Theo kế hoạch, từ ngày 1/5/2011, Bộ TT&TT phối hợp với Bộ Công an tiến hành đối chiếu dữ liệu các thuê bao di động trả trước. Ông có thể cho biết đến thời điểm này, công tác đối chiếu đã được triển khai đến đâu?
Ông Nguyễn Xuân Trụ: Bộ TT&TT đã có kế hoạch phối hợp với Bộ Công an thực hiện thí điểm đối soát dữ liệu thông tin thuê bao di động trả trước của 3 mạng MobiFone, VinaPhone và Viettel sử dụng chúng minh thư nhân dân do Công an thành phố Hà Nội, Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh cấp. Dữ liệu thông tin thuê bao trả trước của 3 mạng nói trên tại Hà Nội đã được Bộ TT&TT bàn giao cho Công an thành phố Hà nội.
Tuy nhiên, do đây là lần đầu tiên tổ chức đối soát nên trước mắt chúng tôi chỉ làm điểm ở TP. Hà Nội. Bộ TT&TT đã ký hợp đồng đối soát với Công an Thành phố Hà Nội. Hiện nay Công an TP Hà Nội đang thực hiện việc đối soát và dự kiến sẽ hoàn thành trong tháng 6 tới để bàn giao lại kết quả cho Bộ TT&TT.
Sau khi có kết quả tại Hà Nội, chúng tôi sẽ tổng kết, rút kinh nghiệm và tiếp tục thực hiện đối với 2 TP là Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh.
Việc Bộ TT&TT phối hợp với Bộ Công an thí điểm đối soát dữ liệu thuê bao trả trước từ cơ sở dữ liệu chứng minh thư của Bộ Công an sẽ là một biện pháp mạnh tay nhằm tăng cường việc tuân thủ các quy định quản lý thuê bao di động trả trước, đồng thời kiểm tra được mức độ chính xác của việc đăng ký của người sử dụng, cũng như năng lực của từng doanh nghiệp (DN) thông tin di động hiện nay.
Vậy trong thời gian tới Bộ đã có kế hoạch gì để công tác này đạt hiệu quả?
Ông Nguyễn Xuân Trụ: Nhằm tăng cường công tác phối hợp giữa Bộ TT&TT với Bộ Công an trong quản lý thuê bao di động trả trước, ngay trong tháng 6 này, chúng tôi sẽ tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ tại 3 TP nói trên. Ở mỗi TP sẽ tổ chức 2 lớp tập huấn, 1 lớp dành cho cán bộ các Sở TTTT và 1 lớp dành cho các DN thông tin di động. Mỗi lớp sẽ có khoảng hơn 100 người tham gia.
Nội dung tập huấn sẽ tập trung vào 2 vấn đề chính. Thứ nhất là tập huấn về nghiệp vụ và văn bản quy phạm pháp luật trong quản lý thuê bao di động trả trước. Nội dung này do Vụ Viễn thông, Bộ TT&TT đảm nhiệm. Thứ hai là tập huấn về các nội dung liên quan đến chứng minh thư nhân dân sử dụng trong việc tiếp nhận, đăng ký, lưu giữ thông tin thuê bao di động trả trước do Tổng cục Cảnh sát quản lý trật tự, an toàn xã hội, Bộ Công an đảm nhiệm.
Xin ông cho biết, sau khi có kết quả đối soát, các trường hợp vi phạm sẽ bị xử lý như thế nào?
