Theo kết quả nghiên cứu của Viện Chiến lược thông tin và truyền thông, tỷ lệ đóng góp của 5G vào tăng trưởng GDP của Việt Nam được dự báo đạt 7,34% vào năm 2025. Chính vì vậy, Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030 và Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025 đã rất nhiều lần nhắc tới chuyển đổi số, viễn thông, công nghệ thông tin, công nghệ số, chính phủ số…
Tại Diễn đàn cấp cao thường niên lần thứ ba về công nghiệp 4.0 với chủ đề “Phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội bền vững thời kỳ hậu Covid-19 và đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong kỷ nguyên số” mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng, động lực mới trong phát triển kinh tế - xã hội là cách mạng công nghiệp 4.0 và đổi mới sáng tạo.
Để phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch, cần có chiến lược phát triển hạ hầng, trong đó có hạ tầng chuyển đổi số (hạ tầng viễn thông, mạng lưới điện…), phủ sóng viễn thông tới các vùng trũng, biên giới, hải đảo. “Không có điện, không có sóng, thì không có công nghệ số, không có công dân số”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Ông Lê Trọng Minh, Tổng Biên tập Báo Đầu tư phát biểu tại Diễn đàn. (Nguồn: Báo Đầu tư) |
5G là một công cụ quan trọng để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số
Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư mở ra nhiều cơ hội, đồng thời cũng đặt ra nhiều thách thức đối với mỗi quốc gia, tổ chức và cá nhân; đã và đang tác động ngày càng mạnh mẽ đến tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội đất nước. Nhờ sự lan tỏa của làn sóng cách mạng công nghiệp 4.0 trên toàn cầu, việc sử dụng dữ liệu và công nghệ số để thay đổi một cách tổng thể và toàn diện mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội đang có những bước tiến mạnh mẽ tại Việt Nam.
Tiến trình chuyển đổi số nền kinh tế được xác định là một trong những trụ cột quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế, tăng năng suất lao động, tạo ra không gian phát triển mới và mở ra cơ hội to lớn cho Việt Nam phát triển đột phá, nhanh chóng bắt kịp các nước phát triển nhưng chỉ mới bắt đầu quá trình chuyển đổi số.
Chính phủ Việt Nam đã xác định mục tiêu kép của Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 là vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực đi ra toàn cầu. Theo định hướng phát triển kinh tế số, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, dự kiến kinh tế số sẽ chiếm 20% GDP của Việt Nam vào năm 2025 và 30% vào năm 2030, với tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực tương ứng đạt tối thiểu 10% và 20%.
Việt Nam sẽ trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới; đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ, hoạt động sản xuất – kinh doanh của doanh nghiệp và phương thức sống, làm việc của người dân.
Phát biểu khai mạc diễn đàn, ông Lê Trọng Minh, Tổng Biên tập Báo Đầu tư đánh giá: “Nếu như chuyển đổi số dựa trên 3 trụ cột chính là con người, quy trình và công cụ, thì 5G được coi là một công cụ quan trọng để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong mọi lĩnh vực, từ sản xuất, giáo dục, y tế, nông nghiệp, tài chính ngân hàng, năng lượng đến thương mại dịch vụ.
Nhiều mô hình kinh doanh, thậm chí là những ngành và dịch vụ hoàn toàn mới đang xuất hiện, thay thế cho những mô hình truyền thống nhờ sự hỗ trợ của công nghệ mới. Nhiều chuyên gia nhận định rằng, 5G sẽ là nhân tố tác động mạnh mẽ đến nền kinh tế toàn cầu, ước tính tạo ra 13.1 ngàn tỷ USD và 2 triệu việc làm mới vào năm 2035”.
Theo ông Minh, với những nền tảng thuận lợi cả về hành lang pháp lý đang dần được hoàn thiện và nhận thức của ngày càng nhiều doanh nghiệp cũng như người dân về tính thiết yếu của chuyển đổi số, 5G có tiềm năng phát triển mạnh mẽ ở Việt Nam trong những năm tới, trở thành nền tảng cho đổi mới sáng tạo, thúc đẩy tăng trưởng.
“Vậy đâu là những cơ hội cho các ngành kinh tế của Việt Nam khi 5G được thương mại hóa sau giai đoạn thử nghiệm, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch Covid 19 đang vừa là thủ phạm gây ra những thiệt hại nặng nề về kinh tế - xã hội thời gian qua, nhưng cũng là tác nhân thúc đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số trên toàn cầu, trong đó có Việt Nam?
Thực trạng chuyển đổi số tại các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay ra sao? Các doanh nghiệp có thể tận dụng gì từ những lợi thế nội tại cũng như các quan hệ đa phương của Việt Nam hiện nay để tăng tốc chuyển đổi số, nâng cao năng lực cạnh tranh và thành công trên thị trường quốc tế? Cần thêm những tiếp cận nào về chính sách để DN có thể chuyển đổi số mạnh mẽ và thành công hơn nữa?... Đó sẽ là những chủ đề chính mà chúng ta sẽ cùng thảo luận tại Diễn đàn này.”, ông Lê Trọng Minh đặt vấn đề.
