Viettel Post cùng bà con thu hoạch vải
Chia sẻ với báo chí, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng cần có giải pháp cụ thể mang tính bền vững và đồng bộ cho nông sản. Trong đó, điều kiện tiên quyết là chuyển dịch phương thức bán hàng truyền thống sang các kênh tiêu thụ trên nền tảng số, kết hợp ứng dụng dây chuyền vận chuyển hiện đại.
Sàn Thương mại Điện tử (TMĐT) trở thành kênh tiêu thụ chính giúp tăng cơ hội bán hàng
Từ trước tới nay, việc buôn bán nông sản của bà con nông dân phụ thuộc nhiều vào sự bấp bênh của thị trường và thương lái, giá cả có thể lên xuống thất thường khiến doanh thu không ổn định. Để việc tiêu thụ không bị phụ thuộc vào các yếu tố khách quan, sàn thương mại điện tử Vỏ Sò (Viettel Post) đã cùng xuống vườn để đào tạo nông dân trở thành chủ hộ kinh doanh, biết cách nắm bắt thông tin thị trường, mở rộng kênh phân phối, quảng bá hình ảnh sản phẩm đến người tiêu dùng. Cụ thể, nhân viên Vỏ Sò sẽ đến tận nơi hướng dẫn người dân làm quen với sàn thương mại điện tử, từ cách chụp ảnh sản phẩm, viết content (nội dung), xây dựng kịch bản marketing bán hàng, cho tới việc lựa chọn kênh bán, livestream…
Theo chia sẻ của nhiều nông dân tại Vĩnh Phúc, Hải Dương và mới đây nhất là Bắc Giang, việc bán hàng trên sàn TMĐT không tốn nhiều công sức như đi rao hàng truyền thống, nhưng lại có cơ hội tiếp cận với khách hàng trên cả nước. Nhờ đó, cơ hội chốt đơn và kết quả kinh doanh cũng khả quan hơn đáng kể.
Hệ thống vận chuyển hiện đại đảm bảo chất lượng nông sản, nâng cao lợi ích kinh tế cho người bán
Chuyển đổi số không chỉ tác động vào khâu bán hàng mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo chất lượng nông sản suốt quá trình vận chuyển. Trong khi nhiều bà con chưa nhận thức được tầm quan trọng của khâu này thì các sàn thương mại điện tử đã đứng ra, hỗ trợ tối đa quá trình vận chuyển.
Cụ thể, trong chương trình thúc đẩy tiêu thụ vải thiều Bắc Giang do Bộ TT&TT cùng Bộ Công thương bảo trợ, Vỏ Sò đã hướng dẫn bà con đóng gói sản phẩm theo quy cách tiêu chuẩn, phù hợp với từng khu vực địa lý giao hàng.
Tận dụng hệ thống logistics thông minh, Viettel Post thực hiện gom các đơn hàng nông sản trên cùng một tuyến để phân phối, giao hàng tận tay người tiêu dùng ở phạm vi miền Bắc trong 24 giờ. Với những đơn hàng chuyển tới miền Trung hay miền Nam, Viettel Post kết nối đường bay và vận chuyển bằng xe lạnh để giúp vải thiều luôn tươi ngon, với thời gian giao hàng không quá 48 giờ.
Như vậy, chính các sàn TMĐT và đơn vị vận chuyển sẽ thay người nông dân đảm bảo chất lượng nông sản đến tay khách hàng, góp phần giữ mức giá bán ổn định để đảm bảo cuộc sống cho bà con.
Đầu ra của nông sản trong mùa dịch
Mặc dù vải thiều chất lượng cao bội thu trong năm 2021 nhưng việc tiêu thụ trở nên khó khăn hơn do dịch bệnh COVID-19 ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động giao thương, vận chuyển. Nhờ việc mở gian hàng trên các sàn TMĐT, vải thiều được quảng bá rộng rãi tới người tiêu dùng trên mọi miền tổ quốc mà người trồng vải Bắc Giang không phải đi ra khỏi địa phương, tránh việc lây lan dịch bệnh.
Về vận chuyển nông sản ra khỏi vùng dịch, các đơn vị phải đảm bảo tiêu chuẩn y tế nghiêm ngặt. Viettel Post với những lợi thế về nguồn nhân lực và cơ sở vật chất, luôn thực hiện đầy đủ các bước: Phun khử khuẩn xe chở vải, tiến hành kết nối xe đa điểm, tài xế bắt buộc phải có giấy xét nghiệm âm tính COVID-19 để có thể di chuyển vào địa phương.
Bởi thế, ngay cả trong mùa dịch này, sàn TMĐT Vỏ Sò của Viettel Post vẫn cam kết mang nông sản chất lượng cao tới tay người tiêu dùng và hỗ trợ tiêu tiêu thụ 100 tấn vải/ngày.
Sau khi ứng dụng chuyển đổi số một cách toàn diện trong quy trình bán hàng - đóng gói - vận chuyển - giao hàng, nông sản được đảm bảo đầu ra bền vững và ổn định, giúp bà con an tâm sản xuất kinh doanh không chỉ trong mùa vụ thường mà còn bất chấp hoàn cảnh khó khăn như dịch bệnh hiện nay./.