Chuyển đổi số trong hoạt động tòa án mang lại lợi ích cho cán bộ và người dân

Thứ hai, 28/06/2021 08:38

Chiều ngày 24/6, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã làm việc với Tòa án nhân dân tối cao về nội dung tổ chức hội nghị chuyển đổi số trong hoạt động của tòa án.

20210628-ta1.jpg

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng trao đổi với Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình tại buổi làm việc. Ảnh: Đoàn Bổng

Buổi làm việc của lãnh đạo TAND Tối cao và Bộ TT&TT bàn về kịch bản chi tiết tổ chức hội nghị chuyển đổi số trong lĩnh vực tòa án dự kiến được tổ chức ngày 1/7.

Các nội dung chính hội nghị hướng đến bao gồm xây dựng tòa án điện tử; giới thiệu phần mềm trợ lý ảo cho cán bộ tòa án các cấp và thực hiện việc ký kết chương trình phối hợp với Bộ TT&TT và TAND Tối cao. 

Phát biểu tại buổi làm việc, Ủy viên Bộ Chính trị, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh, tại Đại hội lần thứ 13 của Đảng đề cập rất rõ chủ trương chuyển đổi số quốc gia. Theo lộ trình đưa ra, từ nay đến nay 2025 phải hoàn tất xây dựng tòa án điện tử.

"Hiện nay, các nước trong khu vực như Thái Lan, Singapore... đã có bước tiến dài về tòa án điện tử. Với ngành tòa án đã có một số bước đi ban đầu như các tòa án địa phương đã công khai bản án trên mạng cho người dân truy cập, giám sát. Đơn thư khởi kiện đã có phần mềm tiếp nhận và trả lời kết quả qua mạng internet. Việc quản lý cán bộ, quản lý hồ sơ vụ án đã được xây dựng nhưng kết quả còn khiêm tốn", ông Nguyễn Hòa Bình nêu. 

Theo ông Bình, qua tham khảo mô hình một số nước phát triển, có nhiều nước ứng dụng khoa học công nghệ và tạo nên hiệu quả thiết thực.

"Có những phiên tòa trên thế giới hiện nay không cần thư ký, thay vào đó họ có máy móc làm thay, khi nói sẽ ra văn bản ngay lập tức. Hoặc có một số nước xây dựng được phần mềm mà trong đó có các tình huống cụ thể để người truy cập biết rõ tình trạng pháp lý của mình, khi các tình huống được đưa ra người dân có thể biết mình thắng hay thua kiện. Việc làm này sẽ giảm tải cho tòa án rất nhiều khi có những vụ việc người dân hiểu rõ vụ việc sẽ không khởi kiện ra tòa" ông Bình dẫn chứng. 

Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết thêm, hiện nay có một số nước đã thực hiện xét xử qua mạng, làm việc qua mạng, thu thập chứng cứ, trả lời qua không gian mang. Đây là điều mà ngành tòa án đang hướng đến và mục tiêu tổ chức hội nghị để làm được điều này.

Theo ông Bình, tại hội nghị toàn quốc, tòa án sẽ có báo cáo về việc đã và sẽ làm. Để làm được trợ lý ảo thì các thẩm phán toàn quốc phải làm gì để có và sử dụng. 

"Đây là hội nghị khai phá tri thức cho đội ngũ thẩm phán toàn quốc trên 800 điểm cầu. Tất cả các thẩm phán ngồi nghe giới thiệu, tiện ích. Yêu cầu đặt ra của hội nghị nhằm để cán bộ toàn hệ thống thấy lợi ích của công nghệ thông tin, thấy trách nhiệm tham gia và từ nay về sau chúng ta có tòa án điện tử", lời ông Bình. 

Tiếp cận chuyển đổi số theo cách dẫn đầu

20210628-ta2.jpg

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng trao đổi với Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình tại buổi làm việc. Ảnh: Đoàn Bổng

Trao đổi tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, đối với việc chuyển đổi số, chúng ta không nên áp dụng theo cách "đuổi kịp, sánh cùng và vượt lên" mà tiếp cận theo hướng đi đầu.

Lý do đang xảy ra cách mạng về công nghệ số, cuộc cách mạng này sẽ phá hủy cái cũ để làm cái mới. Những quốc gia phát triển và đầu tư hạ tầng hiện đại rất khó phá bỏ vì tốn kém. Bản thân Việt Nam chưa đầu tư nhiều nên phải nhanh chân hơn, từ người đi sau trở thành những người đi đầu. 

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, chuyển đổi số là số hóa mang lại lợi ích căn bản, nhìn thấy ngay cho cán bộ và người dân. Ví dụ, cán bộ tòa án hoặc người dân không cần đọc sách mà sẽ có thiết bị trợ lý ảo để nhận được phản hồi nhanh chóng về các kiến thức liên quan.

Đặc biệt, ông Hùng cho biết, quá trình chuyển đổi số sẽ chuẩn hóa các quy trình, trinh tự làm việc sẵn để cán bộ tòa án thực hiện theo các bước, từ đó giúp ích trong việc không cần phải chú tâm quá nhiều vào quy trình mà thay vào đó tập trung nhiều vào nội dung các vụ án. 

Ngoài ra, theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, chuyển đổi số hiện nay có thuận lợi khi các doanh nghiệp công nghệ số của Việt Nam đang rất mạnh, có tinh thần phụng sự Tổ quốc, hoàn toàn có thể làm tốt và đảm bảo các yếu tố bảo mật.

Đồng thời, Bộ trưởng TT&TT cho biết, việc thực hiện chuyển đổi số trong ngành tòa án phụ thuộc chính vào sự đóng góp tri thức, nội dung của tòa án. Bộ TT&TT tham gia chính vào các khâu kĩ thuật và tạo ra các nền tảng để áp dụng. 

"Khi chuyển đổi số thành công, ngành tòa án sẽ có kho dữ liệu đầy đủ. Khi có lệnh thực hiện các báo cáo thì chỉ trong vài phút sẽ có báo cáo chi tiết, chuẩn xác đến từng số liệu. Việc này giúp tiết kiệm thời gian, công sức và mang lại hiệu quả thiết thực", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nêu. 

Nói về hội nghị sắp tổ chức liên quan đến chuyển đổi số trong hoạt động tòa án, ông Hùng cho biết các bài trao đổi tại hội nghị cần dễ hiểu, dễ tiếp cận và thiết thực. 

"Quan trọng chúng ta phải làm rõ, tòa án điện tử là gì, vận hành như thế nào. Tòa án đang gặp khó việc gì thì chúng ta phải đáp ứng điều đó. Việc xây dựng tòa án điện tử và trợ ly ảo phải thực hiện xong trong ba tháng tới", ông Hùng giao nhiệm vụ cho cán bộ của Bộ TT&TT tại buổi làm việc. 

Đoàn Bổng
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Doanh nghiệp

Top