vụ 400-500 người dân, nay giảm chỉ còn khoảng 200 người/ngày. Dự kiến trong thời gian tới các Trung tâm hành chính công sẽ tiếp tục được thu gọn. Kết quả này đạt được là nhờ sự quan tâm, chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh, đặc biệt là đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh.
Ông Vũ Trọng Quế chia sẻ thêm, về phía Sở TT&TT Nam Định, lãnh đạo và anh em cán bộ trong Sở sẵn sàng phục vụ 24/7, đáp ứng các yêu cầu về kỹ thuật liên quan đến DVCTT, không để Sở, Ban, ngành, quận, huyện nào kêu khó về kỹ thuật. Làm được như vậy cũng phải kể đến vai trò rất lớn của các doanh nghiệp viễn thông, công nghệ trên địa bàn tỉnh. Sự hợp tác chặt chẽ giữa Sở TT&TT và các doanh nghiệp đã giúp Sở hoàn thành được nhiều việc mà không cần có nhiều người.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng bày tỏ sự ấn tượng với những thành công, bài học kinh nghiệm của Nam Định trong triển khai DVCTT, đặc biệt là tinh thần sẵn sàng phục vụ, sẵn sàng trở thành đầu mối, trở thành địa chỉ các Sở, Ban, ngành khác tìm đến khi có việc khó.
Sử dụng mạng xã hội Việt Nam đưa DVCTT đến gần dân hơn
Khác với Nam Định và Hải Phòng, Tây Ninh đã lựa chọn mạng xã hội Zalo để đưa DVCTT đến với nhiều người dân hơn. App Tây Ninh Smart là ứng dụng duy nhất dùng chung cho toàn bộ hệ thống chính trị của tỉnh và người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Hiện có gần 140 nghìn người đăng ký tài khoản trên Android và iOS, hơn 30.000 người sử dụng thường xuyên hàng tháng. Thay vì phải tự xây dựng app, tự vận hành, quản trị kỹ thuật, Tây Ninh chọn phát triển Phiên bản ứng dụng Tây Ninh Smart chạy trực tiếp trên nền tảng mini app của Zalo.
Với mini app Tây Ninh Smart, người dùng không cần phải tải về cài đặt, đăng ký tài khoản ứng dụng như thông thường. Thay vào đó, người dùng chỉ cần quét mã QR hoặc tìm kiếm tên ứng dụng trên Zalo là có thể sử dụng các tiện ích được cung cấp. Qua khoảng 2 tháng triển khai, số lượng người sử dụng mini app đạt hơn 81.132 người trong đó số lượng người sử dụng trên 45 tuổi là 21.973 người đạt tỷ lệ 27%. Số lượt truy cập sử dụng trung bình hàng tuần đạt 30.000 lượt. Tỷ lệ người dân nộp hồ sơ trực tuyến qua mini app cũng tăng hơn nhiều so với trước đây.
Đối với lựa chọn phát triển app trên nền tảng mạng xã hội Zalo của Tây Ninh, Bộ trưởng Bộ TT&TT coi đây là một lựa chọn tốt bới vì chỉ có các nền tảng số Việt Nam mới có thể giải quyết được các bài toán của Việt Nam. Theo Bộ trưởng, các nền tảng số toàn cầu như Facebook mục tiêu của họ là phục vụ toàn cầu, đáp ứng yêu cầu của 7 tỷ người trên thế giới. Họ không giải các bài toán mang ngữ cảnh của một quốc gia, không giải những bài toán mang tính may đo. Đây chính là cơ hội cho các nền tảng số nội địa.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chỉ đạo Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng nghiên cứu những nền tảng số Việt Nam xem có thể đóng góp gì cho phát triển chuyển đổi số, Chính phủ điện tử tại Việt Nam. Chẳng hạn như nền tảng Otofun tuy không có số lượng người dùng lớn như của Zalo nhưng hơn 90% người đi ô tô tại Việt Nam tham gia nền tảng này. Nền tảng số cũng là một loại hạ tầng trên không gian số và chúng ta chưa tận dụng được nguồn lực này để thúc đẩy chuyển đổi số.
