Chuyển đổi số và cuộc cách mạng báo chí

Thứ bảy, 26/09/2020 15:33

Khi Internet lan tỏa đột phá, biên giới của phương tiện truyền thông được nới rộng vô tận làm thay đổi hoàn toàn thế giới tin tức. Thế giới và độc giả đang thay đổi. Báo chí phải đối mặt với những thách thức mới trong khi người tiêu dùng tin tức đang tìm kiếm cách thức mới để có được thông tin.

 Các kênh tin tức và cơ quan báo chí buộc phải thử nghiệm các chiến lược để tồn tại trong cuộc cách mạng kỹ thuật số. Khả năng kiếm tiền từ tin tức, vốn từ xưa là sự độc quyền nhất định, nay đã trở thành sự bất ổn và đấu tranh.

Số phận chìm nổi của những tờ báo trăm tuổi
Đối với một tờ báo có nền tảng di sản tồn tại và tích lũy hơn 100 năm lịch sử, sự thích nghi quá trình chuyển đổi số sẽ ra sao là câu hỏi đặt ra cho báo chí Braxin thời gian trở lại đây. Năm 2019, nước này có 26 tờ báo thế kỷ, theo thống kê của Knight Center dựa trên khảo sát của Hội Báo chí quốc gia Braxin. Những tờ báo này đang nỗ lực giữ đúng con đường đã đi và kết nối với độc giả theo họ nhiều thập kỷ, đồng thời cố gắng củng cố các hoạt động trực tuyến, kết nối độc giả trẻ - nhóm ít trung thành hơn với phiên bản in. So sánh năm 2017 khi số lượng tờ báo thế kỷ là 31, việc mất đi của một số lượng nhất định cho đến thời điểm hiện nay khẳng định, sự tồn tại là một thách thức đối với những tờ báo lớn nhất nước, bất kể quy mô hay độ phủ sóng ở tầm quốc gia hay địa phương.
 
Khảo sát được thực hiện bởi nhà báo, nhà nghiên cứu, Giáo sư Hérica Lene của Đại học Liên bang Recôncavo da Bahia (UFRB) đưa ra một nghi ngại, không ai biết chính xác ngành báo Braxin sẽ đi về đâu.
 
Tháng 5/2019 đánh dấu mốc kỷ niệm 111 năm tuổi cũng đồng thời đặt dấu chấm hết cho tờ báo lịch sử Comércio do Jahu của Braxin khi buộc phải ngừng phát hành cả phiên bản in và điện tử. Quyết định đóng cửa của Comércio được đưa ra sau khi tờ báo mất bốn năm vật lộn bằng nhiều giải pháp được thực hiện như giữ phiên bản in nhưng kỳ phát hành giảm đi, đến thậm chí ngừng bản in nhưng duy trì phát hành bản điện tử.
 
20200731-pg9.jpg
 
Giới tri thức và độc giả Braxin bày tỏ sự tiếc nuối và hoài nghi về thứ làm người ta tự hào chưa chắc đã là tấm lá chắn cho sự tồn tại của một tờ báo. Rõ ràng, di sản lịch sử hay tượng đài của niềm tin không thể cứu vớt "mớ bòng bong" là hệ quả báo in thích nghi với công nghệ số: quảng cáo vốn duy trì hoạt động kinh doanh cho báo in, nhưng in ấn lại đang khủng hoảng vì sự cạnh tranh từ nội dung trực tuyến, trong khi trực tuyến một mình không duy trì được doanh số quảng cáo cần thiết. Độc giả tìm đến Internet nhưng chỉ Internet lại không thể hỗ trợ đủ cho doanh nghiệp.
 
