Câu chuyện ở Hướng Phùng
Hướng Phùng nằm trên đường Hồ Chí Minh nhánh Tây, thuộc huyện Hướng Hóa. Giữa năm trước, chúng tôi đã từng đến đây để tìm hiểu, viết bài về địa phương được chọn thí điểm chuyển đổi số. Mới đây, sau hơn nửa năm trở lại, những lời tâm sự, sẻ chia về những khó khăn ở Hướng Phùng mà ông Chủ tịch UBND xã Phan Ngọc Long bộc bạch, vẫn chưa được cải thiện, nhất là tình trạng sóng di động chập chờn khó đăng nhập tài khoản, cài và sử dụng app và nhiều người dân không có điều kiện sử dụng điện thoại thông minh.
Chủ tịch xã Phan Ngọc Long bộc bạch, nhìn nhận một cách khách quan, mô hình thí điểm xã thông minh Hướng Phùng đã có sự chuyển biến, Nhất là trong nhận thức của người dân miền núi về chuyển đổi số. Từ việc bà con chỉ biết sử dụng smart phone cho việc nghe, gọi, nay người dân đã biết việc cài đặt app Medice để thực hiện cuộc gọi tư vấn với bác sĩ; biết tham gia nhóm cộng đồng trực tuyến; tiếp cận việc quảng bá và đưa sản phẩm lên sàn Postmart.vn...
Tuy nhiên, theo lời Chủ tịch xã, được chọn để xây dựng chuyển đổi số, nhưng xuất phát điểm của Hướng Phùng tương đối thấp. Bởi đây là xã vùng biên khó khăn, có đông đồng bào DTTS sinh sống. Hiện dân số Hướng Phùng là 1.628 hộ, trong đó tỷ lệ người đồng bào DTTS chiếm 37,3%, hộ nghèo chiếm hơn 21% (theo chuẩn nghèo giai đoạn 2020 - 2025). Do vậy, kết quả và hiệu quả từ chuyển đổi số chưa được như kỳ vọng đặt ra ban đầu. "Tính chung thì mới chỉ đạt kết quả chừng hơn 50% mà thôi. Mà nguyên nhân lớn nhất là do sóng mạng di động kém tại một số thôn và điểm dân cư".
Qua tìm hiểu của chúng tôi, việc chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin,đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn ở Quảng Trị đang gặp nhiều khó khăn, bất cập. Một trong những khó khăn lớn của ngành, là chưa có cán bộ chuyên sâu về chuyển đổi số trong các lĩnh vực nông nghiệp.
Bên cạnh đó, nguồn nhân lực trong sản xuất nông nghiệp chủ yếu không qua đào tạo nên kỹ năng quản lý, sản xuất, thị trường, khả năng tiếp thu và tiếp cận các ứng dụng công nghệ vào sản xuất còn hạn chế, nhận thức, tư duy về chuyển đổi số chưa cao và chưa đúng mức. Đáng nói, hạ tầng viễn thông ở Quảng Trị dù đã phát triển nhưng chưa đồng bộ; độ phủ sóng chưa đồng đều giữa thành thị và nông thôn; nhất là vùng sâu, vùng xa.
Đem câu chuyện chuyển đổi số ở xã vùng biên Hướng Phùng trao đổi, ông Hồ Xuân Hòe, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chánh Văn phòng điều phối Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới (NTM) tỉnh Quảng Trị thừa nhận, việc chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ở Quảng Trị đang ở những bước cơ bản, thiếu tính hệ thống và kết nối, thông tin thiếu tính cập nhật và chia sẻ, chưa xây dựng được cơ sở dữ liệu lớn Big Data cho toàn ngành.
Việc ứng dụng các công nghệ thông minh, công nghệ 4.0, sản xuất theo hướng có liên kết, theo quy trình hữu cơ, sạch, có chứng nhận, sản xuất theo chuỗi giá trị... chưa nhiều, một số sản phẩm phát triển chưa bền vững. Chưa có cơ chế, chính sách đặc thù để thu hút các nguồn lực xã hội đầu tư vào lĩnh vực công nghệ thông tin, hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số.
