Dự án được ra đời với mong muốn hỗ trợ giáo viên và học sinh tiểu học có được những tài liệu liên quan đến chương trình học, môn học.
Thành quả sau một năm
Theo chia sẻ của ông Lê Hoàng, Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam - Giám đốc Công ty Đường sách TPHCM, “Danh mục sách hỗ trợ dạy và học cấp TH” được thực hiện trong một năm. Danh mục này được dựa trên các căn cứ, các thông tin hướng dẫn từ các cơ quan ban ngành như: Luật Thư viện; Chương trình Giáo dục phổ thông Tổng thể do Bộ GD-ĐT ban hành; Điều lệ trường TH do Bộ GD-ĐT ban hành; Các quy định tổ chức hoạt tổ chức hoạt động thư viện trong trường TH theo công văn 5750/BGDĐT-GD TH; nội dung liên tịch ký ngày 27-8-2020 giữa Hội Xuất bản Việt Nam - Thành Đoàn TPHCM và Sở GD-ĐT TPHCM.
Ông Lê Hoàng chia sẻ về dự án "Danh mục sách hỗ trợ dạy và học cấp Tiểu học" sau một năm thực hiện.
Sau một năm thực hiện (từ tháng 10-2020 đến tháng 10-2021) với sự hỗ trợ đọc thẩm định, đưa ra ý kiến nhận xét chuyên môn và chọn lọc của 51 giáo viên TH trong suốt hơn 1.000 giờ đọc, chọn lọc từ hơn 4.000 tựa sách của hơn 30 NXB, công ty sách “Danh mục sách hỗ trợ dạy và học cấp TH” được hoàn thành.
Danh mục gồm 691 tựa sách gồm các môn: Đạo đức, Khoa học/Tự nhiên Xã hội, Lịch sử và địa lý, Hoạt động trải nghiệm, đọc mở rộng môn Toán, đọc mở rộng môn Tiếng Việt, Tìm hiểu lịch sử địa phương (TPHCM). Danh mục này được sắp xếp theo từng chủ đề cụ thể của mỗi môn học, của từng khối lớp, do các NXB có uy tín phát hành, là những cuốn sách về tri thức, khám phá khoa học, lịch sử-địa lý, toán học, văn học, truyện về đạo đức, nhân cách, lối sống, về kỹ năng giao tiếp, ứng xử… liên quan đến từng bài học, từng môn học với những tranh ảnh, hình vẽ phong phú, kiến thức gợi mở, phù hợp với học sinh theo lứa tuổi của từng lớp.
"Danh mục sách hỗ trợ dạy và học cấp Tiểu học" hiện đang được trưng bày dài hạn tại Đường sách TPHCM.
“Trong nhiều năm qua, thư viện của các trường trên cả nước, đã nhập, trang bị sách của các đơn vị xuất bản rất nhiều trong thư viện. Số sách trong danh mục có thể không mới đối với những số sách đã có trong thư viện nhưng danh mục sách này thực sự là nguồn tài nguyên thông tin được tổ chức thông qua dự án này. Khi có danh mục này, cán bộ thư viện sẽ biết sử dụng số lượng sách đang có một cách hiệu quả nhất, không còn lúng túng trước hàng loạt sách ra đời mỗi ngày”, ông Lê Hoàng cho biết.
Công cụ hữu ích cho các trường học
Là một trong những thành viên tham gia vào việc đọc và thẩm định, cô giáo Lê Thị Kim Lan, Phó Hiệu trưởng trường TH Chính Nghĩa (quận 5) cho rằng, từng chủ điểm, chủ đề trong danh mục rất rõ ràng và thú vị, giúp giáo viên có nguồn tài nguyên thông tin chính thống để cung cấp nội dung bám sát với chương trình phổ thông 2018. Ngoài ra, danh mục còn giúp ban giám hiệu các trường TH học có thể đón đầu, dự trù được kinh phí giá sách cần trang bị cho thư viện.
“Chúng tôi cũng được biết sẽ có dự án phổ biến tiết đọc tại thư viện. Ở tiết đọc này các em sẽ đến thư viện tìm hiểu, tự tra cứu thông tin, tìm hiểu nội dung dưới sự hướng dẫn của giáo viên chủ nhiệm và cán bộ thư viện, giúp các em có nội dung cần thiết và phát triển được văn hóa đọc trong trường TH hiện nay”, cô Lê Thị Kim Lan chia sẻ thêm.
Cô giáo Lê Thị Kim Lan, một trong những thành viên tham gia vào dự án "Danh mục sách hỗ trợ dạy và học cấp Tiểu học" chia sẻ tại chương trình.
Còn theo TS Nguyễn Thị Ngọc Minh (trường ĐH Sư phạm Hà Nội), “Danh mục sách hỗ trợ dạy và học cấp TH” là cầu nối giữa ngành xuất bản và giáo dục. Bởi lâu, ngành giáo dục có phần bối rối trong việc lựa chọn giữa hàng triệu bản sách đang có mặt trên thị trường. Trong khi đó, ngành xuất bản cho ra đời rất nhiều đầu sách nhưng lại không khai thác được hết vòng đời của những cuốn sách thực sự có giá trị. “Danh mục này còn có ý nghĩa với từng gia đình, từng em nhỏ, từng giáo viên, tiết kiệm được rất nhiều nguồn lực cho toàn bộ xã hội”, TS Ngọc Minh bày tỏ.
Ở khía cạnh của một đơn vị xuất bản, chị Võ Thiên Hương, đại diện truyền thông của NXB Kim Đồng, cũng đánh giá cao sự thiết thực trong việc tạo ra “Danh mục sách hỗ trợ dạy và học cấp TH”. Theo chị Hương, khi một trường học nào đó chọn danh mục sách rất khó khăn bởi việc đọc của các cô chưa thể nào tiếp cận được nhiều với các đầu sách có thể nói là “vô thiên lủng địa” hiện nay. Chính vì vậy, danh mục này rất hữu ích cho cả nhà trường và cho cả những người làm sách.
Theo chị Võ Thiên Hương, đại diện của NXB Kim Đồng, bên cạnh sách kỹ năng, dự án cần có thêm sách văn học.
“Tuy nhiên, trong danh mục sách hiện đang chú trọng về sách kỹ năng, kiến thức nhiều hơn là sách văn học. Trong khi đó, sách văn học có khả năng giúp các em phát triển rất nhiều không chỉ về tâm hồn mà còn về kỹ năng sử dụng ngôn ngữ. Nên chăng, trong những lần sau cần bổ sung cả sách văn học”, chị Võ Thiên Hương đề xuất.
Hội Xuất bản Việt Nam - Văn phòng đại diện phía Nam phối hợp Đường sách TPHCM và Công ty Cổ Phần Sbooks tổ chức thực hiện trưng bày dài hạn “Danh mục sách hỗ trợ dạy và học bậc TH” tại Đường sách TPHCM với đầy đủ 691 tựa sách được chọn. Đặc biệt, trong từng tựa sách có ghi nhận ý kiến chuyên môn của giáo viên giúp thầy cô, nhà trường và phụ huynh thuận tiện trong việc tham khảo chọn sách.