Bảo vệ trẻ em sử dụng Internet an toàn - vấn đề toàn cầu
Theo nghiên cứu của ITU, hiện nay hơn 50% dân số thế giới đã tiếp cận Internet, trong đó 30% lượng người sử dụng là trẻ em (có nghĩa trẻ em chiếm 1/3 số lượng người sử dụng Internet)¹. Vào năm 2022, ước tính có thêm 1,2 tỷ người sử dụng Internet sẽ được gia nhập vào con số này và đương nhiên số lượng trẻ sử dụng Internet trong 1,2 tỷ người sử dụng mới cũng được tăng theo bản đồ nhân khẩu học*.
Sự phát triển bùng nổ Internet đã mang lại lợi ích lớn cho toàn nhân loại, đặc biệt là đối với các quốc gia đang phát triển và các quốc gia kém phát triển. Đây là những quốc gia có dân số đông, cơ sở hạ tầng chưa có khả năng đáp ứng được những yêu cầu của Internet về kinh tế, văn hóa, cơ hội giáo dục. Năm 2011, 1,2 tỷ người đã đăng ký thiết lập tài khoản ngân hàng đầu tiên của mình. Đây chính là cơ hội cho các đối tượng này tham gia vào thị trường thanh toán trong nước và quốc tế, đây cũng được coi là thành tựu từ việc phát triển công nghệ số, đặc biệt là Internet banking³.
Nguy cơ và thách thức bảo vệ trẻ em an toàn trên môi trường mạng
Nghiên cứu từ ITU cho thấy: sự phát triển gia tăng công nghệ số làm gia tăng số lượng người kiếm được việc làm là 3%, tương đương với việc gia tăng mức thu nhập là 2,3%4. Những con số tích cực chưa thể đánh giá toàn bộ tình hình trong việc sử dụng Internet, trên thế giới có 2,2 tỷ trẻ em dưới 18 tuổi'. Ở một số các quốc gia đang phát triển, trẻ em chiếm 50% dân số quốc gia, để tiếp nhận những tiềm năng phát triển của thế giới số, những đối tượng trẻ em này cũng cần được sử dụng và truy cập Internet một cách đầy đủ và an toàn. Thực tế đáng buồn là những quốc gia đang phát triển chưa có đầy đủ công cụ và hỗ trợ cho trẻ em truy cập trực tuyến an toàn và bình đẳng.
Trẻ em tiếp cận Internet sẽ gặp những nguy cơ bị bắt nạt trực tuyến, bị nhìn thấy những hình ảnh lạm dụng, bị dụ dỗ, bắt cóc, chụp những hình ảnh ấu dâm phát tán trên mạng,... Nhiệm vụ của chúng ta là phải tìm cách bảo vệ trẻ em trước những nguy cơ rủi ro từ Internet, con số trẻ bị xâm hại ở các quốc gia phát triển ít hơn so với những quốc gia đang phát triển tuy nhiên không có một quốc gia nào có hệ thống bảo vệ trẻ em hoàn hảo, ngay kể cả ở những quốc gia phát triển nhất thế giới. Thậm chí ở những quốc gia có nền công nghệ phát triển trong hai thập kỷ trở lại đây cũng có những lỗ hổng trong hệ sinh thái bảo vệ trẻ em trên không gian mạng.
