Chuyển đổi số tạo "lá chắn công nghệ" chống dịch ở Thái Nguyên

Thứ năm, 07/10/2021 18:48

9 tháng sau khi Nghị quyết số 01 về Chương trình Chuyển đổi số của tỉnh ra đời, Thái Nguyên đã đạt được mục tiêu kép: Phát triển kinh tế - xã hội và giữ an toàn trong dịch bệnh.

Khi Thủ tướng kết nối tới xã, phường

Sau phiên kiểm tra đột xuất công tác phòng chống dịch Covid-19 qua hệ thống trực tuyến vừa được thiết lập từ phòng làm việc tới hơn 2.000 "đầu cầu" xã, phường trên toàn quốc chiều tối hôm trước, ngày 3/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tiếp tục di chuyển đến "an toàn khu" Thái Nguyên. Tại đây, ông có buổi làm việc trực tuyến với gần 190 điểm cầu trên toàn tỉnh.

20211008-pg6.jpeg

Thủ tướng làm việc với lãnh đạo các huyện của tỉnh tại điểm cầu ngay trong phòng học đơn sơ của Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS Định Hóa. Ảnh: Nhật Bắc/VNP

Cho đến lúc này, Thái Nguyên là một trong số ít các tỉnh có ca dương tính là 2 con số (15 ca). Điểm diễn ra hội nghị đặt ở miền núi - Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS Định Hoá (nằm ở xã Yên Bình, huyện Định Hoá) - nhưng tín hiệu đường truyền kết nối thông suốt. Các cán bộ chống dịch từ cấp xã, phường... ở những vùng xa nhất của tỉnh, được tham dự và trao đổi trực tiếp với Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch Covid-19 quốc gia.

Đây kết quả của việc “phủ sóng” 100% các hội nghị với hình thức trực tuyến, phòng họp không giấy tờ - một "chỉ dấu" tích cực đang đi vào nề nếp từ việc chuyển đổi số ở Thái Nguyên.

Mặc dù là một trong số ít các tỉnh trên cả nước giữ an toàn vùng xanh cả tỉnh trong suốt mùa dịch, Thái Nguyên vẫn tự đánh giá mình ở mức nguy cơ cao. Ngay từ sớm, cùng với chiến dịch “Thái Nguyên hồng - đồng lòng chống dịch”, chương trình Tình nguyện xanh “Ứng dụng số - Chống dịch an toàn” đã được phát động khẩn trương. Các chương trình được kết nối trực tuyến đến 135 điểm cầu cấp huyện và cấp xã, bắt đầu triển khai chỉ ngay sau 1 tuần Hà Nội có quyết định giãn cách xã hội.

Những cuộc họp online đi từ đầu não trung ương hoặc tỉnh tới tận cơ sở xã, phường như thế ngày đang trở thành "bình thường mới" của tỉnh miền núi này. Tính đến nay đã có khoảng 130 cuộc họp "xuyên không gian mạng" như thế. Thái Nguyên đang thực hiện thuê dịch vụ công nghệ thông tin đối với 3 hệ thống nền tảng là: Cổng thông tin điện tử; Mạng truyền số liệu chuyên dùng; Hội nghị truyền hình đảm bảo liên thông 3 cấp từ tỉnh – huyện – xã và ngược lại. Tỉnh đã đầu tư, thiết lập hệ thống trực tuyến tại các phòng họp của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh; 9/9 huyện thị; 178/178 xã, phường, thị trấn.

Ứng dụng sớm, an toàn lâu

"Chủ động triển khai áp dụng các giải pháp công nghệ để phòng chống dịch là tinh thần chúng tôi xác định ngay từ sớm", ông Đỗ Xuân Hoà, Giám đốc Sở TT&TT tỉnh cho hay. Tỉnh đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cài đặt và sử dụng các ứng dụng: Cổng thông tin tiêm chủng Covid-19, Sổ sức khỏe điện tử, Bluzone - quét mã QR khai báo y tế, phần mềm công dân số C-ThaiNguyen...

Chỉ trong thời gian ngắn, những chỉ số hiện thực hoá quyết tâm đó đã cho kết quả rõ: Ứng dụng phát hiện tiếp xúc gần Bluezone đã có gần 380.000 người cài đặt (chiếm gần 30% tổng dân số; chiếm 40,5% trong tổng số gần 1 triệu smarphone đang sử dụng trên toàn tỉnh). Toàn tỉnh đã triển khai gần 18.500 điểm đăng ký mã QRcode để công dân khai báo điện tử và quản lý người ra vào tỉnh với hơn 717.000 lượt quét; Nền tảng quản lý xét nghiệm và trả kết quả điện tử; nền tảng quản lý tiêm chủng Covid-19; xây dựng bản đồ dịch tễ và trang thông tin điện tử về Covid-19…

Trong số các ứng dụng công nghệ phòng dịch, phải kể đến phần mềm kiểm soát các phương tiện ngoại tỉnh đến Thái Nguyên. Toàn tỉnh thiết lập 81 chốt kiểm soát dịch Covid-19 với gần 1.200 người luân phiên làm việc 24/24 giờ.

