Chuyển đổi số nông nghiệp ở thành phố thông minh: Những việc cần làm

Thứ hai, 15/11/2021 13:09

Chuyển đổi số nông nghiệp đang có những kết quả bước đầu. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều việc phải làm, đặc biệt là nếu muốn chuyển đổi số nông nghiệp ở thành phố thông minh.

Chủ đề chuyển đổi số nông nghiệp vừa được trao đổi, thảo luận trong Chương trình Trò chuyện cùng Thành phố thông minh của Đài Tiếng nói nhân dân TP.HCM (VOH) sáng 14/11/2021, phát trên radio Fm99.9 VOH, trực tuyến voh.com.vn, livestream Fanpage VOH online.

Các khách mời của chương trình gồm: Ông Nguyễn Hoàng Dũng, Chuyên gia Kinh tế, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và phát triển bền vững TP.HCM (IRSH); ThS. Dương Tôn Bảo, Vụ Bưu chính, Bộ Thông tin và Truyền thông; PGS. TS. Đào Thế Anh, Phó Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam; Bà Nguyễn Thị Thu Liên, Trưởng Ban Truyền thông Câu lạc bộ Đổi mới sáng tạo rau hoa quả..

Chuyển đổi số để khắc phục rủi ro trong nông nghiệp

Theo ông Đào Thế Anh, ngành Nông nghiệp đang đối mặt nhiều rủi ro. Chẳng hạn như: Nông dân rất thiếu thông tin về thị trường, các tiêu chuẩn và kênh bán hàng; Được mùa mất giá vẫn còn xảy ra khá thường xuyên; Biến đổi khí hậu rồi gần đây là dịch bệnh ảnh hưởng tiêu cực tới sản xuất… Bà con nông dân và các hộ sản xuất nông nghiệp cần có rất nhiều thông tin để có thể khắc phục những rủi ro nêu trên và có thể ra quyết định sản xuất chính xác hơn.

Mặt khác, hiện nay, định hướng của nông nghiệp Việt Nam là nông nghiệp sinh thái, tức là phải giảm thuốc trừ sâu, phân bón hóa học, đặc biệt trong điều kiện giá phân bón tăng cao thì càng phải giúp bà con nông dân sử dụng phân bón tiết kiệm, chính xác hơn.

“Chuyển đổi số sẽ cho phép giúp bà con sử dụng chính xác hơn đầu vào, vừa tiết kiệm chi phí vừa giảm ô nhiễm môi trường, tránh lãng phí. Làm được như vậy thì tác dụng rất lớn. Mặt khác, chuyển đổi số và nông nghiệp sinh thái sẽ có hỗ trợ rất đắc lực với nhau trong giai đoạn tới. Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam đang nghiên cứu các giải pháp về nông nghiệp sinh thái, và cũng đang hợp tác với các doanh nghiệp công nghệ thông tin để tìm kiếm các giải pháp chuyển đổi số phù hợp”, ông Thế Anh nói.

Ở một góc nhìn khác, bà Nguyễn Thị Thu Liên cho rằng, chuyển đổi số là cơ hội để giúp người nông dân có thể nhìn bức tranh toàn cảnh về hoạt động nông nghiệp. Từ trước đến giờ, người nông dân thường sống ở vùng sâu, vùng xa, vùng lõm thông tin, rất thiệt thòi trong tiếp cận thông tin. Chỉ có chuyển đổi số mới tạo ra được sự bình đẳng về thông tin.

“Người nông dân nào biết cách khai thác công cụ chuyển đổi số, Internet thì có thể vươn lên san bằng khoảng cách giữa đô thị và nông thôn, giữa người làm các ngành công nghiệp khác với nông dân. Đây là yếu tố quan trọng nhất để người nông dân vươn lên, ngành nông nghiệp Việt Nam có những bứt phá đặc biệt quan trọng”, bà Liên nhận định.

Những thành quả bước đầu của chuyển đổi số nông nghiệp

Trong Chương trình Chuyển đổi số quốc gia, nông nghiệp là 1 trong 8 ngành ưu tiên thúc đẩy chuyển đổi số, và đây được xem là con đường sẽ tạo nên sự đột phá, bứt tốc cho ngành nông nghiệp - nông thôn trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0.

Nhìn lại thực tế thời gian qua, ông Dương Tôn Bảo chia sẻ: “Chuyển đổi số đã được nói rất nhiều, và chúng ta cũng đã nhìn thấy những thành quả bước đầu. Với ngành nông nghiệp, nói đến chuyển đổi số nghĩa là làm cho người nông dân chủ động hơn. Như Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng từng nói, chuyển đổi số phải từ cái gốc, mà cái gốc của ngành nông nghiệp là người nông dân. Chúng ta phải tạo ra công cụ cho người nông dân được tiếp cận khoa học công nghệ cũng như chuyển đổi số trong hoạt động sản xuất của mình”.

