Công tác chủ quản báo chí vẫn còn nhiều bất cập

Thứ sáu, 11/08/2017 13:06

Phần lớn các cơ quan báo chí hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích, định hướng chính trị, thực hiện tốt chức năng vừa là cơ quan tuyên truyền của Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội, nghề nghiệp, vừa là diễn đàn của nhân dân; tham gia tích cực vào cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí, quan điểm sai trái của các thế lực thù địch… Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn nhiều cơ quan báo chí chưa quán triệt và thực hiện nghiêm túc chủ trương, chính sách, nghị quyết của Đảng và Nhà nước; một số cơ quan báo chí xa dời tôn chỉ, mục đích, đưa tin sai sự thật, vi phạm đạo đức nghề nghiệp…. Đó là nhận xét của Thứ trưởng Bộ TT&TT Hoàng Vĩnh Bảo tại hội nghị tập huấn công tác chủ quản báo chí vừa diễn ra ngày 10/8/2017, tại Hà Nội.

Còn nhiều cơ quan báo chí thực hiện không đúng tôn chỉ, mục đích
 
Theo đánh giá của Bộ TT&TT, trong thời gian qua, về cơ bản, các cơ quan báo chí đã hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích,  thực hiện nghiêm túc sự lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng thông tin của Đảng, Nhà nước, thông tin nhanh nhạy, đầy đủ, toàn diện về mọi diễn biến của đời sống chính trị, kinh tế - xã hội ở trong nước và quốc tế, là diễn đàn tin cậy của nhân dân.
 
20170822-l1.jpg
Thứ trưởng Bộ TT&TT Hoàng Vĩnh Bảo phát biểu tại hội nghị
 
Đồng thời, báo chí đã chủ động khai thác, tuyên truyền, phản ánh đạm nét các giải pháp điều hành kinh tế - xã hội của Chính phủ nhằm phát triển kinh tế, kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội,… góp phần nâng cao niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của Chính phủ. Báo chí đã tích cực phát hiện, cổ vũ nhân tố mới, điển hình tiên tiến, thành tựu công cuộc đổi mới; kiến nghị, đề xuất nhiều giải pháp, hướng đi thiết thực; đấu tranh kiên quyết với những hành vi tham nhũng, lãng phí, quan liêu, tiêu cực xã hội; tham gia giám sát, phản biện xã hội, phát huy quyền làm chủ của nhân dân; đấu tranh bảo vệ chủ quyền, đấu tranh chống “diễn biến hòa bình”, phản bác các quan điểm, luận điệu sai trái của các thế lực thù địch…
 
Bên cạnh đó, báo chí đã góp phần tích cực đẩy mạnh các hoạt động thông tin đối ngoại, quảng bá hình ảnh đất nước, con người và thành tựu đổi mới của nhân dân ta với bạn bè quốc tế và kiều bào sinh sống ở nước ngoài bằng nhiều hình thức, loại hình và ngôn ngữ khác nhau; đáp ứng yêu cầu phục vụ nhiệm vụ thông tin đối ngoại, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế,… củng cố lòng tin của nhân dân với Đảng và sự nghiệp đổi mới; là cầu nối Việt Nam với bạn bè thế giới.
 
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tích nổi bật nêu trên, báo cáo tại hội nghị của cơ quan quản lý nhà nước cũng chỉ rõ những tồn tại, thiếu sót, khuyết điểm như: Thông tin không đúng với tôn chỉ, mục đích, không đúng đối tượng phục vụ được quy định trong giấy phép hoạt động; thông tin thiếu nhạy cảm về chính trị, không phù hợp với lợi ích của đất nước, của nhân dân, gây ra những tác động xấu đến dư luận xã hội; thông tin sai sự thật, gây phương hại đến lợi ích quốc gia, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm của công dân; thông tin không phù hợp với thuần phong mỹ tục của Việt Nam; vi phạm về quảng cáo quá tần suất, thời lượng theo quy định; vi phạm về bản quyền trên báo chí…
 
