Chuyển đổi số - xu hướng tất yếu của báo chí hiện đại

Thứ tư, 14/06/2023 19:48

Hiện nay, cụm từ “chuyển đổi số” không còn xa lạ đối với các ngành nghề, lĩnh vực, coi đó là sự tiếp cận bắt buộc để thay đổi theo những xu hướng vận động mới. Đối với báo chí và truyền thông cũng không nằm ngoài trục xoay đó. Mục tiêu của chuyển đổi số báo chí nhằm xây dựng các cơ quan báo chí theo hướng chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại; làm tốt sứ mệnh thông tin tuyên truyền phục vụ sự nghiệp cách mạng của Đảng, sự đổi mới của đất nước.

20230614-m03.jpg

Ảnh minh họa

Xu thế chính trong chuyển đổi số báo chí

Chuyển đổi số báo chí nhằm đảm bảo vai trò dẫn dắt, định hướng dư luận xã hội, giữ vững chủ quyền thông tin trên không gian mạng; đổi mới hiệu quả trải nghiệm của độc giả; tạo nguồn thu mới; thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp nội dung số.

Hiện nay chuyển đổi số báo chí thể hiện từ các khâu như: Chuyển đổi số trong sản xuất nội dung, đó là cá nhân hóa và ngữ cảnh hóa nội dung; dùng thuật toán để phân tích hành vi, thói quen, nhu cầu, quan tâm của người dùng, để từ đó tạo ra và phân phối nội dung phù hợp tới các “phân khúc” người đọc, xem, nghe; đa dạng hoá các sáng tạo nội dung. Chuyển đổi số trong phương thức cung cấp sản phẩm tới người dùng, gồm: Sử dụng đa nền tảng để tiếp cận người dùng theo phương thức “người dùng ở đâu, thông tin ở đó”; hình thành các liên kết báo chí để phân phối nội dung (báo chí liên kết với viễn thông, công ty công nghệ, mạng xã hội, với các nền tảng số). Chuyển đổi số trong mô hình kinh doanh báo chí: Sự tăng tốc của quá trình chuyển đổi sang thu phí nội dung, hướng vào nhu cầu của độc giả, nâng cao chất lượng trải nhiệm của người dùng để thu hút độc giả cũng như nguồn lực tài chính từ độc giả. Chuyển đổi số trong mô hình tòa soạn (hội tụ về không gian làm việc, về phương thức tác nghiệp, về nội dung, về nền tảng vận hành toà soạn…).

Thực trạng hiện nay

Hiện nay, đại bộ phận các cơ quan báo chí cả nước đã lên mạng internet, cụ thể: 120/127 báo đã thực hiện loại hình điện tử; 149/673 tạp chí đã thực hiện loại hình điện tử. Một số cơ quan báo điện tử lớn đã được được hỗ trợ chi phí thuê dịch vụ internet, băng thông, đường truyền, hosting máy chủ, CDN. Đại bộ phận các cơ quan báo chí điện tử đã được Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) trực tiếp rà soát, đánh giá về an toàn an ninh mạng và bước đầu đã có các giải pháp để đảm bảo an toàn thông tin cho cơ quan báo chí. Đến nay, cơ bản các trang báo điện tử của Việt Nam mới dừng lại ở công nghệ Web 1.0 (read - only), chỉ một số ít đã bắt đầu là web 2.0 (cho phép đọc - viết, tương tác giữa người đọc và bài báo ngay trên nền tảng của báo và cho phép lưu giữ 1 phần thông tin danh tính người đọc). Chưa thực sự tồn tại cơ sở dữ liệu riêng của từng cơ quan báo chí về người đọc và hành vi của người đọc (đa số đều phụ thuộc vào công cụ đo của các nền tảng xuyên biên giới như Google, Facebook hoặc các công cụ đo lường của các bên thứ ba khác).

