Khó khăn trong chuyển đổi số
Viện trưởng Viện Chiến lược chuyển đổi số (Hội Truyền thông số Việt Nam) Lê Nguyễn Trường Giang cho hay, doanh nghiệp nhà nước đang hoạt động chịu sự điều chỉnh của hành lang pháp lý và cách thức kiểm soát rất ngặt nghèo. Đây là “rào cản” cho việc chuyển đổi số. Chẳng hạn, quá trình chuyển đổi số cần kinh phí đầu tư không nhỏ, nhưng việc sử dụng vốn lại chịu sự kiểm soát chặt chẽ, trong khi các dự án đầu tư chuyển đổi số cần thời cơ và sự linh hoạt. Chuyển đổi số cần mục tiêu tổng thể, nhưng các doanh nghiệp nhà nước lại đang bị ràng buộc trong các chỉ tiêu vừa tổng thể, vừa cụ thể… Do vậy, việc thực hiện chuyển đổi số không dễ triển khai.
Những khó khăn này cũng được đại diện khối các doanh nghiệp nhà nước chia sẻ. Trưởng ban Ngân hàng số, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) Nguyễn Khắc Trung chia sẻ, vì đặc trưng chung của các doanh nghiệp nhà nước là phụ thuộc vào nhiều quy định nên việc đầu tư các dự án chuyển đổi số mất nhiều thời gian hơn. Điều này dẫn đến có những giải pháp từ lúc đặt vấn đề đến khi triển khai đã lỗi thời. Hoặc như chia sẻ của đại diện Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), dù không ít người nhận thức về vai trò quan trọng của chuyển đổi số, nhưng việc thay đổi thói quen trong doanh nghiệp cũng là một thách thức của nhiệm vụ này.
Trực tiếp tư vấn chuyển đổi số cho doanh nghiệp nhà nước, Giám đốc tư vấn chuyển đổi số khu vực miền Bắc của Công ty cổ phần Base Enterprise (Base.vn) Bùi Trung Thành nhận định, nhiều doanh nghiệp chưa có hệ thống quy trình mà chỉ đơn thuần làm việc theo thói quen, như sử dụng văn bản, giấy tờ… Điều này không chỉ lãng phí mà còn cản trở tốc độ vận hành doanh nghiệp.
Cũng theo đại diện các công ty công nghệ số, có 92% doanh nghiệp có nhu cầu chuyển đổi số, nhưng 90% lại chưa hiểu về chuyển đổi số và 78% doanh nghiệp không biết bắt đầu từ đâu và chưa biết đi cùng ai. Mặt khác, vấn đề bố trí kinh phí cho chuyển đổi số cũng khiến nhiều doanh nghiệp cho dù quyết tâm nhưng còn lúng túng.
Vai trò của doanh nghiệp công nghệ số
Trưởng ban Ngân hàng số Agribank Nguyễn Khắc Trung chia sẻ, quá trình chuyển đổi số tại đơn vị đã đạt được những kết quả nhất định. Chẳng hạn, trước đây khách hàng phải đến quầy mở tài khoản, giao dịch thì hiện nay số lượng khách hàng giao dịch qua kênh số chiếm đến hơn 93%.
Kết quả chuyển đổi số tại Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông cũng là một ví dụ điển hình. Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông Nguyễn Đoàn Kết thông tin, nếu như trước thời điểm năm 2020, doanh thu của đơn vị tăng trưởng bình quân chỉ 8-10%, thì sau chuyển đổi số doanh thu liên tục tăng ở mức cao. Năm 2020 tăng 15,7%; năm 2021 tăng 16%; năm 2022 tăng 21% và những tháng đầu năm 2023 tăng 19,8%.
“Chuyển đổi số là vấn đề khó, lại không có mẫu số chung cho tất cả doanh nghiệp. Bởi vậy, khi đã xác định mục tiêu chuyển đổi số, doanh nghiệp cần xây dựng một hướng đi riêng. Quá trình này không phải làm một lần là xong mà lặp đi lặp lại nhiều lần, phải thường xuyên đánh giá, khắc phục những hạn chế và đặc biệt cần có tầm nhìn dài hạn để bước phát triển sau không mâu thuẫn với bước đi trước”, ông Nguyễn Đoàn Kết chia sẻ.
Phó Tổng Giám đốc Công ty Công nghệ thông tin VNPT (Tập đoàn VNPT) Nguyễn Đức Kiên nhận định, để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, ngoài những chính sách mạnh mẽ của Nhà nước, các doanh nghiệp nhà nước rất cần sự quyết tâm của người đứng đầu.
Quan điểm này cũng được Giám đốc tư vấn chuyển đổi số Tập đoàn FPT Digital (Tập đoàn FPT) Đoàn Hữu Hậu nêu rõ, người đứng đầu doanh nghiệp nhà nước phải trực tiếp tham gia vào quá trình chuyển đổi số, thúc đẩy việc thay đổi quy trình hoạt động sang phương thức mới nhằm tăng năng suất. “Điều quan trọng nhất của chuyển đổi số trong doanh nghiệp nhà nước là phải chuyển đổi về tư duy, định hướng của doanh nghiệp; phải đổi tư duy từ có gì bán nấy sang phục vụ theo nhu cầu của khách hàng…”, đại diện FPT nhấn mạnh.
Còn Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Giải pháp doanh nghiệp Viettel Nguyễn Chí Thanh lưu ý, khi chuyển đổi số, doanh nghiệp cần đánh giá hiện trạng cụ thể để xây dựng chiến lược với lộ trình phù hợp. Vì các doanh nghiệp chuyển đổi số có đặc thù và xuất phát điểm khác nhau. Doanh nghiệp cần chú ý chuyển đổi từ những yếu tố căn bản nhất, khai thác tối đa giá trị dữ liệu…
Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) Nguyễn Thanh Tuyên đánh giá, Việt Nam đã hình thành được hơn 70.000 doanh nghiệp công nghệ số. Nhiều doanh nghiệp phần mềm đã cạnh tranh được với doanh nghiệp nước ngoài trên thị trường thế giới. Với lợi thế về công nghệ, doanh nghiệp công nghệ số có khả năng thu thập, lưu trữ và phân tích lượng lớn dữ liệu từ các nguồn khác nhau, từ đó cung cấp giải pháp chuyển đổi số, mang lại những giá trị lớn cho doanh nghiệp. “Khả năng mở rộng và sức mạnh của công nghệ số làm cho các doanh nghiệp công nghệ số trở thành những tác nhân chính thúc đẩy sự thay đổi và phát triển trong nền kinh tế”, ông Nguyễn Thanh Tuyên nhấn mạnh.