Ông Bảo đã phân tích khá rõ hiệu quả của chuyển đổi số tạo nên cách làm mới trong nông nghiệp hiện nay.

Chuyển đổi số ngành nông nghiệp làm cho người nông dân chủ động hơn trong chuỗi sản xuất của họ, từ vấn đề tài chính, tư vấn nông nghiệp, đến mua sắm thiết bị công nghệ, ứng dụng khoa học công nghệ vào khâu thu hoạch, bán hàng…

Trước đây, quá trình tiếp cận đầu vào của người nông dân khá bị động, họ phải “trông trời, trông đất, trông mây”, trông vào mùa vụ. Nhưng nay với chuyển đổi số, việc cung cấp thông tin đầu vào được chuẩn bị trước, thì người nông dân có thể chủ động trong việc sản xuất, chủ động nắm bắt thông tin tình hình thời tiết và các thông tin liên quan.

Trong quá trình sản xuất, thay vì dùng các công cụ thô sơ trước đây, nay nhờ chuyển đổi số, người nông dân có thể nắm bắt được các địa điểm bán hàng nguyên liệu trực tuyến, có thể dùng máy móc tự động hóa để hỗ trợ việc thu hoạch, sản xuất. Qua đó giảm được rất nhiều giá thành cũng như chi phí, sức lao động.

Trong khâu chế biến và thu hoạch, trước đây nhập thông tin sản xuất bằng cách ghi chép sổ sách, làm việc theo thói quen. Nhưng đến nay, với việc ứng dụng công nghệ số thì người nông dân đã biết sử dụng các sản phẩm, ứng dụng để làm nhật ký trong sản xuất, từ đó đưa ra giải pháp tối ưu hơn trong sản xuất.

Trong khâu phân phối và tiêu thụ, người nông dân sau khi làm ra sản phẩm thì trước kia thường làm cách truyền thống là mang ra chợ bán hoặc bán qua các thương lái, hoàn toàn bị động trong vấn đề tiêu thụ, dẫn đến tình trạng ép giá thu mua nông sản. Nhưng hôm nay, với công nghệ phát triển, thế giới phẳng, người nông dân đã có kênh tiêu thụ mới là bán hàng online, đặc biệt là qua các sàn thương mại điện tử.

“Thời gian qua, do Covid-19, chuỗi cung ứng nông sản bị đứt gãy. Với sự vào cuộc của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công Thương, chúng ta đã thúc đẩy kênh tiêu thụ mới là thông qua sàn thương mại điện tử. Khi người nông dân có sản phẩm, các sàn thương mại điện tử sẽ đến tận nơi hỗ trợ thu mua, quảng bá sản phẩm và thúc đẩy thương mại sản phẩm. Tôi nghĩ rằng đây là bước đầu chuyển đổi số thành công. Và trong tương lai chúng ta còn phát triển hơn nữa”, ông Bảo nói thêm.

Đưa nông dân lên sàn để tránh “được mùa, mất giá”

Một trong những hiệu quả “mắt thấy tai nghe” rõ nhất của chuyển đổi số trong nông nghiệp thời gian qua chính là giúp nông dân thoát cảnh được mùa mất giá.

“Giải quyết vấn đề vải Bắc Giang vừa rồi chính là câu chuyện điển hình cho các địa phương khác. Cùng với đó là sự thành công của việc tiêu thụ nhãn Hưng Yên, bưởi Phúc Trạch… cũng như công cuộc thúc đẩy tiêu thụ nông sản trên sàn thương mại điện tử của 19 tỉnh thành phía Nam. Cơ hội phát triển sản phẩm nông sản, kinh tế số nông nghiệp thông qua các sàn thương mại điện tử còn rất lớn ”, ông Dương Tôn Bảo nhấn mạnh.

Ông Bảo cũng chia sẻ thêm thông tin, năm 2021, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Quyết định số 1034 phê duyệt Kế hoạch đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, đã phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng Bộ Công Thương để triển khai, trong đó tập trung 3 yếu tố chính, đó là hỗ trợ hộ sản xuất nông nghiệp có thể mua hàng từ xa, bán hàng từ xa và đặc biệt là quảng bá sản phẩm nông nghiệp. Bộ Thông tin và Truyền thông đã hướng dẫn 63 tỉnh thành ban hành kế hoạch triển khai tại địa phương.

“Chúng tôi tập trung vào việc đào tạo kỹ năng số, kỹ năng tham gia thương mại điện tử, kỹ năng đóng gói, quy trình giao nhận sản phẩm đáp ứng tiêu chí thương mại điện tử để minh bạch sản phẩm. Sau hơn 4 tháng triển khai phối hợp với các cơ quan chức năng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng Bộ Công Thương, đến thời điểm này, đã có hơn 1,6 triệu hộ sản xuất nông nghiệp được hỗ trợ tham gia thương mại điện tử giai đoạn 1; gần 60.000 sản phẩm nông nghiệp được đưa lên sàn thương mại điện tử. Đến thời điểm này, Bộ Thông tin và Truyền thông đã đào tạo được cho gần 2 triệu hộ sản xuất nông nghiệp về kỹ năng số, đào tạo hoàn toàn miễn phí”, ông Bảo cho biết thêm.