Đối với Hà Giang, các cơ quan báo chí bước đầu đã có sự thích ứng với công cuộc chuyển đổi số. Chủ lực trong “binh chủng” tuyên truyền là Báo Hà Giang và Đài PT-TH tỉnh đã có bước đầu tư về công nghệ hiện đại trong quá trình tổ chức sản xuất các sản phẩm báo chí; các phóng viên, biên tập viên, cán bộ kỹ thuật được bồi dưỡng, cập nhật kiến thức chuyển đổi số báo chí. Việc sử dụng các nền tảng số đã rút ngắn các công đoạn sản xuất các sản phẩm báo chí, đồng thời tạo ra sự tương tác trong quá trình làm việc giữa các phóng viên, biên tập viên, giữa cơ quan báo chí với người đọc, người nghe, người xem… Chất lượng các tác phẩm báo chí đa phương tiện trên nền tảng công nghệ số xuất hiện nhiều hơn, đáp ứng nhu cầu ngày cao của đọc giả và khán, thính giả… Tuy nhiên, cùng với hệ thống các cơ quan báo chí các địa phương trong cả nước, công cuộc chuyển đổi số báo chí của Báo Hà Giang và Đài PT-TH tỉnh đang chỉ là những bước đi ban đầu. Trong lộ trình chuyển đổi số, các cơ quan báo chí trong tỉnh xác định yếu tố con người và công nghệ là chìa khóa quyết định đến thành công, do vậy đã và đang có những kế hoạch, mục tiêu cụ thể phù hợp với điều kiện thực tế để thực hiện tốt chuyển đổi số báo chí trong thời gian tới.

“Dẫn lối” cho các cơ quan báo chí

Để thực hiện chuyển đổi số báo chí đáp ứng mục đích và yêu cầu, ngày 6.4.2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 348/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược Chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Mục tiêu xây dựng các cơ quan báo chí theo hướng chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại; làm tốt sứ mệnh thông tin tuyên truyền phục vụ sự nghiệp cách mạng của Đảng, sự nghiệp đổi mới của đất nước; đảm bảo vai trò dẫn dắt, định hướng dư luận xã hội, giữ vững chủ quyền thông tin trên không gian mạng; đổi mới hiệu quả trải nghiệm của độc giả; tạo nguồn thu mới; thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp nội dung số.

Tiếp đó, ngày 2.6.2023, Bộ TT&TT ban hành Quyết định số 951/QĐ-BTTTT ban hành Bộ Chỉ số đánh giá, đo lường mức độ trưởng thành chuyển đổi số báo chí. Mục tiêu Bộ Chỉ số làm công cụ, thước đo đánh giá mức độ sẵn sàng, mức độ trưởng thành chuyển đổi số báo chí của các cơ quan báo chí dùng chung trên phạm vi cả nước. Qua đánh giá, nhằm giúp từng cơ quan báo chí xác định được mình đang ở giai đoạn nào trong quá trình chuyển đổi số từ đó có lộ trình, kế hoạch, giải pháp chuyển đổi số phù hợp, giúp cơ quan báo chí phát triển nhanh hơn, mạnh hơn.

Để hỗ trợ tư vấn cho các cơ quan báo chí về công tác chuyển đổi số, ngày 5.6.2023, Bộ TT&TT đã ra mắt Trung tâm Hỗ trợ Chuyển đổi số báo chí. Sự ra đời của Trung tâm sẽ góp phần hỗ trợ các cơ quan báo chí thực hiện có hiệu quả mục tiêu trong Chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến 2030.

Với những dịnh hướng rõ ràng cùng với các giải pháp thực hiện chuyển đổi số báo chí cụ thể, bài bản và kịp thời sẽ là yếu tố quan trọng để các cơ quan báo chí và truyền thông cả nước nói chung và của Hà Giang nói riêng bắt nhịp nhanh với xu hướng chung của thế giới hiện nay.

Việt Thắng (Báo Hà Giang)
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon
icon

Giới thiệu
Sản phẩm dịch vụ

Nơi giới thiệu những sản phẩm,
dịch vụ tốt nhất dành cho bạn đọc

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Doanh nghiệp

Top