Nhưng trong cơn vũ bão của cuộc cách mạng số, truyền thống và lòng trung thành đã che chở và bảo vệ cho tờ báo 124 tuổi khác của Braxin là Correio do Povo. Người ta đã tìm ra được vị trí thượng tôn của tờ báo trong lòng độc giả, một cái gì đó rất đặc trưng của vùng Rio Grande do Sul, nơi người dân thích tôn vinh những nét văn hóa của họ và tờ Coreio là một phần nhỏ thể hiện điều đó. Với số lượng phát hành trung bình hàng ngày năm 2007 là 66.950 bản in (vị trí thứ 9 trên toàn quốc) và trong nửa đầu năm 2019 phát hành 41.326 bản kỹ thuật số/ngày. 
 
Theo dữ liệu từ Viện Lưu hành Ấn phẩm, doanh thu của Correio gắn kết trực tiếp với người đọc và quảng cáo được duy trì ổn định. Ở đây, lịch sử của tờ báo đóng một vai trò. Vì sao độc giả chấp nhận trả tiền để mua tờ báo in trong hằng hà sa số tin tức miễn phí trên Internet? Vì họ đã thưởng thức hương vị quen thuộc đó từ nhiều đời, vì họ tin vào tờ báo và báo đã cung cấp những bài viết chất lượng.
 
Phục vụ người đọc, đối với Correio có nghĩa là không chỉ có mặt ở Porto Alegre mà còn ở 9 thành phố khác trong nội địa Rio Grande do Sul với lực lượng phóng viên bố trí rộng khắp, đại diện cho mối quan hệ của họ với cộng đồng. Đó chính là một phần di sản của tờ báo hơn một thế kỷ, là bước đệm vững chãi để Coreio tự tin thực hiện các hoạt động trực tuyến trong sự cân bằng hợp nhất với in ấn.
 
Những cuộc chạy đua số
"Der Spiegel" - tạp chí tin tức có trụ sở tại Hamburg, Đức đạt mức tăng trưởng doanh số 1000% năm 2014 so với năm 2007. Là tiên phong trong thị trường tin tức số khi công bố phiên bản điện tử Spiegel Online (SPON) năm 1994, bắt đầu đăng những bài viết được trích từ tạp chí in, các biên tập viên đã dự tính được chỉ vài tháng sau, lượng độc giả trực tuyến trở nên yêu thích những nội dung độc nhất trên bản điện tử. Nhanh chóng sau đó, điện tử và tạp chí in đã có thể tách riêng hoạt động độc lập.
 
Sau 20 năm cung cấp nội dung miễn phí, SPON quyết định chỉ phát triển giải pháp cho các độc giả đăng ký tài khoản. Mô hình này cũng được tờ điện tử của báo ngày Süddeutsche Zeitung lựa chọn và công bố vào tháng 3 năm 2015.
 
Khi Welt và Bild - hai tờ báo được sở hữu bởi Axel Springer, một trong những nhà xuất bản lớn nhất châu Âu - cũng hoàn thiện chiến lược truy cập trả phí vào năm 2012, 2013, ngành tin tức Mỹ cũng đi theo con đường này một thập kỷ, hơn một nửa báo chí Mỹ, bao gồm Financial Times (Thời báo Tài chính) tính phí cho các nội dung trên Internet.
 
Ken Doctor, một nhà phân tích tại Newseconomics đề cập đến cách kiếm tiền từ nội dung trực tuyến với tên gọi "Paywall 1.0". Trong các mô hình thanh toán của "thế hệ đầu tiên", độc giả phần lớn được lựa chọn nhiều gói trực tuyến. Ở thị trường báo chí Đức, phí cho thuê bao đăng ký đọc báo trên Internet hàng tháng thường cao như khi mua tờ báo in vậy.
 
Kết quả hoạt động của tờ Tageszeitung có trụ sở tại Berlin đã chỉ ra rằng các tờ báo không nhất thiết phải xây dựng các khoản thanh toán cao hơn. Các bài viết đăng trên Internet đều được miễn phí truy cập cho tất cả người dùng. Nếu độc giả cảm thấy bài viết nào thực sự có giá trị, họ được mời thanh toán qua điện thoại di động hoặc Paypal. Bằng cách này, tờ báo có được thêm khoản hỗ trợ từ độc giả khoảng 10.000 Euro mỗi tháng.
 