Phát biểu tại Diễn đàn, ông Võ Thành Thống, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng khẳng định, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, định hướng chỉ đạo cần tận dụng cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư để thúc đẩy quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, hướng tới phát triển nhanh và bền vững dựa trên khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo và nhân lực chất lượng cao. Nghị quyết số 52-NQ/TW của Bộ Chính trị đã khẳng định việc chủ động, tích cực tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư là yêu cầu tất yếu khách quan; là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đặc biệt quan trọng, vừa cấp bách vừa lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.
Trong bối cảnh đó, Chính phủ, đặc biệt là Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách, giải pháp quyết liệt để thực hiện các chủ trương, định hướng của Đảng và Nhà nước, trong đó chuyển đổi số được xác định là giải pháp quan trọng, là xu hướng tất yếu để nâng cao năng suất, chất lượng, thúc đẩy tăng trưởng và đổi mới sáng tạo của nền kinh tế.
“Chuyển đổi số càng trở nên cấp bách khi dịch Covid-19 đã tác động, thay đổi cuộc sống, thói quen của con người; gây ra những khó khăn, thách thức chưa từng có, buộc các tổ chức, cá nhân và cả cơ quan quản lý Nhà nước cũng phải thay đổi và thích ứng”, Thứ trưởng Võ Thành Thống chia sẻ.
Chuyển đổi số càng trở nên cấp bách khi dịch Covid-19 đã tác động, thay đổi cuộc sống, thói quen của con người. (Nguồn: ALS) |
Theo ông Thống, Bộ Kế hoạch và Đầu tư với cam kết luôn đi đầu trong đổi mới và cải cách, đã phối hợp chặt chẽ với các bên liên quan, đặc biệt là Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Thông tin và Truyền thông trong việc cùng nghiên cứu, tham mưu, đề xuất và triển khai các giải pháp thúc đẩy quá trình chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp Việt Nam. Trong đó, 3 chương trình hành động chính đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đặt ra từ rất sớm.
Thứ nhất, tập trung xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cho nền kinh tế đổi mới sáng tạo, kinh tế số. Từ năm 2018, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã khởi xướng thành lập Mạng lưới Đổi mới sáng tạo và trí thức Việt Nam nhằm quy tụ các chuyên gia người Việt trên thế giới để đóng góp, tham gia thúc đẩy các hoạt động khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo của Việt Nam. Hiện nay, Mạng lưới đã có hơn 1.000 thành viên từ hơn 20 quốc gia và vùng lãnh thổ, góp phần huy động nguồn lực tri thức đáp ứng nhu cầu phát triển trong nước.
Thứ hai, xây dựng Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia Việt Nam nhằm hỗ trợ, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình Thủ tướng Chính phủ thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia vào tháng 10/2019. Trung tâm là một nhân tố cùng tạo dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo Việt Nam, huy động nguồn vốn cho đầu tư khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, và là nơi ươm tạo, thử nghiệm cho nhiều sản phẩm, dịch vụ mới.
Thứ ba, hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số. Theo đó, từ tháng 01/2021, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã chủ động ban hành và triển khai Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025 với mong muốn các doanh nghiệp Việt Nam thay đổi, thích ứng với những điều kiện mới, nâng cao năng lực, sức cạnh tranh và tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Tuy nhiên, ông Võ Thành Thống cũng cho rằng, Việt Nam cũng gặp rất nhiều thách thức và khó khăn khi mức độ chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư của nước ta còn thấp. Nghị quyết số 52 của Bộ Chính trị cũng đã nhận định khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo chưa thực sự là động lực phát triển kinh tế-xã hội; quá trình chuyển đổi số quốc gia còn chậm, thiếu chủ động do hạ tầng phục vụ quá trình chuyển đổi số còn nhiều hạn chế; nhiều doanh nghiệp còn bị động, năng lực tiếp cận, ứng dụng, phát triển công nghệ hiện đại còn thấp.
Thứ trưởng cho rằng, Diễn đàn “Chuyển đổi số - Thúc đẩy tăng trưởng và đổi mới sáng tạo với 5G” là một cơ hội để các cơ quan quản lý nhà nước, các chuyên gia và cộng đồng doanh nghiệp cùng thảo luận, đưa ra những đánh giá, phân tích và đề xuất những chính sách, giải pháp để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số tại Việt Nam hiện nay, đặc biệt là những giải pháp để triển khai và ứng dụng được công nghệ 5G một cách hiệu quả cho quá trình chuyển đổi số. Công nghệ 5G là công nghệ nền tảng của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Việc phổ cập dịch vụ mạng di động 5G là một trong các mục tiêu cụ thể tại Chiến lược Quốc gia về Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến năm 2030.