Quản lý dữ liệu của trên 98,7 triệu dân và hộ gia đình
Theo BHXH Việt Nam, cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về BH là 1 trong 6 CSDL quốc gia quan trọng cần ưu tiên triển khai tạo nền tảng phát triển Chính phủ điện tử. Đây là CSDL quốc gia lưu trữ thông tin về BHXH, Bảo hiểm y tế (BHYT), Bảo hiểm thất nghiệp (BH thất nghiệp) và thông tin về y tế, an sinh xã hội. BHXH Việt Nam đang được Chính phủ giao là cơ quan chủ quản chịu trách nhiệm xây dựng, quản lý, vận hành CSDL quốc gia về BH. Từ tháng 11/2019, BHXH Việt Nam là một trong số ít đơn vị đầu tiên trong cả nước thực hiện việc kết nối và chia sẻ giữa CSDL quốc gia về BH với CSDL khác qua trục dữ liệu quốc gia của Bộ Thông tin và Truyền thông (viết tắt là NGSP nay đổi thành NDXP) và từ 2019 đến nay đã thực hiện hơn 500 triệu lượt xác thực và chia sẻ thông tin với các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp qua hệ thống trục này.
Hiện BHXH Việt Nam đang quản lý dữ liệu của trên 98,7 triệu dân và hộ gia đình (trong đó có 90,5 triệu người tham gia BHYT, 15,9 triệu người tham gia BHXH bắt buộc, 1,4 triệu người tham gia BHXH tự nguyện, 4,9 triệu người hưởng các chế độ BHXH, BHTN); kết nối trực tuyến với hơn 13.000 cơ sở KCB, xử lý và tiếp nhận gần 300 triệu lượt hồ sơ trực tuyến hàng năm (trong đó, trung bình mỗi năm có khoảng 170 triệu lượt đề nghị thanh toán chi phí KCB BHYT). Toàn bộ dữ liệu và ứng dụng nêu trên được quản lý và lưu trữ tập trung, liên thông, thống nhất tại Trung tâm dữ liệu chính và Trung tâm dữ liệu dữ liệu dự phòng. Như vậy có thể nói CSDL về BH và tương tác của cơ quan BHXH Việt Nam với hầu hết người dân có sự lan tỏa, ảnh hưởng rất lớn.
Nhận thức được vấn đề này, ngay khi khởi động Đề án 06, BHXH Việt Nam là một trong số ít đơn vị đầu tiên tham gia kết nối, đồng bộ, xác thực dữ liệu từ CSDL quốc gia về dân cư. Nhờ đó, đến nay hoàn tất kết nối kỹ thuật để chia sẻ, đồng bộ, xác thực dữ liệu với CSDL quốc gia về dân cư với trên 71 triệu nhân khẩu có trong cơ sở dữ liệu quốc gia về BH với CSDL quốc gia về dân cư trên tổng số 85,4 triệu người tham gia. BHXH Việt Nam đang phối hợp chặt chẽ với Bộ Công An để tiến tới đồng bộ tiệm cận 100% dữ liệu. Đây vừa là một cơ sở, tiền đề rất quan trọng để chuẩn hóa dữ liệu 2 ngành phục vụ cho quản lý, vừa phục vụ cho việc cải cách, liên thông các thủ tục hành chính, cắt giảm giấy tờ công dân.
Hướng tới sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp
Bên cạnh đó, BHXH Việt Nam cũng đã hoàn thành việc sử dụng thẻ CCCD và ứng dụng định danh điện tử quốc gia (VNEID) để người dân đi KCB BHYT. Kết quả có 12.024 cơ sở KCB triển khai KCB BHYT bằng CCCD gắn chip (đạt tỷ lệ gần 94%), với gần 9 triệu lượt tra cứu thông tin BHYT qua CCCD phục vụ KCB. Đồng thời, hiện nay, BHXH Việt Nam và Bộ Công an đã tích hợp thông tin người tham gia BHYT trên ứng dụng VNEID để người dân cũng có thể sử dụng để đi KCB.
Ngoài ra, BHXH Việt Nam đã kết nối, liên thông thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện, khai trình việc sử dụng lao động, cấp mã số đơn vị tham gia BHXH, đăng ký sử dụng hóa đơn của doanh nghiệp theo Nghị định 122/2020/NĐ-CP của Chính phủ từ CSDL quốc gia về BH với CSDL Quốc gia về đăng ký doanh nghiệp. Các doanh nghiệp khi thành lập đều được liên thông qua hệ thống này đến cơ quan BHXH (từ đầu năm đến nay có hơn 200.000 thông tin doanh nghiệp) được liên thông qua hệ thống này, giúp BHXH Việt Nam có thông tin chính xác cho việc đăng ký mới thông tin tham gia BHXH của doanh nghiệp.
Theo Tổng giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh, đối với BHXH Việt Nam việc kết nối, chia sẻ, khai thác thông tin, dữ liệu trong CSDL quốc gia về BH là nền tảng quan trọng trong việc chuyển đổi số ngành để BHXH khai phá và ứng dụng các công nghệ Big Data, AI nhằm mục tiêu trở thành tổ chức an sinh xã hội hiện đại, hướng tới sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp. Đối với các bộ, ngành, địa phương, việc khai thác, sử dụng các thông tin có trong CSDL quốc gia về BH phục vụ yêu cầu quản lý nhà nước của các bộ, ngành và các cơ quan nhà nước. Các doanh nghiệp, tổ chức có thể khai thác dữ liệu mở để có phát triển kinh tế xã hội. Các cá nhân được quyền trích xuất thông tin của mình trong CSDL quốc gia về BH để quản lý, theo dõi quá trình tham gia BHXH, BHYT, BHTN, quá trình hưởng BHXH, BHYT, BHTN và các thông tin liên quan khác để biết và bảo vệ quyền lợi của mình và gia đình. Hiện nay, gần 30 triệu người tham gia hoàn toàn có thể xem thông tin của mình trên ứng dụng VssID-BHXH số.
Tổng giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh nhận định, để xây dựng Chính phủ số, phát triển kinh tế số, xã hội số thì dữ liệu số là nền tảng cơ bản và quan trọng nhất. Việc phát triển được các CSDL mang tính chất nền tảng như CSDL quốc gia về BH sẽ tạo tiền đề quan trọng cho việc thúc đẩy các hoạt động nghiệp vụ trên môi trường số của các ngành nói riêng và thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia nói chung.