Thứ trưởng Phạm Hồng Hải và Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo trao Cờ thi đua xuất sắc năm 2018 của Bộ TT&TT cho Học viện
Học viện được Chính phủ phê duyệt Đề án thí điểm đổi mới cơ chế tổ chức và hoạt động, được phép tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Trong quá trình chuyển giao, Học viện vẫn duy trì sự ổn định về quy mô đào tạo, nguồn công việc, tỷ trọng doanh thu từ các hoạt động: đào tạo, khoa học công nghệ, dịch vụ, đào tạo bồi dưỡng vẫn duy trì ổn định và không có sự xáo trộn, đảm bảo đời sống ổn định cho cán bộ, viên chức, người lao động trong toàn Học viện.
Trong hoạt động giáo dục đào tạo, Học viện đã xây dựng, duy trì, khẳng định được uy tín và chất lượng trước người học, trước xã hội. Đến nay, đã có hàng vạn cử nhân, kỹ sư, thạc sỹ, tiến sỹ được đào tạo tại Học viện với những kiến thức chuyên môn gắn liền với thực tế ở mọi ngành kinh tế xã hội của đất nước. Trong hệ thống các trường Đại học Việt Nam, Học viện luôn được đánh giá là một trong các trường Đại học thuộc tốp trên. Mặc dù điểm chuẩn thi vào Học viện luôn ở mức cao nhưng sức hút của Học viện với xã hội được duy trì ổn định. Công tác tuyển sinh Đại học năm 2018 được đánh giá là thành công trong bối cảnh thay đổi một số chính sách tuyển sinh, mặt bằng điểm tuyển sinh … Số lượng hồ sơ thí sinh đăng ký xét tuyển vào Học viện tăng 49% so với chỉ tiêu tuyển sinh tăng 10% so với năm 2017. Cũng trong năm 2018, lượng tuyển tăng 16% so với năm 2017 và đạt 103,5% kế hoạch đề ra; tuyển được 3.572 sinh viên. Điểm tuyển sinh đầu vào tiếp tục duy trì trong nhóm các trường tốp đầu. Tổng số học viên/sinh viên của Học viện là 15.000 học viên, sinh viên (riêng cơ sở đào tạo Hà Nội là gần 10.000).
Việc đa dạng hóa các ngành nghề đào tạo tiếp tục được Học viện theo đuổi với việc mở ngành đào tạo đáp ứng nhu cầu nguồn lực CMCN 4.0. Học viện đã đi đầu trong việc xây dựng đề án và thuyết minh với các cấp có thẩm quyền và đã được cấp phép đào tạo một số ngành, chuyên ngành mới ở trình độ Đại học trong lĩnh vực ICT ở Việt Nam, nhằm cung cấp nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu về an toàn dữ liệu, bảo mật thông tin cho các ngành, các tổ chức Chính phủ, doanh nghiệp cũng như nguồn nhân lực cho thời đại thông tin số, thời kỳ hội tụ giữa viễn thông, công nghệ thông tin, Internet và Phát thanh - truyền hình của đất nước trong tương lai. Trong năm 2018, Học viện tổ chức đào tạo 05 chuyên ngành đào tạo sau đại học, 10 ngành đào tạo đại học (1 ngành mới được mở trong năm 2018), 01 ngành đào tạo chất lượng cao, 03 ngành đào tạo đại học từ xa, 04 ngành đào tạo cao đẳng nghề; 01 chương trình liên kết đào tạo. tổ chức xây dựng, thẩm định, và mở ngành Thương mại Điện tử bậc Đại học và tuyển sinh từ năm học 2018-2019; mở mới chuyên ngành Phân tích dữ liệu marketing số trong ngành Marketing trình độ đại học, mở mới chuyên 4 ngành kế toán chuẩn quốc tế (ACCA/CFA); triển khai 01chương trình trao đổi sinh viên với Đại học Palermo - Italia; Học viện đang tổ chức xây dựng chương trình đào tạo ngành Kỹ thuật Điện tử và Tự động hóa, ngành IOT; Học viện cũng đang, cải tiến/hiệu chỉnh chương trình Chất lượng cao ngành CNTT theo hướng tăng cường liên thông với các chương trình tiên tiên nước ngoài; Hiệu chỉnh và ban hành, sử dụng chung trong toàn Học viện chương trình chi tiết ngành truyền thông đa phương tiện. Năm 2018, Học viện đã tiến hành tổ chức biên soạn 50 học liệu (trong đó hiệu chỉnh 12 giáo trình, 18 đề cương chi tiết học phần; xây dựng mới 1 giáo trình, 13 bài giảng, 12 đề cương) theo các chương trình đào tạo của Học viện.
