Đó là nhấn mạnh của TS. Nguyễn Thị Bạch Tuyết, Chuyên gia Kinh tế số Viện Công nghệ thông tin và Kinh tế số (Trường Đại học Kinh tế Quốc dân) trong cuộc trao đổi với phóng viên Dân Việt xung quanh vấn đề chuyển đổi số tại Việt Nam trong thời gian qua.
Chưa có lĩnh vực kinh tế hay ngành nào chuyển đổi số thành công
Là một nhà nghiên cứu về công nghệ, chuyển đổi số, Việt Nam đang đứng ở đâu trong bản đồ chuyển đổi số, kinh tế số của khu vực và thế giới, thưa bà?
Để đánh giá Việt Nam đứng ở đâu trong bản đồ chuyển đổi số của khu vực và thế giới, hãy nhìn các chỉ số đánh giá của các tổ chức quốc tế như International Telecommunication Union, World Bank, World Economic Forum, UNDP, UNCTAD (United Nations Conference on Trade And Development) đã đưa ra các chỉ tiêu đánh giá sự phát triển chuyển đổi số của mỗi quốc gia năm 2019.
Về chỉ số tri thức, Việt Nam đứng thứ 95/132 nước xếp hạng; chỉ số KEI (Chỉ số kinh tế tri thức) Việt Nam đứng thứ 96/132 nước xếp hạng.
Việt Nam đứng thứ 111/183 nước xếp hạng về chỉ số cơ hội công nghệ thông tin (CNTT) và đứng thứ 126/181 nước xếp hạng về chỉ số cơ hội số.
Chỉ số sẵn sàng kết nối, Việt Nam đứng thứ 85/148 nước xếp hạng và đứng thứ 65/69 nước xếp hạng về chỉ số sẵn sàng cho nền kinh tế điện tử.
Qua số liệu trên, có thể thấy mặc dù tốc độ phát triển của CNTT Việt Nam đều tăng ở mức hai con số nhưng do điểm xuất phát rất thấp nên vị trí của Việt Nam bản đồ chuyển đổi số của khu vực và thế giới vẫn còn ở mức trung bình thấp.
Hay nói cách khác, Việt Nam được phân loại thuộc nhóm nước ở trong giai đoạn quá độ của quá trình chuyển đổi số nhưng có vị trí khá tích cực trong tương quan với các nước có cùng trình độ phát triển.
Vậy còn đóng góp đối với tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong giai đoạn qua thì sao, thưa bà?
- Xu hướng số hóa xuất hiện ở nhiều lĩnh vực, ngành kinh tế từ thương mại, thanh toán đến giao thông, giáo dục, y tế thời gian qua đã có những đóng góp quan trọng cho nền kinh tế.
Theo nghiên cứu của Google và Temasek kinh tế số của Việt Nam đạt 3 tỷ USD vào năm 2015, 9 tỷ USD vào năm 2018, năm 2019 trị giá 12 tỷ USD (đóng góp 5% GDP quốc gia trong năm 2019) và dự đoán đạt khoảng 43 tỷ USD vào năm 2025 (trong khi, Nghị quyết số 52-NQ/TW, ngày 27/9/2019, của Bộ Chính trị đề ra mục tiêu đến năm 2025, kinh tế số chiếm tỷ lệ 20% GDP (khoảng 48 tỷ USD), năm 2030 đạt 72 tỷ, chiếm 30%GDP) và có thể tăng thêm khoảng 162 tỷ USD trong 20 năm tới nếu chúng ta chuyển đổi số thành công.
Trong khi đó, trên thế giới, Trung quốc kinh tế số chiếm 36,2% GDP, các nước Bắc Mỹ và một số nước Tây Âu, nền kinh tế số chiếm khoảng 45%-50% GDP, các nước OECD kinh tế số chiếm hơn 50% GDP.
Trong các lĩnh vực kinh tế hiện nay của Việt Nam, lĩnh vực nào đã chuyển đổi số thành công, thưa bà?
