Chuyển đổi số là xu thế
Bà Hồ Sương Lan, CEO Cty TNHH Maries cho biết, vì tiền thân là một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch và thường xuyên giao tiếp với khách hàng qua các dịch vụ online, chúng tôi từ lâu đã xem hạ tầng công nghệ thông tin là yếu tố then chốt của quá trình hoạt động và vận hành doanh nghiệp.
Đặc biệt, trong quá trình chuyển hướng doanh nghiệp để sản xuất và thương mại hàng thủ công mỹ nghệ, chúng tôi vẫn tiếp tục trang bị và hoàn thiện các trang thiết bị cơ bản đáp ứng nhu cầu giao tiếp, kết nối và tương tác với khách hàng, cũng như cập nhật các ứng dụng mới và các sàn giao dịch thương mại điện tử đang là xu thế cho việc đưa sản phẩm ra thị trường trong nước và quốc tế.
Đối với Công ty Cổ phần Tư vấn và Đầu Tư Cộng Hưởng (CoPLUS), Bà Nguyễn Thị An Nhàn, CEO CoPLUS cho biết, CoPLUS bắt đầu triển khai số hóa từ năm 2018. Giai đoạn đó có thể khẳng định là quá trình thực hiện chủ yếu dựa theo bản năng và nhu cầu thực tế của công việc và khách hàng.
Đến giữa năm 2019, công ty thực sự nhìn nhận lại và bắt đầu có sự thay đổi. Ban điều hành công ty bắt đầu triển khai kế hoạch chuyển đổi số một lần nữa, rà soát lại tình hình thực tế về nguồn lực nội bộ bao gồm các hạ tầng về dữ liệu, nhận thức của nhân sự, nguồn lực tài chính cũng như nhu cầu công việc thực tế cần đáp ứng để gia tăng hiệu quả quản lý, vận hành, đáp ứng nhu cầu và trải nghiệm của khách hàng về dịch vụ của công ty.
Từ những gì đã trải qua trong suốt quá trình thực hiện chuyển đổi số cho CoPLUS, Bà Nguyễn Thị An Nhàn cho rằng nền tảng ban đầu và quan trọng nhất chính là 1 kế hoạch chi tiết, 1 chiến lược phù hợp, việc số hóa dữ liệu, có những con người phù hợp, nhận thức phù hợp và sẵn sàng 1 nguồn lực tài chính để nâng cấp công nghệ.
Hỗ trợ cho Doanh nghiệp trong chuyển đổi số
Những năm qua, Thừa Thiên Huế rất quan tâm đến xây dựng chính quyền điện tử, ứng dụng công nghệ tin học vào các nội dung vận hành tổ chức và đã đạt được những kết quả đầu tiên. Gần đây, mặc dù gặp không ít những khó khăn nhưng tỉnh vẫn phát triển và được đánh giá là địa phương đi đầu về chuyển đổi số, luôn đứng Top đầu so với các tỉnh thành trong nước. Tuy vậy, việc chuyển đổi số trong cộng đồng doanh nghiệp còn ở mức trung bình so với doanh nghiệp các khu vực trong nước.
Mô hình kinh doanh trên môi trường mạng đã và đang được các DN tận dụng rất hiệu quả. Hình thức kinh doanh online ngày càng phổ biến, nhiều doanh nghiệp có kinh nghiệm và có điều kiện thuận lợi đã thành công trong kinh doanh, nhưng cũng có doanh nghiệp còn mày mò do thiếu định hướng, thiếu sự chuẩn bị nền tảng số hóa nên cũng gặp khó khăn trong kinh doanh.
Trước thực trạng trên, tỉnh đã có rất nhiều chính sách hỗ trợ DN vừa và nhỏ, DN khởi nghiệp; trong đó, DN mới thành lập nhận được ngay hỗ trợ hóa đơn điện tử, miễn phí chữ ký số. UBND tỉnh cũng vừa ban hành kế hoạch thực hiện chương trình “100 doanh nghiệp chuyển đổi số trong 100 ngày”, nhằm hỗ trợ các DN nhỏ và vừa, các hợp tác xã (HTX) tiếp cận và triển khai hiệu quả việc ứng dụng các công cụ hỗ trợ CĐS trong quá trình sản xuất kinh doanh.
