Ảnh minh họa.
Đại tá, Tiến sĩ TẠ QUANG ĐÀM, Chủ nhiệm Khoa Tâm lý học quân sự, Học viện Chính trị: Nâng cao vị thế và uy tín của đất nước
Định hướng công tác đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước, đối ngoại nhân dân và công tác đối ngoại của hệ thống chính trị là một nội dung quan trọng được đề cập trong cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Với cách gợi mở dung dị nhưng rất sâu sắc, đồng chí đã chỉ rõ quan điểm và quyết tâm tiếp tục xây dựng nên một trường phái đối ngoại và ngoại giao rất đặc sắc và độc đáo của thời đại Hồ Chí Minh, mang đậm bản sắc dân tộc “cây tre Việt Nam”, “gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển”, thấm đượm tâm hồn, cốt cách và khí phách của dân tộc Việt Nam.
Đó là tư duy ngoại giao: Mềm mại, khôn khéo nhưng rất kiên cường, quyết liệt; linh hoạt, sáng tạo nhưng rất bản lĩnh, kiên định, can trường trước mọi thử thách, khó khăn vì độc lập dân tộc, vì tự do, hạnh phúc của nhân dân. Đoàn kết, nhân ái nhưng kiên quyết, kiên trì bảo vệ lợi ích quốc gia-dân tộc. Biết nhu, biết cương; biết thời, biết thế; biết mình, biết người; biết tiến, biết thoái, “tùy cơ ứng biến”, “lạt mềm buộc chặt”.
Cũng với cách tiếp cận rất gần gũi, dễ hiểu, Tổng Bí thư chỉ ra mối quan hệ giữa “trong ấm, ngoài êm”, có nghĩa là phải xây dựng đoàn kết nội bộ, xây dựng đất nước "ấm" về kinh tế, về đời sống tinh thần, nội bộ thật sự đoàn kết, ổn định... thì mới có thể thực hiện các mục tiêu góp phần giữ vững môi trường hòa bình, hữu nghị trong khu vực và trên thế giới. Thực tế cho thấy, nhiều năm qua, Quân đội ta đã thực hiện tốt quan điểm này, nâng cao chất lượng công tác đối ngoại quốc phòng, vừa góp phần xây dựng nền hòa bình nhân loại, thực hiện tốt nghĩa vụ quốc tế, đồng thời nhất quán tư duy bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa.
Những tinh thần trong cuốn sách của Tổng Bí thư cần được các cấp ủy, chỉ huy nghiên cứu, phát huy vai trò của từng cá nhân, từng tổ chức trong góp phần nâng cao vị thế và uy tín của đất nước. Những người làm công tác nghiên cứu, giảng dạy cần sớm cụ thể hóa những quan điểm, nội dung trong cuốn sách vào công tác giảng dạy ở các nhà trường trong và ngoài quân đội, góp phần tạo nên một thế hệ con người mới, có tâm thế về trình độ ngang tầm yêu cầu, nhiệm vụ, chủ động hòa nhập, bắt nhịp với xu thế hội nhập quốc tế trong điều kiện hiện nay.
Thượng tá LÊ ANH ĐẠI, Chỉ huy trưởng Ban CHQS thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên: Sự kết tinh trí tuệ, tâm huyết, lẽ sống cao đẹp của tác giả
Đọc cuốn sách “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam”, tôi nhận thấy rất rõ dấu ấn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nhà lý luận sâu sắc-nhà lãnh đạo giàu kinh nghiệm thực tiễn của Đảng ta. Điều có thể thấy, đồng chí Tổng Bí thư luôn giữ vững lập trường kiên trung của người chiến sĩ cách mạng, khơi dậy tinh thần đoàn kết, niềm tự tôn dân tộc, phát huy trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân tộc trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Theo tôi, cuốn sách lần này không chỉ hấp dẫn ở tính khoa học, tính thực tiễn, kết tinh trí tuệ mà còn ở chính tâm huyết, lẽ sống, phẩm chất cao đẹp, mẫu mực, nói đi đôi với làm của đồng chí Tổng Bí thư.
