Đổi mới và sáng tạo
“Rõ ràng nếu chúng ta không mạnh dạn đầu tư cho khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, chúng ta sẽ mắc kẹt trong hố năng suất thấp, giá trị gia tăng thấp, bẫy thu nhập trung bình”, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh như vậy tại Lễ khởi công xây dựng tại Khu công nghệ cao Hoà Lạc, Hà Nội.
Đầu tư cho công nghệ, cho đổi mới sáng tạo là điều quan trọng để đưa các sản phẩm thương hiệu Việt lên tầm cao mới, thoát khỏi phận gia công vốn đeo bám suốt mấy chục năm nay. Điều này không phải chỉ dành cho các doanh nghiệp công nghệ, mà là cho tất cả các doanh nghiệp trong nền kinh tế. Việc tiên phong áp dụng công nghệ mới, hay phát minh ra công nghệ mới có thể giúp doanh nghiệp tăng doanh số vượt trội, nâng cao vị thế doanh nghiệp.
Làm ô tô điện, smartphone thương hiệu Việt... là những sản phẩm hữu hình cho thấy sức bật của doanh nghiệp Việt trong thời 4.0.
Là một ngân hàng non trẻ, thành lập năm 2008, 4 năm đầu xếp chót trong bảng xếp hạng các ngân hàng thương mại, nhưng chuyển đổi số, hướng về công nghệ là định hướng ngay từ những ngày đầu của TPBank.
"TPBank định hướng chuyển đổi số, trở thành ngân hàng công nghệ, ngân hàng số vì không có sức cạnh tranh với các ngân hàng lớn, lâu đời", đại diện nhà băng này chia sẻ tại diễn đàn phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam năm 2020.
Tập đoàn Viettel cũng xây dựng văn hoá số với các đặc tính như linh hoạt, sáng tạo, hướng tới khách hàng, tư duy số, văn hoá mở... Viettel còn đẩy mạnh chuyển đổi số trong hệ quản trị nội bộ, đồng nhất, thông suốt, áp dụng công nghệ hiện đại với các tiêu chuẩn quốc tế. Hiện Viettel số hoá 100% văn bản giấy tờ, giải phóng 50% công việc thủ công, tự động hoá 30-40% các tác vụ.
Hệ sinh thái sản phẩm số cung cấp dịch vụ B2C, B2B trải dài trên nhiều lĩnh vực như tài chính (Viettelpay), digital marketing, OTT (Mocha, Keng), Chăm sóc khách hàng (MyViettel, Viettel++), Chính phủ điện tử, SmartCity, dược phẩm, tiêm chủng...
Niềm hứng khởi từ thông điệp Make in Vietnam được Bộ Thông tin và Truyền thông đưa ra cũng đã tạo nên sinh khí trong cộng đồng doanh nghiệp khởi nghiệp. Việc Việt Nam trở thành nước thứ năm trên thế giới làm chủ công nghệ 5G, sản xuất được thiết bị hạ tầng 5G, sản xuất được điện thoại 5G cũng xuất phát từ niềm tự hào “Make in Vietnam”.
Trên 13.000 doanh nghiệp công nghệ số ra đời chỉ sau 1 năm, đưa cộng đồng doanh nghiệp công nghệ số lên con số 58 nghìn doanh nghiệp là một kỷ lục đáng ghi nhận, là minh chứng cho thấy khẩu hiệu Make in Vietnam đã đi vào đời sống thực.
Thoát phận làm thuê, tiến lên làm chủ
Chứng kiến nhiều bài học của phận gia công, ông Nguyễn Minh Quý, CEO Novaon, không ít lần chia sẻ: Nếu giai đoạn gia công cứ kéo dài mãi, chúng ta chỉ chiếm được phần rất bé trong chuỗi giá trị.