Khoảng thời gian cuối tháng 8 đầu tháng 9, tại chốt kiểm soát liên ngành phòng, chống dịch Covid-19 ở các nút giao đường cao tốc vào địa bàn tỉnh, xuất hiện tình trạng phương tiện đi từ nơi có dịch bùng phát qua cao tốc, nhưng khai báo không trung thực. Như chốt Thị xã Phổ Yên, có ngày ghi nhận hàng chục trường hợp.

Phần mềm kiểm soát  được cài trên điện thoại thông minh của lực lượng làm nhiệm vụ kèm theo một tài khoản riêng, lực lượng CSGT tại các chốt có thể kiểm tra, phát hiện bất cứ phương tiện nào đi từ các tỉnh, thành khác đến Thái Nguyên qua đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên. Hệ thống máy quay video kiểm soát phương tiện ra, vào tỉnh qua đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên được chỉ đạo triển khai khẩn trương. Trên nền tảng Trung tâm Điều hành thông minh (IOC) đặt tại trụ sở UBND tỉnh, máy quay video đặt ở đường cao tốc sẽ ghi hình toàn bộ phương tiện đi đến Thái Nguyên từ địa phương khác qua cao tốc, lưu trữ trực tiếp với tốc độ cao, thời gian trễ thấp tại máy chủ của IOC.

Tỉnh đã huy động gần 500 camera giám sát tại các chốt để quản lý lái xe; camera giám sát các trung tâm cách ly tập trung để quản lý người cách ly, trong đó có gần 400 camera được kết nối và truyển tải dữ liệu về IOC phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành phòng chống Covid của lãnh đạo tỉnh và Hệ thống kết nối camera giám sát trung ương…

Hệ thống này có nhiều tính năng ưu việt, đặc biệt là có thể nhận biết chính xác biển kiểm soát của các phương tiện khi đang di chuyển ở tốc độ cao. Tất cả dữ liệu sau khi được xử lý tự động, phân tích thông minh với tốc độ cao, sẽ được lưu trữ tại máy chủ của IOC. Với cơ sở dữ liệu trên, lực lượng chức năng có thể truy cập từ các thiết bị cầm tay thông minh như máy tính bảng, điện thoại thông minh, máy tính cá nhân… thông qua ứng dụng C-ThaiNguyen để khai thác thông tin, đối chiếu với phương tiện cần kiểm soát.

Thiếu tá Phạm Anh Điệp, Tổ phó quản lý chốt kiểm soát liên ngành tại nút giao Tân Long thông tin, mật độ phương tiện ra vào tỉnh từ 13-15 nghìn lượt mỗi ngày, giải pháp này thực sự hữu dụng để kịp thời phát hiện, xử lý người khai báo không trung thực khi đi từ các địa phương khác về tỉnh, đặc biệt là từ các vùng dịch.

Trong câu chuyện với VietNamNet về ứng dụng công nghệ phòng chống dịch ở các địa phương, khi được hỏi "Điều gì làm ông ấn tượng nhất?", ông Đỗ Lập Hiển, thường trực Trung tâm Công nghệ phòng chống dịch bệnh Covid-19 quốc gia (đặt tại Bộ TT&TT) cho hay: "Ấn tượng nhất có lẽ là... không ấn tượng gì về dịch bệnh". Bởi ở những nơi an toàn, phòng dịch hay chống dịch tốt, công nghệ đã âm thầm thực hiện nhiều chức năng "lá chắn".

Kết quả từ Nghị quyết chuyển đổi số sớm, ngày chuyển đổi số đầu tiên

Bằng “lá chắn công nghệ” chống dịch, Thái Nguyên đã bảo vệ “tỉnh vùng xanh an toàn” trong suốt đầu mùa dịch tới nay, duy trì hoạt động sản xuất, ổn định đời sống xã hội trong tình hình mới. Với những người công tác trong ngành, kết quả của Thái Nguyên không phải là ứng dụng công nghệ nhất thời, mà là kết quả của việc sớm nhạy bén chuyển đổi số.

Ngày cuối cùng của năm 2020 đã trở thành dấu mốc của tỉnh, khi ban hành Nghị quyết số 01 về Chương trình Chuyển đổi số giai đoạn 2021 – 2025 định hướng tới năm 2030. Đây cũng là tỉnh đầu tiên có Ngày Chuyển đổi số.

Sau 9 tháng triển khai, Thái Nguyên đã đạt được mục tiêu kép: Phát triển kinh tế - xã hội và giữ vững vùng xanh an toàn trong dịch. Về lâu dài, tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2025 thuộc nhóm 15 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số, tạo tiền đề đến năm 2030 thuộc nhóm 10 tỉnh/thành phố dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số.

theo vietnamnet.vn
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Doanh nghiệp

Top