Theo ông Nguyễn Trung Chính,"Chuyển đổi công nghiệp hiện nay phải dựa trên hai trụ cột chính: CĐS và chuyển đổi xanh. Chính phủ, các doanh nghiệp (DN) và các tổ chức cần phải nhận thức rõ về vai trò của trí tuệ nhân tạo (AI) trong quá trình này. AI đang là động lực đột phá, thúc đẩy sự thay đổi nhanh chóng và toàn diện trong mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội. Các chuyên gia dự đoán, AI sẽ đóng góp 15.700 tỷ USD vào nền kinh tế toàn cầu vào năm 2030, giúp tăng năng suất lao động lên 40% vào năm 2035. Đặc biệt tại Việt Nam, AI được kỳ vọng sẽ đóng góp từ 150 - 200 tỷ USD vào GDP quốc gia vào năm 2030".
Với những tiềm năng như vậy, ông Nguyễn Trung Chính đề xuất Chính phủ cần xây dựng một chiến lược chuyển đổi AI dài hạn, tiến tới xây dựng một Chính phủ AI. Đồng thời, TP.HCM cũng cần được phát triển thành một "AI City" - thành phố AI tiên phong.
"Việc đưa AI.X (Chuyển đổi AI) trở thành một sáng kiến không chỉ của TP.HCM, mà còn là sáng kiến của cả Việt Nam, nhằm khẳng định vị thế của đất nước trong thời đại số", ông Nguyễn Trung Chính đề nghị.
Để hiện thực hóa sáng kiến AI.X, ông Nguyễn Trung Chính đã đưa ra các kiến nghị cụ thể, bao gồm:
1. Hoàn thiện thể chế và hành lang pháp lý:
Cần xây dựng các quy định pháp lý phù hợp để tạo điều kiện cho phát triển và ứng dụng AI trên quy mô toàn quốc, đảm bảo an toàn và quản lý rủi ro trong quá trình triển khai AI, đặc biệt trong các lĩnh vực có tác động lớn như y tế, giáo dục, giao thông và tài chính.
2. Đào tạo và phát triển nhân lực AI:
Cần đưa AI vào chương trình giảng dạy từ các cấp học, từ phổ thông đến đại học, nhằm trang bị kỹ năng và kiến thức cần thiết cho thế hệ trẻ. Bên cạnh đó, cần có các chương trình đào tạo chuyên sâu và liên kết với các tổ chức quốc tế để phát triển nguồn nhân lực AI chất lượng cao.
3. Xây dựng hạ tầng số và hệ sinh thái AI:
Để AI phát triển bền vững, cần xây dựng một hệ sinh thái công nghệ mạnh mẽ bao gồm hạ tầng số, các trung tâm nghiên cứu, và kết nối các chuyên gia, DN để thúc đẩy sáng tạo và hợp tác. Điều này đòi hỏi một nền tảng kỹ thuật vững chắc và cơ chế khuyến khích sự tham gia của các tài năng công nghệ hàng đầu trong và ngoài nước.
4. Chính sách ưu đãi thúc đẩy phát triển AI:
Chính phủ cần thiết lập các chính sách ưu đãi để khuyến khích sự phát triển của AI trong mọi lĩnh vực, từ công nghiệp sản xuất, y tế đến giáo dục và dịch vụ công.
Điều quan trọng là phải xây dựng các chính sách đảm bảo an toàn việc làm và đưa ra các tiêu chuẩn đạo đức rõ ràng cho việc ứng dụng AI, nhằm đặt con người ở trung tâm và tạo ra sự phát triển bền vững, lâu dài.
Cũng theo ông Nguyễn Trung Chính: "Để đồng hành cùng chiến lược Chuyển đổi AI của quốc gia, CMC cam kết nói đi đôi với làm. Chúng tôi tự hào là thành viên tích cực của Trung tâm CMCN lần thứ 4 và sẽ hợp tác chặt chẽ với trung tâm trong việc thực hiện các mục tiêu chiến lược tại TP. HCM. CMC sẽ không ngừng tiên phong trong quá trình chuyển đổi AI, đưa ra những giải pháp công nghệ tiên tiến, phù hợp với nhu cầu thực tế của thành phố và đất nước".
"CMC cũng cam kết trở thành động lực dẫn dắt, giúp đỡ các DN vừa và nhỏ, cũng như các startup trong nước phát triển mạnh mẽ hơn, từ đó đóng góp trực tiếp vào sự tăng trưởng của nền kinh tế quốc dân".
Chủ tịch CMC nhấn mạnh:"Việc chuyển đổi AI cần phải đi đôi với đạo đức và trách nhiệm xã hội, nhằm xây dựng một nền kinh tế số xanh và bền vững. CMC sẽ luôn cam kết phát triển AI với tôn chỉ đặt con người và xã hội lên hàng đầu, đồng thời thúc đẩy sự phát triển bền vững, vì tương lai của cả đất nước."
"AI Transformation (AI-X) là quá trình ứng dụng công nghệ AI để thay đổi tổng thể và toàn diện về cách thức hoạt động và tương tác trong mọi lĩnh vực của xã hội từ Chính phủ, doanh nghiệp đến đời sống của người dân. Mục tiêu của Chuyển đổi AI (AI-X) là tận dụng tiềm năng vô tận của công nghệ Al để: Đổi mới sáng tạo, cải tiến về hiệu suất, năng suất, gia tăng giá trị và tạo ra một nền kinh tế số, với cam kết trách nhiệm và đạo đức nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống, thúc đẩy sự phát triển xanh và bền vững." - Theo Chủ tịch Nguyễn Trung Chính.