Chiếc iPhone bán giá 1.000 USD, nhưng phần giá trị lại chỉ tập trung ở giai đoạn đầu (tìm hiểu người sử dụng, nghiên cứu, xác định nhu cầu, thiết kế sản phẩm đáp ứng nhu cầu) và khâu cuối (đưa vào thị trường phân phối, marketing). Còn giai đoạn làm ra chiếc điện thoại thì chiếm phần giá trị rất nhỏ bé.
“Cứ làm mãi như vậy thì chúng ta không tăng vị thế lên được”, ông Quý nhấn mạnh.
CEO Novaon cho rằng, chúng ta phải đặt vấn đề nghiêm túc: Nếu không thay đổi chúng ta sẽ đi đến đâu và thay đổi chúng ta sẽ đi đến đâu?
Khép lại Diễn đàn Quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đưa ra một thống kê đáng suy ngẫm. Đó là mỗi cuộc cách mạng chỉ biến từ 5 đến 6 quốc gia đang phát triển trở thành quốc gia phát triển. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 cũng chỉ dành cơ hội cho một số nước, và chỉ dành cho những nước đi đầu. Ở cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Việt Nam và các nước phát triển ở cùng chung một vạch xuất phát.
“Thanh toán di động (Mobile Money) đã phát triển bắt đầu từ Kenya - một nước nghèo ở châu Phi. Chỉ có nghèo khó mới tạo động lực cho việc đi đầu. Do vậy, Việt Nam phải là nước đi đầu trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Nếu nước ta đi đầu, thế giới sẽ đến đây, sản phẩm Việt Nam sẽ đi ra toàn cầu”, ông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.
“Trở thành nước đi đầu” luôn là khát vọng của toàn dân tộc, của mỗi người dân Việt Nam. Khát vọng ấy dù khó khăn, nhưng không phải là không thể. Việt Nam đã đi sau nhiều nước, đã từng bỏ qua nhiều cơ hội trong quá trình phát triển, nhưng không có nghĩa chúng ta phải cam chịu và chấp nhận một vị thế thấp. Dù còn ít ỏi, nhưng trong nhiều lĩnh vực, Việt Nam đã đứng được ở top đầu khu vực và thế giới như viễn thông, điện lực,... 20 năm qua, Việt Nam cũng nằm trong top các quốc gia duy trì mức tăng trưởng cao.
Giờ đây, có thêm động lực từ cách mạng công nghiệp 4.0, từ Make in Vietnam, chuyển đổi số, thì “cỗ máy tăng trưởng” của Việt Nam sẽ có thêm một lực đẩy quan trọng, hướng đến hiện thực hóa khát vọng thành nước thu nhập cao vào năm 2045.
Muốn vậy, không gian cho sự sáng tạo phải được mở rộng, tư duy quản lý cũng phải được nâng tầm, để không “đóng khung” trong những văn bản khô cứng, những con chữ thiếu hẳn tinh thần sáng tạo và những cách hành xử "quan liêu" của không ít cán bộ.
Đó cũng chính là điều TS. Lê Xuân Sang, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, lưu ý. Đó là Việt Nam cần đổi mới tư duy và đổi mới thể chế chính sách theo hướng tạo môi trường thuận lợi, khuyến khích mạnh mẽ và huy động sự tham gia của khu vực ngoài nhà nước vào lĩnh vực khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, thậm chí cần thử nghiệm những đột phá về thể chế, chính sách.
Theo chuyên gia này, Việt Nam đang đứng trước cơ hội vàng để có thể bứt phá và tăng tốc nhờ khoa học công nghệ và tiệm cận dần với giai đoạn của đổi mới sáng tạo (một số lĩnh vực có thể bước cùng với các nước đã đi trước như: công nghệ 5G, công nghệ nano,... ). Do đó, công nghệ thông tin và chuyển đổi số cần được coi là cú huých quan trọng và là trụ cột để nâng đỡ quá trình phục hồi, tăng cường năng lực chống chịu và cải thiện chất lượng tăng trưởng theo hướng hiệu quả, xanh, bền vững.