Từng hãng một rời bỏ thị trường
VinSmart có thời điểm đứng thứ 3 thị trường smartphone Việt Nam, giành được 16,7% thị phần - điều ít hãng nào xếp ở vị trí này làm được trong nửa thập niên gần đây. Đến quý 1/2021, VinSmart vẫn giữ 9% miếng bánh smartphone, ngang ngửa với Apple, Xiaomi, Vivo.
Việc Vingroup quyết định bỏ mảng điện thoại (và TV) có lý do của họ. Trong đó có yếu tố khá quan trọng không được đề cập đến là sự cạnh tranh quyết liệt của thị trường smartphone tại Việt Nam. Từ một hãng mới ra mắt thị trường hơn hai năm, VinSmart đã giành được thị phần xấp xỉ 10% là một việc rất khó. Trước giai đoạn VinSmart, thị trường smartphone Việt Nam do Samsung và Oppo nắm giữ. Cả hai có giai đoạn chiếm trên 60% thị phần, hãng xếp thứ 3 quanh quẩn với mức 5%. Rất nhiều hãng khác cố gắng nhưng khó lên mức 10% ổn định. Điều này cho thấy việc bứt lên đứng vị trí thứ 3 chưa bao giờ là dễ dàng trong hơn 6-7 năm gần đây.
Nhiều người đã đặt niềm tin vào Vsmart sẽ làm chỗ dựa cho ngành sản xuất smartphone của Việt Nam. Chỉ trong vòng chưa tới 3 năm, điện thoại thương hiệu Vsmart đã có mặt trên mọi kênh phân phối, chiếm thị phần đáng mơ ước.
Nhưng nhìn chung quanh sẽ thấy Apple, Xiaomi, Vivo đều có doanh số ở mức tương đương và nhỉnh hơn VinSmart, chưa kể Realme cũng đang lăm le tiến lên mốc 8-9% thị phần.
Do mức độ cạnh tranh cao, quán quân Samsung bị suy giảm còn khoảng 32,3% thị phần trong quý 1/2021, mất hơn 10% so với thời điểm đỉnh cao.
Hiện nay, ngoài Samsung và Oppo có thị phần lớn cách khá xa các đối thủ, còn lại các hãng như Xiaomi, Apple, Vivo, Realme, và VinSmart đều có thị phần ngang ngửa nhau. Điều này dẫn đến việc cạnh tranh mạnh mẽ giữa các hãng này để giành vị trí số 3, chưa kể phải đấu với hai hãng dẫn đầu.
Tất nhiên thị trường khốc liệt tại Việt Nam không chỉ mới diễn ra gần đây. Sự cạnh tranh kéo dài nhiều năm đã khiến thương hiệu Việt Mobiistar mất hút, đồng thời nhấn chìm một số thương hiệu ngoại như Sony, LG, HTC, Asus, Lenovo.
Ra mắt thị trường từ năm 2009, Mobiistar (tên trước đây là Mobistar) đánh mạnh vào phân khúc giá rẻ và tầm trung. Với chiến lược này, hãng đã dần tìm được chỗ đứng trên thị trường. Đầu năm 2016, hãng từng có giai đoạn lọt vào top 5 các hãng smartphone lớn tại Việt Nam, với thị phần gần 6%.
Tuy nhiên sự đổ bộ của các thương hiệu Trung Quốc như Xiaomi, Vivo, Huawei những năm sau đó khiến thị trường hỗn loạn. Các hãng Trung Quốc mới nổi dựa vào tiềm lực tài chính và năng lực sản xuất đã tung ra thị trường hàng loạt smartphone thiết kế đẹp, giá rẻ, nhắm tới nhóm người dùng trẻ tuổi - những người không quan tâm đến thương hiệu mới hay lâu đời.
3 tên tuổi nói trên cho ra mắt sản phẩm với chu kỳ tính theo quý, thậm chí theo tháng, và rất chịu thay đổi để trang bị các tính năng thu hút giới trẻ. Dưới áp lực này, các hãng lâu đời như Microsoft (Nokia), LG, Sony, HTC, Asus tại Việt Nam và trên toàn cầu bị ảnh hưởng nặng nề. Trong đó, Mobiistar không là ngoại lệ.