Đối với công tác chỉ đạo, quản lý của cơ quan chủ quản báo chí đối với cơ quan báo chí trực thuộc vẫn có khá nhiều khuyết điểm, bất cập, trong đó có phần trách nhiệm của cơ quan chủ quản báo chí. Cụ thể, vẫn còn tình trạng một số cơ quan chủ quản buông lỏng quản lý đối với cơ quan báo chí (tập trung chủ yếu ở các tổ chức xã hội - nghề nghiệp) để một số cơ quan báo chí không thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích, nhiệm vụ chính trị, vi phạm quy định của pháp luật về báo chí; Tiêu chuẩn, quy trình bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo báo chí của nhiều cơ quan chủ quản thực hiện không chặt chẽ, không ít cơ quan chủ quản đã bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo báo chí không được đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ theo quy định; Một số cơ quan báo chí có những vi phạm nghiêm trọng, Bộ TT&TT đã nhắc nhở, phê bình, đề nghị cơ quan chủ quản làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu; Một số cơ quan chủ quản chưa quan tâm đúng mức tới công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao nhận thức chính trị cho lãnh đạo, phóng viên, biên tập viên của cơ quan báo chí thuộc quyền; Việc một số nhà báo, phóng viên có hành vi vi phạm pháp luật, thậm chí bị cơ quan điều tra khởi tố, bắt tạm giam, có phần trách nhiệm của cơ quan chủ quản trong việc chỉ đạo, giám sát cơ quan báo chí, không chỉ về việc thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích theo giấy phép hoạt động báo chí mà cả về hoạt động nghiệp vụ, đạo đức người làm báo…
 
Ngoài ra, một số cơ quan chủ quản đề nghị thành lập cơ quan báo chí khi chưa đủ các điều kiện về trụ sở, trang thiết bị, nguồn tài chính, tổ chức, bộ máy... Chủ yếu là báo của các hội, bản thân kinh phí của hội đã khó khăn, dẫn đến tình trạng xin ra tờ báo rồi khoán trắng cho cơ quan báo chí, rồi cơ quan báo chí lại bằng mọi cách để kiếm tiền, dẫn đến chuyện để phóng viên đi gây sức ép với các tổ chức, cá nhân. Do vậy, các cơ quan chủ quản cần quan tâm, đề nghị cơ quan báo chí rà lại xem có cần lập văn phòng đại diện và phóng viên thường trú không… Thứ trưởng nêu vấn đề.
 
Tăng cường phối hợp giữa cơ quan chủ quản với cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí
 
Để hoạt động báo chí phát huy hiệu quả trong thời gian tới, Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo đề nghị cần tăng cường sự phối hợp giữa cơ quan chủ quản với cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí. Trên cơ sở những định hướng chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về công tác báo chí, các cơ quan chủ quản cần tiến hành rà soát chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan báo chí, sản phẩm báo chí, từ đó khẩn trương xây dựng đề án đổi mới, sắp xếp lại các cơ quan báo chí, sản phẩm báo chí của cơ quan, đơn vị, ngành mình theo hướng tinh gọn, thiết thực và hiệu quả. Kiên quyết xử lý, thu gọn các báo, tạp chí, ấn phẩm, chương trình giải trí xét thấy không cần thiết, hoạt động không đúng tôn chỉ, mục đích, đối tượng hoặc để sai phạm kéo dài.
 
20170822-l2.jpg
 Toàn cảnh hội nghị
 
Với cơ quan chủ quản báo chí cần chú trọng việc thực hiện đầy đủ và có hiệu quả các nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan chủ quản báo chí theo quy định tại Điều 15, Luật Báo chí 2016quy định rõ về  Quyền hạn và nhiệm vụ của cơ quan chủ quản báo chí. Đồng thời, người đứng đầu cơ quan chủ quản cần phân công cán bộ lãnh đạo am hiểu Luật Báo chí và các quy định của pháp luật về báo chí trực tiếp phụ trách công tác báo chí để chỉ đạo, quản lý toàn diện mọi hoạt động và thông tin trên báo chí thuộc quyền. Cần bổ nhiệm những người có phẩm chất chính trị, đạo đức, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ và am hiểu báo chí để giữ các vị trí lãnh đạo, quản lý trong cơ quan báo chí thuộc quyền. Đặc biệt, khi cơ quan báo chí thuộc quyền có sai phạm, lãnh đạo cơ quan chủ quản phải chủ động phát hiện và nhận trách nhiệm, kịp thời và kiên quyết xử lý sai phạm theo đúng quy định của pháp luật.
 