Gần đây nhất, thế giới vẫn đang đưa ra tranh cãi về vấn đề đạo đức khi một số các nhà cung cấp dịch vụ như Facebook, Apple,... tuyên bố sẽ thực hiện mã hóa đầu cuối cho toàn bộ thông tin của khách hàng khi sử dụng dịch vụ của mình. Việc mã hóa đầu cuối đề cao được tính bảo mật riêng tư đối với người sử dụng, đây là một trong những quyền của con người nhưng với đối tượng là trẻ em thì đang còn rất nhiều vấn đề cần xem xét. Trẻ em cũng có quyền như người lớn được bảo vệ quyển riêng tư, nhưng trẻ em cũng còn quá non nớt để có thể tự bảo vệ mình trên môi trường mạng, nếu việc sự dụng mã hóa đầu cuối được áp dụng toàn bộ thì đồng nghĩa với việc kẻ phạm tội có thể lưu truyền phát tán các tài liệu hình xâm hại trẻ em (CSAM) một cách tự do thoải mái mà rất khó để các cơ quan chức năng có thể phát hiện, thậm chí bên cung cấp dịch vụ cũng khó có thể phát hiện ra. Chúng ta phải đưa ra cân nhắc về bảo mật quyền riêng tư và sự an toàn của trẻ em trên môi trường mạng, các nhà chính sách cũng đang phải nghiên cứu tìm ra được giải pháp nào tối ưu để bảo vệ trẻ em thông qua các công cụ và phân chia độ tuổi của trẻ em khi trẻ em tham gia vào môi trường mạng.
Bảo vệ trẻ em sử dụng Internet an toàn cần sự tham gia của mọi thành phần
Ở Việt Nam, đặc biệt trong hoàn cảnh đối mặt với đại dịch COVID, cuộc sống và mối quan tâm của người dân đã được chuyển qua môi trường trực tuyến, trẻ em thực hiện học trực tuyến, người lớn cũng làm việc, họp hành thông qua mạng Internet trong thời gian giãn cách. Theo khảo sát của tổ chức Save the Children và Viện nghiên cứu phát triển bền vững MSD (tháng 5/2020), cứ 3 trẻ em có 2 trẻ sử dụng thiết bị kết nối Internet, số lượng trẻ em ở thành thị sử dụng Internet nhiều hơn số lượng trẻ ở nông thôn, và việc truy cập Internet cũng tăng dần theo độ tuổi của trẻ. Trẻ tiếp cận Internet bằng nhiều phương tiện khác, qua điện thoại thông minh cá nhân (57,8%), máy tính ở nhà (45,9%), điện thoại di động của người thân (45,3%), ngoài quán Internet (13,5%). Nhóm học sinh trong nhà trường có thể tiếp cận Internet qua máy tính của trường học (23,6%). Trẻ em sử dụng Internet cho nhiều mục đích khác nhau như học hành, nghiên cứu, xem phim, ca nhạc, xem các chương trình giải trí/ đọc tin tức, giao lưu, kết nối bạn bè và trò chơi điện tử/ trực tuyến. Cứ 10 trẻ em thì 7 trẻ tham gia khảo sát sử dụng Internet hơn 01 tiếng/ngày. 43,4% trẻ em tham gia khảo sát sử dụng Internet từ 1-3 tiếng mỗi ngày9. Theo nghiên cứu của Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF) thì cứ 5 trẻ lại có 4 trẻ từng là nạn nhân của việc bị xâm hại, bắt nạt trên không gian mạng và có đến 60% trẻ không biết sẽ tìm kiếm sự giúp đỡ trên mạng nếu gặp phải vấn đề bị bắt nạt.
Bên cạnh đó, ở Việt Nam, theo thói quen chung, người ớn cũng như trẻ nhỏ sử dụng Internet giống như một nhu cầu mong muốn về giải trí. Đặc biệt với việc sở hữu một chiếc máy tính bảng hay điện thoại thông minh quá dễ dàng, bố mẹ hay người chăm sóc trẻ thường có xu hướng giao toàn bộ thiết bị thông minh đó cho trẻ để mình rảnh tay làm những công việc khác mà không kiểm tra, giám sát các nội dung trẻ truy cập, đọc và xem.
Đối với lứa tuổi lớn hơn, trẻ chưa được đào tạo hay hướng dẫn một các bài bản xem sử dụng Internet làm sao cho thật an toàn, phòng ngừa các nguy cơ rủi ro khi gặp các tình huống bị bắt nạt dụ dỗ trên mạng. Trẻ thường tự âm thầm giải quyết các vấn đề của mình cho đến khi xảy ra những sự việc đau lòng như tự tử, bỏ nhà đi, hay những hành động mang lại hậu quả xấu, thì người lớn, những người có trách nhiệm mới giật mình tìm hiểu nguyên nhân. Do vậy việc nâng cao ý thức sử dụng Internet an toàn là vấn đề không chỉ riêng đối với trẻ cần được bổ sung cập nhật kiến thức tại trường học, các nhóm cộng đồng mà còn nâng cao ý thức cho cha mẹ, thầy cô những người chăm sóc trẻ em.
Tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội Khóa XIV tháng 5/2020, Quốc hội tiến hành giám sát tối cao việc thực hiện chính sách, pháp luật, phòng chống xâm hại trẻ em theo hình thức trực tuyến. Các đại biểu Quốc hội cho ý kiến trong thời đại số việc cấm trẻ em tham gia không gian mạng là hạn chế cơ hội tiếp cận thông tin, tri thức của trẻ. Thay vì cấm, phải hướng trẻ đến kiến thức, kỹ năng để trẻ khai khác thông tin mạng an toàn.
Nhận thức được những ưu điểm và phòng ngừa rủi ro trong thời đại phát triển công nghệ số, Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) đã giao Cục An toàn thông tin chủ trì xây dựng và đề xuất Đề án Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác sáng tạo, lành mạnh trên môi trường mạng giai đoạn 2020-2025 trình Thủ tướng Chính phủ. Đề án được xây dựng căn cứ trên nhu cầu thực tế, nhất thiết cần xây dựng một môi trường Internet an toàn cho trẻ em, một khảo sát đã được thực hiện nhanh với số lượng 1.025 trẻ em ở các độ tuổi8, vùng miền khác nhau càng cho thấy mong muốn của người dân, đặc biệt các em nhỏ về nhu cầu sử dụng Internet an toàn. Trong hội thảo tham vấn ý kiến, xây dựng Đề án, Bà Hoàng Thị Hoa, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội có ý kiến về thực trạng tình hình trẻ bị xâm hại trên môi trường mạng tại Việt Nam và mong muốn Đề án sẽ là cơ sở cho các hoạt động phối hợp giữa các Bộ ban ngành, các doanh nghiệp công nghệ số, tổ chức xã hội... trong việc phối kết hợp, bảo vệ trẻ em an toàn trên không gian mạng.
Để triển khai được các hoạt động bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng không chỉ là nhiệm vụ riêng của các cơ quan chính phủ (Bộ TTTT, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT)…) mà đó là sự chung tay, phối kết hợp của các tổ chức (UNICEF, Worldvisison, Childfund, MSD….), doanh nghiệp trong và ngoài nước. Mỗi đơn vị, mỗi cá nhân đều đóng góp vào việc nâng cao nhận thức cá nhân công đồng trong việc tự bảo vệ mình, con em mình khi tham gia môi trường mạng để đảm bạo mỗi cá nhân được an toàn, bình đẳng khi sử dụng mạng Internet.
Cùng với đó, về chính sách chúng ta cũng cần phải xây dựng, rà soát lại hành lang pháp lý về việc bảo vệ trẻ an toàn trên môi trường trực tuyến. Nếu tập trung vào việc thay đổi hệ thống pháp luật toàn cầu về bảo vệ trẻ em trong thời đại công nghệ số để thu hẹp những khoảng trống thì chắc chắn sẽ có tác động sâu sắc cho trẻ. Tại một số quốc gia, các nhà phát triển chính sách luôn có những câu hỏi về việc tự xây dựng thực lực trong việc điều chỉnh cơ chế pháp luật trong thực thi các biện pháp bảo vệ trẻ em và liệu đó có phải là biện pháp tốt nhất. Trước khi đưa được câu trả lời chung nhất cho vấn đề này thì mỗi quốc gia hơn hết phải tự xây dựng cơ chế về pháp lý để bảo vệ trẻ em ngay tại quốc gia mình.