Một biến thể khác trở nên phổ biến là mô hình trả tiền cho mỗi lượt xem được Blendle cung cấp. Công ty khởi nghiệp Hà Lan tự mô tả họ là "iTunes của báo chí". Trong kiosk báo trực tuyến của họ, độc giả có thể trực tiếp mua nội dung mà họ quan tâm, chỉ trả tiền cho các bài báo đã đọc.
 
The New York Times - tờ báo rất uy tín của Mỹ cũng mạnh tay đặt cược vào công nghệ số và được đền đáp xứng đáng khi năm 2019, công ty đã có thêm hơn triệu đăng ký số mới, nâng tổng số đăng ký đạt 5,2 triệu, mức cao nhất trong lịch sử và chạm mức doanh thu số đến 800 triệu đô la Mỹ sớm hơn dự kiến.
 
Hãy tự khai phá "con đường tơ lụa" mới
Trong không gian báo chí số, mỗi tờ báo đều phải tự trả lời được câu hỏi họ chắc chắn phải hành động gì tiếp theo để tồn tại và có thể mang lại nhiều lợi ích cho độc giả.
 
Jeff Bezos mua lại Washington Post năm 2013 vào đúng thời điểm tờ báo mất doanh thu và độ phổ biến. Ông nói với nhân viên: Hãy ngừng rên rỉ về việc web đã dẫn chúng ta đến tình trạng này, hãy thực hiện mô hình kinh doanh của các bạn bởi vì từ đó có thể đề xuất mô hình tối ưu mới cho tờ báo của chúng ta.
 
Ông chủ mới của Washington Post ngay lập tức đầu tư và mở rộng gấp đôi bộ phận IT, tuyển dụng các tài năng chất lượng cao để thực hiện nhiệm vụ: cứu tờ báo, bằng cách phát triển ưu tiên công nghệ mà sau này thay đổi cơ bản cách mà tin tức được xuất bản. Cuối cùng, độc giả trực tuyến của Post hiện tăng đều 22% hàng năm và doanh thu quảng cáo số hàng năm luôn vượt 100 triệu đô la.
 
Jeff Bezos và Washington Post đã trở thành hai cái tên gắn liền với nhau trong một thành công vượt trội khi nhắc đến chuyển đổi số trong báo chí. Hệ thống báo chí Mỹ đang bệ rạc không còn là điều phải giấu giếm khi lượng phát hành in giảm kể từ những năm 50 của thế kỷ trước, thời điểm truyền hình và Internet trở thành nguồn tin tức được ưu tiên cho nhóm độc giả trung bình. Thực tế, những năm 2000, lượng phát hành có tăng trở lại, nhưng những nỗ lực của các cơ quan báo chí không được đáp lại tương xứng bằng thành công lớn.
 
Người ta phân tích Bezos đã biết đầu tư trọng điểm vào trúng điểm rơi của công nghệ. Ông phát triển xương sống công nghệ của Washington Post để có thể nhân rộng triển khai cho nhiều tờ báo khác cũng đang tìm kiếm kỹ thuật số trước tiên, tương tự như cách mà Amazon tiên phong mô hình điện toán đám mây. Con đường thử nghiệm của ông thành công xuất sắc và chắc hẳn ông đã dự đoán được thương hiệu Washington Post trị giá 100 triệu đô la.
 
Bezos gia tăng đáng kể số lượng phóng viên để phát triển nội dung số trước tiên, để làm nên một tờ báo số trước tiên. Đội ngũ của ông chỉ bằng một nửa nhưng có thể sản xuất 500 câu chuyện mỗi ngày, gấp đôi tờ The New York Times. Tháng 11/2015, lần đầu tiên Washington Post làm lu mờ The New York Times về số lượng truy cập bản điện tử, theo Comscore. 
 