Nhấn mạnh về việc khó khăn trong thực hiện chuyển đổi số trong xây dựng NTM, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng khẳng định: Đúng là quá trình chuyển đổi số trong nông nghiệp sẽ gặp phải những thách thức lớn,bởi hạ tầng chưa đồng bộ, nhân lực thiếu và yếu…
Tháo gỡ khó khăn
Chuyển đổi số vào nông nghiệp nói chung và xây dựng NTM nói riêng, là nhiệm vụ quan trọng, ý nghĩa trong giai đoạn chuyển đổi số của Chính phủ. Tuy nhiên, đối với các tỉnh khó khăn, điều kiện cơ sở hạ tầng còn thấp, muốn thực hiện được chuyển đổi số thì cần phải giải quyết những khó khăn đang hiện hữu.
Như ở Hướng Phùng, khó nhất là mạng di động yếu. Theo Chủ tịch UBND xã Hướng Phùng Phan Ngọc Long, giải quyết được vấn để này, cần hỗ trợ lắp đặt hệ thống wifi tốc độ cao miễn phí tại các điểm dân cư tập trung, khu vực công cộng trên địa bàn xã, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận thông tin.
Theo ông Long, với việc một số hộ không có điện thoại thông minh, thì cần bổ sung một tổng đài để những người không có điện thoại thông minh có thể gọi điện thực hiện tư vấn sức khỏe hoặc được tư vấn việc quảng bá, đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử…
"Về lâu dài, để thực hiện thành công mô hình xã thông minh tại Hướng Phùng, thì tỉnh cần phối hợp với Cục Tin học hóa (Bộ Thông tin và Truyền thông) tăng cương công tác chỉ đạo, có phương án để hỗ trợ mỗi người dân được tiếp cận kết nối internet qua các hệ thống kết nối căn bản với các chi phí hợp lý", Chủ tịch xã nói.
Thực tế hiện nay, dựa trên kết quả đầu tư từ phía Bộ Thông tin và Truyền thông, tỉnh Quảng Trị nên quan tâm hỗ trợ Hướng Phùng để quyết tâm thực hiện thành công mô hình này. Bởi “chuyển đổi số phải chuyển đổi từ nơi khó khăn nhất, từ những người yếu thế nhất để không ai bị bỏ lại phía sau. Có như vậy mới mang lại hiệu quả lâu dài”.
Được biết, ngày 12/12/2022 Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Thông tư 14 ngày 28/10/2022, quy định danh mục, chất lượng dịch vụ viễn thông công ích và hướng dẫn thực hiện Chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích đến năm 2025, đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo sẽ được hỗ trợ trang bị điện thoại thông minh. Trong đó, quy định rõ: Hộ gia đình chưa được hỗ trợ máy tính bảng từ Chương trình hoặc thiết bị học tập trực tuyến thuộc Chương trình “Sóng và máy tính cho em”. Hộ gia đình có nhu cầu hỗ trợ và được cấp có thẩm quyền phê duyệt danh sách nhận hỗ trợ.
Thông tư này mở hướng quan trọng để xã Hướng Phùng tháo gỡ khó khăn hiện tại về phương tiện máy móc...
Thể hiện quyết tâm thực hiện chuyển đổi số, ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Trị nói: dù nhiều khó khăn nhưng tỉnh quyết tâm đẩy mạnh chuyển đổi số trong xây dựng NTM, bởi đây chính là giải pháp quan trọng để phát huy hết các tiềm năng của nông nghiệp, nông thôn; nhất là trong bối cảnh hiện nay chuyển đổi số là xu hướng tất yếu. Bởi, đây cũng là cách nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM, phù hợp với định hướng xây dựng nông thôn mới là không có điểm kết thúc.