Amazon đang nắm thị phần khống chế ở Mỹ và các nước tiêu thụ ebook bản quyền lớn nhất thế giới, theo báo cáo của Author Earnings.
Tri thức của nhân loại đã sớm được số hóa để đưa lên không gian mạng trong thời đại bùng nổ của Internet.
Gấp cuốn Suối nguồn dày hơn 1.200 trang, chị Thu Huyền (25 tuổi, Hà Nội) nhẹ nhàng lôi chiếc máy đọc sách, gõ tên tác phẩm và đọc cuốn tiểu thuyết kinh điển này trên chiếc màn hình quen thuộc.
Cũng như chị Huyền, nhiều người trẻ hiện nay coi việc đọc sách trên các thiết bị điện tử trở thành một phần không thể thiếu của xã hội điện đại, nơi một người cầm trên tay quyển sách dày cộp ở nơi công cộng khá bất tiện và bất thường.
Những thứ có thể đọc được trên điện thoại, máy tính bảng hoặc máy đọc sách là vô cùng đa dạng, từ sách báo tiểu thuyết, ngôn tình đến sách nói, sách hình… gọi chung là ebook và audiobook.
Ngành công nghiệp ebook đã chớm nở từ đầu thế kỷ 21, nhưng chỉ bùng nổ từ đầu thập niên 2010 theo sau sự ra đời của Amazon Kindle, thiết bị đọc sách điện tử chuyên dụng. Thế nhưng, thị phần ebook ở Mỹ đến nay vẫn đang chững lại vì nhiều lý do, chỉ chiếm 1,94 tỷ USD trên tổng doanh thu 25,93 tỷ USD năm 2019, theo báo cáo của Hiệp hội Nhà xuất bản Mỹ (AAP).
Thế độc quyền của nhà phân phối ebook
Khi Amazon Kindle ra đời và thiết lập giá bán ebook rẻ hơn đáng kể so với sách giấy, các nhà xuất bản sách đã liên kết để chống lại sự độc quyền này. Kết quả, Amazon buộc phải đưa ra chính sách mà khiến cho giá của một cuốn sách có phiên bản ebook không rẻ hơn bao nhiêu so với phiên bản bìa cứng (và ebook vẫn đắt hơn bìa mềm).
Thậm chí, trong một số trường hợp ebook bản quyền còn đắt hơn cả sách giấy, vì người ta có thể mua lại sách cũ với giá rẻ hơn giá bìa mà vẫn còn có thể đọc được trong tình trạng như mới.
Ngày nay, sự cạnh tranh giữa các nhóm Big Tech ở thị trường xuất bản sách thông qua nền tảng phân phối nội dung mà mình sở hữu cũng không khiến giá ebook giảm đi. Lý do là Amazon có thể lấy tới 65% hoa hồng trong khi Apple và Google cũng lấy không dưới 30%.
Hiển nhiên tất cả các nhà xuất bản hoặc tác giả cá nhân buộc lòng phải chấp nhận mức chia sẻ doanh thu này, bởi không có bữa trưa nào là miễn phí. Chiếc máy đọc Kindle đầu tiên ra đời năm 2007 có giá 399 USD, nhưng ngày nay phiên bản mới nhất có giá chỉ từ 89 USD.
Amazon bù đắp lợi nhuận từ việc bán ra mỗi chiếc Kindle bằng doanh thu quảng cáo trên máy và hoa hồng lấy từ việc bán sách online. Đây cũng đang là gã khổng lồ nắm thị phần lớn nhất thị trường ebook nhờ kho sách khổng lồ hơn 6 triệu cuốn, từ truyện chữ, truyện tranh, tạp chí đến truyện thiếu nhi.
Không có thống kê số lượng người dùng hiện tại, nhưng Amazon cho biết đã bán trung bình 10 triệu máy Kindle mỗi năm, kể từ năm 2007 đến nay. Và gã khổng lồ thương mại điện tử này đang nắm tới trên 60% thị phần của ebook. Nếu gộp cả thị phần bán sách truyền thống, Amazon thậm chí nắm tới 80% thị phần, gần như tạo ra thế độc quyền ở thị trường phân phối sách.