Nói cuốn sách này là tâm huyết, máu thịt, sự trăn trở, day dứt của Tổng Bí thư về CNXH ở Việt Nam là bởi mặc dù bối cảnh trong nước và thế giới có rất nhiều diễn biến mau lẹ, phức tạp nhưng người đứng đầu Đảng ta và Ban Chấp hành Trung ương vẫn lái con thuyền cách mạng vững bước trên con đường mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn và thực tiễn đã khẳng định sự lựa chọn đó là hoàn toàn đúng đắn. Không những vậy, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã dành nhiều tâm huyết để làm sâu sắc rõ ràng về những vấn đề trước mắt và lâu dài cho sự phát triển đất nước sắp tới và lộ trình thực hiện qua từng giai đoạn cách mạng.
Cuốn sách của đồng chí Tổng Bí thư là tài liệu khoa học quan trọng để Đảng ta lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện thành công sự nghiệp cách mạng; là một cẩm nang quan trọng để Đảng ta tiếp tục hoàn thiện lý luận về đường lối đổi mới và con đường đi lên CNXH của cách mạng Việt Nam. Trong đó, chính ý chí, quyết tâm chính trị và tấm gương mẫu mực của tác giả đã tự có tính nêu gương và sức mạnh lan tỏa, quy tụ cả hệ thống chính trị, cùng toàn xã hội chung sức, đồng lòng thực hiện.
Những năm qua, chính quyền, LLVT và nhân dân TP Điện Biên Phủ luôn phát huy ý chí tự lực, tự cường và khát vọng xây dựng thành phố phồn vinh, giàu đẹp, nhân dân được ấm no, hạnh phúc. Chúng tôi xem thành quả đó là nền tảng và là động lực để ra sức thực hiện con đường cách mạng mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tiếp tục khẳng định và tổng kết thành lý luận soi đường.
Đồng chí HUỲNH BÁ QUANG, Bí thư Chi bộ khu dân cư 8C (phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng): Tiền đề thuận lợi cho việc quán triệt, thực hiện
Cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đề cập rất sâu sắc các vấn đề lý luận cũng như thực tiễn của cách mạng nước ta; làm sáng tỏ bản chất, đặc trưng, lộ trình, bước đi về những vấn đề có tính quy luật của CNXH ở Việt Nam.
Đọc các bài viết, tôi rất ấn tượng với vấn đề xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Trong các bài viết, Tổng Bí thư khẳng định rõ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với sự nghiệp cách mạng và toàn xã hội. Tư tưởng, nội hàm, nội dung của vấn đề này được Tổng Bí thư đề cập một cách toàn diện, từ cơ sở lý luận chung đến những quan điểm mới được đúc rút từ thực tiễn; cụ thể hóa thành phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp về công tác tư tưởng, tổ chức, đạo đức, cán bộ, kiểm tra, xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, xây dựng Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội...
Thực tiễn cho thấy, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng luôn được Tổng Bí thư và Đảng ta lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, bài bản, đi vào chiều sâu, có bước tiến mạnh, đạt nhiều kết quả cụ thể rất quan trọng, toàn diện, để lại dấu ấn tốt, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao.
Những bài viết trong cuốn sách không chỉ là tài liệu quý đối với các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên mà còn củng cố vững chắc thêm niềm tin của các tầng lớp nhân dân vào con đường đi lên CNXH ở nước ta, tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng. Quý hơn là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thể hiện những vấn đề lý luận toàn diện, nhưng sử dụng ngôn ngữ rất dễ nhớ, dễ hiểu, đó là điều kiện rất thuận lợi giúp cơ sở và người dân nắm chắc, hiểu sâu, vận dụng hiệu quả vào thực tiễn từng cơ quan, đơn vị, địa phương.
Đồng chí NGUYỄN CẢNH, Phó trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đắc Lắc: Lòng dân Tây Nguyên luôn vững tin theo Đảng
Đọc, nghiên cứu cuốn sách “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, tôi thấy đây là một công trình nghiên cứu sâu sắc, có ý nghĩa to lớn về những vấn đề thực tiễn cách mạng của nước ta. Cuốn sách đã tổng kết và khẳng định con đường đi lên CNXH là phù hợp với xu thế của thời đại và thực tiễn cách mạng Việt Nam.
