Sáng 14-7, HĐND TP.HCM, Sở TT&TT và Đài Truyền hình TP.HCM tổ chức chương trình "Dân hỏi - Chính quyền trả lời" với chủ đề “Cải cách việc thực hiện thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi số - sự hài lòng của người dân”.
Cử tri đã đặt nhiều câu hỏi xoay quanh việc bảo mật thông tin cá nhân khi thực hiện thủ tục hành chính trên cổng dịch vụ công trực tuyến.
Làm sao để chính quyền ngăn việc lộ, lọt thông tin cá nhân?
Cử tri Lê Thị Hạnh Sơn, huyện Bình Chánh nêu phản ánh, việc sử dụng mã định danh VNeID vào cổng thông tin để giải quyết các thủ tục hành chính còn bất cập như các thông tin về giấy phép lái xe, BHYT, BHXH, thông tin người phụ thuộc... chưa được tích hợp, hoặc không thể sử dụng các chức năng.
Cũng theo cử tri này, từ những thao tác của người dân khi có nhu cầu giao dịch sử dụng trên điện thoại thì các trang mạng hay cổng thông tin, hệ thống điện tử, ứng dụng phần mềm hiện nay thường xuyên được yêu cầu là phải được xác nhận bằng số điện thoại, bằng mã OTP, bằng số tài khoản hoặc thông tin cá nhân hoặc hỗ trợ hướng dẫn tải các app, yêu cầu click vào các đường link, trang website…
Điều này khiến cho người dân lo lắng, phân vân không biết việc xác nhận các yêu cầu trên là đúng hay là bị lừa đảo.
Cử tri Nguyễn Hữu Ngữ, quận Bình Tân thắc mắc khi áp dụng công nghệ để đồng bộ hóa dữ liệu cá nhân thì thông tin cá nhân có được bảo mật tuyệt đối? Khung pháp lý quy định vấn đề này thế nào?
Giám đốc Trung tâm chuyển đổi số TP.HCM Võ Thị Trung Trinh cho biết thông tin cá nhân của người dân khi khai trên hệ thống đều được bảo mật theo ba biện pháp chính, đó là: giải pháp kĩ thuật, quy chế sử dụng và nhân sự tham gia hệ thống.
Theo bà Trinh, toàn bộ quy trình xử lý hồ sơ , thủ tục hành chính, thông tin cá nhân chỉ được cung cấp để giải quyết hồ sơ đó, theo nhiệm vụ công chức, viên chức được phân công.
Về vấn đề lưu trữ thông tin, hiện hệ thống máy chủ của các đơn vị được lưu trữ tập trung tại trung tâm dữ liệu TP.
Trung tâm này được trang bị các giải pháp kĩ thuật nhằm đảm bảo dữ liệu được lưu trữ an toàn, bảo mật và vận hành thông suốt, đảm bảo 24/7. Khi xây dựng cơ chế vận hành hệ thống, trung tâm đều đã tính đến việc đảm bảo khai thác thông tin cá nhân vào mục đích giải quyết hồ sơ cho người dân.
Giám đốc Trung tâm chuyển đổi số TP.HCM cho biết cả nước hiện có khoảng 70 triệu người sử dụng internet (tương đương 80% dân số), vấn đề lộ thông tin cá nhân có nguy cơ rất cao. Hiện nay, Bộ Công an đang trình Chính phủ xây dựng Luật Dữ liệu cá nhân và dự kiến trình Quốc hội trong năm 2025.
Dựa trên cơ sở hoàn thiện hệ thống pháp luật cùng những giải pháp kĩ thuật sẽ trang bị đầy đủ giải pháp để bảo vệ thông tin cá nhân khi người dân, doanh nghiệp thực hiện giao dịch.
Để vận hành Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của TP một cách đồng bộ, bà Trinh cho biết phải trang bị các hệ thống máy tính, kết nối mạng cho cấp cơ sở, đặc biệt là phường, xã, thị trấn.
Với chức năng của mình, hiện Trung tâm chuyển đổi số TP.HCM vẫn đang phối hợp chặt chẽ với Sở TT&TT, Sở Nội vụ, Văn phòng UBND TP để hoàn thiện chương trình vận hành theo hướng đơn giản thủ tục, giúp thao tác sử dụng của người dân, cán bộ công chức viên thực hiện giải quyết thủ tục.