Về công tác học sinh/sinh viên: Học viện luôn thực hiện tốt các chế độ chính sách về miễn giảm học phí, học bổng, khen thưởng khuyến khích học tập cho sinh viên; tổng hợp kết quả rèn luyện cho gần 10.000 sinh viên, làm thủ tục khen thưởng 40 tập thể và gần 1.000 lượt sinh viên có thành tích học tập xuất sắc; sinh viên vượt khó trong học tập, sinh viên có thành tích nghiên cứu khoa học, Trong đó có 1 giải Huy chương Đồng quốc tế Cuộc thi Vô địch thế giới về Đồ họa 2018, 02 giải nhất, 04 giải nhì, 06 giải ba Cuộc thi Olympic Tin học sinh viên Việt Nam và kỳ thi lập trình ICPC Asia năm 2018; 2 giải Nhất, 2 giải Nhì, 2 giải Ba Olympic Toán sinh viên toàn quốc...;
Bên cạnh đó, Hoạc viện đã tích cực, chủ động hợp tác với doanh nghiệp, tổ chức các hội thảo, tư vấn định hướng nghề nghiệp cho sinh viên như phối hợp với công ty Samsung, Viettel, FPT Telecom, CMC Telecom, VNPT Technnology... Trong năm 2018 đã tổ chức “Ngày hội tuyển dụng PTIT 2018” dành cho sinh đã có hơn 30 doanh nghiệp, tổ chức, 6 đơn vị tham gia và đã thu hút hàng ngàn sinh viên đến tìm hiểu và đăng ký, qua đó tạo các cơ hội tìm kiếm việc làm cho sinh viên Học viện.
Hoạt động nghiên cứu của Học viện được thực hiện bởi các Viện nghiên cứu chuyên ngành, tăng cường thêm nguồn lực cho hoạt động nghiên cứu của các Viện, vừa nâng cao tính thực tiễn và tăng cường năng lực cập nhật với các công nghệ mới. Học viện đã thành công trong việc gắn kết nghiên cứu và đào tạo, qua đó nâng cao chất lượng đào tạo, nâng cao tính thực tiễn của chương trình đào tạo cũng như ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học vào thực tiễn. Ngoài các kiến thức sinh viên được trang bị thông qua các bài giảng trực tiếp trên lớp và trong các phòng thí nghiệm thực hành tại Học viện, các sinh viên của Học viện còn được tham gia thực hành, thực tập thực tế tại ngay trên các mạng lưới viễn thông . Việc thực tập trên “phòng thí nghiệm thực” là cơ hội rất tốt, rất quí giá để sinh viên không chỉ được thực tập trên các trang thiết bị đang hoạt động trên mạng lưới mà còn được trải nghiệm trên các môi trường làm việc thực tế, giúp các sinh viên sau khi tốt nghiệp ra trường có thể thích ứng ngay được với yêu cầu công việc.