Trong cuốn sách, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Độc lập dân tộc gắn liền với CNXH là đường lối cơ bản, xuyên suốt của cách mạng Việt Nam và cũng là điểm cốt yếu trong di sản tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bằng kinh nghiệm thực tiễn phong phú của mình kết hợp với lý luận cách mạng, khoa học của chủ nghĩa Mác-Lênin, Hồ Chí Minh đã đưa ra kết luận sâu sắc rằng, chỉ có CNXH và chủ nghĩa cộng sản mới có thể giải quyết triệt để vấn đề độc lập cho dân tộc, mới có thể đem lại cuộc sống tự do, ấm no và hạnh phúc thực sự cho tất cả mọi người, cho các dân tộc”.
Xuyên suốt chiều dài lịch sử dân tộc và lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, lòng dân luôn là nguồn sức mạnh vô địch, được bồi tụ và hiển hiện đậm nét trong hành trình đấu tranh giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN; tiếp tục được củng cố vững chắc, kiên trung trong hành trình đi đến tương lai tươi sáng của dân tộc. Vì vậy, gắn bó mật thiết với nhân dân, củng cố niềm tin, lòng tin của nhân dân vừa là yêu cầu khách quan đối với Đảng cầm quyền vừa góp phần để xây dựng và chỉnh đốn Đảng, phòng và chống sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, làm cho Đảng luôn trong sạch, vững mạnh, xứng đáng với vai trò tiền phong của mình.
Cuộc sống của đồng bào Tây Nguyên no ấm như hiện nay càng góp phần củng cố lòng tự hào, vững niềm tin trên con đường đi lên CNXH ở Việt Nam, con đường mà Đảng ta và Bác Hồ đã lựa chọn. Dẫu cuộc sống vẫn còn nhiều thử thách, nhưng đồng bào Tây Nguyên vẫn vững tin theo Đảng. Hiện nay, các thế lực thù địch đang ra sức xuyên tạc, chống phá hòng làm lệch lạc nhận thức về CNXH, thế nên cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được xuất bản hết sức quan trọng, có tính lý luận sắc bén, đặc biệt có giá trị thực tiễn đúng đắn về con đường đi lên CNXH của Việt Nam cũng như phong trào cách mạng XHCN trên thế giới.
Ông HUỲNH MƯỜI, xã Ia Nhin (Chư Păh, Gia Lai): Tin tưởng, ủng hộ quan điểm về phòng, chống tham nhũng
Cuốn sách “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam” ra mắt vào thời điểm có ý nghĩa rất sâu sắc đối với công cuộc xây dựng và phát triển đất nước hiện nay. Trong đó, quan điểm của Tổng Bí thư về phòng, chống tham nhũng được nhân dân địa phương rất quan tâm, bày tỏ sự đồng tình, ủng hộ rất cao. Nhất là ủng hộ với những cách làm thực tế mà Đảng, Nhà nước ta đã và đang tiến hành hiệu quả, được Tổng Bí thư đúc rút, tổng kết đưa vào cuốn sách.
Tôi thấy rằng, các bài viết, bài phát biểu của Tổng Bí thư trong cuốn sách đã đề cập rất đầy đủ về công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng... Công tác này được lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, bài bản, đi vào chiều sâu, có bước tiến mạnh, đạt nhiều kết quả quan trọng, toàn diện, rõ rệt, để lại dấu ấn tốt, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội và thực sự “đã trở thành phong trào, xu thế”, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao, được quốc tế ghi nhận.
Riêng từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII đến nay, Đảng ta đã thi hành kỷ luật nhiều cán bộ, đảng viên vi phạm kỷ luật liên quan đến tham nhũng; trong đó có cả Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng... Đây là bước đột phá trong công tác kiểm tra, kỷ luật của Đảng; minh chứng cho quyết tâm rất cao của Đảng, Nhà nước trong chống tham nhũng, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai, không chịu sức ép của bất kỳ cá nhân nào”. Điều đó càng làm cho người dân tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng và con đường đi lên CNXH ở nước ta.
Thời gian tới, tôi mong rằng, cuốn sách của Tổng Bí thư sẽ tiếp tục được phổ biến rộng rãi để nhiều người dân tiếp cận hơn nữa bằng các kênh thông tin. Qua đó, thấy rõ và hiểu sâu sắc hơn con đường phát triển đất nước mà Đảng, Nhà nước ta đang đi là hoàn toàn đúng đắn.