Khoảng cách này tiếp tục nới rộng thêm khi Washington Post đạt được số lượng truy cập số khổng lồ qua từng tháng, đồng nghĩa với đó là số lượng thuê bao số tăng mạnh. Trong hai năm 2015 - 2016, số lượng thuê bao đăng ký tăng 145%, đạt con số một triệu vào năm 2017. Washington Post đã có thể làm được điều này thông qua chiến lược phát hành toàn diện liên quan đến việc đẩy mạnh Facebook Instant Articles và thông qua việc đăng ký thuê bao dùng thử 6 tháng trên Amazon.
Mô hình của Washington Post trở thành hiệu ứng tích cực về cách mà báo chí có thể triển khai công việc kỹ thuật số trong khi sản phẩm báo chí từ giấy và in truyền thống tiếp tục đà giảm.
 
Cách đây hơn một năm, với việc đạt được lợi nhuận đáng chú ý, The Guardian được đánh giá là một kiểu mẫu mà một tờ báo đạt ở mức chuyển đổi số, khi đảm bảo các yếu tố: tạo nhiều doanh thu hơn từ nguồn kỹ thuật số hơn nguồn in; tạo nhiều doanh thu từ độc giả hơn từ quảng cáo; đạt tăng trưởng doanh thu thuần nhờ nguồn tiền từ kỹ thuật số một cách nhanh chóng; và có nhiều thuê bao số hơn là người đăng ký mua báo in.
 
Con đường đạt một triệu thuê bao đăng ký của The Guardian đã trả lời cho câu hỏi muôn năm về cách tài trợ cho báo chí chất lượng, khi triển khai chương trình thành viên như là một giải pháp có khả năng thành công. Ra mắt năm 2014, chương trình thành viên của The Guardian có ba tầng lớp: Người hỗ trợ - 5 bảng Anh/tháng, Đối tác - 15 bảng/tháng và Người bảo trợ - 60 Bảng Anh/tháng. Đến tháng 11/2017, mặc dù chưa bao giờ công bố nhưng với việc sở hữu 500.000 thành viên trả tiền, có nghĩa là the Guardian đạt doanh thu tối thiểu 2,5 triệu Bảng Anh mỗi tháng.
 
Tờ báo nhanh chóng được khẳng định khi đứng số 1 về danh tiếng trong làng báo Anh ở bảng xếp hạng Business Insider. Được gọi là tiên phong trong truyền thông trực tuyến, ra mắt ứng dụng di động đầu tiên năm 2009, trở thành một trong những nhà xuất bản đầu tiên ra mắt trên Google Glass và mở một studio số nội bộ dựa trên cải tiến liên tục thông qua thử nghiệm và học hỏi.
 
The Guardian thực sự sống sót sau một trong những cuộc suy thoái lớn nhất trong ngành báo chí, để trở thành một tờ báo phù hợp hơn trong thế giới kỹ thuật số. Họ đã đánh bại các đối thủ báo chí truyền thống của mình thông qua áp dụng phong cách báo chí cởi mở hơn khi đặt ra cụm từ "Báo chí Mở". Đối với họ, tương lai của báo chí là nơi các nguồn truyền thông kỹ thuật số, in ấn và truyền thông xã hội được đan xen để tạo ra toàn bộ bức tranh, kết quả nội dung tốt hơn. Báo chí có thể mở hơn nhiều vì sự phát triển của bối cảnh số và sự gia tăng tiếp cận Internet trên điện thoại di động.
 
Ouest-France của Pháp là một trường hợp khá đặc biệt nhờ tính nhạy bén. Cách đây vài năm, đơn vị bắt đầu cảm nhận xu hướng phát triển của thị trường tin tức vào cuối ngày khi phát hiện khoảng thời gian rỗng sẵn sàng dành cho việc đọc tin tức của những người có thói quen sử dụng máy tính bảng và điện thoại thông minh sau một ngày làm việc. Năm 2013, Ouest- France quyết định tận dụng thời điểm tiêu dùng mới này để tạo ra L'édition du Soir - một tờ báo số 100% và cứ xuất hiện vào lúc 6h tối hàng ngày, cập nhật tin mới, cung cấp trò chơi và câu đố giải trí. Tờ báo điện tử mới ngay lập tức có khả năng thu hút số lượng lớn độc giả và gắn kết với họ một cách trung thành và sâu sắc. 
 