- Ở Việt Nam hiện nay, chưa có lĩnh vực kinh tế hay ngành nào chuyển đổi số thành công, hay nói cách khác tất cả các khâu đã được số hóa hết mà tất cả còn đang trên bước đường chuyển đổi số.
Một số ngành "chuyển động" nhanh hơn trong công cuộc chuyển đổi số như: công nghệ thông tin, ngân hàng, ngành y tế…
Năm 2020, ngành y tế có bước phát triển đột phá trong ứng dụng công nghệ thông tin, tiếp cận các công nghệ số, như: vạn vật y tế kết nối, trí tuệ nhân tạo, thực tế ảo, điện toán đám mây, di động, phân tích dữ liệu lớn.
Các bệnh viện trên toàn quốc đã triển khai hệ thống thông tin quản lý bệnh viện; một số bệnh đã triển khai bệnh án điện tử thay cho bệnh án giấy; lưu trữ và truyền tải hình ảnh (PACS) thay cho in phim.
Đối với lĩnh vực ngân hàng tài chính, đang diễn ra "cuộc đua" chuyển đổi số với việc ra đời ngân hàng số, eKYC (giải pháp định danh điện tử), ứng dụng robot, thanh toán điện tử được đẩy mạnh,…
Vậy còn lĩnh vực nào "chậm chân" nhất, vì sao?
- Kinh tế tập thể, nòng cốt là các hợp tác xã (HTX) quá trình chuyển đổi số đang diễn ra chậm bởi trình độ quản lý yếu kém, quy mô đầu tư nhỏ, trình độ công nghệ không cao, đơn giản, và cũng do nguyên nhân bởi nguồn lực tài chính hạn chế.
Ngoài ra, một số lĩnh vực khác cũng chậm chân trong chuyển đổi số nguyên nhân là do nhận thức về chuyển đổi số của nhiều lãnh đạo doanh nghiệp mới chỉ thiên về công nghệ, nhưng thực tế việc chuyển đổi phải bắt đầu từ mô hình kinh doanh và tư duy lãnh đạo./.
Vai trò của công nghệ thông tin chưa đi cùng các nhà quản lý về chiến lược kinh doanh của một tổ chức, nên các doanh nghiệp này đi chậm so với doanh nghiệp các doanh nghiệp khác, đặc biệt là doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài.
Để khắc phục tình trạng này, Chính phủ đã phê duyệt "Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030", có 8 ngành, trong đó có lĩnh vực nông nghiệp vì đây cũng là lĩnh vực có tác động xã hội, liên quan hàng ngày đến người dân. Đây là cơ hội để các lĩnh vực còn chậm chân sẽ bứt phá trong chuyển đổi số.
Chuyển đổi số không phải trào lưu thời thượng
Quan sát trong thực tế, ngân hàng là lĩnh vực có tốc độ "số" nhanh, ngược lại lĩnh vực nông nghiệp chuyển đổi số còn hạn chế. Điểm khác biệt của 2 lĩnh vực này nhãn tiền có thể thấy đó chính là "tiền", phải không thừa bà?
- Trước hết, phải khẳng định rằng: chuyển đổi số không phải là một trào lưu thời thượng mà nó đã trở thành một mệnh lệnh chiến lược đối với mọi doanh nghiệp, DN phải coi chuyển đổi số trở thành điều kiện sống còn của mình.
Với hầu hết các quốc gia, doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs) luôn chiếm số lượng lớn, cụ thể ở Việt Nam, SMEs chiếm 97,5% số lượng, đóng góp hơn 40% GDP và 50% việc làm.
Theo nghiên cứu của Feichtinger (2018) về những khó khăn thách thức rào cản đối với công cuộc chuyển đổi số tại các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở một số nước.
Đơn cử như tại Áo, rào cản lớn nhất là "quy trình thực hiện", rào cản về tài chính đóng vai trò quan trọng thứ 4, trong khi ở Thuỵ Sỹ rào cản về tài chính cũng đóng vai trò quan trọng thứ 4.
