Tàu cá cắm cờ Trung Quốc neo tại tỉnh Hải Nam (Trung Quốc) - Ảnh: REUTERS
Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết các cơ quan chức năng của Việt Nam theo dõi sát các diễn biến ở Biển Đông, giữa lúc xuất hiện thông tin nói tàu Hải Dương Địa Chất 8 cùng nhóm tàu hải cảnh hộ tống đã quay lại vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam (EEZ).
Truyền thông Trung Quốc vừa qua cũng công bố thông tin nhóm tác chiến tàu sân bay Trung Quốc Liêu Ninh tiến vào Biển Đông để tổ chức tập trận, không nói rõ thời gian và địa điểm.
Trước đó, ngày 23-3, Trung Quốc cũng gây chú ý khi công bố xây dựng "hai trạm nghiên cứu" tại khu vực Đá Subi và Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Các hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông, như đã nêu, rơi vào giai đoạn quốc tế đang tập trung cho mặt trận chống lại dịch bệnh do virus corona chủng mới gây ra (COVID-19).
Điều này khiến dư luận đặt dấu hỏi về động cơ của Bắc Kinh.
Theo ông Greg Poling - giám đốc Sáng kiến minh bạch hàng hải (AMTI) thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS, trụ sở Washington, Mỹ), Trung Quốc sẽ "không dừng lại".
Theo báo Inquirer của Philippines, phát biểu tại một diễn đàn trực tuyến do Hiệp hội Phóng viên nước ngoài của Philippines tổ chức ngày 14-4, ông Poling khẳng định nếu một đại dịch toàn cầu không khiến Trung Quốc làm dịu tình hình Biển Đông thì khó có khả năng gì khác buộc Trung Quốc hạ nhiệt.
Chuyên gia quan sát an ninh hàng hải ở Biển Đông này cho rằng Trung Quốc có ý định thống trị Biển Đông bằng sức mạnh quân sự với những đội tàu hải quân, hải cảnh và dân quân biển.
Theo Poling, Trung Quốc sẽ không dừng lại tới khi "chính phủ các nước Đông Nam Á quyết định không còn lựa chọn nào khác ngoài đầu hàng và tới khi họ chỉ nên đón lấy bất kỳ thỏa thuận nào Trung Quốc đưa lên bàn đàm phán rồi ra về".
Trong khi nhiều ý kiến, gồm phần tuyên bố của Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng Mỹ, có nhắc tới việc không nước nào nên tận dụng tình hình COVID-19 để gây bất ổn, ông Poling lại có cách suy nghĩ khác hơn một chút.
Vị chuyên gia này cho rằng COVID-19 không hẳn là lúc Trung Quốc tận dụng khó khăn của nước khác để ra mặt, mà chỉ là nhân tố kích thích Bắc Kinh hành động quyết đoán hơn. Nói cách khác, ông Poling cho rằng hàng loạt động thái gần đây cũng chỉ là một phần trong chính sách mà Trung Quốc đã xây dựng nhiều năm qua.
"Trung Quốc đã có ý định lâu dài trong việc xây dựng sự kiểm soát trên thực tế đối với toàn bộ vùng biển, đường không và đáy biển ở Biển Đông", ông nói.
Trước đó, sau khi Trung Quốc lấy tuyên bố chủ quyền phi pháp ở Biển Đông để phản bác các công hàm của Philippines và Malaysia, phái đoàn thường trực Việt Nam ngày 30-3 đã có công hàm bác bỏ tuyên bố chủ quyền phi pháp ấy tại Liên Hiệp Quốc.
"Luật lệ dựa trên luật pháp sẽ có lợi cho Việt Nam, Philippines và Malaysia hơn nhiều so với luật rừng, nơi kẻ mạnh săn đuổi và chiến thắng kẻ yếu" - PGS Jay Batongbacal, giám đốc Viện Các vấn đề hàng hải và luật biển (Đại học Philippines), khẳng định với Tuổi Trẻ.