Điểm nghẽn của ebook
Chưa bàn tới vấn đề vi phạm bản quyền, cuộc chơi ebook ngay từ đầu đã rơi vào thế phụ thuộc Amazon. Nhà xuất bản và tác giả sách buộc phải lựa chọn giữa 35% chia sẻ bản quyền hoặc 70% chia sẻ bản quyền.
Nghĩa là, khi họ chọn phần tốt hơn, nhận 70% doanh thu, họ phải chấp nhận đặt giá bán sách trong khoảng từ 2,99 đến 9,99 USD với giá rẻ hơn 20% so với bản cứng nếu có trên Amazon và phải có quyền xuất bản ở mọi vùng lãnh thổ. Ngược lại, nếu một ebook nằm ngoài quy định này, nhà xuất bản hoặc tác giả chỉ được giữ lại 35% doanh thu.
Nếu không chọn Amazon, nhà xuất bản hoặc tác giả sách có thể chọn Google, Apple hoặc một nhà phân phối có thị phần tốt ở bản địa như Kobo (Canada), Nook (Mỹ) nhưng lượng người dùng ít hơn do số đầu sách kém hơn.
Ở đây lại xảy ra câu chuyện con gà và quả trứng. Nhà xuất bản hoặc tác giả chấp nhận bỏ qua Amazon, họ lại không có doanh thu tốt để tái đầu tư vào sách. Các đối thủ của Amazon không có kho sách phong phú bằng lại không thể thu hút được độc giả trả tiền.
Đưa xu thế thời đại vào sách
Dù đã tạo ra cách mạng cả chục năm, văn hóa đọc ebook ở Việt Nam vẫn dừng ở mức đọc lậu. Đầu tiên, không khó để thấy rằng việc tìm kiếm sách lậu ở nước ta, kể cả ấn bản tiếng Việt lẫn tiếng Anh, là điều không hề khó khăn.
Điều này khiến một vài nhà đầu tư đã chùn bước. Tiki đã khai tử ứng dụng Miki App sau nhiều năm đầu tư không hiệu quả. Cùng thời điểm đó, một ứng dụng khác là Waka vẫn đang gắng gượng trụ lại. Gần đây hơn là startup Voiz FM tham vọng tấn công thị trường audiobook mà kỳ vọng đến năm 2024 có doanh thu ước đạt 20 triệu USD.
Mô hình mà Waka hay Voiz FM theo đuổi là thuê bao trả phí hàng tháng, nhưng số lượng đầu sách vẫn còn rất hạn chế, chỉ hơn 13.000 ebook và 2.000 audiobook tương ứng.
Với mô hình thuê bao, các startup có thể tạm giải quyết được bài toán con gà và quả trứng nói trên. Nhưng một bài toán khó khác lại phát sinh đó là nạn chia sẻ tài khoản lậu của người Việt, hay còn hiểu là nhiều người đóng tiền dùng chung một tài khoản trả phí.
Một hướng đi khác mà các nhà xuất bản Việt từng nghĩ tới là xây dựng nền tảng tự phân phối ebook. Nhưng quá trình xin cấp phép đã lâu, việc in ấn mất thời gian, đưa lên nền tảng số cần thời gian thì ngược lại, quá trình làm lậu ebook chỉ tính bằng phút với tốc độ phát triển Internet như hiện nay.
Nhưng bất chấp những khó khăn đó, xu hướng ebook vẫn là không thể đảo ngược. Như những cuốn từ điển dày cộp nay đã bị thay thế bởi các công cụ dịch nhanh gọn lẹ trên máy tính và điện thoại, hay thông tin về nhân vật lịch sử có thể tra cứu dễdàng trên Wikipedia.
Đã đến lúc các nhà xuất bản cần sớm ebook hóa sách giấy, đa dạng hóa nội dung bằng hình ảnh, âm thanh, thực tế ảo (AR/VR), trí tuệ nhân tạo (AI)... có như vậy mới bắt kịp cuộc cách mạng ebook khi nó nổ ra ở Việt Nam.