Giữa năm 2018, trong khi miếng bánh trong nước bị cạnh tranh, Mobiistar mở rộng thị trường sang Ấn Độ nhưng sau đó rút lui vì công ty đầu tư cho chiến dịch này bị phá sản. Kể từ đó, Mobiistar - hãng điện thoại có đầu tư bài bản và có nhiều thời điểm cạnh tranh sòng phẳng với những gã khổng lồ quốc tế - rời cuộc chơi, điện thoại mất hút khỏi các kệ hàng.
Trước thời điểm Mobiistar ra mắt một năm, Q-Mobile - một thương hiệu Việt của công ty ABTel - đã ra mắt thị trường. Quãng thời gian 2009-2010, Q-Mobile có giai đoạn chiếm đến 20% thị phần điện thoại phổ thông, chỉ sau Nokia. Tuy nhiên sau đó trào lưu điện thoại cảm ứng lên ngôi, smartphone chứa đựng hàm lượng công nghệ cao hơn, Q-Mobile vốn chủ yếu nhập sản phẩm từ nước ngoài, dần biến mất từ những năm 2015.
Ngoài Mobiistar và Q-Mobile nổi lên như những smartphone thương hiệu Việt nổi bật, các ông lớn như VNPT, Viettel đã từng nhảy vào sản xuất smartphone nhưng chưa có được thành công. Hay HK Phone cũng từng một thời tham gia thị trường. Đến nay, chỉ còn lại mỗi Bphone trên thị trường cho thấy muốn có một thương hiệu smartphone Make in Vietnam đủ sức cạnh tranh là cực kỳ khó khăn.
Cánh cửa mới IoT đang mở ra?
Rõ ràng, thị trường smartphone là đại dương đỏ đã nhấn chìm nhiều tên tuổi lớn trong làng công nghệ. Thế nhưng, rất nhiều công ty công nghệ khao khát được nắm lấy công nghệ này.
CEO Bkav Nguyễn Tử Quảng cho rằng, smartphone là tinh hoa công nghệ. Làm chủ các công nghệ lõi khi nghiên cứu, thiết kế và sản xuất smartphone là đã nắm được hầu hết các lĩnh vực công nghệ khó nhất, mới nhất của thế giới. Xu hướng thế giới đang đưa mọi thứ vào điện thoại, do đó các công nghệ mới nhất của nhân loại vẫn sẽ xoay quanh chiếc smartphone. Các doanh nghiệp sản xuất smartphone cũng sẽ làm được nhiều loại sản phẩm khác dẫn xuất từ công nghệ này. “Quốc gia nào muốn là con rồng tiếp theo thì phải nắm được tất cả các công nghệ này”, ông Nguyễn Tử Quảng nói.
Khi xu hướng IoT đang trở nên mạnh mẽ và đang đi vào mọi ngõ ngách cuộc sống thì những công ty nào nắm được công nghệ nghiên cứu, thiết kế, sản xuất smartphone sẽ là những công ty có lợi thế nhất để sản xuất các thiết bị IoT. Bkav cũng bắt đầu xuất khẩu những lô hàng camera thông minh sang Mỹ. Vingroup cũng tuyên bố chuyển sang phát triển các tính năng thông minh trên phương tiện giao thông, nhà ở và hát triển các sản phẩm điện tử và các tính năng về giải trí cho ô tô VinFast.
Cánh cửa smartphone có thể tạm thời đóng lại, nhưng cánh cửa mới là IoT lại mở ra cho các doanh nghiệp Việt. Thị trường IoT có thể sẽ lớn hơn nhiều lần so với đại dương đỏ smartphone. Tuy vậy, sự thành công nhất định của VinSmart và sự ra đi đáng tiếc của họ có thể gợi lên nhiều câu hỏi để doanh nghiệp trả lời. VinSmart đã kết thúc kéo theo đó là sự nuối tiếc cho một ngành công nghiệp non trẻ ở Việt Nam khi con chim đầu đàn chuyển hướng.