Công điện khẩn của Thủ tướng Chính phủ đối phó với mua lũ lớn ở Nam Trung bộ

Thứ ba, 02/11/2010 22:41

Ngày 2/11/2010, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện khẩn số 1993/CĐ-TTg yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông và các Bộ, ngành liên quan theo chức năng, nhiệm vụ của mình phối hợp với các địa phương, chỉ đạo các đơn vị trực thuộc làm tốt các việc sau: sẵn sàng xử lý các sự cố, vận hành đảm bảo an toàn hồ chứa, đê điều; vận hành an toàn hệ thống điện; duy trì thông tin liên lạc; có phương án đảm bảo giao thông hạn chế thiệt hại đáng tiếc; đảm bảo nguồn lương thực, thực phẩm thiết yếu, cơ số thuốc, sẵn sàng giúp đỡ địa phương khi có yêu cầu.

img

Toàn văn Công điện như sau:

"CÔNG ĐIỆN KHẨN THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ điện:
  - Các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Quốc phòng, Công an, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông vận tải,  Thông tin và Truyền thông, Công Thương, Y tế;
- Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố: Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Gia Lai, Kon Tum;  
  - Ủy ban quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn;
  - Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt, bão Trung ương;
  - Trung tâm Khí tượng Thuỷ văn quốc gia;
  - Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Báo Nhân dân, Thông tấn xã Việt nam.

  Đêm ngày 01 tháng 11, lũ trên các sông ở Khánh Hòa, Ninh Thuận đã lên mức đỉnh, có nơi vượt mức lũ lịch sử, tình trạng ngập lụt diễn ra trên diện rộng; hiện nay lũ các sông từ Quảng Nam đến Phú Yên đang lên, các sông ở Khánh Hoà, Ninh Thuận sẽ lên lại. Trong những ngày tới, các tỉnh từ Quảng Trị đến Khánh Hoà và Gia Lai, Kon Tum tiếp tục có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to, lũ trên các sông tiếp tục lên, có khả năng xảy ra ngập lụt sâu trên diện rộng ở vùng trũng, sạt lở, lũ quét ở miền núi.
Để chủ động phòng, chống mưa lũ, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:
 1. Ủy ban nhân dân các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận: Huy động mọi lực lượng, phương tiện thực hiện việc sơ tán dân cư ở ven sông, các khu vực thấp trũng bị ngập sâu, có nguy cơ ngập sâu, sạt lở, lũ quét đến nơi an toàn; tổ chức hỗ trợ lương thực, nước uống, nhu yếu phẩm cho nhân dân tại các khu vực sơ tán, vùng bị ngập sâu, chia cắt, không để người dân bị đói, khát, rét; chỉ đạo kiểm tra, xử lý kịp thời các sự cố, đảm bảo an toàn cho hồ chứa, đê điều.
Ủy ban nhân dân các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Gia Lai, Kon Tum và thành phố Đà Nẵng theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, lũ trên địa bàn, chỉ đạo các cấp, ngành thực hiện tốt phương châm “bốn tại chỗ”, tổ chức dự trữ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm, vật tư, phương tiện, lực lượng tại các địa bàn xung yếu, chủ động đối phó với tình huống mưa, lũ lớn, ngập lụt trên diện rộng, chia cắt, sạt lở, lũ quét có thể xảy ra. 
2. Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an huy động lực lượng, phương tiện phối hợp với các lực lượng của địa phương thực hiện việc sơ tán, cứu hộ, cứu nạn cho nhân dân vùng ngập lũ, vùng sạt lở, lũ quét hạn chế thấp nhất thiệt hại; sẵn sàng lực lượng, phương tiện giúp các địa phương ứng cứu, xử lý sự cố đê điều, hồ chứa khi có yêu cầu.
3. Các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Giao thông vận tải, Thông tin và Truyền thông, Y tế và các Bộ, ngành liên quan theo chức năng, nhiệm vụ của mình phối hợp với các địa phương, chỉ đạo các đơn vị trực thuộc làm tốt các việc sau: sẵn sàng xử lý các sự cố, vận hành đảm bảo an toàn hồ chứa, đê điều; vận hành an toàn hệ thống điện; duy trì thông tin liên lạc; có phương án đảm bảo giao thông hạn chế thiệt hại đáng tiếc; đảm bảo nguồn lương thực, thực phẩm thiết yếu, cơ số thuốc, sẵn sàng giúp đỡ địa phương khi có yêu cầu.
4. Ban Chỉ đạo Phòng, chống lụt, bão Trung ương theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, lũ, chỉ đạo các địa phương đối phó kịp thời, có hiệu quả; tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
5. Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia theo dõi sát diễn biến mưa, lũ; dự báo và cung cấp thông tin kịp thời cho Ban Chỉ đạo Phòng, chống lụt, bão Trung ương, các cơ quan thông tin đại chúng và các Bộ, ngành liên quan để chỉ đạo và đưa tin kịp thời cho các địa phương và nhân dân chủ động phòng, tránh.
6. Đài truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam và các cơ quan thông tin đại chúng ở Trung ương và địa phương tăng thời lượng đưa tin, thường xuyên thông báo diễn biến của mưa, lũ cho các Bộ, ngành, địa phương và nhân dân biết để chủ động phòng, tránh./."

Tiến Anh
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Doanh nghiệp

Top