L'édition du Soir là một trong những câu chuyện thành công khẳng định chân lý chúng ta hẳn biết: xuất bản để phục vụ cho sự thuận tiện của độc giả, chứ không phải cho sự thuận tiện của cơ quan báo chí. Mô hình của L'édition du Soir được các chuyên gia nghiên cứu và báo cáo về thực tiễn cải thiện phiên bản kỹ thuật số từ các nhà xuất bản hàng đầu châu Âu. Mục tiêu ban đầu của L'édition du Soir là 10.000 người đăng ký. Nhưng con số này đã tăng theo cấp số nhân, với lượng khách truy cập hàng tháng duy trì ở mức gần như không đổi 1.8 triệu và trung bình 130.000 người dùng định kỳ. Tháng 8/2018, tờ điện tử đạt mốc 20 triệu lượt xem trang hàng tháng.
 
L'édition du Soir phát triển mạnh mẽ nhờ có sự hợp tác với các đối tác sáng tạo, cho phép tờ báo liên tục đổi mới, trong khi vẫn tạo ra nội dung hàng ngày chất lượng. Ouest-France hợp tác với Twipe để ra lò L'édition du Soir từ năm 2013 được xem là mối quan hệ của niềm tin, cùng nhau làm việc để liên tục sáng tạo và cải tiến. Họ cũng tin rằng có được đội ngũ đa dạng là chìa khóa cho chiến lược đổi mới. Bằng cách tập hợp nhiều ngành nghề, không chỉ các nhà báo, để làm việc cho dự án này, họ có thể nghĩ ra và thử nghiệm nhiều ý tưởng mới và không ngừng thích nghi. Đội ngũ lãnh đạo xem L'édition du Soir là một doanh nghiệp khởi nghiệp - startup trong Ouest-France lớn hơn là không gian chỉ dành cho sáng tạo và đổi mới.
 
Hơn cả, những điều làm cho L'édition du Soir thành công là cách tiếp cận phiên bản với nội dung độc đáo và phù hợp; áp dụng mô hình freemium - miễn phí nội dung cơ bản và thu phí với nội dung nâng cao và bổ sung và phiên bản được phân phối qua web, tờ tin tức và xã hội.
 
Báo chí Việt Nam cũng nằm trong dòng chảy của thế giới
Tại Việt Nam, mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã Phê duyệt "Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030". Mục tiêu của Chương trình đưa "Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới; đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân, phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, rộng khắp".
 
Trong Diễn đàn "Báo chí và Công nghệ" do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức cuối năm 2019 tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định: Công nghệ số sẽ ảnh hưởng đến lĩnh vực báo chí nhiều nhất, công nghệ số có thể tạo nên "Big Bang" ở lĩnh vực lĩnh vực báo chí truyền thông. Nhưng hiện nay báo chí đang là người đi sau về công nghệ. Trước những thách thức khác nhau của nhu cầu đổi mới công nghệ, nhiều cơ quan báo chí đã lỗi hẹn. Hoặc là họ đã bỏ cuộc, hoặc chưa từng bắt đầu.
 
Hiện nay, các kênh quảng cáo số, đặc biệt là Facebook, Google... đã chiếm đa số chi phí quảng cáo của doanh nghiệp. Vì vậy, nguồn thu của báo chí nói chung sẽ ngày một thu nhỏ lại đến mức các báo không còn nguồn thu. Nhiều tờ báo, đặc biệt là các tờ báo không có bao cấp, có nguy cơ phải tự giải thể hoặc thu hẹp. Đại diện Cục Báo chí – Bộ TT&TT, cho biết: Thị phần quảng cáo trực tuyến ở Việt Nam có tỷ lệ khoảng 70/30, trong đó gần 70% thị phần thuộc về công ty nước ngoài như Facebook, Google... Chỉ trong 10 năm trở lại đây, các cơ quan báo chí mất khoảng 50% thị phần quảng cáo. Đây là thách thức rất lớn đối với sự tồn tại của báo chí trong nước.
 
