Chuyển đổi số trong xây dựng NTM ở Lâm Đồng (bài 3): Phát triển kinh tế số cùng 3 khó khăn cần gỡ

Thứ hai, 18/09/2023 18:00

Với những nền tảng như Tiktok, Facebook hay các sàn thương mại điện tử khác thì người dân, doanh nghiệp tại Lâm Đồng có thể bán nông sản, hàng hóa để phát triển kinh tế số. Tuy nhiên, chuyển đổi số trong xây dựng NTM ở Lâm Đồng vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc.

h39.jpg

Chuyển đổi số ở Lâm Đồng: Kinh tế số "lên ngôi"

Trong vài năm trở lại đây, mạng xã hội Tiktok hay Facebook đang là một kênh bán hàng khá phổ biến của người dân tại TP Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng). Những nền tảng này giúp nông sản của Đà Lạt dễ dàng lan tỏa và được khách hàng đặt mua rất nhiều.

Clip: Những lợi thế và khó khăn về chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới ở Lâm Đồng.

Nguyễn Thị Tường Thảo là người điều hành và trực tiếp livestream những lần bán hàng của kênh Tiktok Món lạ vườn nhà với hơn 230.000 lượt theo dõi của Hợp tác xã vườn nhà Đà Lạt. Kênh Tiktok này phát huy hiệu quả bởi bởi những hình ảnh tại vườn rau, củ, quả trồng tại Đà Lạt và chân chất của người bán hàng. Những lần đỉnh điểm, Nguyễn Thị Tường Thảo livestream có thể bán hàng ngàn đơn hàng, góp phần tiêu thụ nông sản của hợp tác xã rất nhanh.

Chị Nguyễn Thị Tường Thảo cho hay: "Trong thời đại hiện nay, các nền tảng mạng xã hội có sức lan tỏa rất lớn. Việc bán hàng qua các nền tảng tik tok, facebook, zalo trở nên rất đơn giản và hiệu quả. Tôi còn nhớ, sau khoảng 5-6 tháng làm tik tok Món lạ vườn nhà thì tôi đã có hàng chục triệu lượt xem. Đặc biệt, phiên livestream bí sợi mì đã trở thành hiện tượng trên tik tok, trong 1 phiên bán hàng, tôi đã bán hàng ngàn đơn, đưa doanh thu bán nông sản của Hợp tác xã Vườn nhà Đà Lạt tháng đó lên đến hàng tỷ đồng".

Trong khi đó, tại Chợ đêm Đà Lạt, mô hình chợ 4.0 được triển khai từ tháng 9/2022 cũng đang mang lại hiệu quả cao. Tại Chợ đêm Đà Lạt, gần 500 gian hàng đã có mở tài khoản, thanh toán không dung tiền mặt và có mã QR để khách hàng có thể thanh toán khi đi chợ.

Du khách và người dân khá hài lòng với việc thanh toán không dùng tiền mặt tại chợ Đà Lạt.

Vừa mua hàng trong chợ Đà Lạt ra và sử dụng tài khoản ngân hàng để thanh toán, chị Nguyễn Thị Thúy Hiền (người dân TP Đà Lạt) cho biết: "Tính tôi thì hay quên, có những lần đi chợ chỉ cầm theo mỗi cái điện thoại, không mang theo tiền. Khi mua hàng xong, quên mang tiền nên phải gọi chồng mang tiền ra để thanh toán. Hiện nay, tại nhiều quầy hàng trong chợ đã có mã QR ngân hàng thì mình đi chợ chỉ cần mang điện thoại để quét mã đó để thanh toán rất nhanh. Tôi thấy mô hình chợ 4.0 tại chợ Đà Lạt rất thuận tiện, hiện đại và hỗ trợ người dân, du khách rất nhiều".

Trong thời gian sắp tới, Ban Quản lý Chợ Đà Lạt sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình ra toàn chợ đêm Đà Lạt để người dân, du khách có thể dễ dàng thanh toán khi đi chợ. Đặc biệt nhiều quầy hàng tại chợ Đà Lạt sẽ được dán chứng bận Bán hàng theo phong cách người Đà Lạt.

Còn khó khăn trong chuyển đổi số

Mặc dù đã đạt được nhiều chuyển biến tích cực trong xây dựng nông thôn mới gắn với chuyển đổi số, nhưng tại Lâm Đồng vẫn còn nhiều khó khăn khi triển khai thực hiện. Theo ông Huỳnh Minh Hải – Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Lâm Đồng thì địa phương vẫn gặp phải khó khăn về tài chính, nhân lực và chênh lệch vùng miền.

"Đối với chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới tại Lâm Đồng đang gặp 3 khó khăn cơ bản là trình độ người dân khu vực nông thôn, trình độ của lực lượng, cán bộ công chức cấp xã, cuối cùng là nguồn lực để thực hiện.

Tại các vùng nông thôn, đặc biệt là vùng có tỷ lệ người đồng bào dân tộc thiểu số lớn thì hiện nay các thiết bị, ứng dụng, nền tảng về công nghệ vẫn còn hạn chế. Bên cạnh đó, trình độ của lực lượng, cán bộ công chức cấp xã còn thấp, đặc biệt về lĩnh vực công nghệ thông tin. Chính vì vậy, để lực lượng này trực tiếp tham mưu trực tiếp tại địa bàn về lĩnh vực chuyển đổi số còn hạn chế.

Hiện nay, tại các xã trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đều được trang bị đầy đủ trang thiết bị để vận hành hệ thống, bộ phận 1 cửa, hệ thống mạng máy tính, văn phòng điện tử, công nghệ thông tin, viễn thông đều đạt. Tuy nhiên, nguồn lực của người dân để đầu tư sử dụng máy móc, trang thiết bị về công nghệ thì còn rất hạn chế. Những trang thiết bị về công nghệ thông tin khá đắt đỏ, ứng dụng các sản phẩm công nghệ cao thì phải đầu tư khá nhiều tiền, vì vậy người dân ở vùng nông thôn chưa đáp ứng được. Từ đó, chuyển đổi số trong vùng nông thôn của tỉnh Lâm Đồng vẫn còn hạn chế, khó khăn", ông Huỳnh Minh Hải giải thích.

Ông Hải cho biết thêm, hiện nay, tại 142 xã phường trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã thành lập các Tổ công nghệ số cộng đồng với hơn 10.000 người. Mỗi tổ này có khoảng 6-8 người gồm trưởng thôn, bí thư, đoàn viên thanh niên và những người có trình độ để tiếp cận, hướng dẫn người dân tại địa phương. Các Tổ công nghệ số cộng đồng sẽ tập trung hướng dẫn người dân đăng kí, kích hoạt định danh điện tử, sử dụng dịch vụ hành chính công, thương mại điện tử, bán hàng trên mạng hay thanh toán không dùng tiền mặt...

Trong thời gian qua Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Lâm Đồng đã phối hợp, đôn đốc Bưu điện tỉnh Lâm Đồng, Chi nhánh Bưu chính Viettel Lâm Đồng và UBND các huyện, thành phố tuyên truyền, vận động, hướng dẫn các hộ sản xuất nông sản tham gia hoạt động kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử thúc đẩy kinh tế số nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh, phấn đấu đưa 100% các sản phẩm OCOP lên các sàn thương mại điện tử, đặc biệt là sàn postmart.vn và voso.vn.

Theo danviet.vn
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon
icon

Giới thiệu
Sản phẩm dịch vụ

Nơi giới thiệu những sản phẩm,
dịch vụ tốt nhất dành cho bạn đọc

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Doanh nghiệp

Top