Theo ông Hiệp, nhu cầu thực phẩm của người dân TP HCM là hơn 8.200 tấn mỗi ngày, nhưng khả năng đáp ứng của thành phố chỉ 22%, còn lại được cung cấp từ các tỉnh. Trong giai đoạn thành phố giãn cách xã hội, vấn đề đứt gãy chuỗi cung ứng nông sản thể hiện rất rõ mà hầu như người dân đều cảm nhận được.
"Đứt gãy chuỗi cung ứng nông sản buộc các đơn vị nhà nước như nông nghiệp, công thương, các địa phương của thành phố phải là đơn vị đứng ra vận chuyển hàng hóa và cung cấp cho người dân mà không theo bất cứ một quy luật thị trường nào", ông Hiệp nói. Thực trạng này cho thấy cần phải ứng dụng khoa học công nghệ để tăng tính kết nối về thông tin của thị trường, giữa người bán và người mua.
Hiện, Sở NN&PTNT TP HCM đang xây dựng phần mềm điều phối thông tin nhu cầu nông sản liên tục nhằm phối hợp với các tỉnh, thành cung cấp thực phẩm phía Nam sản xuất theo nhu cầu của thành phố, tạo liên kết chặt chẽ trong nông nghiệp. Ông Hiệp đề xuất các cơ quan nhà nước phối hợp với các doanh nghiệp công nghệ thông tin xây dựng cơ sở dữ liệu về số lượng người, sản lượng, thời gian thu hoạch... của từng loại nông sản. Việc này nhằm hỗ trợ nông dân sản xuất theo nhu cầu thực tế từ dữ liệu thị trường.
"Việc hình thành chuỗi sản xuất, cung ứng nông sản có vai trò rất lớn của khoa học công nghệ. Chúng tôi đặt mục tiêu đến năm 2025 trên 60% nông dân của thành phố ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, năm 2030 là 80%", ông Hiệp nói. Ngoài ứng dụng công nghệ cũng cần hạ tầng về logistics và giao thông thuận lợi để chi phí vận chuyển không ảnh hưởng lớn đến giá thành nông sản. Ông Hiệp đề xuất, TP HCM cần thiết lập các kho dự trữ ở các huyện ngoại thành, vùng giáp ranh với các tỉnh để cung cấp nông sản kịp thời cho người dân.
Lực lượng quân đội tỉnh Đồng Tháp mang nông sản lên tàu hải quân vận chuyển cứu trợ TP HCM, hồi tháng 8. Ảnh: Ngọc Tài
Lãnh đạo Sở NN&PTNT nhìn nhận, Covid-19 đã tác động đến nhận thức người làm nông nghiệp. Trước đây, thương lái chợ đầu mối thực hiện mọi cuộc giao nhận hàng đều ở chợ, sau đó phân phối đến chợ truyền thống. Nhưng nay, họ giao dịch thông qua mạng xã hội. "Người bán có thể giao trực tiếp cho người mua qua các nền tảng trực tuyến giảm chi phí và thời gian", ông Hiệp nói. Dịch bệnh sẽ thúc đẩy hoạt động thương mại điện tử, ứng dụng công nghệ nhiều hơn. Điều này giúp nông dân, doanh nghiệp thay đổi nhận thức, đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao chất lượng sản phẩm và giảm chi phí bằng việc ứng dụng công nghệ.
Đồng tình với ý kiến này, ông Nguyễn Mạnh Cường, Cục phó Cục công tác phía Nam, cho biết đơn vị sẽ nghiên cứu tìm cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp và nông dân thay đổi tư duy, ứng dụng công nghệ trong hoạt động sản xuất để không xảy ra tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng do dịch bệnh như thời gian vừa qua. "Người dân chỉ cần một chiếc smartphone và mạng xã hội, họ có thể kết nối với nhà cung cấp ở miền Tây đưa nông sản lên mà không cần thông qua chợ đầu mối trong những ngày giãn cách xã hội", ông Cường nêu từ thực tế và cho rằng cần thay đổi tư duy về ứng dụng công nghệ trong nông nghiệp của người dân.