DN thông tin di động sẽ thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng và trực tiếp bằng tin nhắn cho các thuê bao nằm trong diện vi phạm để chủ thuê bao này thực hiện việc đăng ký lại - Ảnh minh họa
Ông Nguyễn Xuân Trụ: Sau khi nhận được kết quả đối soát số liệu thông tin thuê bao từ Công an thành phố Hà Nội, Đà Nẵng và TP.Hồ Chí Minh, Bộ TT&TT sẽ có biện pháp xử lý đối với các thuê bao vi phạm các quy định tại Thông tư 22/2009/TT-BTTTT ngày 24/6/2009 của Bộ TT&TT. Tuy nhiên, với mục tiêu nâng cao nhận thức và đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người sử dụng dịch vụ, trước khi tiến hành xử lý từ 7-10 ngày, các DN thông tin di động sẽ phải thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng và trực tiếp bằng tin nhắn cho các thuê bao nằm trong diện vi phạm để chủ thuê bao này thực hiện việc đăng ký lại thông tin thuê bao theo các quy định hiện hành. Nếu sau thời hạn trên, các thuê bao không thực hiện việc đăng ký lại sẽ bị cắt liên lạc và xóa khỏi hệ thống.
Công tác quản lý cơ sở dữ liệu thuê bao di động trả trước sẽ được thực hiện như thế nào,trong thời gian tới?
Ông Nguyễn Xuân Trụ: Các DN thông tin di động đều đã đầu tư, xây dựng, quản lý khai thác được hệ thống cơ sở dữ liệu thông tin thuê bao di động trả trước tập trung thống nhất (CSDL) đảm bảo tính sẵn sàng cho việc kết nối với các CSDL của các cơ quan nhà nước để phục vụ cho công tác quản lý với dung lượng lắp đặt khoảng 220 triệu thuê bao.
Bộ TT&TT sẽ từng bước chỉ đạo và phối hợp triển khai việc kết nối CSDL về thuê bao di động của các DN viễn thông với CSDL về chứng minh thư nhân dân của Tổng cục Cảnh sát quản lý về trật tự an toàn xã hội (khi có) để phục vụ cho công tác quản lý nhà nước về viễn thông theo quy định của pháp luật.
Bộ TT&TT cũng đang triển khai xây dựng dự án hệ thống thu thập và quản lý số liệu về viễn thông, trong đó có cả thuê bao di động trả trước. Dự án này đã xong giai đoạn tư vấn, lập dự án khả thi, Bộ trưởng đã có quyết định phê duyệt. Hiện đang triển khai giai đoạn thiết kế kỹ thuật và tổng dự toán.
Đây là dự án lần đầu tiên được nghiên cứu, phê duyệt và triển khai nhằm phục vụ cho công tác quản lý nhà nước về viễn thông; là dự án liên quan trực tiếp đến cơ sở hạ tầng và dịch vụ viễn thông của các DN viễn thông, trong khi đòi hỏi việc đáp ứng các yêu cầu về cập nhật công nghệ hiện đại, phù hợp và đáp ứng nhu cầu của các lĩnh vực quản lý trong hoạt động viễn thông nên phải nghiên cứu, tìm hiểu rất kỹ càng trước khi quyết định lựa chọn; Phải tìm và lựa chọn được đúng nhà cung cấp thiết bị, giải pháp có đủ năng lực, công nghệ và kinh nghiệm thực tiễn triển khai ở Việt nam.
Dự kiến cuối năm 2012 dự án này sẽ được hoàn thành và đưa vào khai thác giai đoạn I của dự án.
Được biết, Bộ cũng đang xây dựng Đề án giữ nguyên số khi thuê bao chuyển mạng di động để nâng cao hiệu quả sử dụng số thuê bao viễn thông. Ông có thể cho biết một số thông tin về Đề án này?
Ông Nguyễn Xuân Trụ: Việc giữ nguyên số khi thuê bao chuyển mạng di động là một dịch vụ mới xuất phát từ nhu cầu của người sử dụng, dịch vụ này chỉ mới được triển khai ở một số nước có đủ các điều kiện nhất định. Thông thường, người sử dụng khi muốn chuyển mạng di động mà vẫn giữ nguyên số thì ngoài cước, phí liên lạc sẽ phải chịu thêm một khoản phí cho dịch vụ này. Bộ TT&TT đang tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện Đề án này và sẽ quyết định triển khai vào thời điểm thích hợp khi thị trường viễn thông Việt nam có đủ điều kiện.
Trân trọng cảm ơn ông!