Tư vấn, hỗ trợ các nhóm khởi nghiệp về blockchain tại vườn ươm Launch Zone - Ảnh: VGP/HG
Công nghệ chuỗi khối (Blockchain) là một trong những lĩnh vực công nghệ số nằm trong danh mục ưu tiên nghiên cứu, phát triển và ứng dụng để chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 tại Quyết định số 2117/QĐ-TTg ngày 16/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ.
Được phát minh từ năm 2008 bởi một kỹ sư phần mềm của Nhật Bản, Blockchain là công nghệ lưu trữ và truyền tải thông tin bằng các khối (block) được liên kết với nhau. Đặc biệt, các thông tin dữ liệu trên các block là không thể thay đổi, nó chỉ có thể được cập nhật và bổ sung thêm. Do đó, công nghệ này gắn liền với tính minh bạch, chính xác và có thể hoạt động xuyên biên giới.
Thực tế, trong đại dịch COVID-19, nhiều quốc gia như Singapore, Hàn Quốc, Malaysia… đã ứng dụng Blockchain vào việc quản lý “hộ chiếu vaccine”. Tại Việt Nam, công nghệ này hiện đang được áp dụng vào hàng loạt các lĩnh vực, từ logistics đến công nghệ, bán lẻ... Các doanh nghiệp lớn, tổ chức tài chính cũng dần nắm bắt và ứng dụng công nghệ này. Đơn cửa như Tổng công ty Giải pháp doanh nghiệp Viettel ứng dụng Blockchain vào quản lý hồ sơ sức khỏe cá nhân giúp lưu trữ lại toàn bộ lịch sử khám, chữa bệnh của người dân hay Vietcombank ứng dụng Blockchain trên ngân hàng số…
Mới đây, Báo cáo “Hệ sinh thái Khởi nghiệp toàn cầu” năm 2021được công bố vào cuối tháng 9 bởi Startup Genome- một tổ chức nghiên cứu và tư vấn chính sách hàng đầu thế giới về hệ sinh thái khởi nghiệp- đã khảo sát hơn 10.000 giám đốc điều hành start-up trên toàn thế giới cho thấy 10% công ty khởi nghiệp giai đoạn đầu tập trung vào công nghệ này. Blockchain, AI, dữ liệu lớn (Big Data) và robot được xếp hạng là những xu hướng công nghệ phát triển nhanh nhất. Blockchain là một trong những công nghệ phát triển nhanh nhất trong số các công ty khởi nghiệp toàn cầu.
Tại Việt Nam, công nghệ Blockchain cũng được đánh giá là cơ hội cho các start-up Việt khi trong vòng 2 năm qua, số lượng cũng như tổng giá trị các khoản đầu tư vào các dự án khởi nghiệp, đặc biệt là các dự án Blockchain, tăng mạnh. Đặc biệt, dù bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, năm 2021 vẫn được coi là thời điểm vàng khi có những doanh nghiệp về Blockchain được định giá tỷ đô. Hay mới đây, một tựa game Blockchain Việt cũng đã gọi vốn thành công 1,7 triệu USD.
Start-up cần gì nếu chọn khởi nghiệp về Blockchain?
Từng từ bỏ công việc 100-200 triệu/tháng để khởi nghiệp trong lĩnh vực Blockchain, anh Đào Hoàng Thanh, Giám đốc Công nghệ tại Founder Launch Zone- vườn ươm hỗ trợ các nhóm khởi nghiệp đưa sản phẩm Blockchain ra thế giới- cho hay, hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam đang ngày càng năng động và có thể cung cấp mảnh đất màu mỡ để phát triển các ứng dụng Blockchain.
Bản thân anh Thanh đã từng khởi nghiệp trong lĩnh vực này từ năm 2016 và không thành công tới 2 lần, thậm chí phải bán đất đai, nhà cửa để tiếp tục xây dựng, duy trì dự án.
“Tuy nhiên, với sự kiên trì, cuối năm 2020 và đầu năm 2021, thị trường phát triển trở lại, chứng minh hướng đi nhóm đã lựa chọn là đúng”, anh Đào Hoàng Thanh chia sẻ.
Hiện tại, Launch Zone có khoảng 200.000 người theo dõi (follow) đến từ nhiều quốc gia trên kênh Twitter. Mỗi đợt triển khai để quảng bá dự án thì có từ 30.000 đến 60.000 thành viên cộng đồng này đồng ý tham gia kể cả về vốn phát triển hoặc tham gia dùng thử sản phẩm. Ngoài ra, nhóm có kết nối tới hơn 300 quỹ đầu tư và KOLs (là những người có nhiều tiếng nói, hiểu biết và kinh nghiệm trong lĩnh vực Blockchain).
Từng làm giám khảo nhiều cuộc thi khởi nghiệp với Blockchain, theo anh Thanh, thị trường Blockchain là một thị trường “không ngủ”, xu hướng và tâm điểm của nó thường thay đổi rất nhanh chóng. Điểm mạnh của các dự án ở Việt Nam là trước đây, họ là những đội ngũ làm outsource (gia công phần mềm) cho nước ngoài, có khả năng thích ứng về sản phẩm rất nhanh, nhưng không phải start-up nào cũng đủ nhạy bén để nhận biết được xu hướng thị trường đó có phù hợp với điểm mạnh của đội ngũ hay không.
Do đó, các start-up cần tránh tình trạng sản phẩm tốt nhưng thị trường chưa đón nhận, gây ra những đánh giá không chính xác về tiềm năng dự án, thậm chí nếu tiếp cận sai thời điểm có thể làm thui chột dự án.