Ông Lê Văn Cường, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, hiện sở KH&ĐT đang phối hợp với các đơn vị lựa chọn các DN, HTX hoạt động trong 5 lĩnh vực: du lịch, nông nghiệp, sản xuất sản phẩm thủ công truyền thống và sản xuất công nghiệp, thương mại dịch vụ, công nghệ thông tin (CNTT), để hỗ trợ triển khai chương trình này. DN, HTX sẽ được hỗ trợ CĐS trong quản trị nội bộ. Tỉnh sẽ vận động các DN kinh doanh các nền tảng CĐS tham gia hỗ trợ miễn phí hoặc giảm giá một phần cho các DN, HTX tham gia chương trình CĐS trong quản lý, điều hành, quản trị nội bộ của DN như: tài chính, kế toán, quản lý công việc, nhân sự, đánh giá chất lượng, hiệu quả làm việc của người lao động... Hỗ trợ một số đơn vị tại tỉnh Thừa Thiên Huế phát triển các nền tảng CĐS để hỗ trợ cho các DN, HTX sử dụng.
“Về hỗ trợ CĐS sản phẩm và dịch vụ sẽ dựa trên cơ sở nhu cầu, năng lực thực tế của DN, HTX. Tỉnh thuê đơn vị tư vấn hỗ trợ các DN, HTX trong việc số hóa sản phẩm hàng hóa, dịch vụ của công ty như quy chuẩn hóa, mẫu hóa nhằm nâng cao năng lực sản xuất, phân phối, quảng bá và bán hàng trên không gian mạng. Ngoài ra, tỉnh sẽ hỗ trợ CĐS trong xúc tiến thương mại, bán sản phẩm, hỗ trợ nâng cao năng lực phát triển thương mại điện tử, hình thành các cửa hàng số trên không gian mạng. Kết nối DN, HTX tham gia các sàn thương mại điện tử, cụ thể sẽ hỗ trợ 50% giá trị hợp đồng tư vấn hồ sơ pháp lý đăng ký tài khoản tại các sàn thuộc top 10 sàn thương mại điện tử thế giới (không quá 10 triệu đồng/sàn) và mỗi DN được đăng ký hỗ trợ tối đa 2 sàn, và mỗi sàn chỉ được hỗ trợ 1 lần”, Ông Lê Văn Cường cho biết thêm.
Ông Nguyễn Dương Anh, Phó Giám đốc Sở Thông tin truyền thông cho thông tin, đồng hành cùng chủ trương chung của Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông, sự chỉ đạo của UBND tỉnh trong việc triển khai Chuyển đổi số ở địa phương, thời gian qua, Sở Thông tin và Truyền thông đã triển khai một số hoạt động nhằm hỗ trợ chuyển đổi số trong doanh nghiệp.
Về công tác truyền thông, đã tập huấn nâng cao nhận thức về chuyển đổi số trong lãnh đạo và người lao động trong doanh nghiệp, đây là vấn đề có vai trò rất quan trọng để doanh nghiệp, chủ thể kinh doanh… hiểu rõ về chuyển đổi số. Sở cũng đã tham mưu xây dựng ứng dụng hỗ trợ chuyển đổi số cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế trong năm 2021. Ứng dụng này nhằm cung cấp hệ thống thông tin doanh nghiệp để quảng bá được thông tin, hình ảnh, hoạt động và dịch vụ của doanh nghiệp có mặt trên thị trường internet; cung cấp hệ thống văn phòng điện tử trên nền tảng web, thực hiện số hóa cơ bản một số quy trình hoạt động của doanh nghiệp trên một nền tảng duy nhất, đảm bảo việc thực hiện các quy trình nghiệp vụ trên giấy tờ truyền thống trở thành trải nghiệm số. Nghiên cứu và xây dựng các giải pháp kết nối, chia sẻ thông tin và hình ảnh doanh nghiệp trên các trang thông tin mạng xã hội. Qua thời gian thí điểm, đến nay, cùng với sự ra đời của thẻ kiểm soát dịch bệnh được triển khai mã QR theo chuẩn quốc gia, hệ thống thông tin “tổ chức số” được triển khai tại tên miền tcs.thuathienhue.gov.vn đã được triển khai rộng khắp cho các tổ chức doanh nghiệp, một phần hỗ trợ cho công tác phòng chống dịch và hệ thống này cũng được định hướng phát triển các chức năng hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp.
Từ sự chủ động của doanh nghiệp và sự hỗ trợ của chính quyền, tin tưởng rằng việc chuyển đổi số ố sẽ góp phần giúp doanh nghiệp phát triển bền vững, đặc biệt trong giai đoạn thích ứng với tình trạng bình thường mới, giúp doanh nghiệp có khả năng phục hồi nhanh chóng sau khủng hoảng. Đồng thời giúp cho quy trình quản lý, sản xuất kinh doanh, quy trình báo cáo, phối hợp công việc trong doanh nghiệp cho đến việc chuyển đổi toàn bộ mô hình kinh doanh, tạo thêm giá trị mới cho doanh nghiệp;thúc đẩy hiệu quả trong quản trị doanh nghiệp; tối ưu năng suất làm việc của nhân viên; gia tăng chất lượng sản phẩm; nâng cao khả năng cạnh tranh cho doanh nghiệp./.