Đồng thời, trung tâm cũng đang nỗ lực để kết nối đồng bộ với các cơ sở dữ liệu chuyên ngành về dân cư hay hộ tịch, hệ thống dịch vụ công quốc gia để tạo sự đồng bộ dữ liệu.
Sớm triển khai ứng dụng công dân Thành phố
Giám đốc Sở TT&TT TP.HCM Lâm Đình Thắng nhấn mạnh thời gian qua, chính quyền TP.HCM rất quyết tâm, nỗ lực trong chuyển đổi số, cải cách hành chính nhằm cải thiện môi trường đầu tư, phục vụ ngày càng tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp. Trong đó, chuyển đổi số là một trong những giải pháp trọng tâm.
Qua gần 5 năm thực hiện chương trình chuyển đổi số quốc gia, TP.HCM đã triển khai toàn diện, đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực.
Đến nay, nền hành chính TP.HCM đạt được những kết quả tích cực. Các cơ quan hành chính hầu như đã xử lý công việc trên môi trường mạng; người dân có thể nộp hồ sơ, theo dõi kết quả xử lý, nhận kết quả trên môi trường mạng; lãnh đạo TP cũng quản lý công việc trên mạng thông qua hệ thống quản trị thực thi.
Giám đốc Sở TT&TT cũng nhìn nhận thực tế chương trình cải cách hành chính, chuyển đổi số vẫn còn những khó khăn, vướng mắc.
Thời gian tới, TP.HCM tiếp tục kiên trì, nỗ lực với mục tiêu đưa nền công vụ lên nền tảng số, giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường mạng vào năm 2025.
Trong đó, hoàn thiện hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính TP.HCM; phát triển nền tảng số ở những lĩnh vực quan trọng để người dân được phục vụ tốt hơn; nhanh chóng triển khai ứng dụng di động công dân thành phố để giúp người dân tương tác, nắm thông tin của TP.HCM và giải quyết thủ tục hành chính thuận tiện hơn.
TP.HCM cũng tiếp tục đầu tư hệ thống trang thiết bị, đảm bảo an toàn thông tin để xử lý công việc đảm bảo an toàn, nhanh, hiệu quả hơn.
Cơ quan nào thu phí sử dụng dịch vụ công, cử tri cần báo ngay
Cử tri TP.HCM cũng nhắc đến chủ trương không thu phí một số thủ tục mà TP.HCM vừa thực hiện. Cử tri cho rằng đây là chủ trương tốt, nhưng cũng có thể cân nhắc người dân sẵn sàng trả phí để công việc của họ được giải quyết hiệu quả.
Phó Chánh Văn phòng UBND TP.HCM Đinh Thị Thanh Thủy cho biết chủ trương của Nhà nước là không khuyến khích thu thêm phí vì sẽ gây thêm khó khăn cho người nghèo và những người yếu thế. Sâu xa hơn là dần tiến tới bình đẳng trong việc sử dụng dịch vụ công.
“Khi cử tri có thông tin các cơ quan, đơn vị chưa hiểu thấu đáo về chủ trương này thì cứ mạnh dạn thông tin lại cho văn phòng UBND TP hoặc cứ kiến nghị trên cổng dịch vụ công quốc gia. Chúng tôi sẽ có điều chỉnh với các đơn vị để đạt mục đích cải cách hành chính của chúng ta hiện nay” - bà Thủy chia sẻ đến cử tri.
Ông Võ Minh Thành, Phó Giám đốc Sở TT&TT TP.HCM cho biết để khuyến khích người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công, UBND TP đã thành lập tổ công nghệ số cộng đồng để tiếp xúc với người dân tại địa phương nhằm hỗ trợ người dân thực hiện.
Hiện nay, TP cũng ban hành chính sách thu phí 0 đồng với 92 thủ tục dịch vụ công trực tuyến thuộc 5 nhóm lĩnh vực: hộ tịch, cấp giấy phép lao động nước ngoài, cấp giấy phép kinh doanh, cấp giấy chứng nhận đất đai, giấy phép xây dựng.
Hiện, TP.HCM đã cung cấp 1,6 triệu chữ ký số cho người dân.