Được biết, Bộ Thông tin và Truyền thông đã lựa chọn 2 doanh nghiệp bưu chính sở hữu sàn thương mại điện tử để cùng đồng hành triển khai Quyết định số 1034. Đó là Tổng Công ty Cổ phần Bưu chính Viettel với sàn Vỏ sò (Voso.vn) và Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam với sàn Postmart (Postmart.vn).

20211115-u2.jpg

Đây là hai doanh nghiệp bưu chính sở hữu mạng lưới vật lý logistics lớn nhất cả nước. Vừa rồi, giai đoạn Covid-19, 2 doanh nghiệp bưu chính này đã đến tận nhà dân để vận chuyển hàng hóa, hàng nông sản đến tay người tiêu dùng.

5 việc cần làm để có nông nghiệp thông minh ở đô thị thông minh

Chuyển đổi số nông nghiệp hướng tới nhiều mục tiêu, và mục tiêu bao trùm là hình thành nên nền nông nghiệp thông minh.

Với góc nhìn của một nhà quản lý, chuyên gia kinh tế, ông Nguyễn Hoàng Dũng lưu ý: “Chúng ta nên hiểu nông nghiệp thông minh có những yếu tố cốt lõi sau: Có sử dụng công nghệ, sử dụng càng nhiều càng tốt, bắt kịp văn minh và xu hướng của thế giới; Vận hành nền nông nghiệp bằng các phương pháp công nghiệp hiện đại; Tạo được hệ sinh thái kinh tế nông nghiệp trong thời đại mới”.

Ông khuyến nghị 5 việc cần làm để có được nền nông nghiệp thông minh ở một đô thị thông minh như TP.HCM. Một là công tác tuyên truyền. Dù nông nghiệp thông minh, nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp 4.0 đã được nói đến rất nhiều nhưng cụ thể thế nào thì cần tuyên truyền sâu hơn, hướng dẫn cụ thể nhiều hơn, đặc biệt là về các mô hình, công nghệ có thể áp dụng từ đầu vào đến đầu ra của chuỗi sản xuất nông nghiệp.

Hai là phải có danh mục các thiết bị, công nghệ của nền nông nghiệp mới, của các nước phát triển cũng như của Việt Nam, và trưng bày trong các phòng thí nghiệm, triển lãm.

Ba là đào tạo người nông dân mới để họ có phong cách, ý thức trách nhiệm mới. Phải cầm tay chỉ việc, có những lớp đào tạo, tập huấn sâu sát để họ thấy được hình bóng của mình như thế nào trong cuộc cách mạng này.

Bốn là phải tạo được hệ sinh thái nông nghiệp đều và đồng bộ, tránh tình trạng có sản phẩm mà không tìm được đầu ra, hoặc có đầu ra lại không tìm được giống, công nghệ chế biến.

Cuối cùng là phải có cơ chế, chính sách để vận hành, thúc đẩy, bảo vệ các giá trị chân chính, các giá trị bền vững.

Ở một góc nhìn khác, PGS. TS. Đào Thế Anh phân tích sâu hơn về cơ hội phát triển nông nghiệp thông minh trong đô thị. Theo đó, đô thị thông minh phải là đô thị xanh, bền vững và tăng tính chống chịu. Sự kết hợp của nông nghiệp với các kiến trúc xanh trong thành phố sẽ tạo môi trường tốt hơn cho đô thị.

Ông khuyến nghị TP.HCM nên sớm bắt tay xây dựng một đề án về nông nghiệp thông minh ở TP.HCM. Hà Nội cũng đang dự kiến phải xây dựng đề án tương tự. Bởi quá trình đô thị hóa đã khiến nông nghiệp mất đất nhiều, nhưng việc quy hoạch để phát triển nông nghiệp trong không gian đô thị thay đổi nhanh như thế vẫn chưa được chú ý một cách thỏa đáng.

“Chúng ta vẫn chỉ tập trung vào cơ sở hạ tầng, phần cứng nhiều hơn. Nếu không nhìn thấy trước để có không gian cho nông nghiệp trong đô thị thì sau này giải quyết sẽ quá muộn. Đấy là bài toán lớn. Tuy nhiên, với sự hỗ trợ của công nghệ số hiện nay thì việc ứng dụng công nghệ thông minh trong đô thị thông minh và nông nghiệp thông minh là rất khả thi”, ông cảnh báo.

PV
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Doanh nghiệp

Top