Một thành viên khác Founder Launch Zone, anh Đinh Quang Lộc, cho rằng công nghệ chính là cơ hội không chỉ giúp start-up bứt phá mà còn có đóng góp nhiều hơn cho đất nước, giúp Việt Nam bứt phá để tăng trưởng mạnh mẽ trong bối cảnh hiện nay.
Chỉ ra lợi thế nguồn nhân lực của Việt Nam có trình độ cao, nguồn lực gia công phần mềm, lập trình viên rất lớn, anh Đinh Quang Lộc nhận thấy cơ hội để các start-up Việt Nam có thể vươn tầm ra thế giới để đạt được nhiều chỗ đứng vững chắc ở thị trường.
Tuy nhiên, với lĩnh vực Blockchain tại Việt Nam, thực tế start-up chưa thành công ở thị trường này có tỷ lệ rất cao, ngay cả khi được nâng đỡ bởi nhiều quỹ đầu tư lớn nhưng vẫn thất bại. Từ thất bại ban đầu của nhóm giúp anh nhận ra nếu chỉ có công nghệ hay sản phẩm tốt là chưa đủ, có vốn đầu tư cũng không hẳn sẽ thành công mà cần kết hợp nhiều yếu tố: Vốn, công nghệ, con người và chiến lược marketing.
“Chúng tôi mất hơn 3 năm để thành công, nhưng các start-up bây giờ sẽ chỉ mất một đến 3 tháng nếu được dẫn dắt", anh Lộc cho hay.
Cần hành lang pháp lý rõ ràng cho Blockchain
Được kỳ vọng ứng dụng rộng rãi ở nhiều ngành nghề, lĩnh vực, nhưng Việt Nam lại chưa có hành lang pháp lý cụ thể cho Blockchain, dẫn tới tình trạng “chảy máu” start-up Việt sang nước ngoài. Phần lớn các start-up Blockchain của Việt Nam hiện phải đăng ký công ty ở nước ngoài, dù trụ sở làm việc, công nghệ, nhân lực... đều ở Việt Nam.
"Việt Nam đang có nhiều ưu đãi về thuế cho doanh nghiệp KH&CN nhưng lại chưa có khung pháp lý cụ thể, rõ ràng cho Blockchain. Ở các nước như Anh, Singapore…, họ có cơ chế rất ưu đãi cho các start-up công nghệ, nên các start-up rất tự tin khi khởi nghiệp ở đó. Rõ ràng là người Việt, trí tuệ Việt nhưng lại trong danh sách doanh nghiệp của các nước khác. Nếu có chính sách minh bạch, ưu đãi về thuế thì chúng ta có thể thu hút không những bạn trẻ Việt Nam khởi nghiệp trong lĩnh vực này mà cả các dự án nước ngoài về Việt Nam”, anh Đào Hoàng Thanh đề xuất.
Năm 2020, Bộ Tư pháp đã có báo cáo trình Chính phủ về việc rà soát khuôn khổ pháp lý có liên quan đến việc ứng dụng, phát triển các sản phẩm, dịch vụ được phát triển trên nền tảng công nghệ Blockchain.
Theo ông Nguyễn Thanh Tú, Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự kinh tế (Bộ Tư pháp), có một số vấn đề lớn đặt ra đối với công nghệ Blockchain ở Việt Nam hiện nay là pháp lý và quản lý. Về pháp lý, chúng ta chưa có luật nên cần ban hành nghị định thí điểm (sandbox). Ngoài ra, phải có sự quản lý để phát triển công nghệ số và ứng dụng Blockchain theo kịp sự phát triển hiện nay.
Trên cơ sở đó, Bộ Tư pháp đề xuất một số định hướng để xây dựng, hoàn thiện chính sách và khung pháp lý cho các sản phẩm, dịch vụ được phát triển trên nền tảng công nghệ Blockchain, gồm: Tạo môi trường tối ưu cho đổi mới sáng tạo nhưng cần bảo đảm tính trung lập về công nghệ theo hướng thị trường tự quyết định lựa chọn công nghệ; tận dụng khung pháp lý hiện hành để quản lý, xử lý các vấn đề liên quan nhưng cho phép các ngoại lệ hoặc ban hành các văn bản điều chỉnh (có thể mang tính thí điểm) trong trường hợp cần thiết cho từng vấn đề (nhóm vấn đề) cụ thể.
Ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN (Bộ KH&CN) cho rằng, việc ứng dụng Blockchain có thể tạo ra những đột phá, tiến bộ vượt bậc nhưng đồng thời cũng tỷ lệ thuận với rủi ro.
"Nếu không kiểm soát được thì số doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng rất lớn. Việt Nam là nước đang phát triển, cần có lộ trình để tiếp thu công nghệ từng bước", ông Phạm Hồng Quất cho hay.
Hiện nay, NHNN đang xây dựng quy định cơ chế đặc thù để ứng dụng thử nghiệm cho một số đối tượng, lĩnh vực thanh toán sử dụng công nghệ Blockchain. Nếu cơ chế này được thông qua thì sẽ được đưa vào thử nghiệm.
Ngoài ra, Bộ KH&CN cũng được giao nhiệm vụ lựa chọn ưu tiên, đẩy mạnh phong trào nghiên cứu một số công nghệ cốt lõi mà Việt Nam có lợi thế, có thể “đi tắt đón đầu” cũng như có khả năng tạo bứt phá mạnh mẽ như: AI, Blockchain, thực tế ảo, dữ liệu lớn…