Cách làm này có thể coi là một trong những phương pháp đào tạo tốt giúp cho giảng viên, sinh viên của Học viện luôn được cập nhật những kiến thức mới và được cọ sát với thực tế, tạo tiền đề cho sinh viên Học viện phát triển tư duy nghiên cứu khoa học, khả năng làm việc nhóm, giúp sinh viên có đủ tự tin và khả năng thích ứng nhanh với những công việc sau khi tốt nghiệp đi làm. Đây chính là điểm thành công của Học viện mà hiện còn nhiều trường đại học của Việt Nam chưa thực hiện được. Học viện đã thực hiện xúc tiến nhiều đề tài khoa học công nghệ cấp Nhà nước. Trong đó có 05 đề tài khoa học và công nghệ cấp Nhà nước và 02 nhiệm vụ KHCN cấp tỉnh; 20 đề tài KH&CN cấp Bộ; 192 đề tài cấp học viện; 144 đề tài sinh viên, công bố 22 bài báo thuộc hệ thống ISI, Scopus. Các đề tài, nhiệm vụ KHCN của Học viện thực hiện đều do các cơ quan quản lý, doanh nghiệp đặt hàng và kết quả nghiên cứu phải được từng bước áp dụng trực tiếp vào hoạt động quản lý, sản xuất kinh doanh nên hoạt động nghiên cứu của Học viện vừa có tính khoa học, vừa có tính thực tiễn và luôn theo kịp với các thay đổi của công nghệ, luôn từng bước bám sát và đáp ứng được với nhu cầu thực tiễn của hoạt động quản lý, sản xuất kinh doanh của các cơ quan quản lý và doanh nghiệp. Các đề tài nghiên cứu khoa học của Học viện có tính thực tiễn cao, được đưa vào triển khai rộng rãi trên các doanh nghiệp lớn ở Việt Nam như Tập đoàn VNPT, Tập đoàn Vietel, Tập đoàn Samsung... Trong năm 2018 Học viện đã thành lập 01 phòng Lab Blockchain; Tổ chức 02 Hội nghị KHCN Quốc tế: ATC 2018 và KSR.
Song song với đó, Học viện tập trung đẩy mạnh hoạt động hợp tác quốc tế của Học viện đang từng bước phát triển theo chiều sâu, hướng tới khẳng định vị thế của Học viện trước các đối tác quốc tế. Tổ chức thành công 09 hội thảo và seminars liên quan đến hợp tác quốc tế, xúc tiến xây dựng 02 chương trình liên kết đào tạo quốc tế (ngành đa phương tiện với Học viện The One Academy của Malaysia; ngành Quản trị kinh doanh định hướng logistic với Học viện TMC Singapore). Đang xúc tiến tuyển sinh 01 chương trình liên kết đào tạo ngành kỹ thuật điện, điện tử với Đại học Jeonju, Hàn Quốc. Cử 24 sinh viên sang các trường đại học đối tác như: Chương trình học bổng PBL tại Học viện Công nghệ Shibaura, Nhật Bản; Chương trình tập huấn tại Trung tâm CDAC, Ấn Độ; Chương trình trại hè với Đại học Prince of Songkla, Thái Lan; Chương trình trao đổi giảng viên với Đại học Jeonju, Hàn Quốc; Đại học Palermo; Tổ chức REI-VN.
Bên cạnh đó, Học viện đã đăng cai tổ chức thành công Cuộc thi Olympic Tin học sinh viên Việt Nam và Kỳ thi Lập trình sinh viên Quốc tế 2018 với sự tham gia của gần 700 huấn luyện viên, sinh viên từ 56 trường Đại học tại Việt nam và 18 đội tuyển quốc tế đến từ 5 nước Châu Á (Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Đài Loan, Indonesia) góp phần tạo những tiền đề cho sinh viên tiếp cận với phương pháp nghiên cứu khoa học, khích lệ sinh viên phát huy tiềm năng của mình trong lĩnh vực được đào tạo và góp phần tạo cầu nối quan trọng giữa giảng đường và thực tiễn đời sống hiện tại và công tác chuyên môn trong tương lai.
Học viện đang tiếp tục thực hiện thay đổi lớn về mô hình tổ chức với vị thế là đơn vị trực thuộc Bộ TT&TT, Trường đại học đầu tiên của Bộ TT&TT. Học viện tiếp tục thực hiện mô hình vừa có trường Đại học, vừa có Viện nghiên cứu, hoạt động tự chủ theo định hướng đáp ứng các nhu cầu xã hội và tiệm cận với mô hình của các trường Đại học nghiên cứu có uy tín trong khu vực và trên ghế giới hiện nay.