Như vậy, tiền cũng là một nhân tố quan trọng trong công cuộc chuyển đổi số, nhưng không phải là nhân tố quan trọng nhất. Mà quan trọng nhất là phải có mô hình chuyển đổi số phù hợp.
Lĩnh vực nông nghiệp của Việt Nam hoàn toàn có thể chuyển đổi số thành công nếu áp dụng đúng mô hình chuyển đổi số.
Tuy nhiên hiện nay có quá nhiều lựa chọn về mô hình chuyển đổi số như mô hình của: McKinsey, Earn & Young, Deloitte, Microsoft, IBM, SAP, Siemens, MIT, Columbia, Stanford, TMForum…. Vậy vấn đề chọn mô hình nào phù hợp hay xây dựng mô hình phù hợp thì cần phải nghiên cứu thực tế.
Vậy theo bà, Chính phủ cần làm gì để hỗ trợ ngành nông nghiệp chuyển đổi số thành công?
- Thứ nhất: Chính phủ tạo môi trường và nhu cầu, đẩy mạnh hỗ trợ cho các doanh nghiệp nông nghiệp chuyển sang nền kinh tế số
Điều đầu tiên Việt Nam cần chú trọng là xây dựng nền tảng, thể chế cho các mô hình kinh doanh kinh tế số, trong đó sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật cho các ngành đang có nhiều mô hình kinh doanh mới như thương mại điện tử, tài chính số, ngân hàng số...
Cải cách thể chế để thu hút đầu tư cho các công nghệ số trong các lĩnh vực đầu tư theo hướng tạo thuận lợi tối đa cho các hoạt động góp vốn, mua cổ phần, mua bán sáp nhập doanh nghiệp công nghệ số…
Tăng cường đào tạo và phát triển nguồn nhân lực cho các ngành: Kinh tế số, Hệ thống thông tin quản lý, Thương mại điện tử, An ninh mạng, Công nghệ thông tin, truyền thông, Khoa học dữ liệu…..
Khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư các cơ sở đào tạo. Tăng cường loại hình đào tạo chuyên gia, kỹ thuật viên, đào tạo nghề, mô hình đào tạo liên kết 3 bên (Doanh nghiệp – Cơ sở đào tạo - Cơ quan quản lý nhà nước).
Chính phủ cần có một chiến lược được hoạch định rõ ràng trong việc chống lại vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, trong đó giai đoạn đầu cần đẩy mạnh tuyên truyền thực thi quyền sở hữu trí tuệ tới cộng đồng doanh nghiệp và người dân, phổ biến các cam kết và công ước quốc tế về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ khi Việt Nam đã cam kết khi gia nhập WTO và các hiệp định song phương và đa phương khác.
Tiếp đó cần có các chế tài xử phạt đủ sức răn đe đối với việc vi phạm quyền sở hữu trí tuệ. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này, cần có sự chung tay của nhà sản xuất, các nhà phân phối, các nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP), khách hàng và đặc biệt là các cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực này.
Vi phạm bản quyền không chỉ kìm hãm sự phát triển của nền công nghiệp phần mềm, mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế và làm tổn hại đến hình ảnh quốc gia trong quá trình hội nhập kinh tế thế giới.
Thứ ba: Phát triển thương mại điện tử, Chính phủ điện tử và cơ sở hạ tầng công nghệ số
Muốn thành công trong ứng dụng ICT thì phải có cơ sở hạ tầng ICT đủ mạnh, đáp ứng được yêu cầu đòi hỏi của các ứng dụng. Chính phủ, các địa phương cần tập trung xây dựng, phát triển hạ tầng số đáp ứng yêu cầu trao đổi thông tin, hạ tầng số sử dụng các công nghệ tiên tiến, đảm bảo an toàn, an ninh thông tin.
Các cơ quan quản lý nhà nước ở trung ương và địa phương phải được kết nối mạng diện rộng của Chính phủ và Internet băng thông rộng, đủ năng lực cung cấp các dịch vụ công, và các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, từng bước xây dựng chính phủ điện tử.