Phản ứng trước công thư của Malaysia, Trung Quốc một lần nữa nhấn mạnh lại quan điểm về cái gọi là “quyền lịch sử” của họ trên Biển Đông. Trung Quốc cũng coi phán quyết của Tòa là không công bằng và bất hợp pháp. Trung Quốc không chấp nhận cũng như không tham gia vào vụ phân xử của Tòa và như vậy, sẽ không chấp nhận hay công nhận phán quyết đó.
Trong khi đó, Indonesia một lần nữa thể hiện sự phản đối bền bỉ của nước này. Các lập luận của họ không chỉ được đưa ra dựa trên và phù hợp với các công thư trước đó đệ trình lên LHQ (năm 2010), mà còn đề cập phán quyết của Tòa trọng tài.
Họ lặp lại quan điểm từ lâu của Jakarta rằng Indonesia không phải là một bên trong tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông và quan điểm của Indonesia về các quy chế hàng hải của các thực thể trên Biển Đông đã được phán quyết của Tòa xác nhận.
Hơn nữa, Indonesia cũng lập luận rằng cái gọi là “Đường 9 đoạn” của Trung Quốc thiếu cơ sở pháp lý quốc tế và đã được xác nhận trong phán quyết của Tòa. Ngoài Indonesia, một số nước khác cũng đưa ra phản đối pháp lý chống lại các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc lên LHQ.
Trung Quốc đã bày tỏ phản đối mạnh mẽ quan điểm của Indonesia, ngoại trừ luận điểm rằng không có tranh chấp lãnh thổ nào trên Biển Đông giữa Indonesia và Trung Quốc. Tuy nhiên, Bắc Kinh khẳng định hai bên có các tuyên bố chồng lấn về “quyền và lợi ích hàng hải” ở một số khu vực trên Biển Đông.
Đề xuất đàm phán song phương
Điều 283 (1) của UNCLOS quy định rõ rằng “khi bất đồng nảy sinh giữa các quốc gia về việc diễn giải hoặc áp dụng Công ước này, các bên tranh chấp nên nhanh chóng tiến tới trao đổi ý kiến liên quan đến việc giải quyết thông qua đàm phán hoặc các công cụ hòa bình khác”.Một lập luận “thú vị” được Trung Quốc nêu ra và truyền đạt tới Indonesia, đó là đề xuất đàm phán về “các quyền và lợi ích hàng hải chồng lấn”. Như vậy, nếu xét về các điều khoản pháp lý, có phải Trung Quốc đang thực thi Điều 283 của UNCLOS về “nghĩa vụ trao đổi ý kiến” hay không?
Nếu như đây là ý định của Trung Quốc, và sau đó các bên phải xem xét thêm nhiều vấn đề pháp lý đặc biệt nếu tiến trình đàm phán thất bại, thì liệu nó có trực tiếp kích hoạt Điều 297 về “Lựa chọn các quy trình pháp lý”, như khởi kiện lên Tòa Trọng tài, hay không?
Tuy nhiên, Indonesia đã thẳng thừng phủ nhận khả năng tổ chức đàm phán song phương với Trung Quốc. Indonesia không có lý do gì (về mặt pháp lý) để tiến hành các cuộc đàm phán như vậy. Họ không có tuyên bố hàng hải chồng lấn với Trung Quốc, do vậy việc tổ chức đàm phán về phân định ranh giới trên biển là không có cơ sở.
Đề xuất về việc tổ chức đàm phán song phương là không hề mới và sẽ luôn bị Indonesia bác bỏ. Trong tương lai, Trung Quốc nên giải thích rõ ràng về cơ sở pháp lý để tiến hành cuộc đàm phán như vậy, liệu nó dựa trên Điều 76 và Điều 83 về thềm lục địa, hay Điều 56 liên quan đến khai thác EEZ hay cơ sở pháp lý nào khác?
Sự ngoan cố của Trung Quốc
Sự phản đối của các quốc gia khác nhau đối với tuyên bố chủ quyền hàng hải của Trung Quốc, đặc biệt khi nhắc tới phán quyết của Tòa trọng tài này có thể làm suy yếu yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông, bao gồm cả trong các điều khoản pháp lý.
Mặc dù các quốc gia này phản đối yêu sách của Trung Quốc dựa trên phán quyết được đưa ra theo Điều 297 của UNCLOS, nhưng mặt khác Bắc Kinh vẫn duy trì lập trường dựa trên tuyên bố chủ quyền đơn phương dựa theo lịch sử, vốn đã bị Tòa trọng tài bác bỏ.
Trung Quốc giờ đây phải chứng minh rằng các tuyên bố của mình dựa trên luật quốc tế, hoặc phải tiến tới tìm ra các lập luận pháp lý mới để phù hợp với các cấu trúc pháp lý quốc tế hiện hành liên quan đến tranh chấp Biển Đông, bao gồm phán quyết của Tòa Trọng tài.