Song song với đó, các cơ quan chỉ đạo, quản lý và cơ quan chủ quản báo chí cần thường xuyên trao đổi, cung cấp thông tin để kịp thời chỉ đạo, định hướng thông tin đối với cơ quan báo chí thuộc quyền, nhất là trong các vụ việc, sự kiện lớn, quan trọng, phức tạp, nhạy cảm. Mặ khác, cần xây dựng quy chế phối hợp giữa cơ quan chỉ đạo, cơ quan quản lý với cơ quan chủ quản báo chí trong công tác chỉ đạo, quản lý hoạt động và xử lý sai phạm của cơ quan báo chí…
 
Đồng thời, các Bộ, ngành nên chủ động sắp xếp lại cơ quan báo chí cho phù hợp theo tinh thần “Đề án Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025” chứ không phải chờ đợi sau khi Thủ tướng ký ban hành Quy hoạch báo chí đến 2025 mới triển khai, thì các bước đi sẽ đảm bảo hiệu quả hơn; các cơ quan chủ quản báo chí cần tăng cường phối hợp với cơ quan quản lý, cơ quan chỉ đạo, định hướng báo chí; tăng cường kiểm tra, giám sát thường xuyên của cơ quan chủ quản đối với cơ quan báo chí thuộc quyền, đặc biệt lưu ý hơn tới vấn đề phóng viên thường trú, văn phòng đại diện hiện đang có rất nhiều nhức nhối…
 
Cũng theo Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo: Trong năm 2016 và 2017, Bộ TT&TT đã tích cực, chủ động rà soát, sửa đổi, bổ sung, xây dựng mới văn bản quy phạm pháp luật nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động báo chí, nhằm đáp ứng tốt yêu cầu thực tiễn của công tác quản lý nhà nước về báo chí hiện nay. Và Bộ đang sửa đổi, bổ sung Nghị định số 159/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản; Nghị định 174/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, CNTT và tần số vô tuyến điện.
 
Theo báo cáo của Bộ TT&TT, đến tháng 6/2017, cả nước có 832 cơ quan báo, tạp chí in, trong đó có 193 báo (Trung ương: 86. Địa phương: 107); 639 tạp chí (Trung ương 525, địa phương 114); có 150 cơ quan báo điện tử đã được cấp phép (trong đó 125 cơ quan báo in thực hiện loại hình điện tử), 67 đài phát thanh truyền hình địa phương. Cả nước có trên 18.000 nhà báo được cấp thẻ; trên 35.000 người làm việc trong lĩnh vực báo chí. Năm 2016, tổng doanh thu phát sinh lĩnh vực báo chí ước đạt 13.912 tỷ đồng (ước tăng 13,93% so với năm 2015); tổng nộp ngân sách nhà nước lĩnh vực báo chí ước đạt 901 tỷ đồng.
 
Cả nước có trên 18.000 nhà báo được cấp thẻ (tăng 1.500 người so với năm 2011) và khoảng trên 5.000 phóng viên đang làm việc tại các cơ quan báo chí, nhưng chưa đủ điều kiện cấp thẻ nhà báo. Số người làm việc trong lĩnh vực báo chí khoảng trên 35.000 người (tăng trên 3.000 người so với năm 2011).
Minh Khang
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon
icon

Giới thiệu
Sản phẩm dịch vụ

Nơi giới thiệu những sản phẩm,
dịch vụ tốt nhất dành cho bạn đọc

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Doanh nghiệp

Top