Năm 2019, số lượng phát hành và quảng cáo của báo in tiếp tục giảm. Tổng doanh thu báo chí in là 3.508 tỷ, giảm 3,9% so với năm 2018, trong đó doanh thu quảng cáo 1.227 tỷ, giảm 5,6% so với năm 2018. Tuy nhiên, năm 2019 tổng doanh thu của báo chí điện tử đạt 1.415 tỷ, tăng 13% so với năm 2018, trong đó doanh thu quảng cáo tăng 13,2%. Điều này cho thấy, báo chí kỹ thuật số, đa phương tiện triển khai trên môi trường Internet hé mở lối ra về nguồn thu cho báo chí trong nước.
 
Thời đại kỹ thuật số sẽ tạo điều kiện cho báo chí tiếp cận những kho dữ liệu quan trọng, tiếp cận những kho báu tri thức và các nguồn tin đa dạng chỉ bằng một cú nhấp chuột. Vì vậy phải đổi mới công nghệ với giải pháp nào? Và quan trọng nữa, là với ai? Ai sẽ dẫn đầu công cuộc đổi mới công nghệ trong báo chí? Ai sẽ mang lại được nguồn lực tài chính cần thiết, quan trọng hơn là mô hình hợp tác, chia sẻ nội dung cũng như doanh thu mà nhiều cơ quan báo chí đang trăn trở.
 
Việt Nam đã hoàn thành quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc giai đoạn 1 (gồm báo chí thuộc các Bộ, ngành, địa phương) và đang định hướng cho các tòa soạn thực hiện chuyển đổi số. "Công nghệ số sẽ thay đổi báo chí và ảnh hưởng đến báo chí trong một chặng đường dài. Nhưng chúng ta có niềm tin vững chắc rằng, công nghệ số sẽ giúp cho báo chí thực hiện sứ mạng của mình tốt hơn. Nhưng chúng ta phải thay đổi, trước khi công nghệ chuyển sứ mạng cho một lực lượng thay thế khác", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.
 
"Dự án "Phát triển báo chí Việt Nam giai đoạn 2020 - 2024" là chương trình hành động nhằm thực hiện sáng kiến của Bộ trưởng Bộ TT&TT, với mục tiêu hỗ trợ sự phát triển của báo chí Việt Nam, hòa nhập với sự phát triển của báo chí thế giới, góp phần thực hiện tốt vai trò trong việc xây dựng khát vọng về một Việt Nam hùng cường và vươn cao hơn nữa.
 
Tài liệu tham khảo
1.https://knightcenter.utexas.edu/blog/00-21393-century-old-newspapers-brazil-try-unite-historical-heritage-digital-transformation-and
2.https://medium.com/@MirkoStanojevic/how-the-digital-revolution-is-changing-the-newspaper-industry-d6aa8c4eecb6
3. https://www.thedigitaltransformationpeople.com/channels/customer-engagement/ digital-transformation-lessons-from-bezos-and-the-washington-post/
4.https://digital.hbs.edu/platform-digit/submission/bezos-the-digital-midas-turning-around-the-washington-post/
5. https://www.niemanlab.org/2019/05/another-milestone-passed-for-newspapers-the-boston-globe-is-the-first-local-newspaper-to-have-more-digital-subscribers-than-print/
6.https://digital.hbs.edu/platform-digit/submission/the-guardian-how-to-be-a-winner-in-a-declining-industry/
7.https://www.twipemobile.com/how-the-guardian-plans-to-reach-one-million-paying-members/
8. https://www.twipemobile.com/how-ledition-du-soir-engages-million-readers-every-month/
9.https://baotintuc.vn/xa-hoi/cong-nghe-so-se-giup-bao-chi-viet-nam-thay-doi-20191113122437620.htm
(Bài đăng trên ấn phẩm in tạp chí TT&TT Số 5+6 tháng 6/2020)
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Doanh nghiệp

Top