Trước tiên cần phải đưa ra được định nghĩa khái quát về thế nào là việc xâm hại trẻ em trên môi trường mạng. Thực tế trong môi trường tương tác ngoài đời thực, các định nghĩa này được phân định khá rõ ràng khi kẻ xâm hại có tiếp xúc trực tiếp với nạn nhân, nhưng trên môi trường mạng không có sự va chạm vật lý đối với nạn nhân mà những hậu quả hay ảnh hưởng lại gây sự ám ảnh tâm lý vô cùng lâu dài và ám ảnh. Do bản chất vĩnh viễn, nên khi một bức ảnh bị xâm hại, các thông tin sai lạc bị đưa lan truyền rất nhanh, để lại lưu vết và không thể bị xóa vĩnh viễn một khi đã được lưu truyền. Việc lưu trữ hình ảnh/video trong đó lưu giữ hình ảnh trẻ em là nạn nhân bị xâm hại cũng là một hành vi vi phạm pháp luật cần được quy định rõ lại với những đối tượng lưu giữ hình ảnh này.
Triển khai thực tế, tháng 12/2017, Bộ LĐTBXH đã khai trương Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111. Tổng đài 111 là dịch vụ công đặc biệt thực hiện tiếp nhận thông tin, thông báo, tố giác từ cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân và các em qua điện thoại; góp phần thực hiện chức năng phối hợp với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để xác minh thông tin và kịp thời cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em; cung cấp thông tin, tư vấn về pháp luật, chính sách, kiến thức, kỹ năng về thực hiện quyền trẻ em, tham vấn về tâm lý cho trẻ em, cha, mẹ, thành viên gia đình, trong chăm sóc trẻ em. Đồng thời, trong thời gian qua, các chuyên gia về an toàn thông tin tại Cục An toàn thông tin - Bộ TTTT cũng đã phối hợp cùng Cục Trẻ em - Bộ LĐTBXH, Bộ Công an và Vụ Chính trị công tác học sinh, sinh viên - Bộ GDĐT cùng nhau tìm hiểu, đề xuất các giải pháp và cách thức phối hợp trong việc triển khai hoạt động bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.
Nhiệm vụ và hành động triển khai trong thời gian tới Đứng trước những khó khăn, trong thời gian tới, Chính phủ đã cho xây dựng và đưa vào triển khai các nhiệm vụ về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng nhắm tới mục tiêu:
Đây được coi là nhiệm vụ trọng tâm khi xây dựng các giải pháp hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh sáng tạo trên môi trường mạng. Việc triển khai nhiệm vụ không chỉ là vấn đề của các cơ quan quản lý nhà nước mà còn là vấn đề của toàn dân, toàn xã hội, mỗi người dân phải tự nâng cao nhận thức cho mình để bảo vệ con em mình cũng như chính mình khi tham gia vào môi trường Internet thông qua việc nâng cao kiến thức về sử dụng Internet an toàn.
Trong thời gian tới, Bộ TTTT, Bộ LĐTBXH, Bộ GDĐT, Bộ Công an sẽ phối hợp xây dựng mạng lưới bảo vệ trẻ em trên không gian mạng. Đây là mạng lưới có sự tham gia của Đoàn thanh niên, các hiệp hội, các tổ chức xã hội, doanh nghiệp công nghệ trong và ngoài nước, các chuyên gia trong lĩnh vực trẻ em, công nghệ thông tin, phối hợp các tổ chức từ Trung ương đến địa phương và đặc biệt có sự tham gia của giáo viên, cha mẹ và trẻ em. Mạng lưới có mục đích để trẻ em có thể đưa tiếng nói của mình tương tác trực tiếp với cơ quan chức năng, có trách nhiệm trong việc bảo vệ trẻ em. Với tốc độ phát triển rất nhanh của công nghệ và Internet cùng các nền tảng trực tuyến, mạng lưới bảo vệ trẻ em sẽ chính là đội phản ứng nhanh, hỗ trợ kịp thời đối với trẻ em, phản ánh các thông tin xâm hại trẻ trên môi trường mạng. Cùng với tổng đài Quốc gia bảo vệ trẻ em 111, mạng lưới bảo vệ trẻ em trên không gian sẽ tích cực hoạt động, đưa các thông tin phản hồi hướng đến phát triển một môi trường lành mạnh cho trẻ trên không gian mạng.