Tổ công nghệ số cộng đồng, yếu tố then chốt quyết định thành công
Đối với thành công của Chiến dịch 92 ngày đêm Tổ công nghệ số cộng đồng (CNSCĐ) đi từng nhà, hướng dẫn từng người sử dụng DVCTT của tỉnh Bình Phước, người đứng đầu ngành TT&TT nhận định, Bình Phước cùng với Quảng Ninh, Yên Bái là những tỉnh triển khai rất tốt Tổ CNSCĐ. Điều đó cho thấy, Tổ CNSCĐ đã bắt đầu phát huy vai trò của mình và đã bám địa bàn rất sâu. Bộ trưởng chỉ đạo, trong thời gian tới, phát triển hệ công cụ bao gồm ứng dụng, nền tảng số, thiết bị … để hỗ trợ hơn nữa cho các Tổ CNSCĐ thực hiện nhiệm vụ. Bộ trưởng chỉ đạo Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng tổ chức Hội nghị khen thưởng, biểu dương, tôn vinh những thành viên tích cực của Tổ CNSCĐ trên toàn quốc trong thời gian tới.
Bộ TT&TT đóng vai trò dẫn dắt, điều phối, chỉ ra cách làm mới đột phá, tháo gỡ khó khăn, luôn đồng hành cùng các Bộ ngành địa phương
Phát biểu kết luận phiên họp, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đánh giá cao những cách làm hay, bài học kinh nghiệm quý trong đẩy mạnh sử dụng DVCTT tại các địa phương.
Bộ trưởng nhận định, sau hơn 20 năm làm DVCTT, bây giờ là lúc thay đổi căn bản cách cung cấp DVCTT, thay đổi căn bản nhận thức, cách tiếp cận và cách làm, để tạo ra sự thay đổi căn bản DVCTT Việt Nam.
Hai cái căn bản nhất là trực tuyến toàn trình và chất lượng dịch vụ trực tuyến. Trực tuyến toàn trình là người dân tự làm từ nhà và không đến cơ quan nhà nước. Chất lượng DVCTT là sự đơn giản, thuận tiện và nhanh. Hai cái này phải dẫn đến kết quả cuối cùng là đại đa số người dân sử dụng DVCTT.
Tiếp sau DVCTT - trọng tâm của Chính phủ điện tử là đến Chính phủ số. Chúng ta phải sớm kết thúc để chuyển toàn lực sang Chính phủ số. Trước đây, các nước đi trước ứng dụng CNTT để làm chính phủ điện tử, DVCTT, nên tốn kém hơn, chậm hơn. Nay ta có cơ hội dùng công nghệ số, cách tiếp cận chuyển đổi số để làm Chính phủ điện tử, DVCTT, nên sẽ nhanh hơn, rẻ hơn.
Với bối cảnh trên, chúng ta phải quyết tâm thay đổi căn bản việc cung cấp DVCTT. Kết thúc giai đoạn chính phủ điện tử vào năm 2025, và bắt đầu giai đoạn chính phủ số. Giai đoạn 2023-2025 là lai ghép chính phủ điện tử và chính phủ số.
Thay đổi căn bản DVCTT Việt Nam là nỗ lực của các Bộ, ngành và địa phương. Bộ TT&TT đóng vai trò dẫn dắt, điều phối, chỉ ra cách làm mới đột phá, tháo gỡ khó khăn, giới thiệu các bài học hay, cách làm tốt, hỗ trợ trực tiếp khi cần. Các Bộ, ngành và địa phương mỗi khi khó khăn thì hãy tìm đến Bộ TT&TT, chúng tôi luôn ở bên cạnh, đồng hành cùng các Bộ ngành, tỉnh.
Người đứng đầu ngành TT&TT kêu gọi các doanh nghiệp công nghệ số cung cấp giải pháp DVCTT toàn trình hãy nhìn xa hơn với tầm nhìn một Việt Nam số, vừa kinh doanh vừa giúp đất nước phát triển, giúp người dân được hưởng các dịch vụ công tốt hơn.
Các doanh nghiệp công nghệ số hãy cung cấp giải pháp DVCTT dưới dạng nền tảng số dùng chung, triển khai nhanh, nâng cấp nhanh, giá rẻ và chất lượng cao. Với tinh thần Make In Vietnam, Bộ TT&TT là đầu mối nhà nước để giúp các doanh nghiệp công nghệ số nước nhà phát triển, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định./.