Chuyển đổi số tạo đột phá xuất bản

Thứ tư, 16/02/2022 08:08

Trong năm 2021, không chỉ sách văn học, sách kỹ năng hay sách thiếu nhi, nhiều mảng sách khác như chính trị, lịch sử, văn hóa… cũng được các đơn vị xuất bản đầu tư để đưa lên nền tảng số nhằm đáp ứng nhu cầu của độc giả. Với tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và ảnh hưởng của dịch COVID-19, chỉ có đầu tư công nghệ chuyển đổi số, đặc biệt công nghệ cho xuất bản điện tử mới tạo đột phá cho ngành Xuất bản trong tương lai.

Doc-gia-tim-hieu-sach-tren-.jpg

Độc giả tìm hiểu sách trên trang điện tử Stbook.vn của Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật. Ảnh: Đỗ Tâm

Mũi nhọn xuất bản phẩm điện tử

Năm 2021, Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật đã có bước chuyển mạnh khi đầu tư xây dựng nền tảng công nghệ để phát triển mũi nhọn sách điện tử. Trang điện tử Stbook.vn, thuviencoso.vn, ứng dụng Stbook của nhà xuất bản này đã trở thành những kênh quan trọng cung cấp hàng trăm ấn phẩm điện tử giá trị, có nguồn thông tin chính thống cho bạn đọc. Trong năm, đơn vị đã xuất bản 300 đầu sách điện tử trên các hệ thống, một số ấn phẩm được cung cấp miễn phí, còn đa phần sách được thu phí với hình thức thanh toán điện tử tiện lợi; thường xuyên ra mắt song song các ấn phẩm bản giấy và bản điện tử, như cuốn “Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp - Một tài năng quân sự xuất chúng, nhà lãnh đạo có uy tín lớn của cách mạng Việt Nam” hay ra mắt cả tủ sách thực địa và điện tử: Tủ sách “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng”, “Thanh niên học và làm theo lời Bác”…

Nhà Xuất bản Thông tin và Truyền thông trong năm qua cũng tập trung cải tiến và giới thiệu sách trên sàn thương mại điện tử sách giấy (Book365.vn) và nền tảng xuất bản điện tử (Ebook365.vn). Trong số 601 tựa sách mà đơn vị thực hiện trong năm 2021, có đến 282 sách điện tử. Đặc biệt, cuốn “Cẩm nang phòng, chống Covid-19 trong bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động” (sách giấy và điện tử) của đơn vị đã tạo tiếng vang, khi có trên 120.000 lượt người đọc…

Còn Nhà Xuất bản Hà Nội, tháng 12-2021 đã chính thức được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép thực hiện các xuất bản phẩm điện tử. Ngay lập tức, đơn vị đã triển khai thực hiện đề án sách điện tử tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến, cung cấp miễn phí 137 tựa sách hàn lâm (hơn 200 tập sách), 41 tựa sách phổ thông thuộc các lĩnh vực văn hóa - xã hội, văn học - nghệ thuật, lịch sử, địa lý, kinh tế... tới độc giả. Ngoài ra, những tác phẩm mới của Nhà Xuất bản Hà Nội cũng được phát hành với 2 hình thức bản giấy và bản điện tử.

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, nếu năm 2020, xuất bản phẩm điện tử bị chững lại, số lượng thậm chí sụt giảm so với năm 2019, thì năm 2021, các đơn vị đã phát hành 2.300 xuất bản phẩm điện tử, tăng 12% so với năm 2020, với 25 triệu lượt truy cập...

Ở góc độ độc giả, anh Nguyễn Đức Hưng (phường Cổ Nhuế 1, quận Bắc Từ Liêm) cho rằng, xuất bản phẩm điện tử có ưu thế là gọn nhẹ, chứa được hàng nghìn cuốn trong một chiếc máy đọc nhỏ. Người dùng có thể đọc bất cứ đâu, điều chỉnh phông chữ tùy thích và chi phí mua thấp hơn bản giấy, nên rất hợp với độc giả trẻ của thời đại số.

Quang-canh-Toa-dam-tham-van.jpg

Quang cảnh Tọa đàm tham vấn, trao đổi ý kiến với các chuyên gia về việc chuyển đổi số và xuất bản sách điện tử do NXBTư pháp tổ chức, tháng 9-2021.

Đầu tư công nghệ và nhân sự

Hiện tại, cả nước mới chỉ có 11 nhà xuất bản và 4 đơn vị phát hành được cấp đăng ký hoạt động xuất bản và phát hành xuất bản phẩm điện tử. Việc tổ chức xuất bản điện tử là bài toán không dễ đối với các đơn vị xuất bản truyền thống.

Giám đốc, Tổng Biên tập Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật Phạm Minh Tuấn cho rằng, việc chuyển đổi từ xuất bản truyền thống sang xuất bản điện tử của các đơn vị còn chậm. Hình thức xuất bản điện tử chủ yếu mới chỉ dừng ở số hóa sách đã xuất bản. Những hình thức mới như sách audio, sách thực tế ảo, sách tương tác giữa bạn đọc, tác giả và nhà xuất bản hầu như chưa có. Đội ngũ nhân lực xuất bản điện tử thiếu và yếu. Xuất bản, phát hành sách theo hướng ứng dụng công nghệ số chưa nhận được sự quan tâm đúng mức và đầu tư tương xứng; chưa có chính sách hỗ trợ về tài chính, đầu tư phát triển khoa học và công nghệ, ưu đãi về thuế, tín dụng, cơ sở vật chất...

Khẳng định xuất bản điện tử là xu hướng của ngành Xuất bản hiện nay, Phó Tổng Giám đốc Nhà Xuất bản Hà Nội Phạm Thùy Dương cho rằng, dù nhiều khó khăn, thách thức, nhưng nhà xuất bản vẫn quyết tâm đầu tư cơ sở hạ tầng, công nghệ để mang tới độc giả một phương thức tiếp cận tư liệu hiệu quả, tiện ích về Thăng Long - Hà Nội trên nền tảng số.

Để thực hiện chuyển đổi số thành công, phát triển xuất bản phẩm điện tử, tạo đột phá cho ngành Xuất bản, theo Giám đốc, Tổng Biên tập Nhà Xuất bản Thông tin và Truyền thông Trần Chí Đạt, các đơn vị phải đổi mới và phát triển theo mô hình cơ quan xuất bản - công nghệ; sản xuất và phân phối nội dung đa nền tảng, đa phương tiện, với phương châm bám sát nhu cầu và sở thích của độc giả. “Đầu tư công nghệ hiện đại và đội ngũ nhân sự công nghệ giỏi là yếu tố then chốt”, ông Trần Chí Đạt khẳng định.

Tại Hội nghị giao ban cơ quan chủ quản nhà xuất bản năm 2021 do Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Xuất bản Việt Nam tổ chức vào giữa tháng 1-2022, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đã đề nghị các cơ quan chủ quản nhà xuất bản tăng cường đầu tư về cơ sở vật chất, công nghệ, hiện đại hóa hoạt động xuất bản, đặc biệt là công nghệ cho xuất bản điện tử, nhằm xây dựng môi trường văn hóa số phù hợp nền kinh tế số, xã hội số và công dân số trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

 

Theo: hanoimoi.com.vn
banner
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Doanh nghiệp

Top